Nhà khoa học Việt tạo thiết bị biến nước biển thành đá tuyết

Bích Ngọc 24/11/2018 20:00

Sau hai phút khởi động hệ thống, nước biển bơm vào sẽ thành đá lỏng. Tùy nhu cầu, người dùng có thể điều chỉnh độ đậm đặc của đá.

Các nhà khoa học thuộc Trung tâm Phát triển công nghệ cao,Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam công bố hệ thống làm đá tuyết đã được Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT công nhận là tiến bộ kỹ thuật trong ngành nông nghiệp thuộc lĩnh vực thủy sản.

Hệ thống này được các nhà khoa học thực hiện thành công sau 18 tháng nghiên cứu, thiết kế, có thể dùng trực tiếp nước biển để tạo thành đá bảo quản hải sản đánh bắt xa bờ.

Với công nghệ mới này, thay vì các chủ tàu phải mua đá nước ngọt từ đất liền, sau đó xay nhỏ hoặc để nguyên cây trong khoang lạnh bảo quản trên tàu, nay chỉ cần lắp đặt hệ thống trên tàu, bơm nước biển chạy qua bộ phận làm lạnh và đầu ra sẽ là sản phẩm đá tuyết.

Máy làm đá lắp thử nghiệm tại cảng cá Bạch Long Vĩ. Ảnh: PP.

Thạc sỹ Lê Văn Luân, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, ưu điểm của hệ thống làm đá từ nước biển so với đá nước ngọt truyền thống chính là công nghệ này đã tạo ra sản phẩm đá dạng tuyết. Về mặt hình thái, đá lỏng là hỗn hợp giữa tinh thể đá nhỏ và nước, được duy trì trong dải nhiệt độ từ - 6 độ C đến -2 độ C. Đây là trạng thái chuyển tiếp giữa pha lỏng và pha rắn nên có thể bơm được từ buồng tạo đá lỏng đến các bồn lưu trữ hoặc các ngăn bảo quản cá trên tàu.

Thời gian cho ra sản phẩm đá lỏng cũng rất ngắn. Nước biển bơm trực tiếp vào hệ thống qua bể tuần hoàn vào buồng làm lạnh, đầu ra là sản phẩm nước đá. Tức là chỉ vài giây sau khi khởi động hệ thống, đầu ra sẽ là đá tuyết.

Tuy làm lạnh nhanh nhưng sự tan chảy của đá lỏng lại chậm hơn nhiều so với đá nước ngọt. Độ đậm đặc của đá lỏng cũng có thể được điều chỉnh tự động theo nhu cầu của người sử dụng.

Do đá được bơm từ máy đến các buồng bảo quản nên chủ tàu sẽ không phải tốn thêm nhân công đập, rải đá, vừa giảm chi phí lại không ảnh hưởng đến chất lượng cá do cạnh sắc của đá va vào trầy xước trong quá trình bảo quản.

Mô hình máy làm đá tuyết được lắp đặt trên boong tàu.

Để tiết kiệm diện tích lắp đặt, nhóm nghiên cứu đã thiết kế sản phẩm dưới dạng các modul rời. Phần sản xuất đá được đặt trên boong tàu, phần máy nén và làm lạnh được đặt trong hầm máy, phần điều khiển đặt trên cabin tàu.

Các phần mềm điều khiển tự động được tích hợp để điều chỉnh nhiệt độ theo từng khoang cá khác nhau, người dùng chỉ cần điều chỉnh nhiệt độ ở trên bảng điều khiển. Máy cũng có hệ thống tự cảnh báo khi xảy ra lỗi trên màn hình để ngư dân biết bộ phận nào cần sửa chữa.

Nhóm nghiên cứu còn thiết lập phần mềm để tính toán sản lượng hệ thống đã làm bao nhiêu tấn đá, tiêu tốn hết bao nhiêu dầu, điện để người sử dụng cân đối.

Sản phẩm máy làm đá tuyết của đề tài hiện đạt năng suất 1.250 kg/24h, tuy nhiên nhu cầu thực tế trên các tàu cá mỗi chuyến đi biển cần lượng đá bảo quản lên tới 50 - 60 tấn. Để đạt được cần máy có năng suất lớn hơn, tương ứng khoảng 5.000 kg/24h.

Để đáp ứng nhu cầu thực tế, các nhà khoa học tại Trung tâm phát triển công nghệ cao đang thực hiện một nhiệm vụ khoa học cấp Nhà nước để nghiên cứu và sản xuất máy làm đá tuyết với công suất lên đến 10 tấn/24h.

Ths Luân cho biết, sản phẩm có chất lượng tương đương nhập ngoại nhưng giá rẻ chỉ bằng một nửa. Do thiết bị được lắp đặt trên tàu chạy ngoài biển nên các nhà khoa học cũng tính toán lựa chọn vật liệu chống ăn mòn để đảm bảo độ bền của sản phẩm.

Sơ đồ mô tả các chi tiết của hệ thống làm đá tuyết từ nước biển.

Theo vnexpress.net
Copy Link
Mới nhất
x
Nhà khoa học Việt tạo thiết bị biến nước biển thành đá tuyết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO