Nhanh chóng điều tra nguyên nhân các vụ cháy rừng

03/06/2014 10:22

(Baonghean) - Từ đầu năm 2014 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 13 vụ cháy, diện tích thiệt hại ước tính trên 60 ha rừng các loại, tại các huyện Hưng Nguyên, Tương Dương, Con Cuông, Yên Thành, Đô Lương, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc và Nam Đàn. Đặc biệt chú ý là vụ cháy rừng tại xã Nam Lộc (Nam Đàn) xảy ra vào lúc 12h ngày 1/6/2014 đã thiêu rụi hàng chục ha rừng thông nhựa. Vậy đâu là nguyên nhân và làm sao để ngăn chặn, giảm thiểu thiệt hại? Báo Nghệ An có cuộc phỏng vấn ông Hồ Ngọc Sỹ - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để làm rõ thêm vấn đề này.

P.V: Xin ông cho biết vì sao mới đầu mùa nắng nóng năm nay tỉnh ta đã xảy ra nhiều vụ cháy rừng?

Ông Hồ Ngọc Sỹ: Diện tích đất có rừng trên địa bàn tỉnh là 888.695 ha, rừng tự nhiên là 733.268 ha, độ che phủ rừng năm 2013 đạt 53,9%. Trong những năm qua, công tác PCCR đã được chú trọng, song diện tích rừng thông nhựa lớn, thời tiết nắng nóng kéo dài, cùng với đó ý thức của người dân trong PCCCR chưa cao nên vẫn tồn tại thực trạng cháy rừng mùa nắng nóng.

Sở dĩ mới đầu mùa nắng nóng trên địa bàn tỉnh xảy ra khá nhiều vụ cháy rừng, theo chúng tôi có các nguyên nhân sau: Nắng khốc liệt kéo dài, thực bì khô rất dễ xảy ra cháy rừng và tốc độ lan tràn lửa rất nhanh, rất khó cứu chữa, nên một số vụ cháy do cháy lan từ huyện này sang huyện khác. Ví dụ mới đây vụ cháy rừng xã Thượng Sơn (Đô Lương) cháy lan sang xã Bảo Thành (Yên Thành) nên đã tính thành 2 vụ và diện tích cháy lớn; vụ cháy rừng Nam Lộc - Nam Đàn cháy lan sang xã Nam Tân, huyện Nam Đàn...

Thảm thực bì trên núi cao dày, cháy rừng dễ bùng phát, người dân bất cẩn trong việc dùng lửa rất dễ xảy ra cháy rừng như: vụ cháy rừng tại xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên gây thiệt hại 2,7 ha, ngày 14/5/2013 do ông Nguyễn Ngọc Não, xóm Phúc Điền, xã Hưng Tây đốt mùn cưa trong vườn nhà cháy lan vào rừng. Hiện công an đang điều tra, chưa có kết luận chính thức.

Bên cạnh đó vẫn còn mâu thuẫn tiềm ẩn giữa các cá nhân trong nội bộ dân cư hoặc giữa các địa phương trên địa bàn huyện, dẫn đến hành vi đốt rừng.

P.V: Ngày 1/6/2014, Nam Đàn đã xẩy ra cháy rừng lớn nhưng thông tin được biết muộn. Xin ông cho biết có hay không việc cơ sở ém thông tin về cháy rừng ở Nam Đàn?

Ông Hồ Ngọc Sỹ: Vụ cháy rừng ở Nam Đàn bắt đầu từ khu vực đập Ba Khe. Nguyên nhân hiện Công an đang điều tra. Khi bắt đầu xảy ra cháy, Kiểm lâm Nam Đàn đã báo cáo ngay cho Chi cục Kiểm lâm, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và UBND huyện Nam Đàn. 12h trưa xẩy ra cháy rừng thì chúng tôi đã được báo và lên đường đi chữa cháy rừng ngay.

Cháy rừng thông ở dốc 3 cấp, xóm 9, xã Nam Nghĩa (Nam Đàn) vào chiều 2/6/2014.  Ảnh: Thanh Nga
Cháy rừng thông ở dốc 3 cấp, xóm 9, xã Nam Nghĩa (Nam Đàn) vào chiều 2/6/2014. Ảnh: Thanh Nga

Phòng cháy, chữa cháy rừng được coi là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, được cả hệ thống chính trị tham gia, trong đó lực lượng Kiểm lâm đóng vai trò nòng cốt tham mưu. Các vụ cháy rừng được điều tra công bố công khai, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan. Tôi khẳng định không có hiện tượng ém thông tin cháy rừng.

P.V: Thưa ông, vì sao tình trạng cháy rừng vẫn diễn ra thường xuyên nhưng rất ít vụ việc tìm ra được nguyên nhân, thủ phạm gây cháy để xử lý trước pháp luật?

Ông Hồ Ngọc Sỹ: Các vụ cháy rừng theo điều tra ban đầu nguyên nhân chủ yếu là do lỗi đốt rừng cố ý của người dân. Song công tác khám nghiệm hiện trường, điều tra thủ phạm gây ra cháy rừng gặp nhiều bế tắc, do không thu thập được các chứng cứ gây cháy rừng, thủ phạm vẫn ngoài vòng pháp luật, nên không có tác dụng giáo dục phòng ngừa răn đe.

Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Công điện số 10/CĐ-UBND ngày 27/5/2014 giao Công an tỉnh chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp &PTNT điều tra nguyên nhân các vụ cháy rừng để xử lý nghiêm theo đúng quy định.

Đến nay Công an tỉnh đã và đang chỉ đạo Phòng Cảnh sát điều tra và Công an các huyện phối hợp với chính quyền địa phương điều tra truy tìm thủ phạm gây ra các vụ cháy rừng thời gian qua để pháp luật nghiêm trị.

P.V: Những ách yếu nhất trong công tác PCCCR hiện nay là gì, thưa ông?

Ông Hồ Ngọc Sỹ: Bước vào mùa nắng nóng, tỉnh ta tập trung triển khai nhiều biện pháp chỉ đạo quyết liệt công tác PCCCR như: Kiện toàn các ban chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền, ký cam kết, diễn tập cách chữa cháy, ký hợp đồng với các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn huy động lực lượng chữa cháy khi cần... Tuy nhiên, vẫn tồn tại thực trạng cháy rừng. Những ách yếu trong công tác PCCCR hiện nay là: Việc trồng rừng tập trung không có các công trình PCCCR được phê duyệt cùng với hồ sơ thiết kế trồng rừng, nên thiếu tính đồng bộ, nguy cơ cháy rừng cao. Diện tích rừng thông nhựa dễ cháy liền vùng, liền dải giữa các xã nối liền nhau lớn nên cháy rừng rất dễ cháy lan thành nhiều đám cháy khác nhau.

Một số diện tích rừng hiện nay do UBND xã quản lý, cơ chế giao khoán không rõ ràng, người dân sống gần rừng chưa được giao đất, giao rừng ổn định, nên rừng vẫn được coi là của chung nên dễ gây ra hành vi đốt rừng. Chỉ khi nào rừng được coi như ruộng, như vườn nhà, gắn với sinh kế của người dân thì rừng mới được bảo vệ bền vững. Việc phát dọn thực bì vệ sinh rừng, làm đường băng cản lửa chưa tiến hành được nhiều, do chưa có nguồn kinh phí để triển khai thực hiện. Công tác giao đất khoán rừng còn một số bất cập chưa giải quyết được mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, nên tiềm ẩn hành vi đốt rừng. Việc điều tra truy tìm thủ phạm gây ra các vụ cháy triển khai chưa quyết liệt, chưa tìm ra được để xử lý.

P.V: Trước thực trạng đó, xin ông cho biết biện pháp bổ cứu trước mắt cũng như lâu dài đối với công tác PCCCR?

Ông Hồ Ngọc Sỹ: Trước tình hình cháy rừng trên địa bàn tỉnh luôn báo động cấp V, cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm như hiện nay, UBND tỉnh, các ngành, các cấp thực hiện nghiêm Công điện số 10/CĐ-UBND ngày 27/5/2014, Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 24/4/2014 của UBND tỉnh về tăng cường các biện pháp cấp bách PCCCR trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Khẩn trương điều tra sớm làm rõ nguyên nhân các vụ cháy rừng để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. Thực hiện cảnh báo cháy rừng hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng, thực hiện nghiêm chế độ thường trực 24/24 giờ tại chòi canh lửa và Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy các cấp, để phản ứng nhanh, ứng cứu các tình huống cháy rừng xảy ra. Các lực lượng chữa cháy rừng các cấp chuẩn bị, triển khai tốt phương án “4 tại chỗ” trong chữa cháy rừng, cụ thể là: lực lượng con người, phương tiện máy móc, dụng cụ kỹ thuật, hậu cần cho công tác chữa cháy rừng.

Thực bì dày là một trong những nguyên nhân gây cháy rừng. Ảnh: Châu Lan
Thực bì dày là một trong những nguyên nhân gây cháy rừng. Ảnh: Châu Lan.

Các đơn vị chủ rừng, Hạt Kiểm lâm, UBND xã phải bố trí lực lượng canh phòng chốt chặn, kiểm soát chặt chẽ người ra vào rừng, nghiêm cấm các hành vi sử dụng lửa, chất nổ, chất dễ cháy ở ven rừng, trong rừng. Tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện phương án PCCCR cấp huyện, xã và chủ rừng, phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về PCCCR để răn đe và giáo dục phòng ngừa. Khi phát hiện cháy rừng xảy ra thì chủ rừng, chính quyền địa phương, Hạt Kiểm lâm phải nhanh chóng huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ dập tắt đám cháy, không để xảy ra cháy lớn.

Về lâu dài, các huyện, các xã, các Ban quản lý rừng phòng hộ cần giải quyết tốt mối quan hệ lợi ích giữa rừng đối với các hộ sống gần rừng và ven rừng. Rừng được bảo vệ bền vững khi rừng được xem như vườn, như ruộng, có thu nhập và các gia đình tự bỏ công sức trông coi, bảo vệ thì mới hạn chế được cháy rừng. Tổ chức khai thác rừng gắn với phát dọn thực bì vệ sinh rừng đảm bảo an toàn PCCCR hiệu quả hơn. Xử lý dứt điểm mọi mâu thuẫn tiềm ẩn trong nội bộ nhân dân, nhất là điều tra và xử lý các đối tượng gây ra cháy rừng. Trồng rừng tập trung gắn với việc xây dựng các công trình PCCCR kiên cố bền vững, cũng như chọn loại cây trồng hợp lý.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Cháy rừng ở Nghi Lộc, Nam Đàn

- Vào lúc 11h ngày 2/6, tại rừng Khe Làng, Nghi Kiều (Nghi Lộc) tiếp tục xảy ra cháy rừng. Ngay sau khi nhận được tin báo, xã Nghi Kiều đã huy động nhiều lực lượng tham gia chữa cháy nhưng do thời tiết nắng nóng thảm thực vật dày đặc, gió Tây Nam thổi mạnh, đường vào khó, địa hình dốc nên việc chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn. Đến 15h cùng ngày, ngọn lửa mới được khống chế sau đó được dập tắt. Hậu quả, 3,5 ha rừng bị thiêu rụi.

Nguyễn Văn Xinh

- Vào khoảng 13 giờ cùng ngày, tại khu vực Đập Đá, xóm 10, xã Nam Thanh (Nam Đàn) xảy ra một vụ cháy rừng, gây thiệt hại nhiều diện tích thông 20 năm tuổi của ban quản lý rừng phòng hộ Nam Đàn.

Vào thời điểm trên, 1 đám cháy khác bùng phát ở dốc 3 cấp, xóm 9, xã Nam Nghĩa, trên dãy núi Đại Huệ. Đến 18h cùng ngày, đám cháy đã được dập tắt.

Thanh Nga

Châu Lan (Thực hiện)

Mới nhất
x
Nhanh chóng điều tra nguyên nhân các vụ cháy rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO