Nguyện vọng cử tri gửi tới kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVIII

Thanh Lê 06/12/2022 18:23

(Baonghean.vn) - Trước kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVIII, cử tri các địa phương, vùng, miền trên địa bàn tỉnh đã gửi gắm nhiều tâm tư, nguyện vọng.

Nước sạch phục vụ sinh hoạt là nhu cầu thiết yếu của người dân vùng thường xuyên bị thiên tai, bão lũ như huyện Kỳ Sơn. Đơn cử như ở bản Cầu Tám, xã Tà Cạ có 130 hộ dân, từ trước tới nay, nguồn nước sinh hoạt của bà con phải lấy từ suối Cà Nhăn cách trung tâm bản hơn 5 km, do đường ống dẫn nước kéo dài nên nhiều hộ dân rất khó khăn về nguồn nước sinh hoạt. Đợt lũ đầu tháng 10/2022 vừa qua làm nhiều đoạn đường ống dẫn nước bị đất vùi lấp, đứt gãy, người dân địa phương phải bơm nước sông để phục vụ sinh hoạt.

Cõng đường ống vượt núi tìm nước từ đầu nguồn khe giáp xã Tây Sơn về các bản Sơn Hà và Hòa Sơn, xã Tà Cạ (Kỳ Sơn). Ảnh tư liệu: Thành Cường

Sau khi ổn định nhà ở, người dân đã tham gia khắc phục sự cố đường ống dẫn nước, tuy nhiên chỉ dùng tạm thời. Nguồn nước sinh hoạt được dẫn trực tiếp từ suối về không có bể lọc để đảm bảo vệ sinh hơn. Vì vậy, người dân mong muốn kiến nghị với cấp trên hỗ trợ bà con xây dựng bể lọc nước, vừa để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh và phân phối nước cho bà con bằng cách quản lý qua việc lắp đặt đồng hồ nước cho các hộ. Khi lắp đặt đồng hồ thì các hộ sẽ có ý thức sử dụng tiết kiệm nước, không để tình trạng những hộ dân gần nguồn nước dùng không tiết kiệm, còn hộ xa nguồn nước không có nước để dùng như trước đây.

* * * * *

Thời gian gần đây, chính quyền các cấp đã tập trung đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí và thời gian đi lại cho tổ chức và cá nhân, nhất là thông qua việc sử dụng các dịch vụ công trực tuyến. Tuy nhiên, cách làm mới này sẽ khiến các cán bộ và người dân gặp không ít khó khăn, bỡ ngỡ, trong khi đây là những dịch vụ công rất thiết yếu, gắn bó suốt cuộc đời mỗi người dân.

Công an xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu phối hợp Đoàn Thanh niên hướng dẫn người dân trên địa bàn đăng ký vào Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Ảnh: Quỳnh An

Một trong những rào cản khiến người dân chưa mặn mà sử dụng dịch vụ công trực tuyến là thiết bị. Bởi vì, không phải người dân nào cũng có đủ thiết bị (điện thoại thông minh, laptop…) có thể kết nối và làm các thao tác trên máy nhằm thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến. Đặc biệt là những người dân ở nông thôn, hoặc những người lớn tuổi, những người ít tiếp xúc với công nghệ. Hơn nữa, do những rào cản về thói quen, tâm lý truyền thống của người dân khi làm thủ tục hành chính. Hầu hết người dân ít khi có nhu cầu làm các thủ tục hành chính, họ thường đến thẳng cơ quan hành chính để làm, và cảm thấy an tâm hơn. Để phát huy hiệu quả việc ứng dụng các dịch vụ công trực tuyến, các cơ quan liên quan cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để từng bước thay đổi thói quen của người dân, đồng thời, cần cung cấp đa dạng các kênh giao tiếp, giúp người dân lựa chọn hình thức xử lý dịch vụ công phù hợp nhất.

* * * * *

Nhiều năm nay, việc xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp nhằm đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người nông dân đã phát huy được tiềm năng, thế mạnh, phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, không phải mô hình kinh tế nào cũng có khả năng nhân rộng và phát triển bền vững. Bởi trên thực tế, người dân thấy cây, con nào phát huy hiệu quả kinh tế thì người dân phát triển ào ạt, dẫn đến tình trạng cung vượt quá cầu, sản phẩm làm ra khó tiêu thụ; trong khi giá cả vật tư nông nghiệp ngày càng tăng cao, chi phí sản xuất lớn nên người dân không mặn mà phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp.

Người dân bản Khe Ló, xã Môn Sơn (Con Cuông) lần đầu tiên đưa cây bí xanh vào trồng trên đất chuyển đổi đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh tư liệu: Bá Hậu

Thực tế, thời gian qua Hội Nông dân các cấp đã thành lập các Tổ hội nông dân nghề nghiệp, các hợp tác xã, nhưng các tổ chức này chỉ hỗ trợ nhau về kinh nghiệm, khoa học, kỹ thuật là chủ yếu, chưa hỗ trợ được việc bao tiêu sản phẩm. Vì vậy, nông dân mong muốn Nhà nước cần quan tâm định hướng chiến lược phát triển nông nghiệp cho từng vùng, miền; xây dựng các mô hình nông nghiệp ở các địa phương cần gắn với việc liên kết đầu ra, bao tiêu sản phẩm.

Bên cạnh đó, thời gian qua UBND tỉnh, HĐND tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ phát triển nông nghiệp nhưng người nông dân tiếp cận và thụ hưởng được các chính sách đó rất khó khăn phải qua nhiều khâu, nhiều thủ tục. Vì vậy, cử tri kiến nghị các cấp có thẩm quyền cần xem xét giảm bớt các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho nông dân trong việc thụ hưởng các cơ chế, chính sách.

* * * * *

Khu Công nghiệp VSIP Nghệ An đã có 37 nhà đầu tư, 32 dự án được cấp phép đầu tư (23 dự án đã đi vào hoạt động; 4 dự án đang xây dựng, các dự án còn lại đang làm thủ tục, có 18 nhà đầu tư nước ngoài (FDI), từ các quốc gia, vùng lãnh thổ: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Thụy Điển. Dự kiến, thời gian tới, lượng hàng hóa qua hệ thống cảng biển Nghệ An sẽ tiếp tục tăng nhanh, khi các dự án trọng điểm, các nhà máy tại các khu công nghiệp đi vào hoạt động.

Bốc dỡ hàng đá trắng lên tàu tại Cảng Cửa Lò. Ảnh tư liệu: Thu Huyền

Hơn nữa, khi đường cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn (Lào) qua Cửa khẩu Thanh Thủy hoàn thành sẽ là tuyến đường ngắn nhất và tốt nhất từ nước bạn Lào, Đông Bắc Thái Lan về các cảng biển khu vực, nhất là Nghệ An; tuyến đường ven biển từ Nghi Sơn đi Cửa Lò hoàn thành đưa vào sử dụng kỳ vọng tạo ra nhiều đột phá phát triển. Lúc đó, hệ thống cảng biển hiện đại được gắn kết với hệ thống sân bay, đường sắt, đường bộ, đường thủy nội địa và các vùng kinh tế trọng điểm khác sẽ tạo động lực cho các ngành nghề, dịch vụ phát triển, giải quyết nhiều việc làm và đóng góp ngân sách lớn cho tỉnh Nghệ An.

Nhu cầu hệ thống cảng biển tại Nghệ An hiện đang là “nút thắt” trong xúc tiến đầu tư. Vì vậy, cần có những chính sách điều chỉnh để mở “nút thắt”; nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển logistics và hậu cần cảng biển.

* * * * *

Chức năng của trạm y tế xã, phường, thị trấn có chức năng khám bệnh, chữa bệnh như sơ cứu, cấp cứu ban đầu; khám, tư vấn, sàng lọc, phát hiện sớm và điều trị bệnh. Các y, bác sĩ của trạm y tế còn thực hiện các hoạt động y tế dự phòng như tiêm chủng, truyền thông giáo dục sức khỏe, công tác dân số, phòng, chống dịch bệnh,… Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là ngành Y tế rất khó khăn trong việc thu hút, tuyển dụng bác sĩ về công tác tại trạm y tế phường, xã, thị trấn.

Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An thực hiện ghép thận cho bệnh nhân. Ảnh tư liệu: Thành Chung

Ở huyện Nghi Lộc hiện có 25 bác sĩ/29 trạm y tế, 30 y sĩ, còn thiếu 4 bác sĩ, trong 3-5 năm tới có 8 bác sĩ nghỉ hưu, số bác sĩ bị thiếu hụt rất lớn. Trong khi đó, công tác tuyển dụng bác sĩ về công tác tại trạm y tế gặp nhiều khó khăn do lương và chế độ phụ cấp đều thấp. Trước đây, bác sĩ đến nhận công tác tại trạm y tế xã, thị trấn vùng đồng bằng được hỗ trợ kinh phí tương đương 16 lần mức lương tối thiểu theo Quyết định số 17/2012/QĐ - UBND ngày 17/02/2012 của UBND tỉnh quy định một số chính sách phát triển nguồn nhân lực y tế công lập trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, từ năm 2015, chế độ này không còn nữa. Do vậy, rất khó tuyển dụng và khó đạt chỉ tiêu 100% trạm y tế, xã, thị trấn có bác sĩ làm việc. Đề nghị các cấp, ngành nghiên cứu chế độ thu hút bác sĩ về công tác tại các trạm y tế xã, thị trấn vùng đồng bằng.

* * * * *

Việc thực hiện tinh giản biên chế đối với ngành Giáo dục gặp nhiều khó khăn, bất cập. Bởi theo quy định, số giáo viên phụ thuộc vào phân bổ theo lớp học (bậc mầm non 2 cô/lớp, bậc tiểu học 1,5 cô/lớp, bậc THCS 1,9 cô/lớp). Trong khi đó, nhiệm vụ của ngành Giáo dục và Đào tạo được giao ngày càng nhiều, nặng nề; địa bàn tỉnh rộng, quy mô trường, lớp lớn và có nhiều cơ sở giáo dục ở vùng sâu, vùng xa. Theo quy định, nếu giảm 10% số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục và đào tạo rất khó thực hiện, vì số lượng người làm việc phải theo kế hoạch trường lớp. Đề nghị cấp trên quy định cụ thể về thực hiện tinh giản biên chế trong ngành Giáo dục và Đào tạo, góp phần vừa đảm bảo đúng chủ trương Nghị quyết, vừa đảm bảo tỷ lệ giáo viên/lớp theo quy định.

Giờ học của học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở Quế Phong. Ảnh tư liệu: Mỹ Hà

Một khó khăn của ngành Giáo dục huyện Quế Phong nói riêng, các huyện miền núi hiện nay là thiếu và khó tuyển giáo viên ngoại ngữ. Thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, một số môn học mới được đưa vào chương trình bắt buộc và tự chọn (Tiểu học có Tin học và Ngoại ngữ), nếu biên chế không tăng gây khó khăn trong dạy những môn mới này. Do đó, các cấp, ngành liên quan và Hội đồng nhân dân tỉnh cần nghiên cứu có cơ chế, chính sách thu hút, tuyển dụng giáo viên ngoại ngữ công tác ở vùng miền núi.

Theo Ghi
Copy Link
Nguyện vọng cử tri gửi tới kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVIII
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO