Nhân lên điển hình tiên tiến khu vực kinh tế tập thể
(Baonghean) - Giai đoạn 2010 - 2014, phong trào thi đua yêu nước của Liên minh HTX Nghệ An không ngừng được đẩy mạnh phát triển cả về chiều sâu và chiều rộng, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong cán bộ, xã viên và người lao động trong các cơ sở kinh tế hợp tác, HTX trên địa bàn toàn tỉnh.
Đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, Liên hiệp HTX, doanh nghiệp, làng nghề là một trong những phong trào thi đua lớn được triển khai tốt trong khu vực kinh tế tập thể. Tính đến cuối năm 2014 toàn tỉnh có 2.884 tổ hợp tác, tăng 234 tổ hợp tác so với năm 2010, tạo việc làm thường xuyên trên 30.000 lao động. Hình thức tổ chức, quy mô hoạt động của tổ hợp tác đa dạng: tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ, dịch vụ nông nghiệp, dịch vụ nghề cá và thủy sản; tập trung vào các ngành nghề như hợp tác về làm đất, chế biến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, cung ứng vật tư nghề cá, tổ hợp tác đánh bắt thủy sản, sản xuất mây tre đan, dệt thổ cẩm...
Dệt thổ cẩm ở HTX Hải Vân (Con Cuông). |
Đến cuối năm 2014 cả tỉnh có 583 HTX, Liên hiệp HTX, 400 làng có nghề, 133 làng nghề, tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm ngàn lao động. Trong các ngành nghề, lĩnh vực, số HTX thành lập mới tăng nhanh. Từ năm 2010 đến nay bình quân mỗi năm thành lập mới 18 - 20 HTX. Bên cạnh các ngành nghề, lĩnh vực truyền thống đã có nhiều mô hình HTX mới được thành lập và hoạt động có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu đa dạng về sản xuất và đời sống của các thành viên như: HTX vệ sinh môi trường, HTX làng nghề, HTX chợ, HTX dạy nghề, Quỹ TDND...
HTX dịch vụ nông nghiệp Nghi Lâm là một trong số ít HTX nông nghiệp vẫn duy trì phát triển tốt trong cơ chế thị trường hiện nay. Ban quản trị HTX tập trung tìm giải pháp nhằm đảm bảo việc làm và đời sống cho người lao động. Từng bước tổ chức hoạt động tốt các dịch vụ cho sản xuất như cung ứng giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, diệt chuột và phòng trừ sâu bệnh cho bà con; dịch vụ thủy lợi tưới tiêu nội đồng. Để nâng cao thu nhập cho bà con xã viên, HTX đã nhận sản xuất 120 ha lúa giống nguyên chủng cho Công ty Giống cây trồng Thái Bình và Công ty Giống cây trồng Trung ương, lượng thóc giống thu mua cho xã viên hàng năm đạt từ 300 – 400 tấn. Năm 2014, HTX mở thêm dịch vụ tín dụng nội bộ, tuy mới triển khai nhưng bước đầu đã đem lại hiệu quả, có 560 xã viên tham gia cổ phần và đã huy động được tiền gửi tiết kiệm hơn 1 tỷ đồng, tạo nguồn vốn cho thành viên vay phục vụ sản xuất thuận lợi.
HTX đóng tàu thuyền Trung Kiên giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. Đặc biệt, từ khi Nghị định 67 ra đời khuyến khích ngư dân đóng tàu vỏ sắt, đã ảnh hưởng đến nghề đóng tàu thuyền gỗ của làng Trung Kiên. Ban Chủ nhiệm HTX linh hoạt trong cơ chế thị trường, đi khắp các tỉnh từ Quảng Ninh đến Kiên Giang để tìm kiếm khách hàng đem về các hợp đồng đóng mới cho lao động làng nghề. Cùng với đóng tàu, HTX còn sản xuất mộc công trình và mộc dân dụng để đảm bảo việc làm và nâng thu nhập cho người lao động. Hiện tại trên bến đang đóng 13 tàu, tu sửa 6 tàu, trong tháng 4 này HTX vừa ký thêm hợp đồng đóng 7 tàu vỏ gỗ khai thác xa bờ. Những người thợ tài hoa tiếp tục duy trì nghề truyền thống hơn 700 năm bền vững, với doanh thu năm sau luôn cao hơn năm trước, hàng năm đóng trên 80 tàu vỏ gỗ lớn, nhỏ. Riêng năm 2014 tổng doanh thu đạt 80 tỷ đồng.
HTX sản xuất và dịch vụ Sông Lam - đơn vị Anh hùng Lao động có tới 5 đơn vị trực thuộc, là đơn vị năng động, sáng tạo trong chuyển đổi hoạt động và ngành nghề sản xuất kinh doanh dịch vụ; năm 2014, doanh thu đạt 34,5 tỷ đồng, nộp ngân sách 900 triệu đồng, đội ngũ lao động thường xuyên gồm 148 người, thu nhập bình quân người lao động 3,8 triệu đồng/tháng; từ năm 2010 đến nay liên tục được Đảng, Nhà nước khen thưởng các phần thưởng cao quý, Huân chương Lao động, Cờ thi đua, nhiều bằng khen của Liên minh HTX Việt Nam, UBND tỉnh.
HTX cổ phần Quyết Thành (TP. Vinh), từ đơn vị kinh doanh vận tải, qua nhiều lần chuyển đổi củng cố đến nay đã phát triển và đạt quy mô sản xuất kinh doanh khá với ngành nghề sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, kinh doanh nhà hàng khách sạn… năm 2014 tổng doanh số 33,5 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 110 lao động, thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/ tháng. Từ năm 2010 đến nay HTX liên tục được Đảng, Nhà nước khen thưởng các phần thưởng cao quý, Huân chương Lao động, Cờ thi đua, nhiều bằng khen của Liên minh HTX Việt Nam, UBND tỉnh.
HTX nông nghiệp Nghi Lâm cung ứng các loại phân bón cho bà con. |
Kinh tế tập thể nói chung, các loại hình HTX nói riêng có nhiều đóng góp quan trọng trong tỷ trọng và cơ cấu kinh tế chung của tỉnh Nghệ An. Tại thời điểm năm 2010, giá trị kinh tế lĩnh vực này chiếm 27%, đến năm 2014 tăng 30% so với năm 2010. Thống kê riêng của các loại hình HTX và làng nghề thì năm 2010 đạt xấp xỉ 3.000 tỷ đồng và đến nay đạt gần 3.500 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng từ 15 - 16%. Khu vực kinh tế tập thể, công thương nghiệp ngoài quốc doanh thu nộp ngân sách mỗi năm xấp xỉ 450 tỷ đồng, chiếm khoảng 35% thu nhập nội địa. Khu vực kinh tế tập thể Nghệ An đã thu hút thường xuyên từ 115.000 - 120.000 lao động làm việc tại các HTX và làng nghề. Các HTX, làng nghề tỉnh nhà luôn chăm lo đến công tác đào tạo nghề cho xã viên và người lao động, từ năm 2010 - 2014 mỗi năm đào tạo 1.800 - 2.000 lao động... Đồng thời kinh tế tập thể còn là nhân tố quan trọng trong việc thúc đẩy xây dựng hệ thống chính trị cơ sở góp phần ổn định chính trị - xã hội ở nông thôn và miền núi.
Cùng với quán triệt Nghị quyết TW 5, Chỉ thị 20, triển khai Luật HTX 2012 và Nghị định 193/NĐ-CP, là dịp để khẳng định vai trò to lớn của các HTX phục vụ tốt nhất và mang lại lợi ích cao nhất cho các thành viên của mình; HTX đảm nhận những việc mà kinh tế hộ không làm được hoặc bản thân mỗi hộ làm nhưng không có hiệu quả; nhiều HTX nông nghiệp đã đảm nhận dịch vụ làm đất, thủy nông, dịch vụ cung ứng giống, vật tư phân bón, đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Rất nhiều HTX đã đầu tư xây dựng các hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp như: Trạm bơm, kênh bê tông, đường bê tông, thủy lợi nội đồng… góp phần quan trọng vào việc xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới tại các địa phương, điển hình như: Hợp tác xã Lam Cầu Quỳnh Thạch, HTX Nghi Lâm, HTX nông nghiệp Thịnh Sơn, HTX TTCN Thọ Thành, HTX Nông nghiệp Phú Hậu, HTX Nông nghiệp Hưng Tiến, HTX Kim Liên Diễn Kim, HTX làng nghề dệt thổ cẩm Hoa Tiến...
Phong trào thi đua HTX đi đầu trong xóa đói, giảm nghèo còn tác động tích cực đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nội bộ ngành Nông nghiệp và phân công lao động ở nông thôn. Thông qua việc cung ứng giống cây trồng; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, hướng dẫn thâm canh... của các HTX sản xuất nông nghiệp giúp cho sản xuất nông nghiệp tăng trưởng về kinh tế và thu nhập của hộ gia đình. Cụ thể nhiều nơi sản xuất nông nghiệp từ 3 - 4 vụ, sản xuất vụ đông đã trở thành vụ chính, nhiều mô hình nông nghiệp đạt từ 50 đến trên 100 triệu đồng/ha.
Từ năm 2010 - 2015 có 11 tập thể và cá nhân được tặng Huân chương Lao động các hạng; 2 tập thể được tặng Cờ thi đua của Chính phủ; 15 tập thể và cá nhân được tặng Bằng khen của Chính phủ; 8 tập thể được tặng Cờ thi đua của UBND tỉnh; 5 tập thể được tặng Cờ thi đua của Liên minh HTX Việt Nam và nhiều hình thức khác…
Tuy vậy, bên cạnh giá trị kinh tế đưa lại thấp, các loại hình HTX phát triển chậm cả về số lượng và chất lượng. Số HTX có mức lợi nhuận tăng hàng năm ít, còn tồn tại các HTX làm ăn kém hiệu quả hoặc hoạt động mang tính hình thức. Nhìn chung, khu vực HTX còn nhiều khó khăn chưa thoát khỏi yếu kém như mục tiêu Nghị quyết TW5 (khóa IX) đã xác định. Năng lực nội tại trong thời gian qua của HTX tuy đã được tăng cường nhưng trình độ chuyên môn quản lý của cán bộ HTX còn nhiều bất cập, cán bộ quản lý HTX trên 50 tuổi đến nay vẫn còn nhiều, việc thu hút cán bộ trẻ có trình độ đại học, cao đẳng làm việc tại các HTX chưa được tăng cường. Hàng năm số cán bộ HTX được đào tạo ít cả về số lượng và chất lượng nên chưa đáp ứng được với nhu cầu hiện nay; nhiều địa phương còn lúng túng trong việc chuyển đổi HTX sang hoạt động theo Luật HTX 2012. Triển khai thực hiện Đề án đổi mới phát triển HTX ở các huyện, thành, thị chậm thực hiện và hiệu quả còn thấp.
Để phát huy kết quả hoạt động của các loại hình kinh tế HTX, doanh nghiệp và làng nghề trong những năm tiếp theo, ông Trần Văn Chương, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Nghệ An cho rằng: Cần tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý và chuyên môn nghiệp vụ trong các HTX, DN, làng nghề nhằm nâng cao trình độ và năng lực thực hiện các yêu cầu hợp tác, liên kết và hội nhập. Sản xuất nhiều sản phẩm chất lượng cạnh tranh tốt trên thị trường. Đẩy mạnh công tác thi đua khen thưởng trong các HTX, DN, làng nghề và hệ thống các đơn vị thành viên Liên minh HTX tỉnh phát huy vai trò, động lực phát triển kinh tế hợp tác, HTX của nhiệm vụ thi đua khen thưởng. Đảm bảo mọi phong trào thi đua phải thường xuyên, nâng cao chất lượng và có tác động khuyến khích nhân rộng các điển hình tiên tiến.
Quỳnh Lan