Nhà giáo Lê Đình Sơn: Trái tim làm một ngọn đèn

11/01/2015 08:54

(Baonghean) - Trong màn mưa giăng buốt lạnh, tôi rời căn nhà ấm cúng của nhà giáo Lê Đình Sơn. Chỉ một lát nữa thôi, bóng tối sẽ bao trùm khắp thành phố. Tôi biết, bà Thuận sẽ soạn bữa tối, đưa lên tay ông bát cơm còn nghi ngút khói, với ánh nhìn âu yếm. Ông không nhìn thấy đôi mắt, gương mặt bà, nhưng nó luôn hiện hữu trong ông với một vẻ như vậy từ bao nhiêu năm nay. Rất có thể, khi ấy, một tứ thơ chợt đến trong ông. Và bà, lặng lẽ buông bát xuống mâm để chạy vào phòng tìm bút, tìm sổ chờ ông đọc…

Có người gọi ông là “nhà thơ”, người khác lại nói, gọi ông là “nhà lý luận phê bình” mới phải. Đúng, ông là hội viên Hội VHNT Nghệ An, thuộc ban Lý luận phê bình, nhưng lại ghi dấu với thơ từ khá sớm. Không chỉ là giải thơ do Hội Văn nghệ Việt Nam phát động về đề tài thương binh liệt sỹ (ông đoạt giải Nhì, không có giải Nhất) từ những năm 1973, mà ông còn được người ta nhắc đến với khả năng làm những bài xướng thơ Đường chuẩn niêm luật, giàu ý tứ. Ông còn “đương chức” Phó Chủ tịch CLB thơ Hồng Lam (T.P Vinh). Nhưng ông nói: Gọi “nhà giáo” là “chuẩn” nhất. 37 năm đứng lớp, làm thầy ở khoa Văn Đại học Vinh, ấn tượng về “thầy Sơn” trong lòng đồng nghiệp và học trò là không hề nhỏ… Chả thế mà, có “cậu trò” kém thầy chừng 10 tuổi, đứng với thầy thì cũng thành 2 ông già, vẫn tình nguyện làm “xe ôm” và “người dẫn đường” cho thầy đến bất cứ đâu thầy cần.

Nhà giáo Lê Đình Sơn
Nhà giáo Lê Đình Sơn

Ấn tượng của tôi về Lê Đình Sơn cũng vậy, một ông giáo chỉn chu, lịch thiệp. Dù là ông đứng trước hàng ngàn người với vai trò người dẫn chương trình thơ của thành phố trong Ngày thơ Nguyên tiêu tại đền Hồng Sơn, dẫn chương trình thơ của Đài Truyền hình, đi bên vợ đến Thư viện tỉnh tìm sách tra cứu, hay bây giờ, trước mặt tôi thì cái vẻ “nhà giáo” của ông không hề mất đi. Ông nói, cuộc đời đã cho ông làm một ông giáo dạy Văn, ấy là đã cho rất nhiều rồi. Từ đây, nó giúp ông đến gần hơn với con đường sáng tác và nhờ con đường ấy mà ông có được thêm niềm vui sống.

Lê Đình Sơn kể rằng, ngay từ thuở nhỏ, tâm hồn ông bị ảnh hưởng mạnh mẽ nhất bởi những bài ca Huế mà mẹ ông - một người gốc Huế - vẫn thường hát cho các con nghe. Những câu mái nhì, mái đẩy thấm đẫm nỗi buồn sông nước kinh kỳ “Chiều chiều trước bến Văn Lâu/ Ai ngồi ai câu, ai sầu ai thảm/ Ai thương ai cảm, ai nhớ ai trông/ Thuyền ai thấp thoáng bên sông/ Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non”. Hay: “Chiều chiều bắt két nhổ lông/ Két kêu ơi chị, chị dừng bất nhơn”…

Buồn, đau, xa xót là thế, cộng với giọng Huế trầm mặc, diết da của mẹ, vậy mà cậu bé Sơn vẫn thích nghe, xin mẹ hát đi hát lại. Chất nhân văn của những câu ca cùng với sự đa cảm trong lòng cậu bé đã “gặp nhau” để sau này Lê Đình Sơn yêu văn chương, trở thành sinh viên khoa Văn của Đại học Vinh khóa 4 (1962-1965). Ngay từ thời sinh viên, Lê Đình Sơn đã tham gia sáng tác và có nhiều thơ đăng báo. Sau khi tốt nghiệp, Lê Đình Sơn ở lại trường làm cán bộ giảng dạy. Bài thơ đoạt giải Nhì trong cuộc vận động sáng tác về đề tài thương binh, liệt sỹ do Hội Văn nghệ Việt Nam phát động năm 1973 mang tên “Kim đồng hồ đứng nguyên hình thước thợ” của ông khiến nhiều người lầm tưởng ông là bộ đội.

Trong bài thơ ấy, ông hóa thân thành một anh lính trong tiểu đội pháo chứng kiến sự hy sinh anh dũng của người khẩu đội trưởng. Tôi hỏi ông, câu chuyện ấy có thật hay là của trí tưởng tượng? Ông thoáng xót xa: Đó chính là câu chuyện của gia đình tôi. Người khẩu đội trưởng hy sinh “nguyên mẫu” trong bài thơ ấy là anh rể của tôi. Anh ấy phụ trách một đơn vị pháo cao xạ ở Đô Lương. Chính tay thầy giáo Lê Đình Sơn ngày đó đã khâm liệm cho anh rể mình tại chiến trường vừa im tiếng súng và chứng kiến “đào anh lên thịt da nóng hổi”, “như nghe tiếng anh hô trên khuôn miệng mở tròn”…

Cuộc đời, có lẽ sẽ bình lặng như vậy đối với thầy Sơn, cũng không mong mỏi gì hơn nữa khi ông được làm nghề mà mình yêu thích, lại được theo đuổi và có những thành công nhất định với văn chương. Thế nhưng, bước ngoặt lại đến đúng lúc ông nghĩ mình được thanh thản nhất, khi chỉ còn một chút ngắn thời gian nữa là nghỉ hưu. Ấy là năm 2000, ông được bác sỹ kết luận bong võng mạc. Sau 5 lần phẫu thuật, vừa chữa bệnh những vẫn vừa đứng lớp, đến năm 2002, thời điểm ông nghỉ hưu thì đôi mắt của ông vĩnh viễn không còn nhìn thấy ánh sáng nữa. Đó thực sự là một cú sốc lớn đối với ông.

Nhà giáo Lê Đinh Sơn và vợ.
Nhà giáo Lê Đinh Sơn và vợ.

Ông nhớ lại những ngày tháng đó, đã đắm chìm trong u hoài, tuyệt vọng. Tuyệt vọng đến mức, ông giam mình suốt ngày trong 4 bức tường của gian phòng ngủ, không muốn gặp gỡ, tiếp xúc với ai. Bóng đen bao phủ mắt ông và cũng bao phủ luôn tâm trí ông. Ông trở thành “kẻ buông xuôi, đầu hàng vô điều kiện” và ngỡ rằng sẽ chết trong “thế giới đen tối này mãi mãi”…

2 năm, kiên trì những yêu thương, nâng đỡ từ gia đình, vợ con, đặc biệt có sự xuất hiện của “những người bạn đồng cảnh” ở Hội Người mù Thành phố Vinh, Lê Đình Sơn đã dần lấy lại được sự tĩnh tâm. Được mời tham gia vào hội, được tin tưởng giao trọng trách biên tập thơ cho hội, ông thấy mình vẫn còn có ích. Rồi ông nhận ra, nhiều cuộc đời còn bất hạnh hơn mình, ở ngay cạnh mình, vậy mà vẫn tràn trề niềm vui sống. Tại sao không thể đứng dậy, bước đi bằng nghị lực và tri thức sẵn có ? Hành trình bước ra từ bóng tối của ông đã bắt đầu…

Ông nói rằng, thật là thiếu sót nếu không kể về người bạn đồng hành của mình trong hành trình ấy. “Hơn một nửa những gì tôi có, chính là của cô ấy”- ông nói, và chỉ về phía trong nhà, nơi bà Nguyễn Thị Thuận vợ ông đang lụi cụi nép dọn, và chỉ cần tiếng ông gọi khẽ là bà đã hiểu ý, có mặt để ông nhờ vả khi thì rót một chén nước, lúc cắt đĩa cam hay đưa giúp ông quyển sách…

Không chỉ giúp ông trong sinh hoạt hàng ngày, bà còn là người thư ký trung thành, tận tụy của ông. “Khổ thế, cái bệnh của anh làm thơ, tứ thơ nó đến bất chợt lắm. Có khi nửa đêm tỉnh dậy, chợt giật mình nghĩ được câu tâm đắc, thế là lại lay cô ấy dậy”. Cuốn sổ, cây bút lúc nào cũng có sẵn trên đầu giường bà. Ông nói, cũng may bà ấy lại có nghiệp vụ thư viện (bà Thuận nguyên là nhân viên thư viện Trường Đại học Vinh), nên khi tôi viết sách phê bình, lý luận lại nhờ bà tra cứu, tìm tòi hộ. Vì vậy, mà hơn 10 năm “chìm trong bóng tối” mà ông vẫn cho ra mắt 2 tập thơ, 2 tập lý luận phê bình, trong đó có 1 tập thơ, 1 tập phê bình được nhận Giải thưởng Hồ Xuân Hương của tỉnh.

Ông kể, ông và bà biết nhau từ thời ở quê Nam Đàn, khi ấy ông học cấp 3, bà học cấp 2. Theo với thời gian, tình yêu lớn lên trong họ. Cả hai đều là mối tình đầu của nhau. Năm 1968, khi cùng công tác tại Trường Đại học Vinh thì họ làm đám cưới. “Đám cưới của tôi cũng đặc biệt lắm, hồi đó trường đang sơ tán ở Thanh Hóa, hai bên gia đình không vào được mà công đoàn trường đứng ra tổ chức” - ông nhớ lại trong một nụ cười ấm áp. “Quay đi quay lại, vậy mà đã gần 50 năm trôi qua”.

Suốt quãng ấy thời gian, bà và ông đã cùng đi bên nhau, chia sớt mọi buồn vui. Tài sản của họ là 2 người con đều giỏi giang, thành đạt, một làm cô giáo, một làm nhà báo, “có thêm mấy tập sách nữa cũng là tài sản quý”- ông bông đùa. Những câu thơ ông làm tặng vợ, nghe ông đọc như thấy nỗi rưng rưng: “Thương em khuya sớm vì anh/ Văn chương cái nợ sao đành buông lơi/ Mắt anh thăm thẳm tối trời/ Có em thư ký cho đời bớt đau/ Câu thơ thắp lửa nhiệm màu/ Nhân gian soi tỏ trao nhau ân tình”. Ôi là ân tình, cái ân tình đã níu ông trở lại với ánh ngày rạng rỡ. Và không chỉ gia đình, còn bao nhiêu bạn bè, đồng nghiệp, học trò, những người còn cần ông, luôn đến bên ông khi ông cần họ nữa. Ông nói rằng, mình đã sống bằng tất cả sự trân trọng và hàm ơn ấy.

Ông cũng chia sẻ: “Tôi đã ở tuổi 75 rồi, sức khỏe thì có hạn, nhưng nghị lực và ý chí thì như càng bền chắc. Niềm đam mê sáng tác đã giúp tôi khỏe và vui hơn mỗi ngày. Tôi dự định sắp ra một tập thơ mới hơn 100 bài cùng với 1 tập nghiên cứu “Hiểu biết và vận dụng thơ Đường luật trong nhà trường” trong 2 năm gần đây”.

Tôi nói đùa với ông: “Đúng là “trái tim thắp lửa nhiệm màu”, trái tim thầy, với bao nhiêu nhiệt huyết ấy đang là ngọn đuốc”. Ông nói, không dám đâu, là chỉ mong làm một ngọn đèn. Một ngọn đèn nhỏ, tỏa ánh sáng tin cậy, ấm áp yêu thương trước tiên trong chính mái nhà mình.

Thùy Vinh

Mới nhất
x
Nhà giáo Lê Đình Sơn: Trái tim làm một ngọn đèn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO