Nhập khẩu muối, đường không ảnh hưởng đến sản xuất trong nước

11/08/2012 22:41

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên khẳng định, thời điểm nhập khẩu đã chín muồi và không ảnh hưởng đến sản xuất trong nước.

Theo thông tư số 22/2012/TT-BCT, Bộ Công Thương phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 100.000 tấn muối công nghiệp cho các thương nhân trực tiếp sử dụng làm nguyên liệu sản xuất hóa chất và 2.000 tấn muối tinh khiết cho các thương nhân trực tiếp sử dụng làm nguyên liệu sản xuất thuốc, sản phẩm y tế.

Cũng theo Thông tư này, Bộ Công Thương phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 50.000 tấn đường tinh luyện và đường thô cho các thương nhân trực tiếp sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất và 20.000 tấn đường thô cho thương nhân sản xuất đường để tinh luyện cung cấp phục vụ sản xuất, tiêu dùng.

Muối, đường, trứng gia cầm nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan năm nay sẽ được thực hiện theo Thông tư của Bộ Công thương trong thời gian từ ngày 6/8 đến hết ngày 31/12 tới.

Thông tư này đã khiến dư luận băn khoăn vì ngành sản xuất muối, đường trong nước đang gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên khẳng định, thời điểm nhập khẩu đã chín muồi và không ảnh hưởng đến sản xuất trong nước.

Ngoài ra theo bà Phan Thị Diệu Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương, 4 mặt hàng là muối, đường, thuốc lá điếu và trứng gà đều phải cấp hạn ngạch nhập khẩu thuế quan theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO.

Theo thống nhất giữa Bộ Công Thương và Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn đối với mặt hàng muối thì việc thực hiện phân giao hạn ngạch đợt 1 sẽ là 53.000 tấn, trong đó 51.000 tấn muối công nghiệp cho các thương nhân sử dụng làm nguyên liệu sản xuất hóa chất và 2 nghìn tấn cho các thương nhân sử dụng để làm nguyên liệu cho sản xuất thuốc.

Tuy nhiên, vì phải đợi tiêu thụ hết lượng muối trong nước nên việc giao 51.000 tấn này chỉ được thực hiện vào tháng 9/2012, số còn lại sẽ căn cứ vào nhu cầu thị trường để phân hạn ngạch tiếp.

Đối với mặt hàng Đường, theo ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng cục nông lâm sản và nghề muối, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, trong điều kiện sức mua trong nước hạn chế thì phân giao hạn ngạch là phù hợp.

Theo ông Hòa trong quá trình hội nhập, ngành đường đã có nhiều cố gắng vươn lên, tuy nhiên, so với thế giới thì mức cạnh tranh còn thấp, hiệu quả sản xuất đường vẫn chưa cao. Vì vậy, việc phân theo hạn ngạch nhập khẩu thực chất cũng nhằm bảo hộ thị trường trong nước.

“Muối, liên quan trực tiếp đến người diêm dân, đường là sản phẩm còn rất non trẻ trước sức cạnh tranh của thế giới, vì vậy đưa hạn ngạch ra là chính để bảo hộ sản xuất trong nước. Việc giao hạn ngạch này cũng phải tuân thủ đúng mục đích sử dụng và hàng tháng doanh nghiệp phải báo cáo liên bộ, đồng thời liên bộ cũng sẽ giám sát việc nhập khẩu này. Còn những thương nhân được phân giao mà không thực hiện sẽ được điều chuyển cho các doanh nghiệp khác”- bà Phan Thị Diệu Hà nói .

Theo lộ trình cắt giảm thuế khi gia nhập WTO, từ này đến 2018 thuế nhập khẩu cũng sẽ giảm dần. Trong khi đó, theo đánh giá của liên bộ, chênh lệch giữa bán lẻ với giá giao tại nhà máy đối với các mặt hàng này còn quá cao.

Ông Đoàn Xuân Hòa cho rằng, không một nước nào căn cứ giá đường bán lẻ vào giá đường sản xuất, trên thực tế các nước đều có khoảng chênh nhất định. Tuy nhiên, mặt hàng đường của Việt Nam còn khá non trẻ so với thế giới, do vậy việc bảo hộ đòi hỏi cạnh tranh ngành đường cũng phải nâng lên.

Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên yêu cầu các doanh nghiệp cần có định hướng, nâng cao chất lượng và giảm giá thành để đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thế giới.

Bộ Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng muối công nghiệp phục vụ sản xuất hóa chất, xây dựng kế hoạch ưu tiên sử dụng muối chất lượng cao trong nước sản xuất được./.


Theo (VOV) - L.T

Mới nhất
x
Nhập khẩu muối, đường không ảnh hưởng đến sản xuất trong nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO