Nhạc sỹ Trần Cải - Nặng lòng với quê hương

12/10/2014 21:40

(Baonghean) - Chúng tôi tìm về biển Quỳnh, thăm nhạc sỹ Trần Cải vào một buổi chiều thu nắng dịu. Trong căn nhà cổ còn lưu giữ rất nhiều kỷ niệm của ông từ những tháng năm lao động miệt mài cho sự nghiệp âm nhạc, chúng tôi được nghe ông đàn, hát và nói chuyện nghề với những mất, còn trên bước đường lắm thăng trầm, gian truân của đời nghệ sỹ.

Nhạc sỹ Trần Cải bên gia đình.
Nhạc sỹ Trần Cải bên gia đình.

Nhạc sỹ Trần Cải sinh năm 1945 tại thôn Phú Liên, xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu. Ông là con thứ hai trong gia đình có 7 anh, chị em. Được thừa hưởng dòng máu nghệ thuật từ người mẹ (ngày xưa mẹ ông hay hát ả đào) nên ông đã sớm hòa nhập vào đời sống văn nghệ của địa phương với vai trò là Phó Bí thư Đoàn Thanh niên thôn.

Năm 1965 bố ông mất vì trận bom oanh tạc của giặc Mỹ. Cũng vào năm này theo tiếng gọi của đất nước, chàng thanh niên Trần Cải lúc ấy mới ở tuổi 20 đã lên đường nhập ngũ. Ông vào Đội Văn công xung kích Tỉnh đội Nghệ An, vừa làm nhạc công, vừa làm diễn viên múa, diễn viên hát, biên đạo múa... phục vụ quân dân tuyến lửa anh hùng và sang cả nước bạn Lào làm nhiệm vụ.

Tác phẩm múa “Mở đường” ca ngợi người chiến sỹ công binh là một trong hai tác phẩm tiêu biểu của ông trong giai đoạn này được Đoàn NTQK IV dàn dựng. Năm 1970, ông chuyển về công tác tại Đoàn Ca múa miền Tây. Năm 1973, ông đi học ở Trường Âm nhạc Việt Nam (hiện nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia). Năm 1978, ông là chỉ huy dàn nhạc của Đoàn Ca múa nhạc tỉnh Nghệ Tĩnh, sau đó là nhạc trưởng kiêm chỉ đạo nghệ thuật Đoàn Ca múa nhạc tỉnh Nghệ An.

Thời gian này, tiết mục múa “Xuân về trên bản Khơ Mú” của ông vinh dự được tặng Huy chương Vàng tại Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc; Huy chương Bạc cho nhạc múa “Suối Thái”. Ngoài ra, ông còn được tặng giải A cho: Nhạc trưởng Đoàn Ca múa nhạc Nghệ Tĩnh (năm 1985) và giải riêng chỉ huy nhạc Đoàn Ca múa Nghệ Tĩnh trong Liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc (năm 1989).

Năm 1993, ông về hưu nhưng vẫn tiếp tục sự nghiệp sáng tác của mình và hăng hái xây dựng phong trào văn hóa, văn nghệ ở cơ sở. Một số tác phẩm ra đời trong thời gian này càng khẳng định tên tuổi Trần Cải, trong đó có hai lần ông được tặng Giải thưởng VHNT Hồ Xuân Hương. Mới đây nhất, tham gia “Đợt sáng tác ca khúc về Thanh niên Nghệ An”, tác phẩm “Tuổi trẻ quê hương tôi” của ông đã được Tỉnh đoàn và Hội VHNT tỉnh Nghệ An tặng giải thưởng.

Các tác phẩm “Nhớ Bác khôn nguôi”, “Tình biển đảo” – phổ thơ Nguyễn Đăng Việt, “Mẹ Thứ” – phổ thơ Văn Hiền đã được Nhà hát Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam dàn dựng. Một số tác phẩm của ông được Đài Phát thanh – Truyền hình Nghệ An, đoàn NTQK IV, Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Nghệ An và các đội văn nghệ quần chúng dàn dựng, biểu diễn phục vụ nhân dân.

Hy sinh và cống hiến tài năng, sức trẻ cho đất nước từ những ngày khói lửa chiến tranh nên đề tài về Đảng và Bác Hồ luôn là mạch nguồn khơi dậy trong ông niềm sáng tạo. Những thành công của ông về đề tài này phải kể đến tác phẩm “Những mùa Xuân của Bác” – ý thơ Trần Ngưỡng. Bài hát ghi lại những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác. Bằng những ca từ chắt lọc giàu cảm xúc, cùng nhạc điệu nhẹ nhàng, tha thiết, bài hát thể hiện lòng kính yêu, tự hào và biết ơn của tác giả đối với Bác. Để rồi sau rốt “cái tôi” của cá nhân tác giả đã hóa thành “cái ta” cùng muôn triệu con người.

Ông kể: “Vào dịp 19 tháng 5 năm 2002, tôi tình cờ được xem một chương trình truyền hình của Đài Phát thanh – Truyền hình Nghệ An tường thuật cảnh dòng người lặng lẽ đi trong câu hát dân ca và nghi ngút hương trầm về viếng thăm quê mẹ Bác – Làng Sen. Cảm xúc dâng lên ào ạt trong lòng đã buộc tôi cầm bút, và chỉ trong hai giờ đồng hồ tác phẩm “Nhớ Bác khôn nguôi” đã được ra đời”. Tác phẩm này của ông sau đó đã được UBND tỉnh Nghệ An tặng thưởng và được NSND Hồng Lựu trình bày trong album “Tình quê xứ Nghệ 3”. Và dù viết về đề tài nào, thì hình ảnh và lý tưởng của Người luôn được trở đi trở lại trong các sáng tác của ông. Có thể thấy rõ điều đó qua những ca từ: “Nhớ công ơn Đảng, Bác Hồ lắm lắm nên ta múa, nên ta hát yêu miền Tây nhiều nhiều” trong “Xôn xao miền Tây”, và “Miền núi hôm nay còn gian khó, lời Bác thắp sáng đường ta đi” trong “Vui hội miền Tây”, hay “Đẹp sao trai gái trên quê hương Nghệ An, làm theo gương Bác sáng lên niềm tin yêu” trong “Tuổi trẻ quê hương tôi”.

Khoảng thời gian từ năm 1970 - 1973 khi về công tác tại Đoàn Ca múa miền Tây ông mới chỉ sáng tác múa và làm nhạc công, chưa có sáng tác âm nhạc. Nhưng văn hóa dân gian các dân tộc miền núi Nghệ An với những đêm lửa trại, những lễ hội như hội cồng chiêng, hội cầu mùa... cùng tiếng sáo, tiếng khèn, điệu xuối, điệu lăm, điệu xòe; những câu hát mê say, mời gọi... đã ngấm vào máu thịt thôi thúc ông thêm những lần trở lại và tiếp tục sáng tác. Tính đến thời điểm hiện tại ông đã có hơn 10 bài hát về đề tài miền núi, tiêu biểu như: “Nắng mới trên miền Tây”, “Xôn xao miền Tây”, “Đẹp sao cô gái miền Tây”, “Vui hội miền Tây”...

Năm 2013, tham gia “Đợt sáng tác ca khúc về đề tài các dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An” do Sở VHTT & DL - Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An tổ chức, ông đã cho ra đời tác phẩm “Vui hội miền Tây” (phỏng thơ Cẩm Thạch) đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng: “...Sao em không về vui hội cồng chiêng, con gái con trai về đây chật núi. Bản làng chờ mong trăng ngàn cũng đợi. Một mình em múa hát không vui đâu...”. Làn điệu nhẹ nhàng, tình tứ, đậm màu sắc dân ca dân nhạc của các dân tộc miền núi Nghệ An. Ca từ giản dị, trong sáng, dí dỏm, mang hơi thở cuộc sống của đồng bào nơi đây. Lời trách khéo của nhân vật trữ tình trong bài hát chính là lời mời gọi có sức lay động sâu sắc.

Bên cạnh những ca khúc ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu; những ca khúc về đề tài dân tộc miền núi... các ca khúc của ông viết về mẹ cũng rất đặc sắc như: “Tiếng ru của mẹ”, “Bài ca tặng mẹ”. Riêng “Bài ca tặng mẹ” là bài hát mà ông sáng tác để tri ân người mẹ đã mất của mình. Nhạc điệu thiết tha đã chắp cánh cho những ca từ nhẹ nhàng và giàu xúc cảm: “... Ơi mẹ của tôi, ơi mẹ của tôi, tháng năm vất vả tảo tần nuôi con. Chút vui khi ta trưởng thành, thương sao mắt mẹ khi mình còn chưa ngoan... Mẹ ơi! Dù con đi đâu hay về đâu, mẹ như bóng mát che đầu. Dù con đi đâu hay về đâu, cuộc đời của mẹ là nơi con về”. Dẫu rằng, những sáng tác của ông về mẹ không nhiều, nhưng chỉ với những làn điệu ngọt ngào ấy cũng đủ để cảm nhận hơi ấm của một trái tim sâu nặng nghĩa tình!

Cả cuộc đời lao động sáng tạo nghệ thuật phục vụ nhân dân, nhưng cảm giác còn mắc nợ với quê hương đã khiến ông trăn trở rất nhiều. Cũng vì thế mà nhạc sỹ Trần Cải không cho phép mình dừng lại ở những thành công đã đạt được. Các bài hát liên tiếp được ông sáng tác sau khi về hưu càng chứng tỏ độ chín của một cây bút tài năng. Riêng về đất mẹ Quỳnh Lưu ông đã sáng tác tới 13 ca khúc (trong đó có hai ca khúc về Quỳnh Long mảnh đất nơi ông đã sinh ra và lớn lên), ngợi ca những con người đang ngày đêm hăng say xây dựng quê hương.

Và đã trở thành thường lệ, khi mỗi đứa con tinh thần được chào đời, thì vợ ông – bà Trần Thị Hải Yến (cô bạn gái cùng làng, gắn bó với ông từ thời còn đi văn công phục vụ tuyến lửa) là người thử giọng đầu tiên. Trần Cải nhớ lại, năm 1965, ông vào Đội Văn công xung kích Tỉnh đội Nghệ An, thì sau đó 1 năm, khi vừa kết thúc đợt dân công tại mỏ đá Hoàng Mai (Quỳnh Lưu) bà Hải Yến cũng tham gia Đội Văn công xung kích của Tỉnh đội. Trong suốt thời gian 5 năm, bà là diễn viên văn công phục vụ quân dân tuyến lửa anh hùng. Bà có giọng hát rất ngọt, trong và cao. Sau khi đi văn công, bà trở về tham gia sản xuất tại địa phương. Bà là người phụ nữ siêng năng, tháo vát việc gia đình để chồng yên tâm công tác. Nhạc sỹ Trần Cải kể thêm rằng, ngày trước vợ ông làm muối rất giỏi.

Với người nghệ sỹ chân chính, còn hạnh phúc nào lớn hơn khi những tác phẩm như chính những đứa con tinh thần của họ được đông đảo quần chúng đón nhận? Và cũng chính vì lẽ đó mà Trần Cải - con người luôn thấy mình còn mắc nợ với quê hương vẫn còn say mê viết, say mê sáng tạo dù đã ở cái tuổi xế chiều!

Hơn 10 năm liền ông làm Ban giám khảo Hội diễn tiếng hát Làng Sen. Ông đang làm cố vấn về văn hóa, văn nghệ cho huyện nhà và là cá nhân tiêu biểu đại diện cho khối VHNT trong Mặt trận huyện. Hơn 6 năm nay ông giữ chức vụ Chủ tịch Hội Khuyến học xã Quỳnh Long, đồng thời làm Thường vụ Hội Cựu chiến binh xã...

Nguyễn Hòe

Mới nhất
x
Nhạc sỹ Trần Cải - Nặng lòng với quê hương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO