Nhạc sỹ Ánh Dương: Những hồi ức, nỗi niềm

(Baonghean) - Những hoài niệm chắp nhặt của người đã qua lâu rồi ngưỡng “cổ lai hy”, vẫn khiến người nghe có những đồng cảm với tác giả của giai điệu “Chào em cô gái Lam Hồng” rạo rực, đầy khí thế một thời vệ quốc “lòng phơi phới dậy tương lai”. Cho đến bây giờ, ông - nhạc sỹ Ánh Dương, vẫn đang đi tìm sự tĩnh tại trước cuộc sống đang còn nồng nàn lắm trong trái tim nghệ sỹ nhạy cảm…

Tôi hẹn xin được gặp ông từ mùa thu năm ngoái, mà đến vào hạ năm nay mới được ông cho cái ừ trong điện thoại nhưng vẫn nhận rõ được thoáng ngần ngừ. Ông tiếp tôi trong căn phòng khách ngập tràn ánh nắng ở ngôi nhà khang trang của người con trai út ở phường Đông Vĩnh, TP. Vinh. Đáp lời hỏi thăm sức khỏe của tôi, ông bảo, đời ông may mắn có hai người con dâu đều chăm sóc ông hết mực, nên ông phải cố gắng sống vui, sống khỏe để “đền ơn” họ. Tôi biết là ông nói vui, nhưng phần nào hiểu tình cảm chân thực của ông khi quan sát thấy sự ý tứ săn sóc ông của chị Mai – người con dâu út, là từ một tấm lòng hiếu thảo, yêu kính, có phần tinh tế đối với người cha già cả (vợ ông – bà Nguyễn Thị Mậu, nguyên ca sỹ, cán bộ Đoàn Văn công Quân khu 4 đã mất).

Khẽ chuyển đĩa hoa quả từ tay chị Mai, nhạc sỹ Ánh Dương vừa vồn vã mời khách vừa bảo, cho phép người già này gọi là gặp gỡ thân tình, còn chuyện làm nhạc, tác phẩm này nọ đã được báo viết nhiều rồi; càng về già càng suy nghĩ tợn, thấy được những phù du hư ảo trong những tôn vinh có những thứ thực chất chưa chắc đã thuộc về mình, nên ngần ngại giãi lòng! Tôi vân vi, là một chút chia sẻ của ông cũng là quý, vì ông là một nhạc sỹ nổi tiếng, và phần nào trong nhịp gấp gáp của muôn trào lưu âm nhạc với những “cuộc đua” thời thượng hôm nay, ông vẫn là một sự yêu mến của công chúng gắn với niềm tự hào về quá khứ chiến tranh hào hùng chưa xa của dân tộc. Trong nền âm nhạc cách mạng nước nhà, ngoài ca khúc “Chào em cô gái Lam Hồng” sống mãi với thời gian, thường xuyên hiện diện ở nhiều không gian, sự kiện âm nhạc, thì nhạc sỹ Ánh Dương còn có những ca khúc (dù không nhiều) để ông giành một vị trí không kém phần trang trọng.
Nh-c-s--Ánh-duong-th-i-tr-,...jpg
 
Nhạc sỹ Ánh Dương thờ trẻ... và bây giờ.
Nhạc sỹ Ánh Dương thờ trẻ... và bây giờ.
Bút tích ký tặng đĩa CD tài liệu  của nhạc sỹ Ánh Dương.
Bút tích ký tặng đĩa CD tài liệu của nhạc sỹ Ánh Dương.
Cho đến bây giờ, công chúng nhiều người vẫn nghĩ Ánh Dương chỉ có một ca khúc duy nhất là “Chào em cô gái Lam Hồng”, thậm chí nghĩ ông viết nhạc chỉ là cảm hứng “tay trái”, hay là một anh lính lái xe vui nhộn trên cung đường chở hàng ra tiền tuyến... Sở dĩ người ta nghĩ như vậy là vì ông về hưu đã lâu, từ năm 1989 khi 54 tuổi và đang là Trưởng đoàn Văn công Quân khu 4; chia tay đời binh nghiệp phần lớn dành cho hoạt động nghệ thuật của mình, về hưu ông tâm niệm mình đã hoàn thành nhiệm vụ xã hội, nên ít xuất hiện trong đời sống âm nhạc và cả những sự kiện mà chắc chắn sự có mặt của ông đều đem lại nhiều ý nghĩa…Cả như buổi chiều này, cuộc trò chuyện với ông đã kéo dài mà ông chỉ “chịu” hào hứng lên mỗi khi nói về những đứa con mà ông rất đỗi tự hào. Ngoài hai người con trai đã phương trưởng dù không theo nghiệp của ông, thì người con gái sinh năm 1970, nay đang là Phó trưởng Đoàn Nghệ thuật Quân khu 7.
Thực ra, trước khi hẹn để được gặp ông, tôi đã tìm đọc các bài viết trước đó về ông. Nhạc sỹ Ánh Dương là một người sớm đến và nhiệt tình với cách mạng. Năm 18 tuổi (1953), ông nhập ngũ trong đợt tổng động viên phục vụ chiến trường Điện Biên Phủ, làm lính xung kích trong Chiến dịch Trung – Hạ Lào, lính tình nguyện ở Campuchia, sau đó hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp tại Đoàn Văn công Đại đoàn 325 và đã viết một số ca khúc “Tạm biệt em”, “Tiếng trống tòng quân”. Năm 1955, ông chuyển về Đoàn Văn công Quân khu 4, tiếp tục có các tiết mục được tặng giải thưởng trong các hội diễn nghệ thuật toàn miền Bắc thời đó với các thể loại hợp ca và hợp xướng như “Dốc lòng dốc sức giải phóng miền Nam”, “Hoa đào nở trên biên giới” và “Phu Cham Xy”; rồi những ca khúc đoạt Giải thưởng Hội diễn Ca múa nhạc toàn quốc là “O dân quân và chàng lính pháo trẻ”, “Hành khúc Sư đoàn Sông Lam”... và rất nhiều thử nghiệm thành công sau này nữa của ông như viết thơ cho nhạc giao hưởng, ballade, nhạc dân ca kịch. Nhưng phải nói, ca khúc “Chào em cô gái Lam Hồng” đã góp phần lớn khẳng định tên tuổi của ông. 
Hoàn cảnh ra đời của ca khúc “Chào em cô gái Lam Hồng” rất ít khi được nhạc sỹ Ánh Dương nhắc đến, bởi như ông nói, có được một ca khúc mang lại cho ông chút danh tiếng như thế, không phải nhờ tài năng mà là một sự may mắn, nên kể lại là ông rất ngại. Khi tôi nhắc đến một bài viết của một đồng nghiệp đàn anh nguyên phóng viên Báo Quân khu 4 - anh Hải Hưng; thì ông bảo: “Nhiều năm qua, ngoài một lần trả lời phỏng vấn của truyền hình vào năm 2007, tôi chỉ kể lại với anh Hải Hưng vì trong một đợt đi biểu diễn ở Lào vào năm 1984, khi đoàn bị phỉ phục kích, phải tản ra chạy vào rừng, chính anh Hải Hưng là người đầu tiên xông đi tìm anh chị em nghệ sỹ. Tôi phục sự dũng cảm, tình đồng đội của anh Hải Hưng mà kết bạn vong niên tâm giao”...  
Hóa ra “chất lính” một thời trận mạc vẫn chưa bao giờ phai trong nhạc sỹ Ánh Dương. Ông nói với tôi, điều ông trân trọng nhất là sự dũng cảm, ông coi đó như là biểu hiện cao nhất của lòng tự trọng và là thực sự “biết yêu chính mình”. Ca khúc “Chào em cô gái Lam Hồng” được viết xuất phát từ lời “đặt hàng” của đồng chí Chủ nhiệm chính trị Tỉnh Đội Hà Tĩnh vào năm 1967, nhưng thành công của nó là nhờ nhạc sỹ Ánh Dương đã rất cảm phục sự gan dạ, kiên cường của các o thanh niên xung phong bám trụ trên Quốc lộ 15A bom cày, đạn xới… Ca khúc hoàn thành chỉ sau 1 đêm và hoàn thiện sau 1 tuần ấy, được nhạc sỹ viết dựa trên chất liệu dân ca hề Kiều vùng Nghi Xuân Hà Tĩnh, và để thực sự được công chúng biết đến nhiều, thì như ông đã nói, đó quả là điều may mắn. 
Ông kể: “Năm 1969, nhạc sỹ Đỗ Nhuận khi đó là Tổng Thư ký Hội Nhạc sỹ Việt Nam vào dự Đại hội Quyết thắng Quân khu 4 tổ chức ở Tân Kỳ, khi nghe bài hát này ông ấy đã ghi âm đem về Hà Nội gửi Đài Phát thanh Việt Nam phát, rồi có lời khen là tác giả khéo, viết về cô thanh niên xung phong lại được cả anh lái xe… Nghe ông Đỗ Nhuận khen thế, người ta mới tò mò đi tìm tôi, viết về bài hát của tôi!”. Sau này, vào năm 1987, khi ra Hà Nội dự hội nghị các đoàn trưởng và đạo diễn các đoàn nghệ thuật toàn quốc, nhạc sỹ Ánh Dương được ông Hồ Bông – Đoàn trưởng Đoàn Ca múa Bông Sen TP. Hồ Chí Minh dẫn tới nhà nhạc sỹ Văn Cao tác giả Quốc ca.
Nghe Hồ Bông giới thiệu: “Thưa anh, đây là Ánh Dương viết “Chào em cô gái Lam Hồng”, Văn Cao gật gật. Chuyện trò một lúc, Văn Cao chợt chỉ tay vào Ánh Dương hỏi anh này tên gì? Hồ Bông lại thưa như thế, và Văn Cao lại gật gật. Chuyện trò được một lúc nữa Văn Cao lại hỏi, Hồ Bông lại trả lời… Đến mấy lần như thế, nhạc sỹ Ánh Dương cứ nghĩ là Văn Cao già rồi nên lẫn. Nhưng đến khi chào ra về, Văn Cao chợt kéo Ánh Dương lại bên cửa sổ căn gác nhỏ, nói: “Cứ mỗi buổi sáng anh nhìn về phía này thì nhìn thấy em vì đây là phía ánh dương. Và nếu có thể, em xin nghỉ chức đoàn trưởng ngay đi, thì em mới làm được thêm những “Chào em cô gái Lam Hồng”. Đất nước, nghệ thuật giao cho mình nghề nào thì trước hết hãy làm cho nó tinh xảo đã!”. Nhạc sỹ Ánh Dương đã rất xúc động và lời khuyên của Văn Cao khiến ông suy nghĩ rất nhiều. 
Trong các thông tin nói chung viết về nhạc sỹ Ánh Dương bây giờ, đều ghi ngắn gọn ông là Lê Ánh Dương, sinh năm 1935 ở Quỳnh Lưu, Nghệ An. Phải đến lần thứ ba, khi tôi xen vào câu chuyện mà ông hầu như chỉ nói về những đồng đội, những người bạn văn nghệ sỹ đã đi xa của mình, hỏi ông sinh ở làng xã nào của huyện Quỳnh, thì ông mới cho hay sau một thoáng im lặng; rằng ông sinh ra ở làng Kẻ Hào (tức xã Sơn Hải ngày nay). Với một trái tim nghệ sỹ nhạy cảm và đầy tình yêu cuộc sống như ông, chắc hẳn quê hương nơi chôn nhau cắt rốn là nghĩa tình đằm sâu tha thiết lắm, nên ông cứ nén dòng ký ức cho riêng mình? Sau khi kể lại chuyện gặp Văn Cao, nhạc sỹ Ánh Dương đã bất chợt vỗ vào tay tôi, nói: “Này, mình chưa bao giờ được kết nạp Đoàn nhưng vẫn được kết nạp vào Đảng đấy!”.
Và đến lúc này, nhạc sỹ mới hé lộ, ông ngoại vốn là bang tá ở quê, bố làm chức đội cho Pháp ở Sài Gòn, và dù bố ông sau là ủy viên quân sự trong chính quyền cách mạng huyện Quỳnh Lưu tháng Tám 1945, được coi là Huyện Đội trưởng đầu tiên, thì ông vẫn mãi không được tổ xét kết nạp Đoàn vì lý lịch cho đến khi được kết nạp vào Đảng năm 1967… Năm 1984, trước khi được hỏi ý kiến để giao làm Đoàn trưởng Đoàn Văn công Quân khu 4, đồng chí trợ lý cán bộ hỏi ông: “Thế mạnh của anh là gì?”. Ông trả lời: “Thế mạnh của tôi là… không nên làm đoàn trưởng!”. Trả lời thế, là ý ông muốn nói cứ để ông làm chuyên môn sáng tác, biên tập thì đóng góp tốt hơn; nhưng rồi ông vẫn bị để ý, phải “vất vả” một thời gian. 
…Dẫn tôi xuống căn phòng làm việc nhỏ bộn bề sách báo, nhạc sỹ Ánh Dương cho biết là thỉnh thoảng ông vẫn sáng tác, nhưng cũng chỉ là viết những gì mình thích và trước hết là cho riêng mình, nên chưa công bố. Khi tôi ngỏ ý muốn chụp một bức ảnh chân dung, ông kiên quyết từ chối. Tôi đùa hay là nhạc sỹ cũng “bất hứa nhân gian kiến bạc đầu”! Ông cười: “Viết về mình đã ngại lắm rồi. Chụp ảnh nữa, lên báo, là “tham” quá!”. Thấy tôi chụp lại những bức ảnh chân dung ông do bạn bè chụp, được ông phóng to treo trên tường, ông bảo: “Mình gần như không giữ lại được những tư liệu, bức ảnh hoạt động nào”. Rồi ông chợt trầm giọng: “Thật buồn là trong 4 người sống và công tác ở Nghệ An được trao Giải thưởng Nhà nước về VHNT (nhà thơ Trần Hữu Thung, PGS Ninh Viết Giao, nhà thơ Minh Huệ, nhạc sỹ Ánh Dương – PV), nay chỉ còn lại có tôi. Mỗi khi nhớ đến các anh đã đi xa, lại thấy mình canh cánh điều gì đó chưa làm được!”.
Tôi hiểu phần nào tâm sự của ông. Cho đến nay, nhạc sỹ Ánh Dương chưa có được một đêm nhạc của riêng mình, cũng chẳng có ấn phẩm in các tác phẩm, ngoài đĩa CD tài liệu nói về bài hát “Chào em cô gái Lam Hồng” do Đài PTTH Hà Tĩnh thực hiện dịp ông đón nhận Giải thưởng Nhà nước về VHNT tháng 3/2007. CD mà ông gọi là “một niềm vui nho nhỏ” đó, ông cũng chỉ có vài bản, và ông đã tự tay viết ký tặng tôi một chiếc, như một lần tiễn đi một vài điều ông từng giữ kín trong lòng.
Đình Sâm

tin mới

Lao động may Nghệ An

Đẩy mạnh các giải pháp nâng cao tay nghề cho người lao động, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp

(Baonghean.vn) - Năm 2023, công tác giải quyết việc làm của Nghệ An tiếp tục vượt chỉ tiêu kế hoạch khá cao. Tuy nhiên, việc kết nối cung - cầu về lao động - việc làm giữa doanh nghiệp và người lao động chưa chặt chẽ; mặt bằng trình độ tay nghề người lao động còn thấp...

Những trải nghiệm thú vị ở Cửa Lò lúc rạng đông

Những trải nghiệm thú vị ở Cửa Lò lúc rạng đông

(Baonghean.vn) - Mua hải sản tươi sống ngay khi thuyền vừa cập bến, ghé tay đẩy thuyền cùng ngư dân, dõi mắt nhìn ngư dân nhanh tay gỡ những con cá, con ghẹ trên mắt lưới; thưởng thức món cá nướng thơm lừng ngay bên bếp than nơi bến cá… là những trải nghiệm thú vị của du khách khi đến với Cửa Lò.

Tạo động lực để người trẻ dấn thân và cống hiến

Tạo động lực để người trẻ dấn thân và cống hiến

(Baonghean.vn) - Nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2024), Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với đồng chí Lê Văn Lương - Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An.

'Phép màu' ở Bệnh viện Ung bướu Nghệ An

'Phép màu' ở Bệnh viện Ung bướu Nghệ An

(Baonghean.vn) - “Trước đây, để tìm đến và hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi thường phải về tận các địa phương, nhất là vùng sâu vùng xa. Nhưng bây giờ, chúng tôi chỉ cần đến Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, ở đó luôn có những bệnh nhân khổ nhất, những con người cần hỗ trợ nhất”.

Độc đáo hội thi quăng chài ở miền Tây Nghệ An

Độc đáo hội thi quăng chài ở miền Tây Nghệ An

(Baonghean.vn) - Ngày 24/3, tại xã Châu Kim (Quế Phong) đã diễn ra Hội thi quăng chài lần thứ nhất năm 2024. Đây là hoạt động nhằm duy trì và phát triển nghề chài của địa phương cũng như góp phần làm phong phú thêm các hoạt động trong Lễ hội Đền Chín Gian năm 2024.

Tháng 3 yêu thương nơi biên giới Na Ngoi

Tháng 3 yêu thương nơi biên giới Na Ngoi

(Baonghean.vn) -  Xây dựng đường giao thông, tổ chức bữa cơm yêu thương, tặng quà cho học sinh khó khăn… là những hoạt động của đoàn viên thanh niên xã Na Ngoi và các lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp về màu áo xanh tình nguyện nơi biên cương Tổ quốc.

Nghệ An tham dự Hội nghị 'Gặp gỡ Indonesia 2024'

Nghệ An tham dự Hội nghị 'Gặp gỡ Indonesia 2024'

(Baonghean.vn) - Ngày 22/3, tại thành phố Nha Trang, Bộ Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghị "Gặp gỡ Indonesia năm 2024". Hội nghị là hoạt động hướng tới kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Indonesia.

Vui hội đền Chín Gian

Vui hội đền Chín Gian

(Baonghean.vn) - Đền Chín Gian tọa lạc trên đỉnh Pú Chò Nhàng thuộc bản Khoẳng, xã Châu Kim, huyện Quế Phong, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích cấp Quốc gia.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thăm, động viên Đội Quy tập mộ liệt sĩ tại tỉnh Xiêng Khoảng

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thăm, động viên Đội Quy tập mộ liệt sĩ tại tỉnh Xiêng Khoảng

(Baonghean.vn) - Sáng 21/3, đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành đã đến thăm, động viên cán bộ, nhân viên Đội Quy tập mộ liệt sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tại tỉnh Xiêng Khoảng, nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào.