Nhân rộng mô hình sản xuất phân hữu cơ vi sinh

14/11/2012 14:36

(Baonghean) - Từ năm 2006 - 2008, được sự đồng ý của UBND tỉnh, Sở KH&CN, cùng với sự giúp đỡ của Bộ Khoa học & Công nghệ và Văn phòng Chương trình Nông thôn Miền núi, tại Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH&CN Nghệ An đã thực hiện dự án: “Xây dựng mô hình sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phế phụ phẩm nông nghiệp tại tỉnh Nghệ An”.

Sau 2 năm thực hiện, dự án đã được Hội đồng cấp Nhà nước nghiệm thu xếp loại xuất sắc. Dự án thành công, cán bộ trung tâm đã làm chủ được công nghệ sản xuất chế phẩm sinh học Compost Maker với công suất 100 tấn/năm đáp ứng căn bản nhu cầu sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ phế phụ phẩm nông nghiệp. Loại phân này có khả năng phân giải xellulo, vi sinh tổng hợp hoạt chất kích thích sinh trưởng thực vật và ức chế vi sinh vật gây bệnh vùng rễ cây trồng, nhất là các bệnh do nấm Fusarium, Aspergillus niger và vi khuẩn gây bệnh héo xanh trên cây họ cà. Rút ngắn thời gian xử lý phế phụ phẩm, sau 1 - 2 ngày ủ nhiệt độ khối ủ bắt đầu tăng và đạt cực đại 45-70oC sau 7-15 ngày và sau 30 - 35 ngày sử dụng bón trên đồng ruộng. Dự án còn thúc đẩy việc thu gom và xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp làm sạch môi trường sống, cải tạo đất. Bên cạnh đó, dự án đã giúp người dân chủ động sản xuất nguồn phân bón hữu cơ vi sinh tại chỗ, chỉ cần đầu tư 400.000 đồng đến 600.000 đồng, người dân có thể sản xuất được 1 tấn phân hữu cơ vi sinh, trong lúc đó giá một tấn phân vi sinh có chất lượng tương đương trên thị trường tối thiểu là 2.000.000 đồng.



Hướng dẫn quy trình sản xuất phân vi sinh ở Tân Kỳ

Với tính ưu việt của sản phẩm, Công trình sử dụng chế phẩm Compost Maker sản xuất phân vi sinh quy mô hộ đã được UBND tỉnh tặng giải Nhì công trình lao động sáng tạo khoa học công nghệ và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo năm 2010.

Sau nghiệm thu, dự án vẫn được tiếp tục mở rộng, đến tháng 10/2012, trung tâm đã tập huấn cho hàng chục lớp về quy trình sản xuất phân hữu cơ vi sinh và sản xuất gần 50 tấn chế phẩm và hàng trăm ngàn tấn phân bón. Sản phẩm chế phẩm Compost Maker được đánh giá rất cao và hiệu quả sử dụng phân bón được người dân và các hội nông dân ghi nhận và đề xuất có chương trình hỗ trợ để khuyến cáo mở rộng. Đơn vị đã tham mưu và Sở Khoa học Công nghệ đã trình Hội đồng nhân dân tỉnh và đã được UBND tỉnh phê duyệt Chính sách hỗ trợ việc tập huấn và mua chế phẩm sinh học Compost Maker để sản xuất phân bón hữu cơ sinh học từ phế phụ phẩm nông nghiệp theo Quyết định số 16/2012/QĐ-UB ngày 17/2/2012. Theo đó, mức hỗ trợ tiền mua chế phẩm từ 50-70% tùy theo địa bàn đồng bằng hay miền núi; thời gian hỗ trợ trong 3 năm, bắt đầu từ năm 2012. Đến nay đã có 5 huyện đăng ký với số lượng trên 30 tấn chế phẩm cho năm 2012 và đã có nhiều huyện đăng ký hàng chục tấn chế phẩm và hàng chục lớp tập huấn cho năm 2013. Điển hình như huyện Anh Sơn đã đăng ký 9 tấn chế phẩm và 12 lớp tập huấn. Đây là chính sách “Khuyến khoa” đầu tiên trong tỉnh, cũng là một trong số rất ít các chính sách về hỗ trợ KHCN trong cả nước và là một trong những thành công nhất của dự án.
Với các kết quả đã đạt được, mong muốn các cơ quan ban ngành tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ nghiên cứu hoàn thiện chất mang thay thế than bùn trong sản xuất chế phẩm sinh học Copost Maker để thuận lợi trong quá trình vận chuyển; hỗ trợ các dự án nghiên cứu bổ sung VSV chức năng khác nhau cho các loại cây trồng, chế phẩm VSV bảo vệ thực vật, chế phẩm VSV xử lý môi trường (xử lý ao hồ nuôi trồng thuỷ sản, xử lý tồn dư thuốc BVTV trong đất,...); tiếp tục mở rộng các mô hình từ các đề tài, dự án thành công có hiệu quả, qua đó có các chính sách hỗ trợ cho người dân nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm để từng bước cải thiện đời sống kinh tế cho nhân dân.


Th.s Phạm Hồng Hải

Mới nhất
x
Nhân rộng mô hình sản xuất phân hữu cơ vi sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO