Nhân lực ngành Du lịch: Nhìn từ các cơ sở đào tạo
(Baonghean) Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện nay có 7 cơ sở đào tạo nhân lực ngành Du lịch, hàng năm cho “ra lò” khoảng trên 2.000 sinh viên. Tuy nhiên, nguồn nhân lực này hiện vẫn chưa đáp ứng nhu cầu công việc, nhất là những vị trí như hướng dẫn viên du lịch, quản lý khách sạn...
Là một trong những trường dạy nghề có hệ thống đào tạo đa dạng, thời gian qua Trường Cao đẳng nghề Du lịch - Thương mại Nghệ An đóng tại TX Cửa Lò là cơ sở đào tạo cả hệ chính quy, cả hệ vừa học vừa làm; liên kết đào tạo, đào tạo liên thông đại học từ trung cấp, cao đẳng lên đại học; đào tạo các bậc trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề...
Một tiết thực hành của sinh viên Trường CĐ Thương mại - Du lịch Nghệ An.
Ông Đậu Chính Nghĩa - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Là nơi đào tạo nguồn nhân lực ngành Du lịch cho TX. Cửa Lò và các địa phương khác trong, ngoài tỉnh. Quy mô tuyển sinh 1.500 – 1.800 sinh viên, trong đó khoảng 1.000 sinh viên ngành Du lịch, khách sạn (chiếm 2/3). Từ chế biến món ăn, đến nghiệp vụ lễ tân, buồng, bàn, bar, nghiệp vụ du lịch, quản lý khách sạn, quản lý nhà hàng… các sinh viên ngành Du lịch đều được học, thực hành trực tiếp chiếm 65 – 70% thời gian học tập. Hàng năm có hơn 1.000 sinh viên ngành Du lịch, khách sạn tốt nghiệp, trong đó có khoảng 400 – 500 sinh viên làm việc tại các khách sạn, nhà hàng trên địa bàn TX. Cửa Lò. Nhìn chung tất cả các sinh viên đều đáp ứng yêu cầu về trình độ tay nghề của các doanh nghiệp tuyển dụng.
Còn tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật tỉnh, bà Nguyễn Thị Lương – Phó Khoa quản lý văn hóa cho biết: Đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của sinh viên, bắt đầu từ năm học 2001 – 2002, Trường Cao đẳng VHNT tuyển sinh chuyên ngành Du lịch thuộc Khoa Quản lý văn hóa. Đây là cơ sở đầu tiên trên địa bàn tỉnh đào tạo trung cấp hệ chính quy về hướng dẫn viên du lịch. Bắt đầu từ năm 2012, trường có định hướng mở thêm chuyên ngành đào tạo nghề như quản trị kinh doanh, quản trị lữ hành, quản trị nhà hàng, hướng dẫn viên ngắn hạn...
Theo báo cáo của các trường thì chất lượng đầu ra, tỷ lệ sinh viên xin được việc làm khá cao (ngành Du lịch học của Đại học Vinh là 85%, của Trường cao đẳng du lịch – thương mại là từ 80 - 85%, Trường cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật khoảng 2/3 đi đúng nghề). Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Tùng – Trưởng phòng nghiệp vụ du lịch – Sở VHTT và DL thì chất lượng đầu ra của các cơ sở đào tạo chưa cao, nhất là kỹ năng thực hành còn đuối nên khi ra trường, tỷ lệ tìm được việc làm ổn định rất thấp, chủ yếu chấp nhận làm việc thời vụ tại các điểm du lịch ở Thị xã Cửa Lò, TP Vinh.
Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo du lịch chủ yếu nặng lý thuyết, thực hành chiếm tỷ lệ thấp, chưa có khái niệm sơ tuyển đầu vào (như chiều cao, giọng nói, ngoại hình, dáng đi... Quy định của Tổng cục Du lịch là 1,1 lao động/phòng ngủ (ở các khách sạn nhỏ, nhà nghỉ), 2,2 – 2,6 lao động/phòng ngủ (ở những khách sạn 3 sao trở lên). Nhưng hiện nay, nguồn nhân lực tỉnh ta mới chỉ đáp ứng 0,6 – 0,7 lao động/phòng ngủ ở những khách sạn nhỏ, nhà nghỉ. Và hầu như tỷ lệ lao động có chất lượng, được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp chủ yếu vẫn tập trung ở những khách sạn hạng sao trở lên. Còn các khách sạn nhỏ, nhà nghỉ, đội ngũ phục vụ không đúng chuyên môn, phần đa là lao động phổ thông, lao động thời vụ.
Ông Nguyễn Hữu Bắc – Phó Giám đốc Trung tâm Lữ hành quốc tế Thái Sơn, Ủy viên Ban chấp hành Chi hội Lữ hành Nghệ An cho biết: Đã có rất nhiều sinh viên đến thực tập, xin việc làm tại Trung tâm Lữ hành quốc tế Thái Sơn, chỉ cần qua một vòng phỏng vấn trực tiếp, các em đều bộc lộ các điểm yếu mà một người làm công tác du lịch cần phải có như thiếu sự tự tin trong giao tiếp, kiến thức về văn hóa lịch sử còn hạn chế, kỹ năng sử dụng ngoại ngữ còn nhiều điều đáng bàn. Phần lớn các trường đào tạo về du lịch nhưng lại thiếu cơ sở vật chất cho sinh viên thực hành. Hầu như các trường đang phải thực hành ở khách sạn, nhà hàng chứ chưa đủ điều kiện để thực hành tại trường. Giảng viên chủ yếu vẫn phải “mượn” từ các chuyên ngành Sử, Xã hội học... chứ chưa có giảng viên chuyên ngành Du lịch. Chúng ta đang đào tạo ồ ạt về những người làm du lịch (không sơ tuyển đầu vào, đào tạo không chất lượng nên dẫn đến đầu ra hạn chế). Hầu như các trường đang “mạnh ai nấy làm” của mình chứ chưa theo sự định hướng, theo nhu cầu thực sự của xã hội.
Trong buổi làm việc với UBND tỉnh để nắm tình hình định hướng phát triển của du lịch Nghệ An những năm tiếp theo, chiều 4/7 vừa qua, ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Du lịch đã chỉ rõ rằng: Để phát triển nhanh, bền vững, du lịch Nghệ An cần mở rộng liên kết vùng, miền trong khu vực, trong toàn quốc, nhưng muốn làm được điều đó, ngoài thu hút đầu tư vào các vùng du lịch trọng điểm như Cửa Lò, Khu Di tích Kim Liên, Bãi Chùa Đảo Ngư ... thì công tác đào tạo nguồn nhân lực cần được chú trọng hàng đầu. Hiện các cơ sở đào tạo nhân lực cho ngành Du lịch ở Nghệ An chất lượng đầu ra chưa cao, chưa cho ra “lò” những “mẻ” thợ lành nghề. Nghệ An cần phải liên kết với các cơ sở đào tạo ở Sài Gòn, Hà Nội. Đào tạo nhân lực du lịch không chỉ đào tạo nghề, mà còn phải đào tạo cách thức giao tiếp, phong thái phục vụ, giọng nói, ngoại hình...
Thanh Thủy