Nhân ngày môi trường thế giới 5/6: Một tín hiệu vui ở Vườn Quốc gia Pù Mát
Theo tài liệu khoa học đã được công bố thì khỉ đuôi dài ở nước ta chỉ phân bố tự nhiên từ Đà Nẵng trở vào. Sinh cảnh thích hợp của loài khỉ này là rừng ngập mặn, rừng trên đảo, hoặc bán đảo trên đất liền. Ở rừng ngập mặn, chúng sống chủ yếu trên tán cây lớn. Trên đảo chúng ngủ trong hang, sống bầy đàn 5-7 con hoặc lớn hơn, có thể tới 30-40 con, leo trèo bơi lặn đều giỏi, kiếm ăn ban ngày, thức ăn chủ yếu là trái cây và lá cây non trong rừng các loài động vật nhỏ: cá, tôm, cua, ốc, hến và các loài côn trùng.
Theo tài liệu khoa học đã được công bố thì khỉ đuôi dài ở nước ta chỉ phân bố tự nhiên từ Đà Nẵng trở vào. Sinh cảnh thích hợp của loài khỉ này là rừng ngập mặn, rừng trên đảo, hoặc bán đảo trên đất liền. Ở rừng ngập mặn, chúng sống chủ yếu trên tán cây lớn. Trên đảo chúng ngủ trong hang, sống bầy đàn 5-7 con hoặc lớn hơn, có thể tới 30-40 con, leo trèo bơi lặn đều giỏi, kiếm ăn ban ngày, thức ăn chủ yếu là trái cây và lá cây non trong rừng các loài động vật nhỏ: cá, tôm, cua, ốc, hến và các loài côn trùng.
Năm 1998, Đội kiểm soát cơ động của Chi cục kiểm lâm Nghệ An phát hiện, bắt giữ xử lý một xe chở khỉ đuôi dài (26 con, trọng lượng khoảng 200 kg) từ miền Nam ra. Do điều kiện không thuộc vùng phân bố của loài động vật hoang dã này, không có những sinh cảnh phù hợp nên Hội đồng khoa học của Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp Nghệ An đã thảo luận, và quyết định thí nghiệm thả chúng vào núi Phà Lày, thuộc Vườn Quốc gia Pù Mát.
Phà Lày là tên của một hòn núi đá, tiếng Thái là Núi Hoa, bởi trên các tảng đá lớn tại đây có hoa văn tự nhiên, rất đẹp, có nhiều hang động, rừng cây khá phong phú về chủng loại thực vật, hoa quả nhiều, bên cạnh khe Khặng là một con suối khá lớn chảy ra sông Giăng (nay đã xây đập nước). Tại đây, Vườn Quốc gia Pù Mát đã xây dựng trạm bảo vệ rừng, có điều kiện để theo dõi nghiên cứu.
Ngày 1/4/2009 (sau gần 11 năm), chúng tôi vào thăm anh em ở trạm này và nắm tình hình sự tồn tại và phát triển của loài khỉ đuôi dài. Các kiểm lâm viên cho biết, khi thả chúng, đã xảy ra những "trận chiến" khá ác liệt tranh giành lãnh địa giữa khỉ đuôi dài và các loài khỉ bản địa, như khỉ mặt đỏ, khỉ vàng...
Thế nhưng, chúng vẫn tồn tại và phát triển, có thể đã thành 3-4 đàn khá đông, đã thấy khỉ con các thế hệ. Ở đây, ban ngày chúng sống trên cây, ăn hoa quả, gần trưa chúng ra các bìa rừng ven suối, có khi kiếm ăn bên bờ suối, bơi lặn dưới nước. Buổi chiều, chúng quây quần, nghỉ ngơi ở các tảng đá trên cao, tối có thể chúng ngủ trong hang. Vào khoảng 11 giờ trưa hôm đó, chúng tôi đã quan sát chúng hoạt động trên các lùm cây bên kia dòng suối, một đàn khá đông, nhiều thế hệ. Rõ ràng, loài khỉ đuôi dài đã thích nghi được với điều kiện sống mới để phát triển tại Vườn Quốc gia Pù Mát.
Khỉ đuôi dài là loài thú kinh tế, có giá trị cao, có thể phát triển trong tự nhiên, cần tổ chức săn bắt có kế hoạch, để lấy lông da, thực phẩm và dược liệu, đồng thời tạo sự hấp dẫn khách du lịch sinh thái nơi đây!
KS. Nguyễn Đình Võ