Nhà thơ Phan Văn Từ: Người nối những bờ vui qua cánh sóng

10/08/2014 11:36

(Baonghean.vn) - Anh Phan Văn Từ là một cây bút làm thơ và làm báo từ thời Văn nghệ giải phóng. Sau ngày đất nước ta thống nhất, năm 1976 anh về nhận công tác ở bộ phận Văn nghệ - Đài Phát thanh Nghệ An, sau nhập tỉnh là Đài Phát thanh Nghệ Tĩnh.

Hồi ấy, cái “đài mang hông” đang còn là cả một hiện tượng quan trọng góp phần làm nên đời sống văn hóa tinh thần của mỗi người dân quê ta. Ấy vậy mà đời sống cơm áo của các “nhà đài” bấy giờ lại vô cùng khiêm tốn, nếu không muốn nói là nghèo khó, nhếch nhác, đúng như hai câu ca dao truyền miệng:

Nhà thơ, nhà báo, nhà đài

Cả ba nhà ấy chưa ai có nhà!

Tôi quen anh Từ cũng từ cái năm 76 ấy. Tôi, cậu sinh viên năm thứ 2 khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Sư phạm Vinh hay lân la tới căn phòng cấp 4 thấp lè tè của nhà báo Phan Văn Từ (hồi ấy, Đài Phát thanh Nghệ Tĩnh đóng trong Thành Vinh, gần Bảo tàng Tổng hợp tỉnh bây giờ). Ban đầu tôi đến để xem tác giả bài thơ của ca khúc “Nhịp cầu nối những bờ vui” đã trở nên khá quen thuộc. Bài thơ in đầu tiên trên Báo Nhân Dân năm 1971, sau só được nhạc sỹ Văn An phổ nhạc. Những năm sau này, lúc chúng tôi đi chơi hoặc đi thực tế sáng tác đâu đó, lúc giới thiệu về anh Từ, chúng tôi chỉ nói rất gọn: Đấy là tác giả của “Nhịp cầu nối những bơ vui” là khách đã ồ lên như gặp lại người quen lâu ngày. Kể cũng là một hạnh phúc!

Phan Văn Tư chụp ảnh lưu niệm
Nhà thơ Phan Văn Từ (thứ 3 bên phải) cùng các văn nghệ sĩ trong chuyến đi thực tế

TIN LIÊN QUAN

Tôi tìm đến, còn nghe anh rủ rỉ về thơ, về nghề, rồi cũng để mạnh dạn gửi bài cho chương trình văn nghệ do anh phụ trách. Những bài thơ đầu tiên của tôi, trước lúc đăng báo đã được “Đài anh Từ” phát sóng. Sau, tôi gửi thêm loại bài phê bình, đọc sách, những bài viết về đời sống văn hóa, văn học tỉnh nhà, đều được anh cho phát. Những tối đón nghe chương trình văn nghệ Đài Nghệ Tĩnh, lại phát cả bài của mình, thấy vui và cảm động đáo để. Bạn nghe đài hồi ấy tất nhiên là đông và chí thú hơn bây giờ gấp nhiều lần.

Chương trình nào hay dở, bài thơ, truyện kí nào lạ có tâm huyết, có gửi gắm thì y như rằng ngày hôm sau đã được dư luận người nghe bàn tán. Không ít người chờ đến tuần sau đón nghe phát lại. Tôi đâm ra mê đài. Mê tới mức thời gian sắp thi tốt nghiệp đại học, tôi dò hỏi anh Từ, rằng tôi có nguyện vọng về Đài Nghệ Tĩnh công tác, có thể là về giúp việc vặt cho anh. Anh Từ thấy thế nào? Hình như có cảm mến tôi, Phan Văn Từ bảo được, để dò hỏi thêm cấp trên, căn dặn tôi cứ làm đơn, hồ sơ và thu thập các bài đã phát đã in để lãnh đạo đài xem xét. Tôi háo hức làm theo, nhưng cuối cùng thì mình vẫn chỉ là…một cộng tác viên của đài!

Cuối năm 2000, qua một người bạn tôi biết anh Từ sắp nghỉ hưu. Anh sinh ngày 7/7/1942, tuổi ấy nhà nước cho nghỉ là mừng rồi. Tuy vậy chuyện anh Từ từ nay không làm chương trình văn nghệ của đài nữa, sẽ về lại quê Yên Thành cùng vợ cày cấy nuôi sao cho đủ gần chục miệng ăn… khiến tôi bàng hoàng mất gần một tuần. Tự thấy trống trải, thiếu vắng một địa chỉ để chơi, để học và làm nghề. Ngoài đời, nhà báo Phan Văn Từ cực kì ít nói, hay ngồi nghe đồng nghiệp lên tiếng, tranh cãi, hùng biện trong khi anh chỉ cươi cười. Anh trò chuyện chủ yếu bằng nụ cười ấy. Có điều, khi bạn bè cần anh một lời khuyên, hay trước một vấn đề phức tạp cần nêu chứng kiến rõ ràng thì anh Từ “xuất hiện ngay”, một cách vô tư và khá sáng suốt. Một nhà thơ, nhà báo quan hệ rộng, cởi mở, thân ái, khiêm tốn, đầy quyết đoán, có thể vào việc bất cứ ở đâu và lúc nào miễn là ở đấy, lúc ấy có nội dung văn nghệ, có bạn hữu cùng hợp tác, làm nên biết bao chương trình tiếng thơ, bình phẩm thơ ca vừa gần gũi đời thường, thời sự mà vẫn tươi sống, bài bản, động viên tốt các phong trào…

Tôi còn nhớ một số buổi, anh Phan Văn Từ mời cánh làm thơ chúng tôi vào phòng ghi âm của đài để đọc thơ. Làm xong một chương trình, cả người biên tập, người dẫn, người đọc, người ghi đều toát mồ hôi hột. Ai rủng rỉnh đôi ba đồng thì kéo cả đám sà vào quan nước ngay trước cổng đài, ngồi tán chuyện bên chén rượu lạc, không quên nhắc nhau đón nghe chương trình sắp phát. Có người nghe, cũng có người bận việc không nghe được, nhưng lòng tự nhủ lòng thế là mình còn viết, còn đam mê, còn có tí chút gì đó để nhắc nhở với bạn nghe đài là mình vẫn còn sống, còn trăn trở cho cuộc sống này. Đôi ba lần, bài tôi gửi, anh Từ không phát vì một lý do nào đấy. Nhưng nhuận bút thì anh vẫn tính rồi gửi cho tác giả. Tôi thắc mắc một mình, sau này tìm hiểu mới vỡ nhẽ cộng tác viên nào “rách” quá, kiểu như tôi làm cán bộ giảng dạy Trường ĐHSP Vinh thời bao cấp thì thi thoảng anh vẫn động viên theo lối ấy. Đồng nhuận bút tuy nhỏ, mà cái tình đồng nghiệp che chở cho nhau lúc bần hàn, thật lớn lắm thay!

Riêng tôi, từ cái ngày anh Từ nghỉ hưu, tôi thưa thớt cộng tác với đài hơn trước nhiều. Có khi quên đứt hàng năm. Vì sao? Không, dứt khoát không phải anh ấy thiên vị tôi, phát dùm cho tôi nhiều bài để lấy tiếng tăm và nhuận bút, còn bây giờ nhà báo khác biên tập, mình không quen thân thì đâm ngại. Điều quan trọng hơn cả, là Phan Văn Từ đã cảm hóa được nhiều cây bút cả ở Nghệ An và Hà Tĩnh, trong đó có tôi, khiến họ tự đáy lòng mình tin cậy, trao gửi những đứa con tinh thần của mình cho anh.

Những chiếc cầu vẫn nối hai quê

Đêm trăng sáng chân cầu em giặt áo

Anh lại về sau ngàn ngày chiến đấu

Ngồi trên cầu thổi sáo đón em.

Anh Phan Văn Từ vừa mất đi. Có bao nhiêu người thương tiếc? Nhưng một Phan Văn Từ ân nghĩa trong đời và trong thơ chắc sẽ còn lại lâu dài. Có một Phan Văn Từ nữa, trong làng báo chí phát thanh tỉnh nhà, một mảng sống và hoạt động rất sôi nổi trong đời sống văn hóa văn nghệ tỉnh, nên tôi cứ mạo muội gọi anh là người “nối những bờ vui” qua muôn trùng cánh sóng…

Nguyễn Văn Hùng

Mới nhất

x
Nhà thơ Phan Văn Từ: Người nối những bờ vui qua cánh sóng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO