Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ

(Baonghean) - Sau một năm thực hiện Quyết định số 22 “Hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở”, gần 1.000 ngôi nhà của gia đình chính sách đã được sửa chữa và xây mới. Kết quả đó là sự vào cuộc của cả cộng đồng, các cấp, các ngành và nỗ lực của các gia đình…

Nỗ lực từ cơ sở

Theo chân cán bộ Phòng LĐ-TB & XH Thị xã Cửa Lò, chúng tôi đến thăm ngôi nhà mới hoàn thành của gia đình bà Nguyễn Thị Đạo và ông Nguyễn Văn Đáng ở khối Hải Thanh (phường Nghi Hòa). Ông Đáng trước đây là bộ đội tham gia chiến trường B, được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, bà Đạo có nhiều năm tham gia lực lượng thanh niên xung phong, nay được hưởng chế độ như bệnh binh 4/4. Quen nhau trong những ngày gian khổ và có với nhau 6 mặt con nhưng đã ngoài 70 tuổi vợ chồng họ vẫn chưa có một mái nhà theo đúng nghĩa.  Ngay khi Quyết định 22 về việc hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở được triển khai, chính quyền phường Nghi Hòa đã đến động viên gia đình ông xây lại nhà. Ban đầu, vì kinh phí eo hẹp, cả hai bàn nhau chỉ nâng nền nhà lên cao bằng mặt đường sao cho khỏi ngập trong mùa mưa. Được sự động viên giúp đỡ của bà con khối xóm, lại được Nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng, ông bà quyết định dỡ ngôi nhà cũ, xây lại nhà mới. Bà Đạo chia sẻ: Trước đây  mưa lớn một tý là nước ngập nhà, dù nửa đêm chúng tôi cũng phải thay nhau tát nước ra đường. Giờ thì yên tâm rồi...
Niềm vui đó cũng đến với mẹ liệt sỹ Lê Thị Thiện ở khối Hải Bằng (T.X Cửa Lò). Mẹ có 2 người con trai, một người hy sinh năm 1972, một người bệnh tật đau ốm mất từ ngày còn trẻ. Năm nay đã xấp xỉ 90, mẹ vẫn ở một mình. Mấy năm trước, thương mẹ, anh em cũng đã gom góp xây dựng được một căn nhà cấp bốn nhỏ, nhưng qua thời gian nhà đã xuống cấp, mái nhà lợp bằng phờ rô xi măng đã bắt đầu dột lỗ chỗ. Hiểu hoàn cảnh của mẹ nên khi có Quyết định 22, xóm đưa mẹ vào danh sách hỗ trợ đợt đầu tiên. Cuối năm 2013, sau khi nhận được hỗ trợ 20 triệu đồng, gia đình và bà con thôn xóm đã góp thêm ngày công, kinh phí để nâng cấp toàn bộ lại ngôi nhà. Có nhà mới, mẹ như được tiếp thêm nghị lực, sống vui, sống khỏe.
Cửa Lò là địa phương đầu tiên giải ngân được gói hỗ trợ các gia đình chính sách theo Quyết định 22. Mặc dù trong quá trình thực hiện gặp rất nhiều khó khăn như ngân sách chuyển về muộn, giá cả nguyên, vật liệu tăng cao, nhiều nơi gặp khó khăn trong quá trình vận chuyển nhưng thị xã quyết tâm hoàn thành nhà ở cho các gia đình theo đúng kế hoạch. Kinh phí cấp về chậm, một số phường, xã đã ứng trước ngân sách để cho bà con trả tiền thợ, tiền vật liệu...
Bác Nguyễn Xuân Liễu (xã Hưng Lam, Hưng Nguyên) trong căn nhà vừa được xây mới từ nguồn vốn của Quyết định 22.
Bác Nguyễn Xuân Liễu (xã Hưng Lam, Hưng Nguyên) trong căn nhà vừa được xây mới từ nguồn vốn của Quyết định 22.
Còn tại huyện Hưng Nguyên, trong số 49 hộ được hỗ trợ trong đợt 1 theo Quyết định 22 có rất nhiều gia đình hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Do đó, khi thực hiện, Phòng Lao động - Thương Binh & Xã hội đã chủ động cùng với Phòng Công Thương, rà soát các danh sách, đối tượng nào đặc biệt khó khăn về vốn, về nhà ở sẽ được xem xét để được tiếp tục hỗ trợ theo nguồn vốn từ chương trình quỹ đền ơn đáp nghĩa của huyện. Một số đối tượng khác thì kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ thêm. Chia sẻ kinh nghiệm về việc thực hiện QĐ 22, ông Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Anh Sơn cho biết: Phải làm  thật, làm đúng. Để thực hiện điều đó, huyện, xã thành lập ban chỉ đạo, đi đến từng hộ để rà soát đối tượng, chỉ những gia đình thực sự khó khăn về nhà ở mới được nhận hỗ trợ. Quá trình thực hiện có sự giám sát của cộng đồng.
Thống kê toàn tỉnh cũng cho thấy, kinh phí Trung ương chuyển về mới đạt 50% nên chỉ có 9 huyện đã chi trả được toàn bộ tiền hỗ trợ cho người có công; 12 huyện, thành thị chưa có kinh phí cấp về nhưng vẫn xoay xở tạo nguồn để thực hiện sửa chữa, xây nhà mới cho các đối tượng. Nhờ đó, trong giai đoạn đầu của đề án, toàn tỉnh đã làm mới và sửa chữa được 954 căn nhà, đạt 93,71%. 
Những khó khăn
Theo số liệu tổng hợp của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, những năm qua thông qua phong trào Đền ơn đáp nghĩa, toàn tỉnh đã có hơn 4.000 ngôi nhà của các gia đình chính sách đã được hỗ trợ xây dựng. Đây chỉ là con số nhỏ, so với thực tế toàn tỉnh còn hơn 26.000 ngôi nhà cần làm mới hoặc sửa chữa. Đây là con số rất lớn, chỉ riêng tiền hỗ trợ đã cần đến gần 816 tỷ đồng. 
Hiện tại, với hơn 16 tỷ đồng đã giải ngân xong,  tỉnh ta mới chi trả được cho khoảng 50% đối tượng trong giai đoạn đầu của kế hoạch  và nếu tính theo chỉ tiêu của đề án thì chỉ mới thực hiện được chưa đến 5%. Để đề án tiến hành khả thi, nhiều ý kiến cho rằng nên rà soát lại cụ thể các trường hợp và nên ưu tiên trước cho những gia đình thực sự có khó khăn về nhà ở. Không hỗ trợ dàn trải như hiện nay. Bên cạnh đó, do ngân sách hỗ trợ chậm nên việc triển khai giai đoạn 2 của đề án gặp nhiều khó khăn. Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Phó phòng Lao động - Thương binh và Xã hội Thị xã Cửa Lò cho biết: Việc chậm triển khai hỗ trợ nhà ở cho các gia đình theo Quyết định 22 đã ảnh hưởng đến việc thực hiện các kế hoạch khác. Trước đây, nguồn ngân sách hỗ trợ theo Quyết định 22 lớn hơn nguồn hỗ trợ hàng năm của địa phương nên đối tượng nào khó khăn hơn sẽ ưu tiên theo chương trình của Nhà nước. Nhưng nay nguồn 22 chưa được cấp về, nguồn quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đang còn nhưng chưa thể hỗ trợ cho các đối tượng còn lại, bởi sẽ gây ra thắc mắc trong người dân. 
Theo ý kiến của ông ông Lê Văn Long, Phó trưởng phòng chính sách, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: hiện tại nguồn hỗ trợ 40 triệu đồng (nhà xây mới) và 20 triệu đồng (nhà sửa chữa) chỉ là nguồn hỗ trợ nhỏ. Do đó, để đề án được triển khai thuận lợi thì rất cần sự hỗ trợ từ các nhà hảo tâm; của cộng đồng, nỗ lực của gia đình. Đây là lần đầu tiên, một quyết định được triển khai trên diện rộng, việc rà soát, thẩm định, duyệt hồ sơ giao hoàn toàn trách nhiệm cho các xã, phường, thị trấn, vì vậy trong quá trình thực hiện không tránh khỏi sự lúng túng. Vì vậy, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng như Sở Xây dựng cần có những văn bản hướng dẫn cụ thể cho các địa phương, nhất là trong việc xác minh các đối tượng và trong việc thẩm định đúng thực trạng của các ngôi nhà.
Trước thực tế trên, chiều 7/7 tại cuộc họp của Ban chỉ đạo thực hiện đề án do đồng chí Lê Xuân Đại, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì đã phân tích rất kỹ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đề án hiện nay. Đồng thời, yêu cầu lãnh đạo Sở Tài chính xem xét nguồn ngân sách hỗ trợ của địa phương. Theo ý kiến của bà Hoàng Thị Lê Dung, Phó Giám đốc Sở Tài chính: Dù nguồn kinh phí địa phương còn hạn chế, nhưng tỉnh sẽ kịp thời chi đủ 5% nguồn vốn đối ứng. Phần còn lại từ Trung ương, tỉnh đã giao cho Sở Xây dựng cùng với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp để thống nhất các con số, sớm hoàn thiện đề án bổ sung, xin dự trù kinh phí.
Ngoài ra, để đề án được triển khai thuận lợi theo ý kiến chỉ đạo của tỉnh, trước mắt các địa phương cần nỗ lực theo tinh thần “Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, và nỗ lực của các gia đình”. Song song với nguồn vốn từ Quyết định 22, tỉnh kêu gọi các ban, ngành, các địa phương đẩy mạnh công tác xã hội hóa, kêu gọi mọi nguồn hỗ trợ, trước hết ưu tiên những người già cả, neo đơn, những gia đình  thực sự khó khăn về nhà ở. Ngoài ra, tỉnh cũng yêu cầu Ban chỉ đạo các huyện, thành, thị nhanh chóng triển khai hỗ trợ theo đúng chỉ đạo, lập phương án hỗ trợ xây dựng cụ thể đối với các hộ gia đình người có công có hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng tự xây dựng nhà. Đồng thời, kiểm tra rà soát lại các đối tượng đã được phê duyệt trong danh sách, không để xảy ra trường hợp lập hồ sơ, danh sách hỗ trợ sai đối tượng, gây dư luận không tốt trong nhân dân.
Mỹ Hà

tin mới

Trung thu ấm áp, ý nghĩa với trẻ em vùng biên giới

Trung thu ấm áp, ý nghĩa với trẻ em vùng biên giới

(Baonghean.vn) - Gần 500 thiếu nhi xã biên giới Môn Sơn  (Con Cuông) và các cháu được Bộ đội Biên phòng nhận đỡ đầu đã được đón Tết Trung thu 2023 ấm áp, ý nghĩa. Hoạt động này đã cổ vũ, động viên các em học sinh nghèo nơi biên cương nỗ lực vượt khó, vươn lên trong học tập. 

GS Nguyễn Xiển

Giáo sư Nguyễn Xiển - một người Vinh lỗi lạc

(Baonghean.vn) - Giáo sư Nguyễn Xiển (1907 – 1997) là “một trí thức yêu nước, yêu dân chủ và tiến bộ” như ông từng xác nhận. Ông đến với Cách mạng như một lẽ tự nhiên của một người yêu nước và vì kính trọng, tin tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thành cổ Vinh trong trái tim cư dân đô thị

Thành cổ Vinh trong trái tim cư dân đô thị

(Baonghean.vn) - Khi được hỏi về một biểu tượng của thành Vinh, rất nhiều người có cùng câu trả lời: Thành cổ. Trải qua bao thiên biến của thời gian, những đổi thay của thời cuộc, Thành cổ vẫn giữ được vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc giữa trái tim thành phố, trong trái tim của tất cả cư dân đô thị Vinh.

 Hiệu quả xây dựng làng, tổ dân phố văn hóa ở Nghi Lộc

Hiệu quả xây dựng làng, tổ dân phố văn hóa ở Nghi Lộc

(Baonghean.vn) -Thời gian qua, các địa phương trên địa bàn huyện Nghi Lộc đã chú trọng triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm nâng cao cả về chất và lượng của phong trào phát triển văn hóa ở cơ sở; đặc biệt trong xây dựng làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa.

Một tình yêu dành cho thành Vinh

Một tình yêu dành cho thành Vinh

(Baonghean) - Tôi yêu thành Vinh bằng một tình yêu thầm lặng mà dai dẳng. Đến nỗi, khi chồng tôi - người xứ khác - ngày đầu đặt chân xuống ga tàu đã thốt lên: “Thành Vinh có vậy thôi sao mà ngày nào em cũng nhắc!”...

Già hóa dân số

Nhiều thách thức với già hóa dân số

(Baonghean.vn) - Già hóa dân số tác động sâu sắc tới mọi khía cạnh của cá nhân, cộng đồng, quốc gia. Điều này đòi hỏi hoạt động an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi cần được thực hiện toàn diện.

Thiếu nhi vùng cao Nghệ An vui đêm hội Trung thu

Thiếu nhi vùng cao Nghệ An vui đêm hội Trung thu

(Baonghean.vn) - Dù thời tiết có mưa nhưng Tết Trung thu ở Kỳ Sơn, Quế Phong vẫn diễn ra vô cùng ấm áp, tràn đầy niềm vui. Những chiếc đèn ông sao lấp lánh, cỗ hoa quả, màn múa lân đặc sắc… đã mang đến niềm vui vô bờ bến đối với những đứa trẻ vốn gặp nhiều thiếu thốn trong cuộc sống.

Trung thu ấm áp của thiếu nhi Nghệ An

Trung thu ấm áp của thiếu nhi Nghệ An

(Baonghean.vn) - Những Trung thu rộn ràng, ấm áp đã được tổ chức hướng về những em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Để giữa bộn bề cuộc sống, các em nhỏ vẫn có những khoảng trời trong trẻo, hồn nhiên và ấm áp theo cách riêng của mình...

Trung thu thiếu thốn của những đứa trẻ làng chài

Trung thu thiếu thốn của những đứa trẻ làng chài

(Baonghean.vn) - Những ngày này, không khí náo nức, vui vẻ của Tết Trung thu đã và đang tràn ngập trên khắp mọi nẻo đường, từ thành thị đến miền núi cao... Thế nhưng ở xóm chài nhỏ dưới chân cầu Yên Xuân, xã Xuân Lam, huyện Hưng Nguyên, các em vẫn lặng lẽ như thường ngày.