Nhạc sỹ An Thuyên: Tâm hồn "neo đậu bến quê"

04/07/2015 09:19

(Baonghean) - Nghe tin nhạc sỹ An Thuyên qua đời chiều nay sau một cơn đau tim, tôi đã không tin nổi vào tai mình.

Tôi nhớ lần gặp gỡ gần đây với ông, ông còn đầy sôi nổi và hào hứng kể cho tôi nghe về những tháng ngày lặn lội đi sưu tầm ví, giặm một dọc các làng mạc ven sông Lam. Khi ấy, ông là chàng thanh niên trẻ tuổi công tác tại Ty Văn hóa Nghệ An. Tôi nhớ cái lần mình đứng ở Khách sạn Bảo Sơn (Hà Nội), nhìn vào trong căn phòng làm việc của ông, khi ấy ông mới rời “ghế” Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội để nghỉ hưu và được mời về đây làm Giám đốc nghệ thuật của Nhà hát Bảo Sơn. Lúc đó, hình như ông đang tất bật với một loạt dự án âm nhạc. Chỉ thấy trong căn phòng ấy những chiếc đĩa hát, máy hát cổ nằm im lìm. Hóa ra, những giây phút thảnh thơi của ông hiệu trưởng, ông giám đốc bận rộn này, ông dành nó cho thú sưu tầm máy hát cổ. Tôi đã hình dung cái vẻ thảnh thơi ấy của ông, khi duỗi dài chân trên chiếc ghế nằm, mắt khép lại để lắng nghe một bản nhạc xưa cũ, êm đềm thả cho tâm hồn được tìm về một nơi “neo đậu”. Nơi “neo đậu” ấy chính là “bến quê”.

Và tôi đã bấm điện thoại để gọi cho nhạc sỹ Dân Huyền, một người đồng hương, một người bạn vong niên thân thiết của nhạc sỹ An Thuyên. Tôi nghe giọng ông nhạc sỹ già nghẹn ngào: “Lại một tin buồn nữa, sau nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu và Phan Nhân, thì An Thuyên cũng lại ra đi. Anh ấy còn là đồng hương Nghệ An của tôi, là người gắn bó với tôi như anh em ruột thịt”.

Nhạc sỹ Dân Huyền bồi hồi kể cho tôi nghe về một ngày xa lắc xa lơ, những năm 1986, 1987 gì đó, khi ông cùng An Thuyên về thăm quê hương Quỳnh Thắng (Quỳnh Lưu). Chính từ mảnh đất quê hương cằn khô và bỏng rát gió Lào này, người nhạc sỹ đã lớn lên cùng với những yêu thương, khao khát. Cha ông từng làm thư ký kiểm lâm cho Pháp ở Quảng Ninh, sau về quê làm chủ tịch xã. Chính ông đã dựng lên “gánh hát gia đình”, ở đó ông vừa làm đạo diễn kiêm diễn viên và chơi luôn cả ghi ta. Người anh cả của nhạc sỹ cũng là kẻ tài hoa, thường vẽ phông, kéo nhị cho gánh hát. An Thuyên cũng bộc lộ khiếu âm nhạc từ nhỏ. Năm 11 tuổi cậu bé đã đàn hay, sáo giỏi, chơi các nhạc cụ dân tộc cho “gánh hát” của gia đình. Chỉ sau đó một vài năm, An Thuyên đã được mọi người xung quanh ghi nhận tài sáng tác ca khúc với bài “Nối gót anh hùng”, nhân dịp vài người dân quê An Thuyên đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Với bài hát này, An Thuyên được tặng thưởng một quyển sổ và cây bút kim tinh Trung Quốc, và còn được đồng chí Bí thư Huyện ủy khen ngợi. Đó là kỷ niệm về quê hương không thể nào quên của nhạc sỹ An Thuyên trong cả quãng đời dài tha phương.

Nhạc sỹ Dân Huyền nói, đến những năm 1986, 1987, quê hương Quỳnh Thắng của An Thuyên vẫn còn nghèo lắm. Sau này An Thuyên từng nhiều lần kể lại tuổi thơ gắn với củ sắn, củ khoai của mình. Nhưng hẳn rằng trong cái nghèo đói, nhọc nhằn của đời sống đó, người nhạc sỹ vẫn nghe róc rách tiếng suối mát rượi nuôi dưỡng tâm hồn mình từ những câu ví, câu giặm nao nao buồn nhớ, từ tình yêu thương của những con người xứ Nghệ nồng ấm ân tình, từ sự hy sinh và tình yêu lớn lao của cha mẹ, anh, chị em trong gia đình. Tất cả những điều đó tràn ngập, nâng đỡ trái tim đa cảm của người nhạc sỹ, để sau này, trong sáng tác của ông luôn nặng một chữ tình với hai tiếng quê hương. Từ những ca khúc đầu tiên được nhiều người biết đến “Em chọn lối này” ra đời khi ông là anh chiến sỹ 21 tuổi lên đất Tương Dương, cho đến những “Ca dao em và tôi”, “Neo đậu bến quê”, “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”… đều khiến bất cứ người xứ Nghệ nào cũng thấy rưng rưng. Mà đâu chỉ người xứ Nghệ, người dân nào mang hồn cốt thôn quê lại không nhớ, không thương, không nặng lòng với những câu hát ấy?

Năm 1967, An Thuyên bắt đầu công tác ở Ty Văn hoá Nghệ An. Đến năm 1975, ông vào bộ đội rồi năm 1977, ông trở thành nhạc công của Đoàn Văn công Quân khu IV. Năm 1981, ông được cử đi học ở Nhạc viện Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, ông về Phòng Văn nghệ Quân đội, nay là Trường Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội, công tác ở đó cho đến tận lúc về hưu.

“Ngay ngày đầu đặt chân ra Hà Nội, An Thuyên ở tại nhà tôi”, nhạc sỹ Dân Huyền nhớ lại. “Tôi nhớ mãi hình ảnh ấy, khi mỗi sáng An Thuyên lấy xe đạp chở tôi đến nơi làm việc của tôi ở Đài Tiếng nói Việt Nam, rồi mới đi học ở Nhạc viện. Mỗi chiều, anh ấy lại đón tôi về nhà. Chúng tôi đối xử với nhau như những người ruột thịt”. Giọng nói của Dân Huyền chùng xuống khi kể về mỗi bận ông về Vinh lại gặp nhạc sỹ An Thuyên, rồi gần một tháng An Thuyên ở với gia đình ông khi chân ướt chân ráo ra Hà Nội, những lần gặp gỡ vội vàng mà vui khôn xiết ở đài hàn huyên về quê hương xứ Nghệ, những buổi hát cho nhau nghe ca khúc mới sáng tác, động viên, góp ý cho nhau để hoàn thiện những khúc thức, ca từ… “An Thuyên là người vui vẻ, thương người, hay giúp đỡ người khác. Với người lớn tuổi hơn, anh ấy rất tôn trọng, còn với những nhạc sỹ lớp trẻ, anh ấy sẵn lòng giúp đỡ và luôn khuyến khích họ sáng tác”, Dân Huyền nói.

Bây giờ thì trái tim đã cảm, nặng tình quê ấy đã…ngừng nhịp đập. Nhưng những cảm xúc, yêu thương vô bờ trong tâm hồn người nhạc sỹ ấy vẫn đọng trên môi những người yêu nhạc: “Một ngày bằng mấy trăm năm hỡi người”, “Sông Lam biết khi mô cho cạn, đục trong- nhục vinh hỡi người…” “Người về neo đậu bến mô, hồn tôi bến quê neo đậu…”.

T.V

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Nhạc sỹ An Thuyên: Tâm hồn "neo đậu bến quê"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO