Nhà văn Ngô Xuân Chuẩn: "Chất lính" trong văn

21/12/2014 12:49

(Baonghean) - Tôi đã nhiều lần đọc truyện ngắn của ông trên chuyên trang Văn học - nghệ thuật của Báo Nghệ An cuối tuần. Đó là những đau đáu buồn - vui với những nhân vật thời chiến mà ẩn sau bao hào hùng trận mạc, là thẳm vời trăn trở, nghĩ suy rất đời, rất người. Mối giao cảm NHỎ ẤY CỦA TÔI hóa ra lại thành cơ duyên hạnh ngộ hôm nay với ông - nhà văn, nhà giáo, cựu chiến binh Ngô Xuân Chuẩn…

“Ồ tôi chỉ là lão già ham viết. Quá cổ lai hy rồi, có gì đâu để nhà báo phỏng vấn?”- nhà văn Ngô Xuân Chuẩn đón tôi ngay khúc ngã tư Thị trấn Cầu Giát (Quỳnh Lưu), bắt chuyện bằng lối nói khiêm nhường của một người già kín kẽ lẽ sống cuộc đời. Thế rồi, đoạn đường vài, ba trăm mét khởi đầu từ những ồn ã ngược xuôi ấy vào đến cổng nhà ông thong thả những chuyện trò, thăm hỏi. “Lão già ham viết” ấy nay đã gần 75 tuổi. Mái tóc bạc phơ, chân bước hơi tập tễnh vì di chứng liệt nửa người sau cơn tai biến quái ác cách đây 11 năm; còn lại, tất thảy ở ông đều toát lên vẻ minh mẫn và nhanh nhẹn lạ thường.

Nhà văn Xuân Chuẩn.
Nhà văn Xuân Chuẩn.

Ông thoáng vẻ ái ngại, trần tình cho cảnh nhà đang dở dang, bừa bộn những đồ đạc để cho tốp thợ kịp sơn hoàn thiện trong vài ngày tới. Tốp thợ lao xao những tiếng í ới, nghe ra giọng xứ Thanh? “Thì tôi vốn gốc Nông Cống, Thanh Hóa mà. Tuần trước về quê, gặp được mấy cậu thợ sành nghề này, tôi vội mời về chỉnh trang lại căn nhà. Thợ thì ở đâu cũng sẵn, nhưng là vì được nghe tiếng nói thợ quê mình…” - ông đón lời, như thể hiểu những băn khoăn của tôi. Ông là thế, luôn ôm ấp một tình yêu nguồn cội đằm địa, và với ông, những điều đã qua là những điều không bao giờ mất. Như ký ức về miền quê đau đáu “yêu thương và hờn giận” như cách ông bày tỏ, luôn thấp thoáng trên những trang văn, dòng thơ của nhà văn Xuân Chuẩn, dẫu đã hơn nửa đời người, ông sống, làm việc và gắn bó với mảnh đất Nghệ An này. Như những chiến trường đỏ lửa, những cánh rừng trụi lá sau trận rải bom na - pan, như những người con gái, con trai phơi phới tuổi thanh xuân đã ngã xuống cho cuộc trường chinh của dân tộc… Ông bảo, không thể nào quên được, ngay cả lúc này đây, những tưởng tuổi già và bệnh tật đã quật ngã nhiều thứ, thì dòng ký ức ấy, vẫn dội vào lồng ngực đêm đêm…

Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống hiếu học và yêu nước, nhà văn Xuân Chuẩn là con út trong gia đình có 6 anh, chị em. Con út được chiều chuộng, cưng nựng lắm, và tuổi thơ êm đềm trôi qua trong ấm cúng, có phần khá giả hơn so với chúng bạn cùng trang lứa. Nào có ai ngờ, cuộc đời đầy bất trắc đã giáng xuống chị em ông đòn đánh định mệnh, khi bố mẹ lần lượt qua đời, cảnh nhà gặp nhiều đoạn trường đến nỗi khuynh gia bại sản. Từ đây, ký ức về làng quê là chuỗi những ngày đào rau má, cơm trộn sắn, manh áo vá qua ngày...

Tôi trở về tìm lại tuổi thơ tôi

Trên cánh đồng rạ khô cằn xơ xác

Con cào cào gẫy càng ngơ ngác

Tôi nhặt về bao nỗi băn khoăn

(Tuổi thơ khờ dại, 2000)

Đáng quý và tự hào nhất là vượt lên nghịch cảnh, chị em ông vẫn bảo ban nhau giữ lấy nếp học của tổ tiên, bấm chí học giỏi có tiếng một vùng. Ông bảo, giữa những cơn đói quắt quay, tím bầm người trong giá rét xứ Bắc, suy nghĩ duy nhất tồn tại giữ cho chị em ông không gục ngã, đó là phải học. Học để đền đáp công ơn cha mẹ, để cho những biến cố lớn lao không thể hả hê và để khẳng định chính mình! Người anh của ông là Ngô Xuân Sách - nhà văn, nhà thơ nổi tiếng với những “Đội du kích thiếu niên Đình Bảng”, “Phía núi bên kia”, “Chân dung nhà văn”… Còn những người chị của ông, nhẫn nhịn và kham khổ thay cha mẹ nuôi em thành tài, sau này, bóng dáng của họ vẫn luôn hiện diện trong tác phẩm thơ, văn...

Năm 1964, nhà văn Xuân Chuẩn tốt nghiệp Đại học Sư phạm Văn Hà Nội. Tiếp đó là chặng đường chiến chinh hào hùng, bi tráng và khốc liệt trong vai trò là “lính” tuyên huấn của Sư đoàn 325. 14 năm chiến trận, trải qua nhiều cương vị khác nhau, dặm dài những địa danh đất nước ông cùng đồng đội đã hành quân và bao buồn - vui, tự hào - thương đau, thấm đẫm trong trang viết của chàng lính trẻ và cả sau này, khi đã rời quân ngũ. Nhiều độc giả nhận xét, Xuân Chuẩn là một trong số hiếm những tác giả truyện ngắn viết về thời chiến và hậu chiến chân thực, hấp dẫn trong làng văn xứ Nghệ. Trò chuyện lâu với ông, mới thực xác tín cảm nhận văn chương ấy, bởi thấm thía nỗi nặng lòng của một người từng kinh qua chiến tranh, đã sống những ngày trận mạc, đối mặt với ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh. Ông kể, có lần, trong căn hầm nhỏ hẹp, ông và đồng đội đang tận hưởng những thời khắc yên tĩnh hiếm hoi sau trận chiến ác liệt. Tuyền những chàng trai trẻ mặt còn phây phẩy măng tơ, bấm nhau cười òa lên trước những mẩu chuyện đùa vui vẻ. Một đồng chí cần vụ tuổi đôi mươi vừa nhập ngũ ít lâu, xung phong nhổm người đứng dậy đi lấy nước uống. Vừa nhoi lên miệng hầm, khi dưới này, trận cười còn chưa kịp tắt, thì bất chợt, một đợt bom Mỹ ầm ầm trút xuống, cắt nảy đất đá, cuốn phăng đi tất thảy những gì còn lại trên mặt đất. Khoảnh khắc ấy, ông và đồng đội trong hầm tưởng chừng như nghẹt thở bởi sự tàn nhẫn của chiến tranh, bởi cậu cần vụ kia còn chưa kịp tắt nụ cười trên môi… Dứt tiếng bom, ông lồm cồm bò dậy, rưng rức lần tìm những mảnh thi thể còn sót lại của người đồng đội… Những mẩu ký ức chiến trận cứ dồn nén lại, bật ra thành tiếng thơ khắc khoải:

Đồng đội ta nằm lại Trường Sơn

Cánh rừng cháy đã mượt mà xanh cỏ

Có phải các anh còn đó

Cho ngọn cỏ bây giờ nhưng nhức

mầu xanh

(Con đường và thảm cỏ, 2000)

Những tác phẩm đã xuất bản của nhà văn Xuân Chuẩn.
Những tác phẩm đã xuất bản của nhà văn Xuân Chuẩn.

Nhà văn Xuân Chuẩn run run kể lại cho tôi hồi ức bi thương ấy, như thêm một lần đối diện với nỗi đau không thể nguôi ngoai trong lòng mình. Ông chìa đôi bàn tay ra, đôi tay lấm chấm đồi mồi của người đàn ông đã gần tiến tới chân dốc cuộc đời, với những vết chân chim hằn in thành muôn vàn đường chỉ tay định mệnh. Chính đôi bàn tay ấy đã chôn cất không biết bao nhiêu thi thể đồng đội trên khắp chiến trường. Cũng chính đôi bàn tay ấy đã vỗ về và ủi an vuốt lên mái tóc xơ xác, lưa thưa của những người con gái mười tám, đôi mươi, cô độc trấn giữ những kho lương thực, đạn dược trong hang động hoang vu miền rừng thiêng, nước độc. Và đôi bàn tay ấy, trái tim giàu rung cảm ấy, đã viết lên những dòng văn, dòng thơ đầy ẩn ức:

Đêm A Lon, con gái vật nhau cười

Mắt giàn dụa không đứa nào ngủ được

Vội quờ tay ôm riết bạn vào lòng

Không có mùa Đông!

Không có mùa Xuân!

Chỉ còn lại nỗi khát khao muôn thuở

Tự ve vuốt, nên tóc không dày nữa

Đôi má lúm đồng tiền, sốt rét đã

mang đi!

(Chị tôi, 1995)

Năm 1976, chiến tranh kết thúc, non sông liền một dải, ông xin rời quân ngũ, trở về nghề nghiệp được đào tạo chính quy của mình là nghề sư phạm. Đất Quỳnh Lưu là lựa chọn của ông bấy giờ, bởi có người vợ thảo hiền là giáo viên dạy trên địa bàn huyện, và cũng bởi cảm nhận về mảnh đất lành với những người con xa xứ. Suốt thời gian đứng trên bục giảng ấy, ông vẫn tranh thủ viết như một cách neo giữ niềm đam mê văn chương và “trả nợ” - như chữ ông thường dùng để nói về nghiệp sáng tác của mình. “Tôi viết về làng quê để trả nợ tổ tiên, cha mẹ, nhân dân cần lao.

Tôi viết về cuộc chiến khốc liệt để trả nợ cho đồng đội tôi - những người còn, người mất. Và viết để trả nợ mảnh đất xứ Nghệ này, đã cho tôi một công việc, một tổ ấm, một chốn yêu thương!” - nhà văn Xuân Chuẩn trầm tư bộc bạch. Mấy chục năm miệt mài trải lòng trên trang viết, hàng ngàn trang bản thảo và nhiều ấn phẩm đã xuất bản như tập truyện ngắn “Dòng sông chảy xiết”, tiểu thuyết “Người anh hùng làng Yên”, tiểu thuyết dài tập “Xóm Lèn”…, tôi không biết đến giờ phút này, ông đã thực thanh thản bước qua những trăn trở, ngổn ngang hồi ức chưa? Chỉ biết chắc một điều rằng, “lão già ham viết” ấy vẫn còn duyên nợ lắm với văn chương. Sau cơn tai biến hồi năm 2003, sức khỏe giảm sút rõ, giờ mỗi ngày ông chỉ làm việc được non 2 tiếng đồng hồ buổi sáng và tranh thủ đọc thêm sách, báo, tạp chí… độ 1 tiếng vào buổi chiều.

Đặc biệt, nhà văn còn tự mày mò học thêm công nghệ thông tin, và 7 năm lại nay chuyển hẳn từ giấy bút truyền thống sang làm việc trên máy vi tính. Không kể đến những truyện ngắn quen thuộc với độc giả Báo Nghệ An như “Chị cả”, “Làng xưa”, “Chuyện nhà của lính”…, thì ông còn đeo mục kỉnh, cần mẫn “mổ cò” cả những tiểu thuyết dày dặn vài trăm trang. Ông bảo, hiện đang hoàn thiện tiểu thuyết tạm đặt tên là “Lòng mẹ”, dựng lại sự mẫu mực, khuôn phép, kỷ cương trong mẫu gia đình truyền thống ở làng quê Việt Nam, với mong mỏi góp thêm tiếng nói - tiếng lòng, níu lại những giá trị đạo đức gia phong đang có nguy cơ phai nhạt trước xô bồ hiện đại.

Không nguôi sáng tạo và cống hiến, văn chương đã trở thành cái nghiệp đeo mang trong ông, và phải chăng, điều giữ nhiệt lượng rừng rực xuyên suốt trên hành trình nhọc nhằn ấy, chính là “chất” lính một thời không bao giờ nguôi quên…

Phước Anh

Mới nhất

x
Nhà văn Ngô Xuân Chuẩn: "Chất lính" trong văn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO