Nhà báo Nguyễn Thế Kỷ: Trách nhiệm và nhiệt huyết!
PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương. |
(Baonghean) - Để Báo Nghệ An có đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên và kỹ thuật viên chuyên nghiệp, năng động, sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ trong điều kiện tác nghiệp chịu áp lực cao như hiện nay, có vai trò đào tạo, rèn luyện của nhiều thế hệ lãnh đạo quản lý, trong đó có dấu ấn rõ nét của nguyên Tổng Biên tập Nguyễn Thế Kỷ.
Trước khi nhận nhiệm vụ Tổng Biên tập Báo Nghệ An, nhà báo Nguyễn Thế Kỷ là Phó Giám đốc Đài PT-TH Nghệ An, “chuyển đổi” từ loại hình báo hình sang báo viết, thế nhưng với nhà báo Nguyễn Thế Kỷ gần như không gặp trở ngại hay áp lực đáng kể nào. Ngược lại, anh còn thể hiện tâm thế “cá gặp nước” với hàng loạt những đề án, chương trình đổi mới, mà nói đúng ra là cải cách, nâng cấp toàn diện.
Về đội ngũ, Tổng Biên tập Nguyễn Thế Kỷ đã nhanh chóng tạo ra “luồng gió mới” bằng phong cách sâu sát và quyết liệt, nghiêm túc mà chân tình, thẳng thắn mà có tính thuyết phục cao. Đồng thời, tạo ra sự ủng hộ rộng rãi trong tập thể về sự cần thiết phải mạnh dạn đào tạo, sử dụng những phóng viên trẻ, sắc sảo, táo bạo, quyết liệt để làm nòng cốt cho cả trước mắt và lâu dài.
Trên cương vị Tổng Biên tập, nhà báo Nguyễn Thế Kỷ thực sự quyết liệt đối với việc rèn luyện tác phong, tư cách làm báo chuyên nghiệp. Cùng với đó là sự bộc lộ chính kiến rõ ràng đối với yêu cầu về kỷ cương, lề lối làm việc với nguyên tắc tập trung cao. Thời kỳ này, mối quan hệ giữa báo đảng nói riêng, báo chí nói chung, đối với các địa phương trong việc cung cấp thông tin, xử lý thông tin, tuyên truyền phục vụ công tác lãnh đạo của cấp ủy đảng và điều hành quản lý của nhà nước ngày càng cụ thể, hiệu quả hơn. Nhà báo Nguyễn Thế Kỷ trở thành Tổng Biên tập Báo Nghệ An đầu tiên được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An.
Sau đó, từ Tổng Biên tập Báo Nghệ An đến Bí thư Huyện ủy Nam Đàn – huyện quê Bác, từ vị trí Vụ trưởng vụ Báo chí - Xuất bản đến Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TW, thực tài của đồng chí Nguyễn Thế Kỷ lúc nào cũng có sức lan tỏa và sức thuyết phục lớn.
Trực tiếp phụ trách mảng báo chí – xuất bản, Văn hóa văn nghệ thường xuyên chủ trì các hội nghị giao ban báo chí của Trung ương, tham mưu nhiều nội dung chỉ đạo, xử lý về công tác báo chí, nhà báo Nguyễn Thế Kỷ luôn luôn có chính kiến, thái độ rõ ràng trong chỉ đạo xử lý, giải quyết các vấn đề phức tạp, nhạy cảm. Với bề dày kinh nghiệm cầm bút, với nhãn quan chính trị sắc sảo và với bản lĩnh vững vàng, những ý kiến trao đổi của nhà báo Nguyễn Thế Kỷ trên các diễn đàn các báo, đài Trung ương luôn được quan tâm và tạo hiệu ứng dư luận xã hội tốt, có tính định hướng cao, có tác dụng điều chỉnh công luận và dư luận mạnh mẽ. Một số công trình nhà báo Nguyễn Thế Kỷ chủ biên hoặc tham gia trở thành tài liệu quan trọng đối với những người làm công tác lãnh đạo, quản lý hoạt động báo chí như: Tăng cường lãnh đạo, quản lý, tạo điều kiện để báo chí nước ta phát triển mạnh mẽ, vững chắc trong thời gian tới (2007); Báo chí với công tác tuyên truyền đấu tranh chống các luận điệu sai trái (2009); Tổng quan lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam (2010); Lãnh đạo quản lý hoạt động báo chí ở Việt Nam hiện nay (2011); Báo chí dưới góc nhìn thực tiễn (2013)...
Đồng chí Nguyễn Thế Kỷ ghi lưu niệm sổ vàng truyền thống Báo Nghệ An. Ảnh: S.M |
Với chức danh khoa học là Phó Giáo sư – Tiến sỹ, Ủy viên Hội đồng Lý luận TW, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học nghệ thuật TW, nhà báo Nguyễn Thế Kỷ còn thể hiện trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với nghề nghiệp thông qua những công trình, giáo trình có tính lý luận thực tiễn cao về công tác tư tưởng văn hóa nói chung, công tác báo chí nói riêng. Thời gian gần đây, nhà báo Nguyễn Thế Kỷ tiếp tục thực hiện những công trình sáng tác đau đáu nhiều nỗi niềm với đất nước, quê hương, thông qua những tác phẩm, công trình nghệ thuật khơi dậy nét đẹp nhân văn, tinh thần tự lực, tự cường và ý thức độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.
Công chúng cả nước lại biết đến nhà báo Nguyễn Thế Kỷ với tư cách là nhà thơ với những vần thơ về biển đảo Tổ quốc được phổ nhạc và phổ biến sâu rộng, tiêu biểu là tác phẩm Bâng khuâng Trường Sa. Tên tuổi của ông còn gắn liền với những kịch bản văn học được chuyển thể cải lương, với những vở diễn gây tiếng vang trên sân khấu khắp cả nước như: Chuyện tình Khau Vai, Mai Hắc Đế. Hiện nay, ông đang thực hiện kịch bản văn học về lãnh tụ tiền bối Phan Đăng Lưu, người con ưu tú của quê hương Yên Thành, một người trí thức xứ Nghệ tham gia cách mạng và trở thành nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng.
Tiếp tục nhận được sự quan tâm, khích lệ của các đồng chí nguyên là lãnh đạo báo qua các thời kỳ, trong đó có nguyên Tổng Biên tập Nguyễn Thế Kỷ, tòa soạn Báo Nghệ An luôn nêu cao quyết tâm đổi mới, nâng tầm, đồng hành và có đóng góp lớn trong sự nghiệp phát triển chung của quê hương, đất nước, xứng đáng với niềm tin, sự kỳ vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nghệ An, cũng như xứng đáng với những cống hiến, đóng góp của các thế hệ làm báo đi trước...v
Đức Dương