Bác Hồ với quê hương Nghệ An

Nguyễn Tất Thành theo học tại Quốc học Huế

NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA - SỰ THẬT 23/06/2024 22:23

Cũng như bao thanh niên Việt Nam yêu nước khác chưa có điều kiện du học, Nguyễn Tất Thành thi vào Trường Quốc học, lợi dụng phương tiện của thực dân Pháp để mở mang kiến thức hiện đại, đặng trở thành người “lấy gậy ông đập lưng ông”, chống lại thực dân cướp nước, giành độc lập cho dân tộc.

trường quốc học huế đầu thế kỷ XX
Cổng Trường Quốc Học đầu thế kỷ XX. Ảnh tư liệu: Báo Thừa Thiên Huế

Sau khi tốt nghiệp tiểu học, lấy bằng pơrime (primaire), anh Nguyễn Tất Thành thi vào Trường Quốc học Huế.

Trường Quốc học Huế được thành lập theo đạo dụ ngày 23-10-1896 của Vua Thành Thái và nghị định ngày 18-11-1896 của Toàn quyền Đông Dương Rútxô.

Đầu tiên, trường do triều Thành Thái thành lập với sự đồng ý của Chính phủ bảo hộ, nhưng hai năm sau thì Chính phủ bảo hộ giành lấy và dần dần biến, Trường Quốc học thành một cơ sở giáo dục quan trọng của Pháp ở Trung Kỳ, với mục đích đào tạo những thanh niên bản xứ có trình độ học vấn nhất định và có “hạnh kiểm tốt”, trung thành rất mực với “mẫu quốc” để làm việc trong các cơ quan hành chính của chính quyền bảo hộ.

Do đó, chương trình và nội dung giảng dạy được soạn đặc biệt, khác các loại trường khác. Yêu cầu số một về kiến thức là phải nắm vững văn phạm tiếng Pháp để làm công việc hành chính. Tất nhiên, những kiến thức phổ thông khác đều phải đạt yêu cầu nhất định để trở thành những công chức “mẫn cán”, phục vụ đắc lực cho “công cuộc khai hóa” của “nước mẹ Đại Pháp” trên xứ sở Đông Dương.

capture.jpg
Thầy trò Trường Quốc Học những niên khóa đầu tiên - Ảnh tư liệu: Trường Quốc Học Huế

Dân Huế coi Trường Quốc học là “Thiên đường trường học” bởi nhiều lẽ. Trước hết, đây là Trường Quốc học đầu tiên và lớn nhất ở xứ Trung Kỳ; hai là, nó được sự biệt đãi của chính quyền “bảo hộ” Pháp; ba nữa là, khi học xong, ai đậu bằng thành chung sẽ được Nhà nước trọng dụng.

Tiếng là “thiên đường” nhưng cơ sở vật chất của nhà trường thì quá tồi tàn. Mái tranh có chỗ dột nát; khi mưa gió, học trò phải dồn lại một phía. Ngôi trường này nguyên là doanh trại của đội lính thủy Hoàng gia được sửa sang lại. Ngoài các lớp học còn có phòng diễn thuyết, phòng thí nghiệm... Xung quanh đều thưng phên nứa và lợp tranh. Thế nhưng, cổng ngoài lại lợp ngói với tấm biển chữ vàng: “Pháp tự Quốc học trường môn” (Cổng Trường Quốc học chữ Pháp). Riêng tấm biển đó cũng khiến người ta phải đánh dấu hỏi về thực chất cái trường này. Biển kẻ bằng chữ Hán, tự giới thiệu đây là trường học “của nước”, nhưng lại giảng dạy bằng tiếng Pháp?

trích đoạn tất thành tham gia chống pháp
Trích đoạn bức tranh Nguyễn Tất Thành tham gia chống thuế. Ảnh tư liệu: Trường Quốc Học Huế

Mới vào trường mà Nguyễn Tất Thành đã quá ngán ngẩm cho cái “thiên đường trường học” này.

Nhưng cái vỏ hình thức ấy không đáng quan tâm nhiều bằng cái “ruét” của nhà trường, mà nòng cốt là hàng ngũ đốc học và trợ giáo.

Nguyễn Tất Thành còn được người ta kể rằng, có mấy ông đốc học của trường này lại nguyên là tù binh của nghĩa quân Hoàng Hoa Thám! Y được nghĩa quân giam lỏng, không cùm, cho lao động chân tay ở vùng núi rừng Yên Thế. Người “anh hùng” đó khi được phóng thích đã được Nhà nước bảo hộ cất nhắc lên làm đốc học mấy trường lớn nhất Trung Kỳ. Thật là mỉa mai! Quan đốc này đã có cử chỉ “rất mực văn minh” mà Tất Thành nhớ mãi:

Tôi còn nhớ mấy người anh em họ tôi muốn được vào mấy trong những “thiên đàng trường học” kia, đã phải chạy chọt đủ kiểu, gửi hết đơn này đến đơn khác cho quan Khâm sứ, cho quan Công sứ, cho quan đốc Trường Quốc học, quan đốc trường tiểu học. Tất nhiên, chẳng ai thèm trả lời anh. Mấy hôm, anh đánh bạo mang đơn đến xin quan đốc, mấy người Pháp, phụ trách cái trường mà tôi đã được đặc ân vào học trước đó ít lâu.

Nguyễn Tất Thành

“Quan đốc” thấy anh cả gan như thế, nổi khùng quát tháo: “Ai cho phép mày đến đây?” rồi xé vụn lá đơn trước những cặp mắt ngơ ngác của cả lớp học.

Nhân cách của quan đốc học đã như vậy, hàng ngũ giáo viên lại lắm kẻ thô bạo với học sinh. Lui Pêsô, một giáo viên dạy môn Khoa học thường thức, rất hay miệt thị học sinh. Có hôm, y mắng một học sinh là “cochon” (đồ lợn), tức thì cả lớp đứng dậy phản đối, bỏ giờ, không học nữa. Lần ấy, y bị cấp trên khiển trách.

Tuy vậy, trong hàng ngũ giáo viên vẫn còn mấy thầy vừa giỏi, vừa có lương tâm nhà giáo như thầy Hoàng Thông dạy chữ Hán, thầy Lê Huy Miến dạy vẽ.

trường quốc học huế ngày nay
Trường Quốc học Huế ngày nay.

Lại nói về thầy Miến, hồi học với thầy ở Vinh, Tất Thành vẫn chưa hiểu thầy được bao nhiêu; nay học lại với thầy, Tất Thành mới rõ tầm vóc đáng nể của thầy. Trước kia, thầy đã từng là sáng lập viên của “Hoan Châu học hội”, một chi nhánh của Đông Kinh nghĩa thục, và thường tài trợ tài chính cho Triêu Dương thương quán ở Nghệ An. Thầy đã kinh qua các chức vụ như: Hành tẩu Bộ Công, Tế tửu Quốc Tử Giám; do đó, mọi người thường gọi thầy là Tế Miến. Thầy là họa sĩ vẽ tranh sơn dầu đầu tiên ở Việt Nam, đã từng vẽ chân dung Vua Thành Thái và được mời ăn tiệc với nhà vua.

Học với thầy Miến, vào cuối mỗi tiết học, Tất Thành thường được nghe thầy kể nhiều chuyện hấp dẫn. Có hôm, thầy kể rằng: ở bên Pháp cũng có người nghèo, đêm đêm, các cô gái Pháp nghèo phải ra vườn Lúcxămbua làm tiền để kiếm sống; ông già, bà lão không nơi nương tựa, chống gậy đi dọc theo các đường phố sục sạo các thùng rác tìm những thứ gì còn ăn được thì ăn... Trong các thư viện, các bảo tàng của Pháp có nhiều cổ vật, nhiều sách vở quý. Đặc biệt là người đọc có thể đến thư viện đọc những quyển sách nói về cách mạng Pháp và cách mạng thế giới. Người Pháp ở Pháp khác người Pháp ở Việt Nam. Người Pháp ở Pháp từ ông Viện Hàn lâm xuống cho đến người dân lao động đều rất quý trọng người Việt Nam, miễn là người Việt Nam có tư cách, biết tự trọng, làm việc giỏi, học hành chăm chỉ...

Tất Thành vô cùng thích thú khi nghe thầy kể những chuyện đó, anh đã hỏi thầy: “Làm sao có thể qua Pháp để xem người Pháp họ sống ra sao?”.

Mặc dù trong trường có nhiều sự việc đáng buồn, nhưng được các thầy Lê Huy Miến, Hoàng Thông khuyến khích, động viên và thân phụ khuyên bảo, Tất Thành vẫn cố gắng cao độ và đạt kết quả tốt.

...Sức học của anh Cung (tức Tất Thành) ở Quốc học xuất sắc hơn trước. Trí nhớ của anh phát triển một cách lạ thường. Thầy giáo mới viết lên bảng một bài Récitation (Học thuộc lòng), anh đọc một vài lần, thầy giáo lau sạch bài trên bảng, anh có thể đọc lại được. Khi làm luận, anh hay chêm những câu văn vần. Có một lần trả luận, thầy Queignec (Quâynhec) cầm bài của anh Cung giới thiệu với học sinh cả lớp rằng: “Cung a traité le sujet de resdaction en vers. C’est un élève intelligent et vraiment distingué’. (Trò Cung đã làm cái đề luận này bằng thơ; đây là một học sinh thông minh và xuất chúng).

Bạn học của Tất Thành là Lê Thiện kể lại

Nguyễn Tất Thành cũng như bao thanh niên Việt Nam yêu nước khác chưa có điều kiện du học, họ thi vào Trường Quốc học, lợi dụng phương tiện của thực dân để mở mang kiến thức hiện đại, đặng trở thành người “lấy gậy ông đập lưng ông”, chống lại thực dân cướp nước, giành độc lập, tự do cho dân tộc.

Nguyễn Tất Thành theo học tại Quốc học Huế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO