Nhật ký một người Việt từ "chảo lửa" Ukraine
“Chúng tôi đã sống và đếm từng phút giây mong vượt qua những thời khắc nóng bỏng ở Ukraine. Mọi thứ diễn ra trong chớp mắt, bao số phận thay đổi và không ai biết được ngày mai sẽ ra sao…”.
Nhật ký của anh Hồ Sĩ Trúc, một người Việt đã sinh sống lâu năm ở Kiev, chia sẻ về những diễn biến trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Ngày 20/2
Kiev như muốn vỡ tung bởi sức nóng của làn sóng biểu tình. Lồng ngực tôi cũng muốn vỡ tung bởi sự căng thẳng, lo lắng tột độ. Bà con ta ra chợ đến khoảng 12 giờ trưa, khi nghe tin lộn xộn xảy ra ở nhiều nơi trong Kiev mọi người vội vã dọn hàng và khẩn trương đi mua thêm một số nhu yếu phẩm tích trữ. Tối hôm đó, sau thỏa thuận của chính quyền và phe đối lập, tình hình có dịu đi nhưng vẫn tiềm ẩn xung đột. Bà con gọi điện khuyến cáo nhau tự bảo vệ mình.
Thủ đô Kiev của Ukraine đã biến dạng vì bạo loạn |
Ngày 21/2
Mọi hoạt động gần như ngừng trệ bởi người dân còn sợ. Đường phố vắng tanh, cửa hàng cửa hiệu đóng cửa. Cảm giác thành phố tê liệt vậy nhưng vẫn có một số bà con ta hiên ngang ra chợ dù cái chợ Troeshina rộng mênh mông ấy chỉ có mấy người Việt mở cửa hàng đứng với nhau.
Ngày 22/2
Thành phố bình yên trở lại, công sở, trường học, bến tàu xe, cửa hàng chợ búa… đã hoạt động, nhưng mọi giao dịch gần như ngừng trệ. Cửa hàng siêu thị các mặt hàng tràn ngập nhưng vắng ngắt bởi người dân chẳng biết mấy ngày nữa hết các đồ ăn tích trữ từ chiều 20/2. Điều dễ nhận thấy là các mặt hàng đã rục rịch tăng giá từ 2 -3%.
Ngày 23/2
Tình hình gần như bình thường, sự lo lắng đối với người dân dường như giảm bớt, nhiều người chủ yếu là tầng lớp trẻ tỏ vẻ hoan hỉ trước chiến thắng của phe đối lập, lớp cao tuổi hơn ít tỏ thái độ bởi có thể dù phải trải qua bao biến cố xưa nay tại đất nước này nhưng vẫn chưa có dấu hiệu tích cực nào. Hỏi một cụ ông dưới chân nhà mình ở, ông buông lời: “Bình mới – rượu cũ”, với tôi quan trọng là lương hưu đã lâu chưa được nhận, mà lúc nhận được chẳng biết mua nổi mấy cân khoai tây. Bà con người Việt ở các chợ trong Kiev đều đi bán hàng cả.
Ngày 24/2
Đi ra chợ nhìn thấy Tây cũng như ta đứng tụm ba tụm bảy tán chuyện cùng nhau mà lo về tương lai bất định. Mọi người bảo nhau, chẳng biết cuộc sống sẽ đi về đâu vì tình hình ngày càng xấu đi. Nỗi lo lắng xung đột ở Kiev đã di chuyển xuống Crimea nhưng chúng tôi - những người Việt sinh sống tại đây còn phải lo thêm bao khó khăn khác. Ngoại tệ tăng giá buộc các mặt hàng khác nhảy theo cũng không kịp, bán hàng giá cũ còn chẳng có ai mua huống gì giá mới.
Ngày 25/2
Giá cả tiếp tục leo thang khi đồng ngoại tệ đang phi nước đại, chúng tôi bán hàng nếu bán lẻ hầu như không mở hàng, bán sỉ được một chút chưa kịp hoàn vốn thì đã lỗ. Chán nản, mọi người quay ra tán chuyện và bình luận chuyện nóng hổi là tình hình thời sự, cũng hay - hóa ra mọi người vẫn theo dõi sát mọi tình hình thậm chí đến chị em cũng bình luận sôi nổi. Có nhiều anh bỗng dưng trở thành những “nhà bình luận viên” bất đắc dĩ nên đôi lúc cuộc bình luận lại trở thành “khẩu chiến” giữa chợ.
Hiện tại Kiev đã có chính phủ lâm thời điều hành nhưng chúng tôi vẫn phải bảo nhau cảnh giác bởi vì đây vẫn là thời điểm “hỗn quân hỗn quan”. Ban đêm các thanh niên bản xứ tụ tập mọi nơi mọi chỗ hò hét như cả thế giới này đều nằm trong tay họ. Trong cơn say khướt như vậy thật vô phúc cho những người nước ngoài nào bị họ bắt gặp, nhẹ thì nhừ tử, đòn nặng thì có thể không thấy người về nhà nữa.
Ngày 26/2
Tình hình xem chừng thật nóng bỏng, dù hơi thở của chiến tranh đã di chuyển về vùng biên giới. Bàn dân thiên hạ lại được phen xôn xao. Những bà con đang về Việt Nam ăn tết chưa kịp sang gọi điện ời ời, nhiều gia đình giục giã con cái khẩn trương mua vé về thôi. Nhưng cái sự về cũng đâu đơn giản, nào con cái đang học dở, nào gia sản tích cóp cả nửa đời người đã biến thành nhà cửa, chỗ bán hàng...
Hoang mang quá, đang lúc ấy thì anh Duy Nghĩa (VTV thường trú tại Liên bang Nga - PV) đi tác nghiệp Kiev vào chợ thăm và tìm hiểu về cuộc sống của bà con, mọi người cảm thấy ấm lòng và được an ủi phần nào khi quê hương vẫn quan tâm và nhớ đến những bà con xa Tổ quốc. Được biết lúc chiến sự Maidan căng thẳng nhất thì anh Duy Nghĩa và chị Điệp Anh (VOV) đã có mặt tại trung tâm Kiev từ ngày 18/2 để cập nhật tình hình.
Ngày 27/2
Hôm nay ra chợ bà con lại được phen bàn tán nháo nhác - đêm qua ở gần cửa hàng McDonal’s ở quận Dexnhian, một người Afghanistan bị đánh nhừ tử. Bây giờ những tổ chức tự quản vẫn kiểm soát nhiều con đường, tự kiểm tra xe cộ. Bà con vẫn cứ hãy nhắc nhau thận trọng, buổi tối nên ở trong nhà.
Chúng tôi bán hàng cảm thấy chán ngắt vì không bán được cũng khổ, bán được tý cũng buồn vì tiền cứ mất giá dần. Ngoại tệ phi nước đại nếu chính quyền lâm thời không tìm ra giải pháp khẩn cấp, đất nước này vừa có nguy cơ ly khai, vừa hứng nguy cơ phá sản. Một cô khách Tây quen mua của tôi một lố hàng rồi thì thầm: “Nguy quá đi mất!”. Tôi hỏi luôn: “Chị nghĩ thế nào về tình hình trước mắt?”
Chị rơm rớm: “Hôm nay lại đổ máu dưới Crimea rồi và chưa thể dừng lại ở đó đâu, có lẽ chúng tôi không còn lối thoát”. “Không đâu chị!”, tôi động viên, “Tất cả sẽ kết thúc trong an bình, tôi tin đất nước xinh đẹp này sẽ có một kết thúc có hậu”. Động viên vậy nhưng bản thân mình cũng như rất nhiều bà con Việt ở đây lòng rối như tơ vò bởi phía trước là một tương lai bất định.
Ngày 28/2
Hôm nay ra chợ thấy bà con mình bàn luận chuyện hồi hương. Có một số ít bà con nếu như không vướng bận đã đặt vé về nước hẳn. Một số bà con nếu thu xếp được thì về nước một thời gian lánh nạn xem tình hình ra sao. Đến vợ tôi cũng giục, mua vé về thôi. Tôi hỏi cô giáo của con thì vẫn còn hơn 2 tháng nữa mới kết thúc năm học, xin cho con gái về Việt Nam nếu yên thì quay sang còn không thì ở nhà đi học luôn. Tất cả đang như một mớ bòng bong không riêng gì cho người bản xứ mà còn cho cả chúng tôi - những người con Việt đang xoay xở trong “chảo lửa” Ukraine.
Theo khampha.vn