Nhật Bản và những xoay chuyển trên bàn cờ an ninh khu vực

19/05/2015 08:17

(Baonghean) - Ngày 14/5, liên minh cầm quyền Nhật Bản gồm hai Đảng Dân chủ tự do và Đảng Công Minh trình Quốc hội dự thảo Luật bảo đảm an ninh mới. Thông tin này thu hút được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, với câu hỏi đặt ra về những tác động trực tiếp của đạo luật mới đến an ninh khu vực. Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Cương - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Bộ Công an về vấn đề này.

P.V: Thưa Thiếu tướng, quân sự vốn luôn được xem là “gót chân Asin” của Nhật Bản, không phải vì tiềm lực yếu kém mà vì những lý do lịch sử. Xin Thiếu tướng cho biết đôi nét khái quát về chính sách an ninh của Nhật Bản từ sau năm 1945 đến nay?

Quốc hội Nhật Bản. Nguồn Kyodo - TTXVN
Quốc hội Nhật Bản. Nguồn Kyodo - TTXVN

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Nhắc đến chính sách an ninh Nhật Bản là nhắc đến Hiến pháp hoà bình năm 1946. Trong đại chiến thế giới, Nhật Bản thuộc phe phát xít và đã bị Liên Xô cùng quân Đồng Minh đánh bại. Tội ác của quân phát xít Nhật để lại dấu ấn sâu sắc trong lịch sử của các quốc gia Đông Á. Để ngăn chặn sự quay trở lại của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản, cộng đồng quốc tế đã thống nhất đặt ra Hiến pháp hoà bình 1946.

Trong đó, Điều 9 của Hiến pháp quy định rằng: Nhân dân Nhật Bản cam kết vĩnh viễn phản đối chiến tranh và phản đối đe doạ hoặc sử dụng vũ lực như là phương tiện giải quyết xung đột quốc tế. Theo đó, lực lượng lục quân, không quân, hải quân và các tiềm lực quân sự khác sẽ không được duy trì. Quyền tuyên chiến và tham chiến của Nhật bị cộng đồng quốc tế tước bỏ.

Tất nhiên quá trình phát triển chính sách an ninh của Nhật không bị giới hạn tuyệt đối mãi như vậy, mà duy trì trong giai đoạn 1945 - 1950. Năm 1950, Nhật Bản mới thành lập đội Cảnh sát dự bị. Năm 1952, Cục Bảo an được thành lập, với tư cách là cơ quan trực thuộc phủ Thủ tướng, có trách nhiệm bảo vệ an ninh trật tự và chống ngoại xâm.

Năm 1954, Cục Bảo an đổi thành Cục Phòng vệ, đã xây dựng lực lượng bảo vệ an ninh trong nước và thiết lập quan hệ đồng minh với Mỹ thông qua Hiệp định song phương Mỹ - Nhật. Trong giai đoạn xảy ra chiến tranh vùng Vịnh những năm 1990, Nhật Bản quyết định cử lực lượng phòng vệ sang tham chiến, dưới sự ràng buộc chặt chẽ của các văn bản quy định, tuy nhiên cũng đã đánh dấu mốc quan trọng trong chính sách an ninh kể từ sau Thế chiến II.

Năm 2001, Nhật Bản thông qua Luật đặc biệt phòng chống khủng bố, cho phép tàu của hải quân Nhật Bản hỗ trợ Mỹ tại Thái Bình Dương. Năm 2003, Mỹ cho phép Nhật cử quân đội sang tham chiến ở Iraq.

Năm 2007, Cục Phòng vệ đổi tên thành Bộ Quốc phòng. Năm 2009, Nhật Bản phát lệnh hành động tuần tra trên biển. Đặc biệt, ngày 1/7/2014, chính quyền Shinzo Abe đã đạt được sự đồng thuận, cho phép sửa đổi Điều 9 Hiến pháp hoà bình, Nhật Bản được phép thực hiện quyền phòng vệ tập thể. Đến ngày 14/5 vừa qua, một trang mới đã thực sự mở ra với chính sách an ninh Nhật Bản.

P.V: Thiếu tướng có thể cho biết nội dung cụ thể của hai đạo luật mới trong dự thảo Luật đảm bảo an ninh mà Liên minh cầm quyền Nhật Bản trình lên Quốc hội hôm 14/5 vừa rồi?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Dự thảo Luật đảm bảo an ninh mới này dựa trên cơ sở hai dự luật. Đó là: Dự luật đảm bảo hoà bình - an ninh và Dự luật Hỗ trợ hoà bình quốc tế. Ngoài ra, Quốc hội Nhật Bản sẽ xem xét, sửa đổi hơn 10 bộ luật hiện hành để tương thích với Bộ Luật đảm bảo an ninh mới. Về cơ bản, có hai nội dung mới chủ yếu và đáng chú ý. Thứ nhất, giao cho Lực lượng phòng vệ Nhật Bản nhiều quyền hạn hơn, tương đương với Bộ Quốc phòng cùng một lực lượng quân đội hoàn chỉnh như mọi quốc gia khác. Thứ hai, cho phép mở rộng phạm vi hoạt động của quân đội Nhật Bản.

Đây là điều thay đổi quan trọng nhất, bởi nên nhớ rằng từ sau năm 1945 thì lực lượng phòng vệ Nhật Bản chỉ có quyền phòng thủ và ở trong lãnh thổ Nhật mà thôi. Nếu Dự luật mới được thông qua, quân đội Nhật sẽ có quyền tham gia tác chiến ở nước ngoài.

Như vậy, Dự luật mới này sẽ mở rộng phạm vi hoạt động cả về không gian và tính năng, quyền hạn. Nhật sẽ thực sự trở thành một đồng minh quân sự của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Những nhiệm vụ mới của quân đội Nhật có thể kể ra như: Bảo vệ tàu chiến Mỹ hoặc tàu của đồng minh trong trường hợp bị một nước thứ ba tấn công gần vùng biển Nhật Bản; Hải quân được phép dừng các tàu để kiểm tra nếu nghi ngờ vận chuyển vũ khí tới một nước thứ ba nhằm phục vụ cho việc tấn công vào Nhật Bản hoặc lực lượng đồng minh đang ở gần Nhật Bản; Quân đội Nhật có quyền bắn hạ tên lửa bay qua các đảo Nhật Bản để nhắm về phía lãnh thổ Mỹ hoặc căn cứ quân sự của Mỹ; bảo vệ lực lượng giữ gìn hoà bình ở nước ngoài và công dân Nhật, công dân nước bạn; rà soát bom mìn ở Trung Đông dưới sự chủ trì của Liên hợp quốc; tham gia vào hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở khu vực và toàn cầu; tham gia vào cuộc chiến an ninh mạng; tham gia bảo đảm an ninh hàng hải, hàng không ở khu vực viễn Đông - Tây Thái Bình Dương và những khu vực có lợi ích của Nhật và các đồng minh.

P.V: Thưa Thiếu tướng, tại sao Nhật Bản lại chọn thời điểm này để đưa ra Dự thảo về Luật đảm bảo an ninh mới?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Không phải tự nhiên mà họ trình Dự luật vào thời điểm này, bởi an ninh luôn là một vấn đề nhạy cảm đối với Nhật Bản. Nhưng căn cứ vào tình hình trong và ngoài nước, có lẽ đây là thời điểm thuận lợi nhất. Trong nước, người dân cơ bản ủng hộ. Ngoài nước, có hai lý do: thứ nhất là mối quan hệ chưa bao giờ tốt đẹp hơn với Mỹ và thứ hai là sự trỗi dậy của Trung Quốc như một mối đe doạ đến an ninh khu vực cũng như quốc tế.

Bối cảnh hiện nay đã khác với ở thời điểm của những thập niên 40, 50, 60 ở thế kỷ trước. Mối đe doạ của chủ nghĩa quân phiệt, phát xít đã dần mờ đi trong tiềm thức của cộng đồng quốc tế, nhờ vào liều thuốc thời gian. Nhật Bản ngày nay không còn là nguy cơ tiềm tàng đối với hoà bình, an ninh chung, mà thậm chí, cộng đồng khu vực và quốc tế có thể sẽ rất cần đến Nhật Bản để góp sức bảo vệ nền hoà bình. Đó là yêu cầu đặt ra cho Nhật Bản, nhưng cũng chính là nguyện vọng của quốc gia này, khi mà an ninh, quyền lợi của bản thân người dân Nhật Bản đang đứng trước nguy cơ bị đe doạ.

P.V: Cộng đồng quốc tế có phản ứng như thế nào trước thông tin này thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Trước tiên phải kể đến Mỹ, không có gì đáng ngạc nhiên khi Mỹ ủng hộ Bộ luật mới của Nhật. Điều này hoàn toàn có thể đoán trước thông qua việc hai bên ký cam kết điều chỉnh Hợp tác quốc phòng song phương nhân chuyến thăm Mỹ kéo dài 7 ngày của Thủ tướng Nhật. Trong đó, bổ sung các phương thức hợp tác mới, hay nói rõ hơn là Mỹ “bật đèn xanh” cho Nhật mở rộng phạm vi hoạt động trên mọi lĩnh vực, trong đó có an ninh, ra ngoài lãnh thổ nước này. Mục đích là để Nhật có thể hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm của một đồng minh quan trọng của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Còn trong khu vực, một số quốc gia đã lên tiếng tỏ thái độ trước thông tin này như Hàn Quốc, Trung Quốc. Trong khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc “nhẹ nhàng” nhắc nhở Nhật Bản cũng như cộng đồng quốc tế không quên bài học lịch sử thì Hàn Quốc tuyên bố rằng mọi thay đổi chính sách của Tokyo không được ảnh hưởng đến an ninh, hoà bình khu vực và lợi ích quốc gia của Hàn Quốc. Một số nước thì chưa có phát ngôn chính thức, nhưng điều đó không có nghĩa là họ phản đối. Tôi còn cho rằng đa số các nước trong khu vực đồng tình, nhưng vì những lý do nhạy cảm mà họ giữ im lặng.

P.V: Theo nhận định của Thiếu tướng, nếu Luật đảm bảo an ninh mới của Nhật Bản được thông qua, sẽ có tác động như thế nào đến an ninh khu vực?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Tất nhiên không ai dám chắc điều gì. Bởi một sự thay đổi về chính sách an ninh dẫu là điều bình thường trong chặng đường phát triển của một quốc gia, thì còn nhiều yếu tố ngoại cảnh có thể tương tác. Cũng có người hoài nghi liệu Nhật Bản có dừng chân ở giới hạn để bảo vệ hoà bình, an ninh quốc gia và khu vực hay sẽ có những động thái đe doạ nền hoà bình chung. Tôi cho rằng khả năng đó rất khó xảy ra. Tuy nhiên, một kịch bản có thể nghĩ đến là Trung Quốc hay một số tác nhân khác sẽ có động thái phản ứng lại, chính điều này mới là nguy cơ ảnh hưởng đến hoà bình khu vực và quốc tế. Bản thân tôi xin được tin tưởng rằng nếu vai trò của Nhật Bản đối với an ninh khu vực được tăng lên, sẽ là một tin tốt cho cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương. Đồng thời, cũng không ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích của Việt Nam chúng ta.

P.V: Cảm ơn Thiếu tướng về cuộc trò chuyện!

Thục Anh

Mới nhất
x
Nhật Bản và những xoay chuyển trên bàn cờ an ninh khu vực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO