Ngành Y tế Nghệ An tăng cường thu hút, củng cố nguồn nhân lực để thực hiện tốt Nghị quyết 26

Thành Chung (thực hiện) 16/07/2022 11:50

(Baonghean.vn) - Hướng tới mục tiêu xây dựng ngành Y tế Nghệ An sớm trở thành trung tâm y tế kỹ thuật cao vùng Bắc Trung Bộ theo Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, toàn ngành đã không ngừng cố gắng nâng cao chất lượng tham mưu, lãnh đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác khám, chữa bệnh trên địa bàn. Sau 9 năm, ngành Y tế Nghệ An đã hoàn thành cơ bản các mục tiêu này. Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện cùng Tiến sĩ Nguyễn Hữu Lê - Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An.

P.V: Thưa ông, năm 2022 là năm thứ 9 Nghệ An thực hiện Nghị quyết 26 -NQ/TW của Bộ Chính trị. Thực hiện Nghị quyết này, ngành Y tế tỉnh nhà đã đặt ra mục tiêu xây dựng địa phương trở thành trung tâm của Bắc Trung Bộ về y tế. Đến nay, ngành Y tế đã thực hiện mục tiêu trên đến đâu?

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Lê: Nghị quyết 26-NQ/TW là một nghị quyết lớn, mang tính tổng thể trong việc chỉ đạo điều hành mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó có ngành Y tế. Khi Nghị quyết được ban hành, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã xác định lĩnh vực y tế là một trong những lĩnh vực tiên phong thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu và chỉ đạo quyết liệt. Ngành Y tế đã tham mưu cho Tỉnh uỷ, HĐND, UBND các văn bản chỉ đạo; xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết.

Trong 9 năm thực hiện Nghị quyết, dẫu đã có nhiều sự thay đổi trong lộ trình phát triển, tuy nhiên ngành Y tế vẫn kiên định thực hiện mục tiêu như sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh.

Trong lộ trình này, ngành Y tế đã xây dựng được một mạng lưới y tế phát triển đồng đều, rộng khắp. Hệ thống y tế cơ sở với 460 trạm y tế xã, phường, thị trấn ngày càng được củng cố, đầu tư nhiều hơn từ cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, thực hiện các kỹ thuật chuyên môn. Y tế cơ sở đã rất chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân và phòng chống dịch.

Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An thực hiện ghép thận cho bệnh nhân. Ảnh: Thành Chung

Toàn tỉnh có 13 bệnh viện tuyến tỉnh; 7 bệnh viện đa khoa cấp huyện; 21 trung tâm y tế tuyến huyện, thành, thị; 16 bệnh viện tư nhân... Hệ thống y tế tuyến huyện đã xuất hiện các mô hình bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế đa chức năng phát triển ổn định.

Ở tuyến tỉnh, các bệnh viện đa khoa, chuyên sâu và cả hệ thống y tế tư nhân cũng phát triển rất rầm rộ. Trong đó, có nhiều đơn vị được đầu tư trang thiết bị tiên tiến, đồng bộ và kỹ thuật khép kín.

Ngành cũng đã mạnh dạn sắp xếp mạng lưới y tế một cách phù hợp, tinh gọn như sáp nhập Trung tâm Dân số vào Trung tâm Y tế huyện; mạnh dạn giao tự chủ cho các đơn vị khám chữa bệnh.

Hiện nay đã có 12 đơn vị tuyến tỉnh và 7 đơn vị tuyến huyện thực hiện tự chủ. Qua đó, đã tiết kiệm ngân sách nhà nước được hơn 300 tỷ đồng và tinh giản hàng ngàn biên chế. Điều quan trọng hơn cả là các đơn vị khám, chữa bệnh đã tìm được hướng đi để đảm bảo phát triển ổn định, bền vững.

Sau 9 năm thực hiện, có thể nói, ngành Y tế đã cơ bản hoàn thành và đạt được những chỉ tiêu chính của Nghị quyết 26-NQ/TW. Cụ thể, Nghệ An đã đạt 35,72 giường bệnh/vạn dân, 11 bác sĩ/vạn dân. Đây là chỉ tiêu Nghệ An đứng đầu khu vực.

Ngoài ra, các tỷ lệ khác cũng đạt kết quả khá tốt, như tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi là 15,4% thể nhẹ cân và 25,7% với thể thấp còi; 93% số xã đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế.

Trong phát triển kỹ thuật, Nghệ An đã đạt được 3 mục tiêu hết sức quan trọng để trở thành Trung tâm y tế của khu vực, đó là: Xây dựng được Trung tâm Thụ tinh trong ống nghiệm (Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An), Trung tâm Xạ trị (Bệnh viện Ung bướu); thực hiện được kỹ thuật ghép tạng (thận)...

Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An đã được công nhận là bệnh viện tuyến cuối của khu vực. Các Bệnh viện Ung bướu, Sản Nhi, Y học Cổ truyền Nghệ An cũng đang đi trên lộ trình này.

Ngoài ra cần phải nói thêm, ngành Y tế đã chủ động thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính một cách mạnh mẽ. Đặc biệt, tại các cơ sở khám chữa bệnh đã áp dụng mô hình bệnh viện thông minh với bệnh án điện tử, hệ thống kết nối dữ liệu hình ảnh, xét nghiệm, khám chữa bệnh từ xa... tạo sự thuận lợi cho người bệnh.

P.V: Những thành quả đạt được trong thời gian qua rất lớn. Tuy nhiên, được biết, hiện này ngành Y tế đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như yêu cầu khám, chữa bệnh của người dân ngày càng tăng cả về số lượng, chất lượng; mô hình bệnh tật thay đổi... Trước những khó khăn này, liệu chúng ta có điều chỉnh mục tiêu hay không?

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Lê: Cần phải nhìn thẳng là hiện nay và sắp tới, ngành Y tế sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức cả chủ quan lẫn khách quan. Việc phát triển mạng lưới, nguồn nhân lực, chuyên môn kỹ thuật rất cần thiết phải thực hiện xã hội hoá y tế nhưng đang vướng mắc bởi những cơ chế rất cũ không còn phù hợp với thực tại.

Thứ hai, mô hình bệnh tật đang thay đổi nhanh, với những diễn biến không ai lường trước được nhất là sau khi dịch Covid-19 tạm lắng.

Thứ ba, qua đại dịch vừa rồi, mạng lưới tổ chức y tế đâu đó trong tỉnh cũng đã có sự xáo trộn.

Thực hiện xạ trị cho bệnh nhân ung thư ở Bệnh viện Ung bướu Nghệ An. Ảnh Tư liệu: Từ Thành

Ngoài những khó khăn, thì ngành Y tế cũng có những thuận lợi, đó là: Nhà nước và địa phương đã và đang rất quan tâm đến các cơ chế, chính sách đối với ngành Y tế. Ngành cũng nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ phía cộng đồng, xã hội...

Trước những khó khăn, thuận lợi như vậy, ngành Y tế Nghệ An xác định rõ là tiếp tục quán triệt mục tiêu chung là phấn đấu đứng đầu trong khu vực Bắc Trung Bộ như Nghị quyết 26 đã chỉ rõ.

Ngành Y đã đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thực hiện, bao gồm: Củng cố lại hệ thống mạng lưới, coi trọng y tế cơ sở tuyến huyện, xã. Y tế cơ sở phát triển để đưa dịch vụ đến gần người dân hơn, đồng thời điều tiết lưu lượng bệnh nhân, tránh quá tải tuyến trên. Người dân khi khám chữa bệnh sẽ hài lòng, thuận lợi hơn.

Trong việc củng cố mạng lưới y tế cơ sở thì bao gồm đầu tư cơ sở vật chất, thu hút nguồn nhân lực. Để làm được điều này, rất mong chính quyền các địa phương quan tâm đến việc đầu tư, cũng như có chính sách đặc thù thu hút nhân lực. Điều cần thiết là phải có bác sĩ về công tác tại trạm y tế xã, bác sĩ chuyên khoa về trung tâm y tế huyện.

Ngoài ra, bản thân các đơn vị y tế cũng phải tạo ra môi trường làm việc tốt cho bác sĩ giúp họ phát triển chuyên môn. Liên quan đến nguồn nhân lực, ngành Y tế cũng sẽ cố gắng có sự điều tiết nguồn nhân lực giữa công lập và ngoài công lập một cách phù hợp. Riêng với phát triển chuyên môn ở tuyến huyện, ngành Y tế tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tuyến tỉnh trực tiếp đào tạo theo hình thức cầm tay chỉ việc; tiếp tục phát huy tốt các đề án bệnh viện vệ tinh.

Về phát triển kỹ thuật khám chữa bệnh mũi nhọn, chuyên sâu, ngành tập trung ưu tiên hình thành, phát triển các bệnh viện chuyên khoa cần thiết trong thời gian tới như Bệnh viện Tim mạch; củng cố các bệnh viện đã có như Bệnh viện Nội tiết, Chấn thương Chỉnh hình, Sản Nhi, Ung bướu...

Để xứng tầm là trung tâm khu vực, ngành sẽ chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và nhân rộng, phát triển tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An đẩy mạnh phát triển kỹ thuật cao, sau khi đã ghép thận thì tiến tới ghép tạng khác.

Bệnh viện Ung bướu Nghệ An đưa trung tâm xạ trị hoạt động thường xuyên, điều trị cho nhiều loại ung thư. Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An triển khai tốt vấn đề sàng lọc trước sinh; phát triển kỹ thuật phẫu thuật thần kinh hệ nhi, dị dạng mạch máu nhi.

Kỹ thuật hỗ trợ sinh sản tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa đã giúp nhiều gia đình thoát khỏi cảnh hiếm muộn. Ảnh tư liệu: Hoàng Yến

Về lĩnh vực y tế dự phòng, ngành Y tế đã chỉ đạo cần có sự thay đổi quan điểm về dự phòng đó là phải chủ động trong phòng chống dịch; thường xuyên làm tốt công tác nắm bắt tình hình, dự báo tình hình trên thế giới, trong nước về các loại dịch bệnh lạ, mới; làm tốt việc kiểm soát dịch bệnh với các phương án cụ thể, chương trình hành động, khi nào cũng sẵn sàng, không để bị động...Ngành đã có chương trình phát triển Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh với chức năng, nhiệm vụ được nâng lên.

Bên cạnh đó, ngành Y tế cũng chỉ đạo các đơn vị y tế đặc biệt quan tâm đến công tác quản trị tài chính y tế. Ngành giao cho người đứng đầu các đơn vị phải nghiên cứu kỹ về công tác quản trị, các phương án xã hội hoá y tế. Người đứng đầu không chỉ giỏi chuyên môn mà còn phải nắm vững công tác tài chính. Các đơn vị y tế cũng phải tiếp tục quan tâm đẩy mạnh cải cách hành chính, lấy bệnh nhân làm trung tâm để phục vụ; tích cực xây dựng bệnh viện thông minh, số hoá bệnh án điện tử; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin.

P.V: Thời gian gần đây, các bệnh viện vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong cơ chế thanh toán khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, còn có tình trạng nhân viên y tế khối công lập bỏ việc... Thực trạng này có ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển của ngành Y tế hay không?

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Lê: Phải khẳng định rằng chính sách bảo hiểm y tế là rất tốt, nhân văn. Và lâu nay, cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh và ngành Y tế Nghệ An đã có sự phối hợp rất chặt chẽ trong việc sử dụng, quản lý sử dụng nguồn quỹ bảo hiểm y tế.

Tuy nhiên, phải nói rằng, trong việc thanh quyết toán khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đang có nhiều tồn tại, bất cập, cần phải điều chỉnh. Các quy định đã không đồng hành kịp với thực tiễn. Chính việc các văn bản không còn phù hợp đã khiến cơ quan Bảo hiểm xã hội và ngành Y tế gặp khó khăn trong việc sử dụng, kiểm soát quỹ. Điều này đã xuất hiện tình trạng xuất toán, chưa chấp nhận thanh toán, chậm thanh toán... kéo dài.

Trước tình trạng này, ngành Y tế đã chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cần phải thực hiện đúng các văn bản hướng dẫn trong khi chờ sự điều chỉnh; có ý thức sử dụng quỹ một cách hiệu quả, tiết kiệm. Ngành cũng đề xuất cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh thường xuyên sát cánh cùng y tế để kiểm soát quỹ một cách kịp thời.

Ngành chỉ đạo các đơn vị y tế từng bước xây dựng các đề án xã hội hoá, sử dụng tài sản công, khám chữa bệnh chất lượng cao để phục vụ nhiều đối tượng bệnh nhân, đảm bảo sự an toàn của quỹ. Tuy nhiên phải nói rằng, ngành Y đang cần những văn bản hướng dẫn mới để thực hiện, đảm bảo đề án được chặt chẽ để triển khai.

Liên quan đến đội ngũ y tế thì gần đây ở nhiều địa phương trong cả nước biến động lớn. Nghệ An tuy chưa thật sự biến động mạnh nhưng đã có 119 cán bộ y tế công lập xin chuyển ra ngoài công lập, chuyển nghề và cũng có một số bỏ việc. Ngành Y tế chúng tôi rất lo sợ sự biến động này. Nếu cán bộ y tế chuyển từ công lập ra ngoài công lập thì cũng là phục vụ người bệnh; chỉ trăn trở là cán bộ y tế cơ sở thôi việc. Đây chính là khoảng trống không dễ lấp, làm ảnh hưởng đến việc phát triển mạng lưới y tế cơ sở. Việc củng cố nâng cao chất lượng y tế cơ sở không thực hiện được.

Hy vọng rằng khi dịch và mọi việc đã đi vào ổn định rồi, anh em cán bộ y tế từng bước quay trở lại hoạt động bình thường. Bản thân ngành Y tế cũng sẽ cố gắng làm tốt công tác chính trị, tư tưởng cho cán bộ, nhân viên y tế để anh em yên tâm gắn chặt với nghề, gắn chặt với đơn vị.

P.V: Để Nghệ An sớm hoàn thành tất cả các mục tiêu và giữ vững vị trí là trung tâm y tế của khu vực Bắc Trung Bộ, ngành Y tế Nghệ An cần có trợ lực nào thưa ông?

Nhiều kỹ thuật cao, chuyên sâu về khám chữa bệnh đã được ngành y tế Nghệ An phát triển trong 9 năm qua. Ảnh tư liệu phóng viên

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Lê: Ngành Y tế mạnh dạn đề xuất với Quốc hội, Chính phủ sớm, kịp thời điều chỉnh các bộ luật, văn bản dưới luật liên quan đến công tác khám chữa bệnh như Luật Khám chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế hay đơn cử như Nghị định 146 của Chính phủ hướng dẫn phương thức thanh toán bảo hiểm y tế.

Đề xuất với liên bộ Y tế - Nội vụ sớm ban hành thông tư liên bộ hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp chuyên ngành và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở y tế công lập để ngành Y tế có căn cứ thực hiện, xây dựng bộ máy...

Về phía tỉnh Nghệ An lâu nay đã rất quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện cho ngành Y tế phát triển. Thời gian tới, mong rằng tỉnh tiếp tục có cơ chế đặc thù riêng, ưu tiên phân bố tài chính thực hiện các chương trình từ các nguồn tài chính trung, dài hạn, đặc biệt là các chương trình mục tiêu do Chính phủ, Bộ quản lý... tạo cú hích để hệ thống y tế phát triển mạnh mẽ hơn.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Mới nhất
x
Ngành Y tế Nghệ An tăng cường thu hút, củng cố nguồn nhân lực để thực hiện tốt Nghị quyết 26
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO