Nhà văn hóa người Nghệ được vua Khải Định ban thơ Ngự chế

28/05/2013 20:50

Cao Xuân Dục là danh sĩ đời vua Duy Tân, tự Tử Phát, hiệu Long Cương, quê xã Tịnh Kháng, huyện Đông Thành, phủ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Năm 1877, ông đỗ cử nhân, làm đến Thượng thư bộ Học, Tổng tài Sử quán, tước An Xuân Tử. Ông là một nhà sử học, một nhà nghiên cứu địa phương xuất sắc và bề thế nhất của nước nhà. Ông đã để lại rất nhiều bộ thư tịch có giá trị của riêng mình và cũng góp phần biên tập nhiều bộ chính sử quan trọng của triều Nguyễn.

(Baonghean) - Cao Xuân Dục là danh sĩ đời vua Duy Tân, tự Tử Phát, hiệu Long Cương, quê xã Tịnh Kháng, huyện Đông Thành, phủ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Năm 1877, ông đỗ cử nhân, làm đến Thượng thư bộ Học, Tổng tài Sử quán, tước An Xuân Tử. Ông là một nhà sử học, một nhà nghiên cứu địa phương xuất sắc và bề thế nhất của nước nhà. Ông đã để lại rất nhiều bộ thư tịch có giá trị của riêng mình và cũng góp phần biên tập nhiều bộ chính sử quan trọng của triều Nguyễn.

Hiện nay, nhiều bộ mộc bản có sự biên tập của ông và cả những bộ sách do ông viết được bảo quản tại Kho lưu trữ quốc gia tại Đà Lạt, gồm: Đại Nam thực lục đệ ngũ kỷ; Đại Nam thực lục đệ lục kỷ; Quốc triều chính biên toát yếu; Đại Nam nhất thống chí; Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ tục biên; Nhân thế tu tri. Ngoài ra ông còn trực tiếp biên soạn sách: Quốc triều hương khoa lục, Quốc triều đăng khoa lục; Đại Nam chính biên liệt truyện. Những bộ sách mộc bản có dấu ấn của Cao Xuân Dục trong kho lưu trữ Hán Nôm đã góp phần làm nên khối mộc bản triều Nguyễn có giá trị tư liệu gốc.



Đông các Đại học sĩ Cao Xuân Dục (Ảnh chụp năm 1907) và cuốn sách Quốc triều hương khoa lục do ông biên soạn.

Trong đó có những bộ sách ghi chép về chủ quyền biển đảo của Việt Nam như Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí… cung cấp nhiều thông tin xác thực cho giới khoa học nghiên cứu. Ngoài ra, ông còn thành lập một kho sách cổ tại xứ Nghệ có tên là Long Cương, nơi lưu trữ những cuốn sách cổ được ông thu thập trong thời gian làm quan, thuê người sao chép thành nhiều bản để gìn giữ cho hậu thế. Bên cạnh đó, ông cũng để lại cho đời các tập thơ văn chữ Hán - Nôm như Long Cương thi thảo; Long Cương liên tập; Long Cương Lai hạ tập… Sự đóng góp của ông trong nền sử học nước nhà là hết sức to lớn và theo đánh giá của GS. Chương Thâu: “Cao Xuân Dục có thể xứng đáng là một nhà văn hoá lớn ở nước ta cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Đứng đầu bộ Học và Sử Quán, ông chỉ đạo và tham gia biên soạn cùng một số học giả ở hai cơ quan này nhiều bộ sách về sử và địa lý”.



Là người có đóng góp công sức biên soạn hàng vạn trang sách lịch sử địa lý, triết học… của triều Nguyễn và lại tự mình biên soạn Quốc triều hương khoa lục và Quốc triều đăng khoa lục nên vị trí của Cao Xuân Dục trong Quốc sử quán là rất quan trọng. Tuy rằng ông chỉ là cử nhân, không có học vị cao như các nhà khoa bảng đương thời, nhưng ông lại có may mắn làm Chánh chủ khảo trường thi Hương Hà Nam (1894), rồi làm Tổng tài Quốc sử quán, cuối cùng lên đến Thượng thư Bộ Học.

Sau khi mất, ông đã được “Đại Nam thực lục chính biên” (đệ thất kỷ) thời vua Khải Định nhận xét rằng: “Xuân Dục nổi tiếng văn học, làm quan trải các chức Tuần phủ Tổng đốc tới Thượng thư bộ Học sung Phụ chính đại thần kiêm Tổng tài Quốc sử quán, có nhiều trước tác như các sách Quốc triều Hương khoa lục, Quốc triều Khoa bảng lục, Đại Nam nhất thống chí, Nhân thế tu tri. Đến khi tuổi già trí sự thăng Đông Các đại học sĩ, đến lúc ấy chết. Vua nghe tin nói: “Cao khanh dự việc triều chính nhiều năm, tuổi già về hưu đã hưởng thọ cao, trong năm điều phúc của nhân sinh đã có được ba, thật là hiếm có trong thiên hạ. Nay ở nhà không may từ trần, trẫm rất thương tiếc. Bèn chuẩn truy tặng Thiếu phó cấp tuất ban tế như lệ”.

Đích thân vua Khải Định ban thơ Ngự chế cho Cao Xuân Dục: Trong chậu công danh trải ruổi rong/ Mấy năm chim mỏi chán tây đông/ Tuổi cao bảng sang danh Lương lão/ Tóc bạc cờ bay dáng Lữ ông/ Tơ tuyết thảnh thơi cùng chén rượu/ Gió trăng ngâm ngợi với mây tùng/ Vài lời chiếu chỉ khanh nên nhớ/ Nẻo thọ thêm xa trẫm vẫn mong.

Hiện nay, mộc bản triều Nguyễn đã là tài sản của quốc gia và là tư liệu của quốc tế, trong đó có một phần công sức của nhà văn hóa, nhà sử học người Nghệ tài ba Cao Xuân Dục đối với công việc biên soạn quốc sử nước nhà.


Nguyễn Huy Khuyến (Khoa Đông Phương, Đại học Đà Lạt)

Mới nhất

x
Nhà văn hóa người Nghệ được vua Khải Định ban thơ Ngự chế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO