Nhận diện du lịch Thành phố Vinh

17/02/2014 11:05

(Baonghean) - Sở dĩ chúng tôi dùng cụm từ “nhận diện du lịch Thành phố Vinh” là bởi lẽ, lâu nay ở Vinh đã hội tụ đủ các điều kiện, yếu tố cần thiết để trở thành một trung tâm du lịch, qua đó mở ra các cơ hội việc làm cho người lao động cũng như tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên vì nhiều lý do nên lĩnh vực du lịch – dịch vụ ở thành phố trung tâm Bắc miền Trung vẫn chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế để đưa ngành công nghiệp không khói trở thành ngành mũi nhọn trong cán cân kinh tế.

Bức tranh di tích lịch sử văn hóa

Công trình phải kể đến đầu tiên khi đề cập đến du lịch Thành phố Vinh là Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ. Được hoàn thành vào dịp kỷ niệm 113 năm ngày sinh nhật Bác 19/5/2003, công trình trở thành biểu tượng văn hóa tinh thần rất đỗi tự hào đối với người dân Nghệ An nói chung và Thành phố Vinh nói riêng. Hằng năm có hàng triệu lượt người đến Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác dâng hương, tri ân tưởng nhớ công lao trời biển của Người đồng thời giáo dục thế hệ cháu con noi gương vị cha già kính yêu của dân tộc.

Khu vực “thượng Cầu Rầm” phía tây Thành phố Vinh có ngôi chùa Cần Linh hay vẫn được gọi với cái tên gần gũi hơn là “Chùa Sư Nữ”. Không phải ở đâu cũng có trong lòng đô thị một ngôi đại tự dành cho những nữ phật tử nương náu, rời xa chốn phàm trần để đến với cõi Phật “sắc sắc không không”. Cần Linh tự được xây dựng dưới thời Lê Trung Hưng. Đời nối đời ngôi chùa không chỉ trở thành chốn tu hành của các tăng ni phật tử mà thực sự trở thành điểm đến đối với cư dân thành phố và du khách xa gần khi thấy cần những giây phút chay tịnh với thiền môn để lòng thanh thản. Ngày 21/01/1992 chùa Cần Linh đã được Bộ Văn hoá xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia và ngày càng thu hút đông đảo người dân đến tham quan, chiêm bái vào các ngày lễ, Tết.

Một công trình thuộc di tích lịch sử khác cũng được xây dựng trong thời kỳ trị vì của triều đình nhà Nguyễn là Thành Nghệ An hay sau này gọi là Thành cổ Vinh. Thành được xây từ năm 1804, đời vua Gia Long và được tu sửa, gia cố vào nhiều đời vua tiếp theo. Thành có 3 cửa, gồm cửa tiền, cửa tả và cửa hữu. Công trình Thành Nghệ An được hình thành nhằm hướng tới mục tiêu tạo ra một trung tâm chính trị, đồng thời có ý nghĩa phòng thủ chiến lược trong một giai đoạn lịch sử. Ngày nay, sau nhiều lần tôn tạo, Thành cổ Vinh trở thành điểm nhấn riêng có trong không gian văn hóa lịch sử của thành phố Vinh, là cứ liệu quan trọng trong việc tìm hiểu nghiên cứu về lịch sử phát triển của Nghệ An và Việt Nam.

Điều khá thú vị là ngay trong khu vực Thành cổ Vinh có 2 trung tâm bảo tàng là: Bảo tàng Xô Viết Nghệ - Tĩnh và Bảo tàng Nghệ An. Với các công trình xây dựng quy mô, hiện nay tại đây đang lưu giữ hàng ngàn hiện vật có giá trị lịch sử quan trọng thể hiện khí thế quật cường của nhân dân 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh trong những năm 1930 – 1931. Cách Bảo tàng Xô Viết Nghệ - Tĩnh chưa đầy 1km, về phía bắc trên trục đường Quang Trung là Nhà lưu niệm Nguyễn Thị Minh Khai – một trong những người con ưu tú của Thành phố Vinh đã có nhiều cống hiến trong cuộc đấu tranh đòi độc lập cho dân tộc. Công trình Nhà lưu niệm Nguyễn Thị Minh Khai được xây dựng bề thế, khang trang ngay trong khu vực thuộc nền móng cũ của gia đình chị trước đây. Lưu giữ tại đây là nhiều hiện vật từng gắn bó với nữ chiến sĩ cách mạng trong quá trình hoạt động từ năm 1930 đến lúc chị hy sinh vào năm 1941. Điều đặc biệt, tại đây đang lưu giữ bút tích của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi Thành ủy, UBND thành phố Vinh về việc xác định lại địa điểm ngôi nhà của cụ Hàn Bình – tức Nguyễn Huy Bình bố của chị Nguyễn Thị Minh Khai và Nguyễn Thị Quang Thái (người vợ đầu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp). Đến tham quan Nhà lưu niệm mọi người sẽ hiểu thêm về phẩm chất của nữ chiến sĩ cách mạng và những đóng góp lớn lao cho tổ quốc của một gia đình giàu lòng yêu nước.

Xuôi về khu vực Trung Đô – Bến Thủy, Thành phố Vinh còn được biết đến với di tích thành Phượng Hoàng do Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ xây dựng từ năm 1789 sau khi đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược. Hiện nay ngôi đền đã trở thành điểm đến không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân trong vùng.

Những ý tưởng, công trình rơi vào quên lãng

Có thể nói Thành phố Vinh chỉ với diện tích 104,96 km2 song có mật độ khá dày đặc về các công trình, kiến trúc nghệ thuật, tín ngưỡng và tâm linh. Trong khuôn khổ một bài báo thật khó có thể liệt kê hết số lượng các công trình, di tích lịch sử văn hóa cũng như những giá trị mà nó mang lại. Thực tế là vậy song lâu nay, Thành phố Vinh vẫn chưa khai thác được những tiềm năng lợi thế vốn có để đẩy mạnh hoạt động du lịch dịch vụ, nâng cao hiệu quả của một ngành kinh tế mũi nhọn. Vinh có nhiều di tích, danh thắng song lượng du khách đến Vinh còn ở mức độ khiêm tốn. Nhiều công trình, kiến trúc tín ngưỡng, tâm linh chưa được đầu tư tôn tạo.

 Xin sớ ở đền Ông (Hồng Sơn). Ảnh: Trần Hải
Xin sớ ở đền Ông (Hồng Sơn). Ảnh: Trần Hải

Ông Nguyễn Trung Châu – Phó Chủ tịch UBND TP Vinh đã trăn trở: Ở Vinh có 2 công trình di tích lịch sử văn hóa, 2 điểm nhấn du lịch quan trọng nhưng hiện nay chưa cải tạo, phục dựng được. Đó là đền Hồng Sơn và Văn Thánh. Đối với đền Hồng Sơn, do diện tích quá hẹp, trải qua nhiều năm, diện tích khuôn viên của đền ngày càng bị xâm lấn, nơi phụng thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo bị kẹp trong khu vực chợ Vinh vừa ô nhiễm vừa ồn ào. Năm 2010, Thành phố Vinh đã bố trí ngân sách để mở rộng diện tích đền nhưng không thể thực hiện được vì kinh phí quá lớn, giải phóng mặt bằng khó khăn. Còn Văn Thánh hay còn gọi là Văn Miếu Vinh được xây dựng từ năm 1803 dưới triều vua Gia Long, là một công trình tiêu biểu cho đạo học xứ Nghệ. Dù có giá trị chiều sâu về giá trị vật thể và phi vật thể nhưng đã từ rất lâu Văn miếu Vinh chỉ còn là phế tích. Nền cũ của công trình đã được Công ty In Nghệ An trưng dụng và nhiều nhà dân lấn chiếm, sử dụng. Các đồ tế khí, bia đá cũng phải chuyển đi các nơi khác cất giữ. Liên quan đến số phận hẩm hiu của Văn Thánh, ông Nguyễn Trung Châu – Phó Chủ tịch UBND TP Vinh cho biết, tỉnh đã giao cho Thành phố phục dựng, cải tạo công trình này. Vài năm trước, công trình được dự toán 58 tỷ đồng, trong đó việc giải phóng mặt bằng đã mất 2/3. “Quá sức của Thành phố, chúng tôi rất cần sự hỗ trợ của tỉnh cũng như các doanh nghiệp mới hy vọng làm được” – Ông Nguyễn Trung Châu cho biết.

Thành phố Vinh còn có rất nhiều công trình có giá trị văn hóa lịch sử khác như Đền Trìa – Nhà thờ họ Hoàng ở xã Hưng Lộc; Cụm di tích Nhà máy nhiệt điện - Cồn Mô - Tượng đài chiến thắng ở phường Bến Thủy; Di tích Nhà máy xe lửa Trường Thi, Nhà máy diêm, cưa ở phường Bến Thủy....Tất cả những khu vực, di tích nói trên đều chưa tạo được dấu ấn nào trong bức tranh di tích – lịch sử - văn hóa của Thành phố Vinh thời gian qua.

Địa chỉ, di tích, danh thắng để phát triển ngành công nghiệp không khói ở Vinh có nhiều song không ít công trình, quy hoạch về du lịch đang rơi vào quên lãng. Lâu nay nhiều người vẫn “đổ tội” do nhu cầu của du khách nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy. Không phải thứ gì được thiên nhiên ban tặng, lịch sử để lại cũng có thể làm cho du khách muốn đến và hài lòng trở lại lần sau, cho dù quý hiếm đến mấy. Bản thân du khách họ không biết sẽ cần gì, đi những đâu, hưởng chất lượng dịch vụ như thế nào khi đến một vùng đất, nếu không được hướng dẫn. Mặt khác, hiện nay dịch vụ dành cho du lịch ở Thành phố Vinh đang còn rất thấp. Trước đây, các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch của Thành phố Vinh đã manh nha hình thành tuyến du lịch sinh thái ven sông Lam, xuôi về rừng bần Hưng Hòa – Cửa Hội ngắm tràm chim. Điều này chẳng phải là sự lãng mạn phi thực tế mà hoàn toàn có cơ sở. Không phải ở đô thị hiện đại nào cũng có may mắn được thiên nhiên ban tặng một dòng sông mềm mại giữa rừng ngập mặn. Đó chính là lý do để du khách đắm mình trong không gian trời nước với khoan nhặt câu dân ca. Để thực hiện tuyến du lịch thú vị này, lãnh đạo TP Vinh cũng từng tìm hiểu, xin hỗ trợ tàu thuyền nhưng rồi mọi việc đã không thành và lại rơi vào quên lãng.

Trong không gian du lịch của Vinh, nếu lấy thành phố là trung tâm, còn có những lợi thế vô cùng thuận lợi để mở rộng các điểm đến hấp dẫn du khách. Chỉ chưa đầy 20 km về phía tây là Khu Di tích Kim Liên, quê nội, quê ngoại Bác Hồ, di tích của nhà yêu nước Phan Bội Châu, mộ vua Mai Hắc Đế, Khu tưởng niệm cố Tổng bí thư Lê Hồng Phong. Cách Vinh về phía Nam có làng Tiên Điền (Nghi Xuân) với Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du. Phía đông có bãi biển Cửa Lò nức tiếng xa gần…Nhưng Thành phố Vinh chưa phát huy được lợi thế mà đang trông chờ vào sự quan tâm của các cơ quan chức năng.

Đào Tuấn

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Nhận diện du lịch Thành phố Vinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO