Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Nhà cụ Hoàng Viện – nơi làm việc của Xứ ủy Trung kỳ

Công Kiên 20/10/2024 20:29

Tại xã Châu Nhân (Hưng Nguyên) có một ngôi nhà cổ từng là nơi che giấu cán bộ cách mạng trong những năm tháng kháng chiến. Chủ nhân của ngôi nhà ấy là cụ Hoàng Viện - một trong những đảng viên đầu tiên của xã Châu Nhân.

Di tích bên núi Nhón

Di tích nhà cụ Hoàng Viện từng là nơi hội họp của Xứ ủy Trung kỳ trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931). Trong thời kỳ đấu tranh dân chủ (1936- 1939) và phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền (1945), ngôi nhà trở thành “căn cứ” của Đảng để lãnh đạo phong trào cách mạng.

Theo nguồn tài liệu đang được con cháu dòng họ Hoàng ở Hưng Châu và chính quyền địa phương lưu giữ, cụ Hoàng Viện là một nông dân siêng năng, cần cù và chịu khó. Cụ cũng là người có tư tưởng tiến bộ, tích cực hoạt động xã hội, người có kết giao rộng rãi. Vào tháng 7/1930, khi phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng phát triển mạnh mẽ, tại nhà riêng của cụ Hoàng Viện, Chi bộ Phúc Mỹ (nay là xã Hưng Châu) được thành lập, gồm 3 đồng chí: Nguyễn Ngô Dật (Bí thư lâm thời), Lê Viện và Nguyễn Thuyên.

bna_1(3).jpg
Di tích Nhà cụ Hoàng Viện. Ảnh: Công Kiên

Về sau, chi bộ kết nạp thêm 4 đồng chí: Hoàng Viện, Hoàng Em, Hoàng Xí và Nguyễn Hứa. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Lê Xuân Đào - Bí thư Phủ ủy Hưng Nguyên, Chi bộ Phúc Mỹ ngày thêm lớn mạnh, phong trào cách mạng ngày càng lan tỏa và bắt rễ vào đời sống nhân dân. Đó chính là lý do để Xứ ủy Trung kỳ chọn làng Phúc Mỹ làm cơ sở hoạt động, đặc biệt là từ tháng 9/1930- thời điểm cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh dâng cao đỉnh điểm.

Phía sau làng có núi Nhón, các đồng chí tham gia hoạt động dễ dàng rút lui khi bị địch truy lùng. Xứ ủy đã quyết định chọn nhà cụ Hoàng Viện để làm nơi hội họp, làm việc và nuôi giấu cán bộ. Phía sau nhà cụ Hoàng Viện có 2 hầm ngầm cất giấu tài liệu, đồng thời là nơi trú ẩn, thoát thân nếu bị địch truy lùng.

Ngôi nhà của gia đình cụ Hoàng Viện được chọn làm “căn cứ địa” của phong trào cách mạng, những gia đình xung quanh cũng được chọn làm nơi hoạt động phục vụ công tác đấu tranh. Đó là nhà của gia đình cụ Hoàng Tuôn, Hoàng Em, Hoàng Xí là nơi nuôi giấu cán bộ và tổ chức ấn loát các loại tài liệu, truyền đơn và báo chí tuyên truyền. Cơ sở cách mạng ở Phúc Mỹ thường xuyên được Đội Tự vệ đỏ của địa phương bảo vệ, người trực tiếp canh gác là ông Hoàng Nhị (con trai cụ Hoàng Viện).

Là nơi đứng chân của cơ quan “đầu não” nên phong trào cách mạng ở Phúc Mỹ phát triển mạnh mẽ, quần chúng nhân dân tích cực tham gia các tổ chức của cách mạng như: Tự vệ đỏ, Nông hội đỏ, Cứu tế đỏ. Khí thế cách mạng ngày càng lan tỏa, trở thành tấm gương để các địa phương khác trong vùng noi theo. Dấu ấn lớn lao của cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh được xác định vào ngày 12/9/1930, khi hàng vạn nông dân Hưng Nguyên và công nhân Bến Thủy kết thành làn sóng đấu tranh mạnh mẽ khiến kẻ địch hoang mang, khiếp sợ. Và tại đây, tháng 12/1930, chính quyền Xô viết đã ra đời, đem lại nhiều quyền lợi cho nhân dân lao động.

Niềm tự hào

Lịch sử địa phương và những ghi chép của dòng họ Hoàng cũng ghi nhận vào năm 1939, trong phong trào đấu tranh dân chủ, các đồng chí Trần Quỳ, Bùi San, Chu Huy Mân, Trần Văn Quang đã về Phúc Mỹ tìm cách gây dựng phong trào. Một lần nữa, Xứ ủy Trung kỳ quyết định lập lại cơ sở cách mạng tại đây. Cuối năm 1940, đồng chí Mười Cúc (tức Nguyễn Văn Linh) được cử về đây hoạt động và chọn nhà cụ Hoàng Viện làm nơi tá túc và tổ chức hội họp, thảo luận các vấn đề quan trọng.

Cũng tại ngôi nhà này, gần 5 năm sau, ngày 8/8/1945, Việt Minh liên tỉnh đã triển khai Hội nghị phổ biến tình hình và bàn kế hoạch tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay cách mạng. Để rồi, vài tuần sau, cùng với nhân dân khắp mọi miền đất nước, nhân dân Nghệ An vùng lên giành chính quyền, góp phần làm nên cuộc cách mạng “long trời lở đất”.

bna_2(1).jpg
Hiện vật được lưu giữ tại Di tích Nhà cụ Hoàng Viện. Ảnh: Công Kiên

Năm 1991, Nhà nước đã công nhận ngôi nhà cụ Hoàng Viện là Di tích Lịch sử Quốc gia. Thôn Châu Sơn (thuộc làng Phúc Mỹ) được tặng Bằng có công với nước vì “đã nêu cao tinh thần yêu nước, tích cực đấu tranh chống đế quốc, góp phần xứng đáng vào thắng lợi của cuộc cách mạng Tháng Tám”; 11 gia đình trong làng cũng được tặng Bằng có công với nước, 4 gia đình khác được trao tặng Kỷ niệm chương.

Trong Di tích Nhà cụ Hoàng Viện hiện lưu giữ một số hiện vật liên quan đến việc nuôi giấu cán bộ trong những năm tháng đấu tranh cách mạng, khi Đảng ta còn hoạt động bí mật. Đó là cờ búa liềm được làm bằng gỗ; chiếc triện đóng dấu; chiếc nồi đồng, mâm, bát, đĩa phục vụ các đồng chí lãnh đạo Đảng. Bên cạnh đó là một số ảnh tư liệu, bằng chứng nhận và các hiện vật khác. Đặc biệt, chúng tôi tìm thấy 2 tờ báo “Lao khổ” (số 13) và “Tiến lên” (không còn rõ số) được viết tay và cất giữ khá cẩn thận.

Tờ “Lao khổ” có bài viết trang trọng: “Công nông khắp trong nước đã xông vào trước mặt đế quốc mà thét rằng: Không được động đến công nông Nghệ Tĩnh”. Còn tờ “Tiến lên”, ở góc phải phía trên vẽ hình búa liềm, bên cạnh là dòng tít: “Kỷ niệm Xô viết Nghệ An”, dưới cùng ghi dòng chữ “Ngày 10 tháng 9 năm 1931”.

Ngày nay, Di tích Nhà cụ Hoàng Viện đã được trùng tu vững chãi, là điểm tham quan, học tập của cán bộ, đảng viên và học sinh trên địa bàn.

Nhà cụ Hoàng Viện – nơi làm việc của Xứ ủy Trung kỳ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO