Nhà thơ của "Nhịp cầu nối những bờ vui"

03/06/2013 21:10

Ở Nghệ An, có ba nhà thơ mà sự nghiệp sáng tác văn chương của họ khá phong phú, nhưng vì mỗi người đều có một bài thơ đỉnh cao, nổi tiếng, đã lay động, thức tỉnh cả một thế hệ, trở thành di sản tinh thần của quê hương ngay khi nhà thơ còn sống. Đó là trường hợp của Trần Hữu Thung với “Thăm lúa”, Minh Huệ với “Đêm nay Bác không ngủ”, Phan Văn Từ  với “Nhịp cầu nối những bờ vui”. Riêng bài thơ “Nhịp cầu nối những bờ vui” của Phan Văn Từ được nhạc sĩ Văn An phổ nhạc thành bài ca đi cùng năm tháng, thành bài hát truyền thống của bộ đội công binh anh hùng.

(Baonghean) - Ở Nghệ An, có ba nhà thơ mà sự nghiệp sáng tác văn chương của họ khá phong phú, nhưng vì mỗi người đều có một bài thơ đỉnh cao, nổi tiếng, đã lay động, thức tỉnh cả một thế hệ, trở thành di sản tinh thần của quê hương ngay khi nhà thơ còn sống. Đó là trường hợp của Trần Hữu Thung với “Thăm lúa”, Minh Huệ với “Đêm nay Bác không ngủ”, Phan Văn Từ với “Nhịp cầu nối những bờ vui”. Riêng bài thơ “Nhịp cầu nối những bờ vui” của Phan Văn Từ được nhạc sĩ Văn An phổ nhạc thành bài ca đi cùng năm tháng, thành bài hát truyền thống của bộ đội công binh anh hùng.

Phan Văn Từ sinh năm 1940, tại làng Liên Trì, xã Liên Thành huyện Yên Thành. Học xong cấp hai, Phan Văn Từ thi vào Trường Trung cấp Thương nghiệp và được cử ra Yên Bái làm nhiệm vụ thu mua nông thổ sản cung cấp cho các cửa hàng thương nghiệp trong tỉnh. Từ Yên Bái, Phan Văn Từ nhập ngũ vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Nam vừa chiến đấu vừa làm thơ phục vụ bộ đội, rồi được điều về văn nghệ quân giải phóng, cùng sống và viết với Nguyễn Trọng Oánh, Trần Ninh Hồ, Hào Vũ… Kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh, ông về quê, làm biên tập viên văn nghệ của Đài Phát thanh Nghệ An. Suốt 25 năm làm “bà đỡ”, làm công việc bếp núc của người biên tập viên, ông trở thành người tri âm tri kỷ, thành địa chỉ tin cậy của các cây bình thơ trong và ngoài tỉnh, đến nỗi khi Phan Văn Từ nghỉ hưu để lại một khoảng trống vắng khó bù đắp được.



Ông Phan Văn Từ Ảnh: H.C

Phan Văn Từ thuộc loại nhà thơ tài năng và tấm lòng hòa quyện thành bản lĩnh thơ. Có một ít thiên phú cộng thêm với năng lực nội sinh trong quá trình vừa học tập vừa sáng tác, đến nay, ông đã cho ra đời 6 tập thơ, trong đó có 4 tập được giải thưởng Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương, một tập được giải thưởng của Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Lẽ thường, khi người ta say thơ thì thường sao nhãng, bê trễ việc nhà và các công việc xã hội khác nhưng Phan Văn Từ không thế. Ông say sưa sáng tác, ông thức thâu đêm bên những chồng bản thảo của bạn bầu, thứ bảy, chủ nhật, các đợt nghỉ phép ông còn về Liên Trì cày ruộng như một lão nông tri điền. 8 sào ruộng khoán đều tự vợ chồng cha con ông cày cấy gặt hái không hề thuê mướn ai, nhờ vậy mà ông nuôi được 7 đứa con, các cháu đều được học hành chu đáo, cháu út sắp tốt nghiệp đại học.

Người ta nói phần lớn những người làm thơ đều nghèo. Nghèo đến mức có người tếu táo: “Muốn cho trộm chẳng vào nhà/ Đề vào trước cổng đây là nhà thơ”. Mà nhà thơ ở miền Trung, vùng gió Lào cát trắng thì thường nghèo hơn cả nước. Phan Văn Từ vừa là nhà thơ vừa là nhà báo, chỉ một suất lương hẻo nuôi 7 đứa con. Nhưng Phan Văn Từ đã vượt qua những khó khăn tưởng như không vượt qua được để sống trung thực, thanh cao, làm cho bạn bầu và những người chung quanh nể phục. Rất nhiều bạn bầu nhờ Phan Văn Từ biên tập thơ, nhiều cơ quan đơn vị nhờ Phan Văn Từ làm sách lịch sử, kỷ yếu. Những năm về hưu, Phan Văn Từ giúp huyện Yên Thành biên tập in ấn nội san Yên Thành. Ông còn cùng với một số bạn thơ tỉ mẩn gom nhặt bản thảo, di cảo của những người bạn thơ đã khuất như Biển Hồ, Trần Xuân Kỳ, Ngọc Cương… để in ấn. Khi làm những việc ấy, Phan Văn Từ không bao giờ đòi hỏi, tơ hào gì về tiền nong, vật chất. Ông cứ thầm lặng viết, đọc, đi như con o­ng cần mẫn.



Ông Phan Văn Từ (thứ 2 bên trái) đang đi thực tế
tại Tổng đội TNXP 6 (Yên Thành). Ảnh: Hồ Các

Thời ông còn ở Đài PTTH Nghệ An, bạn bầu trong Nam ngoài Bắc động viên ông làm đơn xin vào Hội Nhà văn Việt Nam, làm đơn vào Đảng, ông chỉ im lặng mỉm cười. Có lẽ ít ai nghĩ rằng Phan Văn Từ chưa là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, chưa là đảng viên, nhưng đó là sự thật. Càng không phải ông có vấn đề gì về lý lịch mà chỉ vì ông không làm đơn. Có nhiều người nói, người hiền thường gàn. Ấy thế nhưng khi ông làm thơ về Đảng, về Bác, cũng là những phút thăng hoa không kém khi ông làm thơ tình. Ngày kỉ niệm 120 năm Ngày sinh nhà cách mạng Phan Đăng Lưu, thơ ông in trang trọng ở trang đầu báo Đảng: “Đã hai thứ tóc trên đầu, tôi chưa là đảng viên”.

Thơ và nhân cách thơ Phan Văn Từ sẽ còn là đề tài gợi mở cho nhiều chuyên luận, bởi nhiều người đã và sẽ còn say mê, ám ảnh, càng đọc càng thấy hay.


Ngô Đức Tiến

Mới nhất
x
Nhà thơ của "Nhịp cầu nối những bờ vui"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO