Nhà ở xã hội còn nhiều bất cập cần tháo gỡ
Nguồn cung về nhà ở xã hội, nhà ở dành cho thuê, thuê mua và quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội đang được các cơ quan quản lý Nhà nước đặc biệt quan tâm, vì trong quá trình thực hiện còn nhiều bất cập cần được tháo gỡ.
![]() |
Khu nhà dành cho người thu nhập thấp ở xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm (Hà Nội)Quỹ đất xây dựng còn hạn hẹp |
Trong đó, Hà Nội đang triển khai 14 dự án cho người có thu nhập thấp, quy mô xây dựng khoảng 11.900 căn. TPHCM đang triển khai 9 dự án cho người có thu nhập thấp, quy mô xây dựng khoảng 7.200 căn.
Tuy nhiên, quá trình triển khai xây dựng các dự án nhà ở xã hội vẫn còn gặp những khó khăn, hạn chế.
Cụ thể là nguồn cung nhà ở xã hội còn thiếu, đặc biệt là tại các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM. Đó còn là tình trạng thiếu quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại vị trí thuận lợi; nhiều KCN được hình thành nhưng chưa bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở cho công nhân.
Bên cạnh đó, một số địa phương chưa bố trí đủ quỹ đất 20% các khu đô thị mới, các dự án nhà ở thương mại theo quy định dành để xây dựng nhà ở xã hội.
Tại Hà Nội, qua kiểm tra quỹ đất 20% tại 12 dự án trên địa bàn thì có 11/12 dự án dành quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, việc sử dụng quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội phần lớn không đúng mục đích.
Trong 11 dự án chỉ có 3 dự án triển khai xây dựng nhà ở xã hội; 3 dự án đã cho chuyển đổi sang xây dựng nhà ở tái định cư và 3 dự án cho phép chuyển đổi sang nhà ở thương mại hoặc đấu giá quyền sử dụng đất.
Các chủ đầu tư ít quan tâm đến giải phóng mặt bằng phần diện tích để xây dựng nhà ở xã hội. Hiện còn 11 lô đất dành để xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án với diện tích khoảng 8,696 ha, nhưng mới giải phóng mặt bằng được 4 lô đất, với diện tích 5,601 ha.
Một số cơ chế ưu đãi đầu tư xây dựng nhà ở xã hộiNƠXH (như hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào dự án và hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương...) chưa được quan tâm đúng mức; mức độ ưu đãi phụ thuộc vào điều kiện của từng địa phương nên chưa thu hút được doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân KCN.
Thực tế cho thấy, mới chỉ có một số địa phương, như: Đà Nẵng, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Thái Nguyên… quan tâm và có chính sách hỗ trợ cụ thể cho các chủ đầu tư dự án. Các địa phương khác, kể cả một số thành phố lớn chưa có cơ chế ưu đãi, hỗ trợ cụ thể từ nguồn lực của địa phương đối với các nhà đầu tư nhằm thu hút các doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở xã hội, do đó số lượng nhà đầu tư tham gia xây dựng nhà ở xã hội, đầu tư xây dựng nhà ở cho thuê còn rất hạn chế.
DN chưa mặn mà với nhà cho thuê
Qua khảo sát, hiện tại Hà Nội mới chỉ có 3 dự án xây dựng nhà ở xã hội cho thuê, thuê mua (sử dụng quỹ đất 20%) là dự án CT19 KĐT Việt Hưng (quận Long Biên) với quy mô 515 căn hộ; dự án cho thuê mua với quy mô 300 căn hộ cũng tại KĐT này và 300 căn hộ để cho thuê, 300 căn hộ để cho thuê mua tại KĐT Đặng Xá vừa được Viglacera khởi công tháng 5 vừa qua.
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, nguồn cung nhà ở xã hội cho thuê quá ít tại các đô thị lớn là do nhiều DN bất động sản không mặn mà với loại hình này. Ngay cả quỹ nhà ở xã hội nói chung hiện nay cũng vẫn còn thiếu, quỹ nhà ở xã hội dành cho thuê, thuê mua lại càng ít.
Hầu hết các DN chỉ chú trọng đầu tư xây dựng nhà ở để bán nhằm thu hồi vốn nhanh. Còn xây nhà ở xã hội cho thuê thì lại cần có thời gian thu hồi vốn dài. Đây là nguyên nhân làm các DN bất động sản không mặn mà với loại hình nhà ở này.
Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Đầu tư Phát triển hạ tầng Viglacera chia sẻ: “Nếu không bắt buộc thì không ai muốn làm nhà ở xã hội cho thuê vì "bỏ tiền chẵn thu tiền lẻ". Nhưng vì trách nhiệm với cộng đồng, uy tín của DN nên chúng tôi vẫn dành 20% quỹ nhà ở xã hội cho thuê, thuê mua với mức giá ưu đãi khoảng 25.000 đồng/m2”.
Cũng theo ông Tuấn, trong tổng số 1.500 căn nhà ở xã hội giai đoạn 3 KĐT Đặng Xá, chủ đầu tư sẽ dành 20% quỹ căn hộ để cho thuê; 20% để cho thuê mua và số còn lại để bán. Như vậy, để thuê căn hộ có diện tích trung bình khoảng 50m2 thì chỉ mất khoảng 1,2 triệu đồng/tháng, trong khi bên ngoài KĐT giá thuê khoảng 2,6 triệu đồng/tháng đối với loại căn hộ tương tự.
Được biết, để thúc đẩy phát triển loại hình nhà ở xã hội cho thuê, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) hiện đã dành hẳn một chương để quy định về chính sách nhà ở xã hội. Trong đó, Nhà nước có chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng; miễn, giảm tiền sử dụng đất và có các hình thức hỗ trợ về tài chính để các đối tượng khó khăn có điều kiện cải thiện nhà ở… Dự thảo cũng quy định yêu cầu chính quyền địa phương phải quy hoạch các khu vực riêng để lập dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê.
Theo chinhphu.vn