Nguyên nhân giống lúa BC15 bị lép hạt

27/05/2013 15:14

(Baonghean) - Vụ đông xuân này, hàng ngàn ha lúa cấy giống BC15 ở Nghệ An, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc bị hiện tượng lép hạt. Ngày 21/5, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) đã có cuộc họp cùng các nhà khoa học và các địa phương tìm nguyên nhân và bàn giải pháp hỗ trợ kịp thời. Cuộc họp đã đi đến kết luận: Việc giống lúa BC15 bị lép hạt là do giống có đặc tính sinh học mẫn cảm với điều kiện thời tiết bất thuận; để rõ hơn chúng tôi giới thiệu bài viết “Nguyên nhân giống lúa BC 15 bị lép hạt” của kỹ sư Doãn Trí Tuệ.

Để tìm hiểu và làm rõ nguyên nhân vì sao giống lúa thuần BC15 do Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình cung ứng được gieo cấy tại Nghệ An lại bị lép hạt? Trong khi đó các giống lúa khác cùng gieo cấy, chăm sóc giống như nhau mà không bị lép hạt nặng như giống lúa BC15. Xin được đề cập 3 nhược điểm rất lớn dễ dẫn đến rủi ro cho người sản xuất, đó là:

- Rất dễ bị nhiễm bệnh đạo ôn trong vụ xuân.

- Rất mẫn cảm với nhiệt độ thấp, chịu rét kém. Vì vậy trong vụ xuân nếu gặp nhiệt độ không khí dưới 180C trở xuống, mạ và lúa mới cấy rất dễ bị chết hàng loạt.

- Hạt lúa hở vỏ trấu: đây là một nhược điểm lớn được di truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác không thể khắc phục được. Bởi nguồn gốc của nó là từ giống lúa IR17494 (13/2) đã gieo cấy nhiều ở Nghệ An từ những năm cuối thập kỷ 90 của thế kỷ 20 và những năm đầu của thế kỷ 21 này. Do có nhược điểm đó nên bà con nông dân Nghệ An quen gọi là lúa nứt, lúa nẻ. Hạt lúa sau khi thu hoạch xong được phơi khô khén, dù được bảo quản tốt đến mấy vẫn bị mọt ăn.

Vậy nguyên nhân cơ bản nào giống lúa BC15 bị lép hạt nhiều?

Hầu hết trà lúa BC15 trổ từ ngày 23 đến 28 tháng 4 có tỷ lệ lép từ 60 - 70% số hạt. Cũng giống lúa BC15 nhưng trổ trước đó thì cho năng suất bình quân từ 70 - 75 tạ/ha và cùng trổ vào thời điểm từ 23 - 28/4, nhưng là các giống lúa khác thì không xẩy ra việc gì. Trong 3 nhược điểm lớn nói trên, có 2 nhược điểm đã góp phần gây ra nguyên nhân hạt lúa lép nhiều trong vụ xuân năm nay, đó là:

Giống lúa BC15 vốn dĩ là giống chịu rét rất kém so với tất cả các giống lúa thuần hiện đang gieo cấy ở Việt Nam. Phần lớn diện tích giống lúa BC15 trổ vào các ngày từ 23 - 28/4 bị lép hạt lên đến 60 - 70%. Xét về thời gian lúa trổ, nhiệt độ không khí trung bình 27,10C, nhiệt độ không khí trung bình tối cao 31,20C và nhiệt độ không khí trung bình tối thấp 24,60C. Với nền nhiệt độ không khí như vậy không hề ảnh hưởng gì đến lúa trổ. Nhưng đi ngược lại thời gian những ngày trước khi lúa trổ cho thấy: Vào các ngày từ 7 đến 14 tháng 4 năm 2013 liên tục có các đợt không khí lạnh tràn về, làm nhiệt độ không khí xuống thấp dưới 17 và 180C, riêng ngày 12/4/2013 nhiệt độ không khí xuống thấp (dưới 170C). Đây là thời kỳ trùng với giai đoạn phân hóa đòng bước 5 - 6 của giống lúa BC15 loại diện tích bị thiệt hại nặng. Với giống lúa BC15 vào giai đoạn phân hóa đòng nếu gặp nhiệt độ không khí xuống thấp từ 200C trở xuống đều bị ảnh hưởng rất lớn đến cả quá trình phát triển hoa lúa, nhị hoa ngắn - nhỏ và teo lại, hạt phấn thoái hóa, sức sống giảm…

Vì vậy, khi lúa trổ xong chúng ta sẽ thấy trên bông lúa có nhiều hạt lép lửng, phần cuối bông lúa bị thoái hóa nặng, không hình thành được hạt lúa.

Việc cả ruộng lúa, cả đồng lúa giống BC15 bị lép lửng đến 60 - 70% còn có một nguyên nhân rất quan trọng khác nữa, đó là do thời kỳ lúa trổ bông gặp mưa to, gió lớn, các giống lúa khác không mất, chỉ có riêng giống lúa BC15 mất nặng là vì giống lúa này 2 vỏ trấu không khép kín lại được.

Đối với cây lúa khi trổ bông nếu gặp thời tiết bất lợi như: rét đậm, trời âm u thiếu ánh sáng, mưa gió mạnh, trời nắng quá, nhiệt độ không khí quá cao… thì 2 vỏ trấu của hoa lúa sẽ tự khép kín lại để bảo vệ nhị hoa và bao phấn. Nhưng riêng giống lúa BC15 cả 2 vỏ trấu của hoa lúa vẫn khép lại nhưng không kín. Vì vậy gặp mưa to, gió lớn, nhị, phấn hoa phần thì bị ướt trôi theo nước mưa, phần thì bị gió mạnh thổi bay. Theo số liệu quan trắc khí tượng thủy văn thì vào các ngày 24 và 26/4/2013 ở vùng Diễn - Yên - Quỳnh có 2 trận mưa to, gió lớn (số liệu tại Quỳnh Lưu lượng mưa đo được là 43,7mm và 86mm) đúng với thời điểm giống lúa BC15 đã bị thiệt hại nặng, đang trổ và đang thụ phấn. Còn lại các trà trổ trước hoặc sau thời điểm nói trên thì vẫn cho năng suất lúa cao bình thường.

Từ những kết quả theo dõi, phân tích, đánh giá nói trên, có thể khẳng định nguyên nhân lúa BC15 trong vụ xuân năm nay có tỷ lệ lép lửng cao, có nơi đến 60 - 70% không phải do chất lượng giống kém mà chủ yếu là do diễn biến bất lợi của thời tiết gây ra ở giai đoạn lúa phân hóa đòng bước 5, 6 và giai đoạn lúc trổ bông phơi mao như đã nói ở trên.


Doãn Trí Tuệ

Nguyên nhân giống lúa BC15 bị lép hạt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO