Nhà thơ Tùng Bách: Thơ trẻ còn chưa tìm thấy lối đi
(Baonghean) - Nhà thơ Tùng Bách (Lê Tùng Bách) là một nhà thơ xứ Nghệ thành danh với một giọng thơ rất hóm hỉnh nhưng sâu sắc. Ông là hội viên Hội Nhà văn việt Nam, từng là biên tập viên lâu năm của hội VHNT Nghệ - Tĩnh trước đây. Về phần mình, Tùng Bách chỉ ước được “như chim chiền chiện trên đồng vừa hót vừa bay”. Nhân Ngày thơ Việt Nam, chúng tôi có cuộc gặp gỡ trò chuyện với tác giả thơ tài hoa này...
Xin chào nhà thơ Tùng Bách, chúc nhà thơ năm mới mạnh khỏe.
Xin cảm ơn!. Với nhà thơ, mỗi ngày là một cái mới.
Nhiều người bảo là thơ khó lắm, nhưng hình như Tùng Bách làm thơ như không ấy nhỉ?...
Điều đó còn tùy hoàn cảnh. Nói chung là thơ nó tự đến với mình đấy. Đó là ở cái duyên nữa. Có người viết đấy nhưng lại giống như không phải đang viết. Cũng như người diễn viên vậy thôi, anh ta phải diễn như không diễn, thế mới đạt. Với thơ, đó là một cách biểu thị ý đồ và những cách nhìn của người làm thơ về cuộc sống.
Hội Nhà Văn Việt Nam sắp tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ 10, vậy nhà thơ thấy từ khi có Ngày thơ thì phong trào sáng tác thơ trong tỉnh có gì đổi mới không ạ?
Ngày thơ Việt Nam là một sáng kiến lớn của Hội Nhà Văn Việt Nam, tạo cho người làm thơ và người yêu thơ có một ngày hội riêng. Đó thực sự là một niềm vui của người yêu thơ. Qua 10 năm, tôi thấy ngày hội thơ đã có tác động sâu rộng. Những ngày này hầu như các địa phương, các câu lạc bộ thơ xã phường đều tổ chức ngày thơ của họ. Quá 9 ngày hội thơ, sắp sửa là ngày hội thứ 10, có thể nói thơ đã thực sự “xã hội hóa” với phong trào người người làm thơ.
Trong mười năm qua tôi vẫn còn đó một dự báo về một triển vọng từ những cây bút thơ trẻ tỉnh nhà. Thi thoảng cũng có những bài thơ hay của các tác giả trẻ nhưng thực sự chưa nhiều. Ngày trước, khi anh Mậu, anh Duật (Nguyễn Đức Mậu, Phạm Tiến Duật - PV) xuất hiện người ta thường đặt nhiều kỳ vọng lắm chứ... Có lẽ bây giờ việc xuất bản, in ấn dễ quá nên người ta có phần kém háo hức hơn với thơ chăng?...Có cây bút Kha Thị Thường cũng rất đáng chú ý, nhưng hình như văn xuôi của chị này nổi hơn là thơ.
Các tác giả thơ trẻ bây giờ cũng đang tìm cho mình một lối đi riêng đấy chứ?
Từ Đổi mới đến nay, phong trào sáng tác trẻ cũng có những đổi mới, nhưng gần đây giới trẻ làm thơ đang sáng tác theo lối chỉ hợp với họ. Dường như người làm thơ trẻ bây giờ đang tìm cho mình một lối viết mới nhưng vẫn chưa tìm thấy con đường phù hợp.
Có nhà thơ thế hệ của tôi cũng cổ súy cho phong trào này như anh Nguyễn Trọng Tạo chẳng hạn. Nhưng anh ấy vẫn chưa thể qua được những sáng tác trước đây của mình, như là tập Thế giới không còn trăng....
Hình như nhà thơ có hơi “khó tính” với thơ?
Tôi không nghĩ vậy, bởi lẽ làm thơ nó cực khó. Có người đã tuyên bố “thôi không làm thơ nữa” như Nguyễn Duy chẳng hạn. Nhưng thực sự là thơ đã bỏ họ đi chứ không phải họ bỏ làm thơ. Con người ta khi già rồi thì không còn “khỏe” được nữa. Người khôn ngoan thường biết dừng lại đúng lúc. Cũng như mình vậy thôi, sẽ có ngày thơ cũng bỏ mình mà đi.
Nhà thơ muốn gửi gắm điều gì đối với thế hệ sáng tác thơ sau này?
Thực sự tôi muốn thế hệ viết trẻ có được sự bồi dưỡng về văn hóa, lối sống, lối viết. Có vậy họ mới tìm thấy một lối đi tốt. Có lẽ việc in thơ quá dễ nên sáng tác của họ cũng dễ dãi. Những sáng tác của họ hướng đến cái “tôi” nhiều hơn là cái “ta”. Từ xưa đến nay, phần lớn những tác phẩm trường tồn với thời gian thường hướng đến đại chúng mà.
Xin chân thành cảm ơn nhà thơ Tùng Bách!...
Hữu Vi (thực hiện)