Nhạc sỹ Văn Thế: Đắm đuối khúc nhạc quê hương

24/05/2015 16:29

(Baonghean) - Cận kề tuổi bát tuần, ông vẫn miệt mài với những chuyến đi và say sưa cùng những nốt nhạc. Người nghệ sỹ ấy đi là để được thu nhận thêm những “khúc nhạc đời” mênh mông, rồi chắt lọc để tiếp tục viết nên những “khúc nhạc lòng” rạo rực. Và với ông, quê hương chính là cảm hứng bất tận cho những sáng tác của mình…

Một ngày cuối tháng 5, Thành Vinh ngập tràn ánh nắng, phượng đỏ và bằng lăng tím nhuộm thắm phố phường, những khóm cây rạo rực tiếng ve, ông hẹn gặp tôi trong căn nhà nhỏ ở gần cổng thành. Khác với hình dung ban đầu, dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn khỏe mạnh và minh mẫn, cách trò chuyện giản dị nhưng không kém phần cuốn hút. “Hơn 60 năm rời xa quê hương nhưng con người, cảnh vật và làng quê luôn in dấu trong lòng, có khi nhớ quê đến khắc khoải. Trong tâm hồn bé nhỏ của mình luôn có một bức tranh quê hương, nó luôn thôi thúc mình tiến bước và giúp xoa dịu bao nỗi đau đớn, nhọc nhằn” - nhạc sỹ Văn Thế mở đầu câu chuyện….

Nhạc sỹ Văn Thế.
Nhạc sỹ Văn Thế.

Họ tên đầy đủ của ông là Võ Văn Thế, ông sinh năm 1937 tại làng Dừa, nay là xã Tường Sơn (Anh Sơn). Bố mẹ ông là thợ may nổi tiếng trong vùng, từ nhỏ ông đã được các bậc thân sinh dạy từng đường kim, mũi chỉ và cách cắt may với hy vọng lớn lên sẽ trở thành người kế nghiệp xứng đáng. Ước nguyện ấy sẽ thành hiện thực nếu như cậu bé Võ Văn Thế không đam mê ca hát và phong trào văn hóa - văn nghệ. Tích cực tham gia phong trao thanh- thiếu niên ở địa phương, Văn Thế trở thành “cây” văn nghệ nổi bật, là “hạt nhân” của đội tuyên truyền. Các bậc cao niên của làng Dừa còn nhớ rõ, ngày ấy buổi giao lưu, biểu diễn và tuyên truyền nào có mặt Văn Thế đều thành công và có sức lôi cuốn mọi người. Bởi ông có giọng hát trong trẻo và khỏe khoắn, nhập vai rất xuất sắc mỗi khi diễn kịch và cách sắp xếp, tổ chức linh hoạt đã thực sự để lại ấn tượng với bà con quê hương. Có lẽ, vì thế tài ca hát của ông không chỉ dừng lại trong phạm vi làng Dừa mà được người dân các xã trong vùng biết đến. Khi ông rời quê hương, theo Đoàn Văn công Nghệ An, bà con hàng xóm đến tận nhà để tiễn chân và không quên dặn dò: “Đi xa nhưng đừng bao giờ quên làng Dừa này nhé!”.

Xứ Dừa trong ký ức của Văn Thế là những ngôi làng trù phú ven sông Lam với mái đình rêu phong cổ kính, với cây đa sừng sững đầu làng và có bến sông nhộn nhịp mỗi chiều. Đặc biệt, nơi đây có một địa danh mà tên gọi đã toát lên vẻ lãng mạn và giàu sức gợi: Bến Hát. Đó là đoạn bến sông quê uốn lượn theo bãi cát, có rặng tre xanh rì rào, dòng nước quanh mềm mại. Bến sông này trở thành nơi quây quần của người dân làng Dừa, bà con đến để gánh nước, vo gạo và giặt giũ, bao mối giao lưu cũng được hình thành tại chốn này. Những đêm gió mát trăng thanh, nam thanh nữ tú thường rủ nhau ra Bến Hát hát đối đáp, giao duyên. Những câu hò, điệu ví vang lên mộc mạc, dân dã nhưng không kém phần đằm thắm, lắng sâu và hòa cùng tiếng rì rào của ngọn gió, dòng sông làm nên bản hòa tấu đầy sức cuốn hút.

Có lẽ, lời hát, câu hò và điệu ví quê hương đã thấm dần vào huyết quản của Võ Văn Thế, để rồi chuyển hóa thành hành trang cuộc đời của người con trai làng Dừa trên những chặng đường xa. Sau đó, ông được chuyển sang Đoàn Ca múa Nghệ An, được giao vị trí quan trọng là nhạc trưởng. Rồi ông được cử theo học chuyên ngành Sáng tác tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Nhạc viện Quốc gia). Được học tập trong môi trường chính quy với những người thầy nổi tiếng, trước mắt Văn Thế như mở ra một chân trời mới, ở đó những thanh âm, giai điệu luôn mời gọi, vẫy chào. Cùng với vốn sống và vốn âm nhạc được tích lũy lâu nay, ông mong muốn viết nên những ca khúc xao động lòng người.

Tập ca khúc “Sông Lam tình Bác” của nhạc sỹ Văn Thế.
Tập ca khúc “Sông Lam tình Bác” của nhạc sỹ Văn Thế.

Tốt nghiệp Trường Âm nhạc Việt Nam, Văn Thế trở về tham gia Đoàn cải lương Nghệ An và được giao nhiệm vụ chỉ huy dàn nhạc. Rồi 5 năm sau, năm 1975, ông được điều chuyển sang Đội thể nghiệm dân ca Nghệ An (tiền thân của Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ ngày nay). Cùng với người đồng hương - nhạc sỹ Thanh Lưu, Văn Thế là một trong những thành viên sáng lập Đội thể nghiệm dân ca Nghệ An. Nhiệm vụ của Đội là sưu tầm, nghiên cứu và cải biên dân ca thành những tác phẩm được sân khấu hóa. Đồng thời, tổ chức các cuộc hội thảo khoa học để đánh giá vai trò, vị trí của dân ca Nghệ Tĩnh trong tiến trình phát triển và đời sống văn hóa của quê hương.

Những năm tháng tham gia công tác tại các đoàn văn công, nghệ thuật của tỉnh nhà và đặc biệt là tham gia Đội thể nghiệm dân ca, Văn Thế có điều kiện đi nhiều nơi và tiếp xúc với nhiều nghệ nhân đang lưu giữ vốn quý dân ca ví, giặm. Từ đó, gom nhặt được thêm nhiều điều quý giá, bề dày trải nghiệm và độ “chín” của cảm xúc được bồi đắp. Và những chuyến đi ấy cũng để lại những kỷ niệm khó quên, thể hiện niềm gắn bó tha thiết với quê hương, với câu hò, điệu ví. Một lần, về xã Đức Sơn (Anh Sơn) làm công tác sưu tầm dân ca, Văn Thế được gặp nghệ nhân Nguyễn Văn Yên, một người hát hay nổi tiếng trong vùng. Ông Yên hát lên một bài giặm có làn điệu rất gợi, vừa mộc mạc, vừa đằm thắm khiến người đi sưu tầm mê say. Vì đây là một làn điệu giặm cổ nên nghệ nhân Nguyễn Văn Yên không còn nhớ rõ tên gọi, Văn Thế đặt tên cho làn điệu này là giặm Đức Sơn. Từ đó đến nay, tên gọi này vẫn tồn tại, và bà con Đức Sơn luôn nhớ ơn ông, bởi đã gắn tên gọi của quê hương cho một làn điệu dân ca xứ Nghệ.

Về sau, Văn Thế được chuyển công tác về Ty Văn hóa Nghệ An, rồi Trung tâm Văn hóa - Thông tin tỉnh và được giao phụ trách mảng văn hóa quần chúng. Do đặc thù công việc, ông vẫn tiếp tục với những chuyến đi, với công việc sưu tầm và sáng tác ca khúc. Tác phẩm của ông ngày càng lan tỏa, được công chúng yêu thích và được đồng nghiệp đánh giá cao. Năm 1990, Văn Thế được kết nạp vào Hội Nhạc sỹ Việt Nam, một sự ghi nhận công lao của con người suốt đời cống hiến cho âm nhạc dân tộc. Hiện tại, ông còn là hội viên Hội VHNT và Hội VNDG Nghệ An. Và trong sự nghiệp sáng tác ca khúc của mình, ông đã giành được khá nhiều giải thưởng.

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất xứ Dừa, Văn Thế được đắm mình trong dòng chảy văn hóa quê hương với những khúc dân ca chan chứa, ngọt ngào. Có lẽ, vì thế trong sáng tác của mình, người nhạc sỹ đã dành cho quê hương một tình cảm lớn như là sự tri ân. Những ca khúc về quê hương của Văn Thế thường rất đỗi trong trẻo và thắm thiết, vừa hồn nhiên mà cũng rất giàu trải nghiệm: “Nghe chăng em gió đang thầm thì/ Nhất Kinh Kỳ, nhì Dừa Lạng/ Người quê anh tình sâu mà nghĩa nặng/ Đã đến rồi đầu lạ sau quen...” (Dừa - đất mẹ tôi yêu). Và đây là những lời ca trong bài “Anh Sơn quê hương em”: “Sông Lam sóng vỗ dạt dào/ Ngô non chen đậu một màu xanh xanh/ Ai lên Cây Chanh, ai về Đức- Vĩnh/ Thuận buồm xuôi gió về Tào- Lĩnh cùng em/ Bạn về cùng lên núi mà xem/ Anh Sơn quê em đang ngày càng đổi mới...”.

Bên cạnh những ca khúc viết về quê hương, đất nước, nhạc sỹ Văn Thế cũng có nhiều tác phẩm viết về

Bác Hồ kính yêu. Cách đây 3 năm, ông đã xuất bản tập ca khúc “Sông Lam tình Bác”, tập hợp 15 ca khúc hát về Người do chính ông sáng tác. Đặc biệt, năm 1968, Văn Thế từng phổ nhạc bài thơ chúc tết của Bác (Mừng thơ Xuân Bác Hồ) và được đồng chí Lê Duẩn khen hay và thể hiện được một cách sâu sắc tình cảm và ý chí của Bác.

Trước lúc chia tay, nhạc sỹ Văn Thế chia sẻ những dự định của mình: “Đang còn sức lực, tôi sẽ tiếp tục đi và tiếp tục sáng tác. Sẽ tuyển chọn, tập hợp những sáng tác mình tâm đắc nhất để in thành sách, xem như đó là một món quà gửi tặng cuộc đời và quê hương để bày tỏ niềm ân nghĩa”.

Công Kiên

Mới nhất
x
Nhạc sỹ Văn Thế: Đắm đuối khúc nhạc quê hương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO