Nhân dân có quyền lựa chọn

24/04/2013 14:41

Sau 3 tháng lấy ý kiến nhân dân góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992, ngày 12/4/2013, Ủy ban dự thảo đã trình Thường vụ Quốc hội Dự thảo Hiến pháp mới, trong đó có nhiều điều khoản rất quan trọng được Ban dự thảo trình lên bằng 2 phương án. Chẳng hạn như vấn đề tên nước, vấn đề Đảng chịu trách nhiệm về sự lãnh đạo của mình, vấn đề lực lượng vũ trang trung thành với ai… Nói chung Ban dự thảo giữ thái độ khách quan, không nhấn mạnh phương án này hay phương án kia, việc lựa chọn phương án nào tốt nhất để ghi vào Hiến pháp sửa đổi là tùy dân và tùy người đại diện của dân là Quốc hội.

(Baonghean) - Sau 3 tháng lấy ý kiến nhân dân góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992, ngày 12/4/2013, Ủy ban dự thảo đã trình Thường vụ Quốc hội Dự thảo Hiến pháp mới, trong đó có nhiều điều khoản rất quan trọng được Ban dự thảo trình lên bằng 2 phương án. Chẳng hạn như vấn đề tên nước, vấn đề Đảng chịu trách nhiệm về sự lãnh đạo của mình, vấn đề lực lượng vũ trang trung thành với ai… Nói chung Ban dự thảo giữ thái độ khách quan, không nhấn mạnh phương án này hay phương án kia, việc lựa chọn phương án nào tốt nhất để ghi vào Hiến pháp sửa đổi là tùy dân và tùy người đại diện của dân là Quốc hội.

Cụ thể, về tên nước, ban dự thảo trình 2 tên. Một là, gọi tên nước ta là Nước “Việt Nam dân chủ cộng hòa”. Hai là, gọi tên nước ta là Nước “Cộng hòa XHCN Việt Nam”. “Cộng hòa XHCN Việt Nam” là tên nước đang hiện hành, không có gì phải nói thêm. Riêng tên nước “Việt Nam dân chủ cộng hòa” thì nên có đôi lời trình giải. Việt Nam dân chủ cộng hòa là tên gọi đầu tiên của nước ta, là chính thể cộng hòa đoàn kết toàn dân tộc được thiết lập từ thành quả cuộc đấu tranh gian khổ hy sinh của toàn dân trong Cách mạng tháng Tám.

Tên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được Bác Hồ trịnh trọng tuyên bố với nhân dân cả nước và toàn thế giới qua Bản Tuyên ngôn độc lập đọc ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Tên Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã được khẳng định trong các bản Hiến pháp 1946, 1959, thể hiện thể chế chính trị của nước ta là Cộng hòa, Đoàn kết toàn dân tộc, và bản chất của Nhà nước ta là nhà nước dân chủ. Nếu gọi tên nước theo phương án này thì văn bản Hiến pháp mới sẽ được viết là; “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa, độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời, Tên nước được gọi là Việt Nam dân chủ cộng hòa”.

Ở các điều mục khác, UB soạn thảo cũng trình hai phương án như vậy. Chúng ta theo dõi các kết quả được ghi trong văn bản Hiến pháp mới do Ủy ban soạn thảo đệ trình lên Thường vụ Quốc hội sau đây:

Về sự lãnh đạo và chịu trách nhiệm lãnh đạo của Đảng

Đề xuất mới của Ban soạn thảo là bỏ cụm từ “Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động”, thay vào đó, chỉ nói gọn là “Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và Xã hội”. Bỏ cụm từ “chịu trách nhiệm trước nhân dân” trong câu “Đảng chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình” để nói gọn lại: “Đảng chịu trách nhiệm về sự lãnh đạo của mình”.

Về sự trung thành của lực lượng vũ trang

Phương án 1: giữ nguyên như Hiến pháp hiện hành, không quy định “lực lượng vũ trang phải tuyệt đối trung thành với Đảng”.

Phương án 2: có quy định lực lượng vũ trang phải trung thành với Đảng Cộng sản nhưng đảo thứ tự nguyên văn đã viết trong dự thảo để viết lại trong Hiến pháp mới là: “Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Đảng Cộng sản Việt Nam”.

Việc Ủy ban soạn thảo trình lên Quốc hội 2 phương án song song là để Quốc hội cũng như toàn thể nhân dân rộng đường lựa chọn, bổ sung, tiếp tục góp ý sửa đổi Hiến pháp trong thời gian tới. Đồng thời, việc đề xuất hai phương án song song cũng thể hiện tinh thần dân chủ, thái độ thực sự cầu thị, tôn trọng ý kiến nhân dân đã góp ý sửa đổi Hiến pháp trong 3 tháng qua.

Nói chung, so với dự thảo trước đây, bản Hiến pháp mới do Ban dự thảo đệ trình lên Thường vụ Quốc hội lần này có nhiều điểm mới, có nhiều sửa đổi phải nói là rất mạnh dạn và rất trung thành với các ý kiến đã góp ý của nhân dân. Nay còn 6 tháng dành cho việc tiếp tục góp ý sửa đổi Dự thảo Hiến pháp 1992, trên tinh thần thực sự cầu thị của Ban dự thảo và Ủy ban thường vụ Quốc hội, hy vọng nhân dân sẽ góp thêm nhiều ý kiến có giá trị, mạnh dạn đề xuất các vấn đề bức thiết và cơ bản nhất để làm cho bản Hiến pháp mới tốt hơn, hoàn chỉnh hơn, phản ánh đúng nguyện vọng tha thiết của nhân dân.


Thạch Quỳ

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

Nhân dân có quyền lựa chọn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO