"Nhất Cờn, nhì Quả..."
(Baonghean) - Trong 2 ngày (18 và 19/2, tức ngày 19 và 20 tháng Giêng năm Giáp Ngọ), tại các huyện Đô Lương và Quỳnh Lưu đã diễn ra 2 lễ hội cấp vùng là Lễ hội Đền Quả Sơn và Lễ hội Đền Cờn. Mỗi lễ hội đều có những nét độc đáo riêng, thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương về dự, tạo nên không khí đông vui, tấp nập nhưng vẫn giữ được nét trang nghiêm, thành kính.
(Baonghean) - Trong 2 ngày (18 và 19/2, tức ngày 19 và 20 tháng Giêng năm Giáp Ngọ), tại các huyện Đô Lương và Quỳnh Lưu đã diễn ra 2 lễ hội cấp vùng là Lễ hội Đền Quả Sơn và Lễ hội Đền Cờn. Mỗi lễ hội đều có những nét độc đáo riêng, thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương về dự, tạo nên không khí đông vui, tấp nập nhưng vẫn giữ được nét trang nghiêm, thành kính.
Tại xã Bồi Sơn (Đô Lương), dù 8h sáng lễ khai mạc Lễ hội Đền Quả Sơn mới chính thức bắt đầu nhưng từ 6h sáng, rất đông bà con nhân dân trong vùng đã tụ tập ở đền để thắp hương và chờ hòa mình vào các hoạt động của buổi lễ. Mặc dù năm nay đã hơn 80 tuổi, từng chứng kiến những thăng trầm của ngôi đền trên quê hương cũng như trải qua nhiều kỳ lễ hội nhưng ông Lê Ngọc Trung ở xóm 6, xã Bồi Sơn vẫn có mặt từ rất sớm tại đền Quả Sơn để cùng hòa vào dòng người từ khắp nơi về tụ hội. Ông Trung vui vẻ cho biết: “Tôi tự hào được sinh ra trên mảnh đất Bạch Ngọc, nơi có đền Quả Sơn thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang nổi tiếng linh thiêng. Hàng năm, cứ ra Tết, qua Rằm tháng Giêng, chúng tôi lại háo hức chờ đón Lễ hội Đền Quả Sơn. Gia đình tôi và nhiều gia đình khác ở xóm, ở xã rất sẵn sàng đóng góp kinh phí, công sức để tu sửa đền ngày một đẹp hơn, để lễ hội ngày càng thành kính và đông vui hơn”.
Vượt gần 30km về dự lễ, chị Trần Thị Vân ở xóm 10, xã Cao Sơn (Anh Sơn) chia sẻ: “Dù ở xa nhưng hàng năm, đến dịp Lễ hội Đền Quả Sơn, tôi đều về đây tham gia vào lễ rước. Đền Quả Sơn là ngôi đền nổi tiếng linh thiêng đối với nhân vùng Đô Lương, Anh Sơn và tôi thấy các hoạt động tại lễ hội đều nghiêm túc, trang trọng và vui tươi, phấn khởi”. Trước đó, trong 2 ngày (18 và 19 tháng Giêng âm lịch), người dân và du khách đã được hòa vào không khí từng bừng, nhộn nhịp của các hoạt động thể thao như thi đấu bóng chuyền nữ, đấu vật, đua thuyền truyền thống ngược sông Lam. Ngoài ra trong lễ hội năm nay có một hoạt động mới là mở gian hàng trưng bày các đặc sản của vùng đất Đô Lương như bánh đa, kẹo lạc của Thị trấn Đô Lương, khoai vạc Mỹ Sơn, mật mía Giang Sơn Đông, nhút Hồng Sơn…, thu hút rất đông du khách tới xem và mua hàng. Những sản phẩm ấy không chỉ là để quảng bá đặc sản của người dân Đô Lương, mà còn là món quà mang nhiều ý nghĩa đối với du khách thập phương để dành tặng cho bạn bè, người thân.
Quang cảnh Lễ hội Đền Cờn năm 2014. Ảnh: Triều Dương |
Đúng 8h sáng, tiếng trống, tiếng chiêng từ sân đền vang lên, hướng bà con và du khách vào các hoạt động của lễ khai mạc lễ hội. Diễn văn khai mạc lễ hội của ông Nguyễn Minh Hạnh – Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương đã nhắc về công lao của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang – vị nhân thần được thờ tại đền Quả Sơn: “Suốt 21 năm, trong đó có 16 năm làm Tri châu ở Nghệ An, với đường lối vương đạo, thân dân, Lý Nhật Quang đã có công rất lớn trong việc củng cố, xây dựng Nghệ An từ một vùng đất biên viễn trở thành một trọng trấn, một pháo đài kiên cố cả về quân sự, kinh tế, văn hóa, không chỉ đối với nhà Lý mà cả các triều đại về sau…
Đối với huyện Đô Lương, Lý Nhật Quang đã có công lớn trong việc khuyến khích nhân dân trồng lúa, nuôi tằm, dệt lụa, nuôi nhiều trâu, bò, ngựa… động viên nhân dân vùng ven sông, ven biển đóng tàu thuyền phát triển nghề đánh bắt thuỷ, hải sản, lưu thông buôn bán giữa các miền trong vùng. Ông còn chú ý đến đời sống văn hoá tinh thần của người dân bằng cách cho tu sửa, xây dựng nhiều đền chùa. Ngày nay, xứ Nghệ đã có trên 30 đền thờ Lý Nhật Quang, phụng ông làm Thành Hoàng, trong đó có đền Quả Sơn. “Nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng” - đền Quả Sơn từ xưa đến nay được coi là 1 trong 4 ngôi đền lớn của xứ Nghệ và được tôn là “Anh linh đệ nhất từ”. Đầu thế kỷ XX, đền Quả Sơn đã trở thành một quần thể to lớn gồm 7 toà, 40 gian theo kiểu kiến trúc thời Lý – Trần và được Bộ Văn hoá – Thông tin xếp hạng là Di tích Lịch sử – Văn hoá cấp Quốc gia”.
Sau phần tế lễ là những hoạt động độc đáo trong phần lễ của Lễ hội Đền Quả Sơn. Trước hết là màn trình diễn lộn quân của cả quân thủy và quân bộ - tái hiện lại khí thế tập luyện hào hùng của các binh sỹ dưới trướng Uy Minh Vương thời xa xưa. Sau đó là phần đặc sắc nhất: Lễ rước linh vị Uy Minh Vương từ đến Quả Sơn lên tạ ơn ở chùa Bà Bụt (hay còn gọi là Tiên tích tự) ở cách đền 4km ở phía Tây thuộc xã Lam Sơn. Tương truyền, bà Bụt là người thường xuyên linh ứng phù giúp Lý Nhật Quang trong việc kinh bang tế thế và là người chỉ cho Lý Nhật Quang nơi quy hóa và hiển thánh dưới chân núi Quả. Lễ rước theo đường thủy ngược dòng Lam và đường bộ qua 5 làng thuộc 3 xã vùng Bạch Ngọc (Bồi Sơn, Ngọc Sơn, Lam Sơn), qua mỗi làng nhân dân đều tổ chức các điểm bái hạ trang nghiêm để được vái ngài.
Dù quãng đường đi bộ không phải là ngắn, lại có nhiều đoạn đường đất trơn trượt do cơn mưa tối hôm trước nhưng ngay từ lúc khởi hành, đã có rất đông bà con nhân dân tham gia lễ rước. Trên suốt đoạn đường của lễ rước, lại thêm nhiều người nhập vào đoàn, tạo thành một đoàn người kéo dài hơn 1 cây số. Những người không có điều kiện tham gia vào lễ rước thì đứng chật các ngõ xóm, tìm cho mình một địa điểm thích hợp để có thể quan sát toàn bộ lễ rước. Chị Thái Thị Hồng ở xã Ngọc Sơn cho biết: “Từ sáng sớm, mấy chị em đã chuẩn bị sẵn ghế trên tầng 2 ngôi nhà để có thể quan sát từ xa và ghi lại hình ảnh đám rước mà không bị che khuất tầm nhìn”. Còn chị Nguyễn Thị Hồng Vinh – Giảng viên khoa Lịch sử Đại học Vinh, một du khách tham gia lễ hội nhận xét: “Tôi đã từng tham gia nhiều lễ hội trên địa bàn tỉnh và tôi nhận thấy rằng cái hay của lễ hội Đền Quả Sơn là phần Lễ không bị phần hội lấn át và thu hút rất đông người dân tham gia, còn các hoạt động của phần hội diễn ra trật tự, vui tươi, phấn khởi”.
Lễ tế tạ ở chùa Bà Bụt trong lễ hội đền Quả Sơn. Ảnh: Minh Quân |
Tại phường Quỳnh Phương – TX. Hoàng Mai, hòa vào dòng người từ khắp nơi tụ về, chúng tôi mang theo tâm trạng vừa háo hức, vừa tò mò bởi lần đầu được tham dự một lễ hội của vùng sông nước. mang đậm màu sắc của ngư dân vùng biển – Lễ hội Đền Cờn.
Sử sách chép lại rằng, từ thế kỷ XIII đền đã được xây dựng để thờ tứ vị Thánh nương. Trải qua chiến tranh, sự tàn phá của thời gian, hai khu vực đền là đền Trong và đền Ngoài dù không giữ được nhiều như kiến trúc ban đầu nữa nhưng đền vẫn còn nguyên nét cổ kính, đồ sộ, độc đáo. Sinh thời, khi còn sống, hai vị vua là Trần Anh Tông và Lê Thánh Tông trước khi đi nam chính đã vào đền tạ lễ. Các đời vua sau như Lê Lợi, Quang Trung cũng đã cử các cận thần về tế lễ đi xuất trận. Với 35 lần được các triệu đại ban sắc phong, giá trị của đền Cờn quả đúng như dân gian ta đã gọi “nhất Cờn”.
Đền Cờn Ngoài, nơi diễn ra các hoạt động chính nằm sát với cửa biển Lạch Cờn. Tại đây, từ bao đời nay mỗi ngày vẫn có hàng trăm con thuyền của ngư dân vùng biển Quỳnh Lưu cập bến. Người dân đất Quỳnh trước đây và Thị xã Hoàng Mai hiện nay vẫn tin rằng, nhờ có sự che chở của thần đền, của đấng bề trên và nhờ có sự phù hộ của tổ tiên nên những chuyến đi biển của họ được bình an, mưa thuận, gió hòa. Và cũng đúng như phong tục truyền thống của người dân vùng biển, lễ cầu Ngư, buổi lễ cầu mong cho một năm mới mưa thuận, gió hòa, quốc thái dân an, trời yên biển lặng, đánh bắt được nhiều hải sản, mùa cá bội thu trở thành một trong những nghi lễ quan trọng nhất của lễ hội.
Để chuẩn bị cho nghi lễ này, đoàn rước kiệu sẽ được kết hợp trên bộ và dưới nước rồi theo con đường ven Cửa Lạch từ đền Cờn Ngoài vào đền Cờn Trong. Với con tàu mang ký hiệu NA – 90143, 250 CV của gia đình anh Hoàng Văn Việt, mặc dù đây đã là năm thứ 10 thuyền đi vào hoạt động nhưng là năm thứ nhất thuyền anh được vinh dự chọn tham dự lễ rước. Đứng trên boong tàu vốn trước đây là nơi chứa cá nay đã được trang hoàng như một con thuyền chở khách du lịch, rẽ sóng băng băng, anh Việt chỉnh tề trong bộ áo quần comle tự hào nói: “Vì lễ rước chỉ giới hạn số lượng thuyền tham dự nên khi lựa chọn khối, phường phải lựa chọn kỹ càng. Không chỉ thuyền gặt hái được nhiều thành công, anh em trên thuyền sống chan hòa đoàn kết mà bản thân gia đình còn phải là gia đình văn hóa... Việc được tin tưởng tham dự lễ rước cộng với chuyến đi biển dài ngày đầu tiên trong năm mới này thành công, tôi tin rằng: những ngày tới sẽ còn may mắn nhiều hơn nữa…”.
Lề hội Đền Cờn năm nay cũng sôi nổi với nhiều hoạt động phong phú bổ ích khác, đó là hội thi của các trò chơi dân gian như thi đua thuyền, kéo co, đẩy gậy, đánh bóng chuyền, hội thi tiếng hót chim chào mào. Tục rước voi, rước ngựa đã bị lãng quên cách nay 40-50 năm cũng đã được khôi phục lại. Đặc biệt, lễ hội cũng chính là hoạt động chính mở màn khai trương mùa du lịch Hoàng Mai năm 2014.
Nhóm P.V