Nhân lên điển hình xóa nghèo
(Baonghean) - Từ đồng vốn vay của Ngân hàng Chính sách - Xã hội, nhiều gia đình biết đầu tư hợp lý, chăm chỉ làm ăn, tiết kiệm trong chi tiêu nên đã xóa được đói nghèo, vươn lên hộ khá. Xã Thạch Giám, huyện Tương Dương có nhiều điển hình thoát nghèo như thế.
Bà Quang Thị Hồng, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thạch Giám hồ hởi “khoe” chúng tôi về thành tích xóa nghèo của nhiều hội viên phụ nữ rồi dẫn chúng tôi đến thăm gia đình chị Lô Thị Luyến (SN 1971) ở bản Chắn với lời giới thiệu: “Gia đình chị ấy trước đây thuộc diện nghèo nhất bản, nay nhà cửa khang trang, chăn nuôi giỏi, mới đây chị được bầu làm tổ trưởng tổ vay vốn”.
Cách đây 11 năm, gia cảnh chị Luyến khó trăm bề, nhà cửa tạm bợ, vợ chồng quanh năm bám nương rẫy mà vẫn không đủ ăn. Nhiều lần, thấy chồng bàn vay tiền ngân hàng mua máy xay xát gạo phục vụ bà con, lấy cám chăn nuôi lợn. Nghĩ có lý, vì cả bản Chắn lúc đó chưa có nhà nào đầu tư mua máy xay xát gạo. Thông qua tổ vay vốn của Chi hội phụ nữ, chị Luyến vay 4 triệu đồng từ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện, đủ mua giàn máy xay xát (khi đó địa phương chưa có điện lưới nên phải mua máy nổ). Hàng ngày bà con trong và ngoài bản mang lúa đến xát gạo, đồng tiền của dân lúc đó khó khăn, nên chị bớt mỗi người bát gạo. Tận dụng cám, chị đầu tư chăn nuôi thêm lợn, gà. Tích góp được đồng vốn, sau 2 năm chị đầu tư mua thêm máy đập bột gia súc trị giá 2 triệu đồng. Nhu cầu thức ăn cho chăn nuôi của bà con ngày càng cao, vợ chồng phân công nhau đứng máy phục vụ bà con nhiệt tình, chu đáo. Từ đây, gia đình chị đã có “đồng ra đồng vào”, xây được nhà cửa khang trang, chăm chút cho con ăn học. Chưa dừng lại đó, chị đầu tư thêm vào chăn nuôi bò, lợn sinh sản, tích cực trồng rau màu. Chị vui vẻ chia sẻ: “bí quyết” của mình: “Có thời điểm đàn bò phát triển được 4 con, nhưng do không có người chăn dắt nên vợ chồng bán dần, chỉ để nuôi 1 con bò sinh sản. Chuồng chăn nuôi lợn, tui chia làm 3 ngăn. 1 ngăn nuôi lợn nái, hàng năm sinh sản được bao nhiêu con, tách sang ngăn khác để nuôi lợn thịt. Tận dụng mảnh đất màu rộng hơn 2 sào, tui trồng chuối tiêu hồng, kết hợp trồng xen lạc, tăng thu nhập. Chuối tiêu hồng quả to, ngon, khách hàng từ thị trấn Hòa Bình vào đặt hàng thường xuyên. Mảnh đất vườn nhà thì để trồng rau củ quả, mùa nào thức ấy cải thiện bữa ăn hàng ngày cho gia đình”. Kết quả là đến năm 2013, gia đình chị chính thức được ghi tên trong danh sách thoát nghèo, còn vươn lên thành hộ khá giả trong bản. Chị Luyến bộc bạch: Muốn xóa được đói nghèo, không có cách nào khác là các thành viên trong gia đình phải siêng năng, chăm chỉ lao động. Khi làm ra đồng tiền phải chi tiêu tiết kiệm, và phải biết đầu tư làm ăn, có vậy mới mong thoát nghèo bền vững.
Chị Lô Thị Luyến (ngoài cùng) khoe đàn lợn của nhà mình. |
Cũng chính vì năng động, lại biết tính toán căn ke, chị được Hội Phụ nữ xã bầu làm tổ trưởng tổ vay vốn và tiết kiệm ngân hàng. Chị Luyến cho biết: Tổ có 60 hộ, hiện đang vay 1,3 tỷ đồng của Ngân hàng Chính sách – Xã hội huyện. Để đồng vốn vay sử dụng đúng mục đích, chị thường xuyên hướng dẫn chị em cách làm ăn, vận động các thành viên nộp tiền lãi hàng tháng kịp thời và trả tiền gốc đúng thời hạn. Ngoài ra, chị còn vận động thành viên trong tổ vay vốn tự nguyện đóng góp tiền tiết kiệm. Bằng cách mỗi thành viên đóng tối thiểu 30.000 đồng/tháng vào quỹ tiết kiệm, sau một thời gian hoạt động, có những thành viên tự nguyện đóng 200 – 300 nghìn đồng/tháng. Đến nay số tiền tiết kiệm của tổ có trên 40 triệu đồng. Số tiền này, tổ trưởng có trách nhiệm quản lý, những thành viên đóng tiền, nếu tháng nào khó khăn không có tiền nộp lãi thì tổ trưởng sử dụng nguồn này để nộp cho ngân hàng. Hoặc thành viên nào đến thời hạn trả tiền gốc, căn cứ vào số tiền tiết kiệm của thành viên đó đóng góp để trích ra cho họ. Nghĩa là các thành viên tự nguyện đóng góp vào quỹ tiết kiệm, chính là tích lũy tiền cho mình. Đến nay trong tổ đã có 90% số thành viên tự nguyện đóng tiền tiết kiệm cho tổ vay vốn và tiết kiệm. Trong số đó, có những thành viên đóng góp được hàng triệu đồng.
Rời bản Chắn, chúng tôi đến bản Mác, nghe câu chuyện của chị Vi Thị Hạnh, nhờ chịu khó học hỏi, cần cù, siêng năng mà thoát nghèo, trở thành tấm gương của bà con. Năm 2000, gia đình chị Hạnh chuyển từ xã Kim Tiến về đây sinh sống. Lúc đó, cả nhà chung sống trong túp lều tranh do bà con và người thân giúp đỡ làm cho. Thấy bà con trong bản vay tiền ngân hàng về làm ăn, chị Hạnh cũng mạnh dạn vay 7 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách – Xã hội huyện. Sau khi được vay vốn, chị Hạnh không ngần ngại học hỏi cách làm ăn của những người đi trước. Với số tiền đó, chị mua 1 con bò cái sinh sản về nuôi. Được chăm sóc chu đáo, con bò mỗi năm đẻ 1 lứa, khibê nuôi được 5 – 7 tháng, chị bán lấy tiền đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi thêm lợn. Chăm chỉ làm ăn, tiết kiệm trong chi tiêu, năm 2012 gia đình chị Hạnh làm được ngôi nhà mới cao, rộng, cũng cuối năm đó gia đình chị không còn nằm trong danh sách hộ nghèo của bản.
Bà Quang Thị Hồng, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thạch Giám cho biết thêm, trong xã thành lập được 10 tổ vay vốn, đều hoạt động hiệu quả, đến nay các hội viên còn vay dư nợ của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện hơn 12 tỷ đồng. Bằng cách tạo điều kiện cho các hội viên nghèo được tiếp cận học hỏi kinh nghiệm từ những hội viên đã xóa nghèo, nên những năm gần đây số hội viên phụ nữ nghèo giảm dần.
Là huyện có tỷ lệ hộ nghèo còn cao, với 39,38%, xác định nguồn vốn vay từ chương trình hộ nghèo là đòn bẩy quan trọng trong việc xóa đói giảm nghèo cho người dân, nên Chi nhánh Ngân hàng Chính sách – Xã hội huyện luôn ưu tiên hàng đầu cho chương trình này. Ông Nguyễn Cảnh Thảo – Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách – Xã hội huyện, cho biết: Từ đầu năm 2015 đến nay, Chi nhánh đã giải ngân 27 tỷ đồng, trong đó riêng cho vay hộ nghèo hơn 13 tỷ đồng, còn lại là chương trình cho vay sinh viên, nước sạch, sản xuất kinh doanh và một số chương trình khác. “Các hộ nghèo được vay vốn đều được thông qua tổ vay vốn tiết kiệm và được tổ trưởng thường xuyên giám sát, đôn đốc, nên hàng tháng thu lãi đúng, đủ, kịp thời, tỷ lệ nợ xấu thấp” - ông Nguyễn Cảnh Thảo nói thêm.
Xuân Hoàng