Nguyên nhân sự đối đầu giữa Nga và phương Tây

28/08/2014 09:32

(Baonghean) - Thời gian qua, một trong những chủ đề “hot” trên các mặt báo cũng như các chương trình thời sự là cuộc khủng hoảng Ukraine và “cuộc chiến” giữa Nga và phương Tây. Là một quốc gia có diện tích rộng nhất thế giới, 3/4 lãnh thổ Nga nằm ở Châu Á, nhưng 3/4 dân số nước này lại sống ở phần lãnh thổ Châu Âu. Ngoài các liên kết lịch sử và văn hóa, Châu Âu còn chiếm hơn một nửa giao dịch thương mại của Nga. Tuy nhiên, dường như giữa Nga và Phương Tây luôn tồn tại những bất hòa mang tính truyền thống và có thể bùng phát bất cứ lúc nào.

Mối quan hệ hai bên ngày càng xấu đi trong những năm gần đây, nhất là trong vấn đề Ukraine hiện nay, có thể nói là căng thẳng nhất kể từ sau chiến tranh lạnh. Sự đối đấu này là tàn dư của chiến tranh lạnh, cũng là tàn dư của sự đối đầu Xô – Mỹ, là những mâu thuẫn lợi ích khi Nga phục hưng vai trò cường quốc trên thế giới với những nhà lãnh đạo có quan điểm cứng rắn với phương Tây.

Lĩnh vực đóng tàu nhiều tiềm năng của Nga cũng bắt đầu bị Mỹ trừng phạt.  Ảnh Internet
Lĩnh vực đóng tàu nhiều tiềm năng của Nga cũng bắt đầu bị Mỹ trừng phạt. Ảnh Internet

1. Tàn dư của sự đối đầu Xô – Mỹ

Có thể nói, những mâu thuẫn giữa Nga – Mỹ với phương Tây là “bóng ma” của quá khứ, là tàn dư của sự đối đầu giữa Liên Xô với Mỹ và phương Tây, là tàn dư của sự đối đầu giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản trong thời kỳ chiến tranh lạnh.

Cuộc đối đầu giữa Liên Xô và Mỹ, giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản không phải chỉ bắt đầu từ sau Chiến tranh thế giới thứ II, mà nó nảy sinh ngay từ sau Cách mạng tháng Mười Nga (1917) với sự ra đời của nước Nga Xô-viết. Lúc bấy giờ, các nước tư bản phương Tây đã tập trung lực lượng và tìm mọi cách để “bóp chết” nước Nga Xô-viết còn non trẻ.

Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Liên Xô và các nước Mỹ, Anh, Pháp liên minh với nhau để chống phát-xít, nhưng mâu thuẫn giữa Liên Xô và các nước tư bản này vẫn luôn tồn tại. Khi chiến tranh kết thúc, chủ nghĩa phát-xít bị tiêu diệt, thì mâu thuẫn giữa Liên Xô và các nước Mỹ, Anh, Pháp lại nổi lên. Các nước này từ quan hệ đồng minh chuyển sang quan hệ đối đầu. Trong đó, Liên Xô đảm nhận vai trò là “thành trì của chủ nghĩa xã hội”, còn Mỹ “đảm nhận sứ mạng lãnh đạo thế giới tự do” giúp đỡ các dân tộc thế giới chống lại “sự đe dọa” của chủ nghĩa cộng sản và sự “bành trướng” của nước Nga. Mỹ đã phát động cuộc chiến tranh lạnh chống Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa.

Để thực hiện “chính sách ngăn chặn” của mình, Mỹ và các nước phương Tây đã thành lập các khối quân sự và các căn cứ quân sự khắp nơi trên thế giới, hình thành thế bao vây, cô lập Liên Xô và và các nước xã hội chủ nghĩa. Sự ra đời của hai khối quân sự lớn nhất toàn cầu (NATO và Vacsava) do Mỹ và Liên Xô đứng đầu đối địch nhau, đều chạy đua vũ trang, trang bị những vũ khí hiện đại, nhất là vũ khí hạt nhân để tăng cường sức mạnh của khối mình.

Sau năm 1991, Liên Xô tan rã, và nước Nga cũng không phải là thành trì của chủ nghĩa cộng sản, nhưng không thể phủ nhận rằng, nước Nga hiện nay là hiện thân của một Liên Xô hùng cường trước đây, thay thế vai trò của Liên Xô tại Liên Hợp quốc.

Sau khi Liên Xô tan rã, khối quân sự Vacsava – đối trọng của NATO - cũng giải thể, nhưng NATO không những vẫn tồn tại mà còn ngày càng bành trướng sang phía Đông, đe dọa an ninh của Nga. Tất nhiên, để bảo vệ những lợi ích cốt lõi của mình, Nga không thể khoanh tay ngồi nhìn phương Tây muốn làm gì thì làm. Do đó, cũng giống như nước Đức bị chia cắt trước đây, cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay cho thấy cuộc chiến giành giật ảnh hưởng sẽ ngày càng trở nên khốc liệt và làm tái hiện phiên bản của sự đối đầu Đông – Tây, vốn là bản chất của thời chiến tranh Lạnh.

2. Sự phục hưng của cường quốc Nga như một đối trọng với phương Tây

Dưới thời Putin, Nga là hiện thân của một cường quốc hàng đầu, là trung tâm của an ninh Âu - Á, ngày càng khẳng định mình như một cực trong sự đối trọng với phương Tây. Trong khi đó, sự hồi sinh của một cường quốc “khó bảo” như Nga là điều Mỹ và EU không mong muốn.

Trong khi Mỹ cố gắng duy trì trật tự thế giới đơn cực do Mỹ cầm đầu, Nga lại cực lực phản đối trật tự đơn cực này và chủ trương một thế giới đa cực, trong đó phát huy vai trò của Nga trên trường quốc tế. Nhiều quyết định của Mỹ và phương Tây vấp phải sự phản đối của Nga cũng như sự phủ quyết của quốc gia này tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc.

Trong khi Mỹ liên tục đưa ra những kế họach cắt giảm ngân sách quốc phòng, cũng như sự hiện diện của quân đội Mỹ trên thế giới, Nga lại không ngừng gia tăng chi tiêu quân sự và năng lực tác chiến. Thực lực cũng như chiến lược quân sự của Nga đã có những thay đổi quan trọng, theo chiều hướng bất lợi cho phương Tây, nhất là trong việc sử dụng vũ khí hạt nhân như một biện pháp ngăn chặn chiến tranh cơ bản. Trang bị kỹ thuật cũng như trình độ tác chiến của quân đội Nga ngày càng tăng. Nhìn từ cuộc chiến tại Chesinia những năm 90, cuộc chiến tại Gruzia năm 2008 đến chiến dịch thu hồi Crime mới đây cho thấy rõ năng lực ngày càng tăng của quân đội Nga.

Mỹ và EU, một mặt cần hợp tác với Nga cho phát triển kinh tế của mình, mặt khác, luôn tìm cách kìm chế Nga, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh và lợi ích của Nga trên thế giới. Vì thế, cô lập nước Nga, làm cho nước Nga suy yếu, thậm chí khủng hoảng luôn là mong ước của các nước này.

Trong một bài viết trên tờ Kommersant, Ngoại trưởng Nga Lavrov nhận định, dường như các đối tác phương Tây và Mỹ đang theo đuổi cách phản ứng mang tính phản xạ dựa trên nguyên tắc đơn giản “chúng ta chống lại bọn họ” và không thực sự nghĩ về tác động lâu dài của điều họ đang làm.

Trên thực tế, Mỹ và phương Tây liên tiếp có những động thái đe dọa, tấn công đồng minh của Nga như Liên bang Nam Tư, Syria,…, lôi kéo các nước SNG khỏi tầm ảnh hưởng của Nga, nhằm cô lập Nga. Khi nhìn vào những chiến lược trên của phương Tây ở Ukraina, các nhà lãnh đạo Nga không khỏi lo lắng rằng đất nước của họ có thể sẽ trở thành “nạn nhân” tiếp theo. Tất nhiên, hành động của phương Tây vấp phải sự phản đối và những biện pháp chống trả của Nga như những “phản ứng tương ứng” với những động thái mang tính lấn lướt của phương Tây. Đó cũng chính là nguyên nhân gây ra khủng hoảng tại Ukraine hiện nay.

Như vậy, sự lớn mạnh của một nước Nga ngày càng muốn khẳng định mình, cùng với bành trướng của một NATO và Mỹ - EU muốn duy trì vị trí số một, là một trong những nguyên nhân gây ra sự đối đầu Nga – phương Tây

3. Putin - nhà lãnh đạo cứng rắn

Sự đối đầu giữa các quốc gia còn do một nguyên nhân nữa đó là sự đối đầu giữa các nguyên thủ. Điều này thực ra là sự mở rộng các phân tích trên, nhưng trong nhiều trường hợp lại đóng vai trò quan trọng; ví như nước Nga, nếu không phải Putin mà là một lãnh đạo khác mềm mỏng hơn, “dễ bảo” hơn thì tình hình có thể đã khác. Tất nhiên khi ấy, nước Nga sẽ phải đánh đổi nhiều lợi ích cốt lõi.

Tuy nhiên, nước Nga trên thực tế thì không như vậy. Trong trường hợp hiện nay, dù không phải Putin thì cũng không có nhà lãnh đạo Nga nào chịu được một liên minh quân sự được xem là kẻ thù của Moskva di chuyển tới Ukraina. Cũng không có bất kỳ nhà lãnh đạo Nga nào chịu đứng yên, trong khi phương Tây đang có âm mưu cài đặt một chính phủ có mục đích đưa Ukraina về phe của phương Tây. Trong khi Putin là một nhà lãnh đạo cứng rắn, nhất là trong mối quan hệ với phương Tây.

Đầu năm 2000, ngay sau khi mới nhận chức tổng thống, trong bài diễn văn mang tựa đề “Nước Nga vào thời buổi chuyển giao thiên niên kỷ”, Putin đã tỏ rõ lập trường của mình rằng đừng trông đợi nước Nga sẽ đi theo mô hình của Mỹ hoặc châu Âu và rằng “Nước Nga trong quá khứ và trong tương lai cũng sẽ là một đất nước vĩ đại” . Dưới con mắt của Putin, ông đã nhận ra thật đáng hổ thẹn nếu không làm cho nước Nga trở lại địa vị một cường quốc uy nghiêm, ông đã nhận ra bộ mặt thật của phương Tây khi họ dùng tiền bạc làm mồi nhử để buộc nước Nga tuân theo sự chi phối của họ. Ông đã sớm nghĩ đến việc khôi phục địa vị hùng cường của nước Nga. Cho nên, dù nước Nga có nhiều lợi ích với phương Tây, nhất là với EU (kim ngạch thương mại song phương năm 2013 đạt 336 tỷ Euro), nhưng Putin không ngại đối đầu và luôn chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho mối quan hệ “cơm không lành, canh chẳng ngọt”. Quan điểm cứng rắn ấy đã dập tắt niềm hy vọng của phương Tây về một nước Nga “thân thiện” và “dễ bảo”.

Ngược lại, phương Tây cũng chẳng ưa gì Putin. Đối với họ, Putin như cái gai trong mắt, có điều không dễ để nhổ bỏ như họ đã từng làm ở Pakixtan, Irak, Lybi, Ukraine... Sau khi bị Putin đẩy vào thế bị động trong vấn đề Syria, hao hụt thanh danh trong bê bối mang tên E.Snowden, Mỹ và phương Tây đang muốn sử dụng những cấm vận kinh tế hòng làm cho nước Nga lâm vào khủng hoảng và “tự diễn biến”. Nhưng, những động thái “ăn miếng, trả miếng” của Putin cũng đang khiến phương Tây lao đao, bất hòa.

Tóm lại, sự đối đầu giữa Nga với phương Tây là hệ quả của sự đối đầu Xô – Mỹ từ chiến tranh lạnh cộng với những mâu thuẫn lợi ích cốt lõi giữa các cường quốc và quan điểm cứng rắn của các nhà lãnh đạo Nga. Trong các nguyên nhân đã phân tích trên, có thể tóm lại một nguyên nhân cơ bản, đó chính là những mâu thuẫn về lợi ích. Tất nhiên, đối với nước Nga, lợi ích không chỉ dừng lại ở khía cạnh kinh tế, mà quan trọng nhất đó là niềm tự hào quốc gia và văn hóa. Đó là điều thúc đẩy Tổng thống Putin đối chọi với phương Tây, bất chấp những tổn thất về kinh tế.

Vũ Văn Đạt

(Nghiên cứu viên, Viện Văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội)

Mới nhất

x
Nguyên nhân sự đối đầu giữa Nga và phương Tây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO