Nhặt chuyện người Nghệ ở nước ngoài
(Baonghean) - Có thể nói, trên khắp thế giới, ở đâu bây giờ cũng gặp người Nghệ. Ai cũng biết, dân xứ Nghệ có tinh thần đoàn kết, đùm bọc rất cao. Xa quê, tinh thần đó càng được con em người Nghệ phát huy cao độ.
Có chuyến sang Đài Loan do con gái mời “đi kèm”, tôi hăm hở thu xếp để đi. Ông bạn nhà văn Phạm Đức Long thấy con trai nói thèm bánh đậu xanh nên gửi tôi 2 gói mang sang cho cháu. Cu con ông này đang làm việc ở Đài Loan. Vấn đề là, ông Long là dân Nghệ, thằng cu cháu này tất nhiên là dân Nghệ. Nó vừa đưa vợ sang ở cùng, chắc chắn lại sẽ có một thế hệ Nghệ ở Đài Loan mang họ Phạm Quỳnh Lưu.
Và sang Đài Loan, tôi gặp thêm rất nhiều dân Nghệ ở đấy.
Gặp mặt Hội đồng hương người Nghệ tại Ma Cao. Ảnh: Nguyễn Nga |
Lang thang ở xứ Đài toàn bằng tàu điện ngầm. Lên chặng tàu điện ngầm thứ nhất thấy ngay một băng ghế 4 thanh niên đang ngồi và nói tiếng... Nghệ. Cô bé ngơ ngác nhất tên là Chiến, mới sang được 3 tháng. Chủ nhật đi 4 chặng để thăm anh trai, đã sang đây làm đến kỳ thứ 2. Mỗi kỳ 3 năm, hết lại về làm lại hồ sơ thủ tục sang lại.
Chiến bảo, cháu rất thích tăng ca, vì nhanh có tiền trả nợ. Phải gửi về cho bố mẹ trả nợ tiền vay để đi rồi mới tích lũy.
Chiến kể, cô làm cho một xưởng da, còn mấy người đi cùng làm cho hãng điện và điện tử, tốn hết 4 - 5 ngàn đô. Lương thì từ 800 – 1.000 đô/tháng, nếu được tăng ca thì lương cao hơn.
Tôi bật cười vì chữ “được”. Chiến bảo, cháu rất thích tăng ca, vì nhanh có tiền trả nợ. Phải gửi về cho bố mẹ trả nợ tiền vay để đi rồi mới tích lũy. Thông thường là đợt đi đầu 3 năm chỉ đủ ăn và trả nợ, chuyến sau mới tích lũy được. Hỏi chủ đối xử thế nào, bảo rất tốt chú ạ. Chủ cho ăn ở trong xưởng, thi thoảng tổ chức riêng cho công nhân Việt Nam đi nghỉ, chơi tập thể.
Tôi cũng ra vẻ am hiểu kinh tế, bảo với Chiến là chắc không đến 3 năm đâu, bởi cứ cho là lương 800 nhé, cháu tằn tiện tiêu 300 thôi, còn 500 gửi về. Mỗi tháng 500 thì chỉ 10 tháng là đủ 5 ngàn rồi. Nó cãi: Ơ còn lãi nữa chứ chú, với lại cũng... chưa đến 3 năm thật. Tôi bảo hỏi để mừng cho các cháu thôi, chứ yên tâm chú không phải thuế vụ đâu mà sợ.
Đồng hương Nghệ An ở Đài Loan vận động quyên góp, giúp đỡ những hoàn cảnh nghèo khó, bị bệnh hiểm nghèo ở quê nhà. Ảnh: Phạm Hoàng |
Hầu hết những người sang Đài Loan làm sau đó đều về đưa anh em bà con sang làm. 4 cháu tôi gặp đây đều có anh hoặc em ruột làm trước rồi đưa sang, và cứ Chủ nhật thì đi thăm nhau, nấu ăn, rồi lại lên tàu về, có khi cách nhau mấy trăm cây số. Với lại bây giờ nhất cử nhất động nhắn nhau qua mạng, bố mẹ ở nhà cũng nói chuyện xem hình live con cháu thường xuyên...
Hôm rồi sang Thái Lan, đang lớ ngớ ở cái Khu du lịch Kanchanaburi thì lại cũng thấy vang lên... giọng Nghệ. Tưởng người đi du lịch, té ra không phải, mấy cô cậu làm ở đây, tranh thủ lúc không có khách, nói chuyện với nhau bằng tiếng mẹ đẻ. Tôi nghe thấy cũng sướng, xông lại bắt chuyện. Các cháu sang đây làm mấy năm rồi, công việc ổn định và có vẻ tiến triển tốt.
Có thể nói, đi khắp thế giới, ở đâu bây giờ cũng gặp người Nghệ. Ai cũng biết, dân xứ Nghệ có tinh thần đoàn kết, đùm bọc rất cao. Đi đâu làm ăn, thấy được, là tiếp tục nhắn anh em bà con, rồi đến hàng xóm, đồng hương, bảo lãnh cho nhau qua làm ăn. Ở đâu cũng làm ăn, miễn là sống tốt, rồi gửi tiền về quê. Đùm bọc nhau kiểu Nghệ là thế.
Một trong những người Nghệ Tĩnh ở xứ người lâu nhất đến giờ mà tôi biết, là Giáo sư, Tiến sĩ nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng.
Anh Hoàng mới vào Pleiku, điện và anh em chúng tôi gặp nhau. Tôi cũng từng đăng trên trang của tôi trường hợp hết sức đau lòng về con gái anh. Cháu bị mất tích ở Sochi hồi 13 tuổi, đến nay nếu còn cháu cũng đã trên 40 tuổi. Anh Hoàng đã bỏ ra cả cuộc đời mình, từ khi cháu mất tích, đến giờ, quyết không về nước để tìm và đợi cháu.
Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng. Ảnh: Sputnik |
Đã làm mọi cách, kể cả gặp nhà tiên tri lừng danh thế giới Vanga hỏi dò, cháu vẫn bặt vô âm tín, và anh vẫn kiên trì đợi. Tóc bạc trắng ngay từ khi cháu mất tích, đến giờ anh vẫn không nguôi đau khổ, không nguôi khát vọng tìm được cháu, dù cái tia hy vọng có vẻ càng ngày càng mỏng đi, nhưng anh vẫn tin có ngày cháu sẽ trở về tìm anh. Và như thế, cái cộng đồng Nghệ đông đúc ở nước ngoài kia, vẫn đang có tên cô bé Quỳnh Nga con Giáo sư, Tiến sĩ nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng.
"Khúc hát sông quê" chiếm trọn tình cảm, tâm hồn, toàn bộ cuộc đời, là máu là huyết... của con dân xứ Nghệ. Ở nhà đã thế, huống gì ra nước ngoài, xa xứ.
Nhà thơ Lê Huy Mậu năm kia có một chuyến bôn ba trời Âu. Định đi tầm nửa tháng thì về, cuối cùng ông làm một lèo mấy tháng. Đơn giản bởi ông là tác giả lời "Khúc hát sông quê", sang đấy được cộng đồng Nghệ chuyền nhau như chuyền... banh.
Hầu như tất cả dân Nghệ đều coi bài hát "Khúc hát sông quê" là... tỉnh ca. Hơn cả tỉnh ca, bởi nếu chỉ tỉnh ca nó chỉ mang yếu tố lý tính, đằng này, "Khúc hát sông quê" chiếm trọn tình cảm, tâm hồn, toàn bộ cuộc đời, là máu là huyết... của con dân xứ Nghệ. Ở nhà đã thế, huống gì ra nước ngoài, xa xứ. Thế là ông thành của độc, thành cái thứ để dân Nghệ xa xứ bày tỏ tình yêu quê nhà. Thành đồng hương giữa đồng hương, quê hương giữa quê hương, Nghệ giữa Nghệ, một thứ đồng hương, quê hương, Nghệ cô đặc, tinh chất, kết hương...
Buổi gặp mặt thân tình giữa nhà thơ Lê Huy Mậu (thứ 3 phải sang) với những bạn bè đồng hương xứ Nghệ giữa Mátxcơva (Nga). Ảnh: Võ Hoài Nam |
Họ Văn của tôi, hơn 600 năm trước có xuất xứ từ Hoàng Mai, Nghệ An. Giờ mộ tổ Văn đại tôn ở phường Mai Hùng, thị xã Hoàng Mai được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh. Hồi còn sống, Giáo sư Văn Như Cương, một trong những người Nghệ rất Nghệ có đùa với tôi: Họ ta xuất sang nước ngoài khá nhiều nhân tài nhé, những là Văn Gốc, Văn Bát Ten, Văn Nít Tơ Roi, vân vân đủ kiểu...
Mà biết đâu đấy. Ai nghĩ rằng, mấy trăm năm trước, họ Lý Việt Nam đã từng sang tận Hàn Quốc để có một dòng họ hùng mạnh như bây giờ ở xứ sở Kim Chi?