Nhà thầu không thực hiện theo quy định

14/10/2011 20:13

Trong điều kiện chung thiếu vốn, lạm phát và nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan khác đã khiến nhiều công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh bị đình trệ, tạm dừng thi công. Hậu quả là gây ách tắc cho các phương tiện giao thông, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân.

(Baonghean) - Trong điều kiện chung thiếu vốn, lạm phát và nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan khác đã khiến nhiều công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh bị đình trệ, tạm dừng thi công. Hậu quả là gây ách tắc cho các phương tiện giao thông, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân.

Chúng tôi về Yên Thành trong những ngày mưa kéo dài, con đường Dinh É Lạt nối từ xã Hợp Thành xuyên qua các xã Tăng Thành, Văn Thành, Đồng Thành, Kim Thành... lầy lội vì đang thi công dang dở. Ngay tại điểm nối đường Tỉnh lộ 538 qua xã Tăng Thành được đổ lớp đất sỏi đã bị lún sụt nhão nhoét, khiến nhiều xe ô tô mắc lầy. Ông Trần Văn Hưng ở Tăng Thành, bức xúc: "Có hôm đi vào ban đêm, đến tận nơi mới phát hiện ra cái hố sâu hoắm, không kịp xử lý, bị ngã xe sái cả khớp tay, nhà thầu mà không có biển cảnh báo thì có người chết oan." Đặc biệt tại điểm xã Đồng Thành, Kim Thành, Tăng Thành vẫn chưa giải phóng được mặt bằng. Nguyên nhân chủ yếu là do vướng cột điện và đất nhà dân.

Đoạn đường 333 điểm đầu từ QL 7 nối với Cầu Lồi -QL 1A trị giá hơn 70 tỷ đồng, đến thời điểm này mới thi công được hơn 30% khối lượng. Điển hình như Công ty CPXD và thương mại Miền Tây từ ngày nhận công trình đến nay vẫn chưa thi công, lý do là tổng giá trị gói thầu 9,5 tỷ đồng, nhưng Công ty mới được ứng 1 tỷ đồng. Ông Điệt - Chủ tịch UBND xã Phú Thành trao đổi: "Tuyến đường cũ đang ngày càng xuống cấp gây khó khăn cho nhiều phương tiện lưu thông. Xã đang có kế hoạch trích ngân sách để mua đá sỏi trên tuyến đường để bà con đi tạm". Đoạn đi qua trung tâm xã Hợp Thành, nhà thầu đã đào đường, đúc cống thoát nước, tuy nhiên một số cống không lấp đất khiến người đi đường thường bị ngã xe. Ông Nguyễn Vương Ngọc - Trưởng phòng Công thương huyện Yên Thành, cho hay: Bên cạnh những khó khăn, thì một số nhà thầu vẫn cố gắng thi công. Như tuyến Tỉnh lộ 333, hiện tại Công ty xây dựng Tân Nam đã thi công xong tuyến đường dài hơn 3 km đoạn xã Đô Thành. Công ty CP XD thương mại Việt Phát (Yên Thành) thi công 1 cầu và 2 km đường đoạn xã Thọ Thành. Công ty TNHH Long Thành (Yên Thành) ứng được 1 tỷ đồng đã thi công được khổi lượng trên 3 tỷ đồng đoạn xã Vĩnh Thành. Công ty xây dựng Minh Quang thi công tuyến đường Khe Chùa (Quang Thành) trên 45 tỷ đồng chỉ mới ứng được hơn 10 tỷ đồng, đến thời điểm này công ty đang triển khai máy móc thi công khối lượng hàng chục tỷ đồng, dự định tháng 6/2012 sẽ đưa vào sử dụng đúng với hợp đồng. Ông Ngọc giải thích thêm: Dù bị chậm vốn nhưng các nhà thầu đều đã được nhận 2% tiền giá trị công trình để đảm bảo lưu thông trong quá trình thi công. Vì vậy, các nhà thầu phải có nhiệm vụ san gạt các tuyến đường cho nhân dân đi lại. Thời gian qua huyện đã kết hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh đi kiểm tra tất cả các tuyến đường, xử phạt hành chính một số nhà thầu.



Nhà thầu đổ nguyên vật liệu ra giữa đường gây cản trở giao thông

Đối với các tuyến đường miền núi như huyện Anh Sơn nổi cộm là tuyến đường tả ngạn sông Lam, đáp ứng nhu cầu đi lại cho 7 xã như Lạng Sơn, Đức Sơn, Vĩnh Sơn... tuy nhiên đến nay nhà thầu đã nghỉ việc, mặc dù đang thi công dở dang. Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch UBND xã Lạng Khê, cho biết: Đoạn đường này đi qua xã dài 8,4 km, lâu nay chỉ toàn đất bùn lún sục. Để đến trường học học sinh ở xóm 1, 2 phải đùm cơm, hoặc ăn mì tôm bữa trưa tại trường không dám về nhà vì đường đi quá khó khăn vất vả. Xã chỉ mong các nhà thầu giúp dân san gạt đường, đổ đá cấp phối tạm để dân đi lại thuận tiện. Được biết tuyến đường tả ngạn Sông Lam trị giá trên 200 tỷ đồng, với chiều dài 35 km, được khởi công xây dựng từ năm 2009, đã gần 3 năm triển khai nhưng hiện tại cũng chỉ mới làm được một số đoạn nền đường. Ông Bùi Xuân Ngọ-Trưởng Ban quản lý dự án cho biết thêm: Nguyên nhân của việc thi công chậm là do thiếu vốn. Tuyến đường này có trị giá trên 200 tỷ đồng, tuy nhiên chỉ mới được đầu tư trên 60 tỷ đồng, Ban quản lý dự án đã kêu gọi các nhà thầu để lại phương tiện máy móc để san gạt những tuyến đường lầy lội.

Tại huyện Con Cuông hiện có khá nhiều tuyến đường thi công dang dở gây khó khăn cho người tham gia giao thông. Như tuyến Bồng Khê đi Bình Chuẩn dài 35 km, đi qua các xã Mậu Đức, Bình Chuẩn, Đôn Phục... khởi công từ năm 2008 đến nay mới làm được 4 km. Người dân xã Bình Chuẩn có 7 bản thì hầu như không thể đi được trên tuyến đường này. Ông Nguyễn Thế Mạnh- Chủ tịch UBND xã Bình Chuẩn, than thở: Bà con Bình Chuẩn muốn đi trung tâm huyện Con Cuông phải vòng sang huyện Tương Dương mất gần 100 km. Ông Quang Vinh- Trưởng bản Hợp Thành xã Đôn Phục, bức xúc: "Đoạn đường đi qua bản dài 6 km, bùn sục không thể đi nổi, có người dân ốm đau đi bệnh viện phải dùng cáng gánh chứ xe máy không thể đi được.

Dẫu biết giai đoạn khó khăn thiếu vốn, tuy nhiên hầu hết các nhà thầu đều được nhận 2% tiền giá trị công trình đảm bảo lưu thông cho tuyến đường mình thi công, thế nhưng nhiều nhà thầu vẫn bỏ mặc, gây bức xúc cho người dân. Trước thực trạng đó, các chủ đầu tư, tỉnh, huyện cần phải đốc thúc nhà thầu san gạt đảm bảo giao thông cho nhân dân đi lại, vận động các nhà thầu có năng lực tiếp tục thi công.


Văn Trường

Mới nhất

x
Nhà thầu không thực hiện theo quy định
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO