Nhiều bất cập trong quản lý đầu tư xây dựng cơ bản

23/07/2013 09:19

Quản lý đầu tư xây dựng cơ bản là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các cấp ngành để đồng vốn ngân sách được sử dụng một cách hiệu quả. Tuy nhiên, thời gian qua, không ít công trình đang thể hiện sự lãng phí đầu tư bởi thi công dở dang, chậm tiến độ...

(Baonghean) - Quản lý đầu tư xây dựng cơ bản là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các cấp ngành để đồng vốn ngân sách được sử dụng một cách hiệu quả. Tuy nhiên, thời gian qua, không ít công trình đang thể hiện sự lãng phí đầu tư bởi thi công dở dang, chậm tiến độ...

Đã ba bốn năm nay, người dân Nghĩa Hành và Phú Sơn - Tân Kỳ khốn khổ với con đường nối từ đường Hồ Chí Minh qua Nghĩa Hành vào xã vùng sâu Phú Sơn của huyện Tân Kỳ. Do thi công dang dở, mùa mưa lũ, đường trở thành từng túi bùn nhão nhoét, sắn, mía của người dân ở đây tiêu thụ rất khó khăn.

Được biết tuyến đường này có chiều dài 18km với tổng mức đầu tư 117 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ. Ông Nguyễn Quốc Tuấn - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hành - Tân Kỳ cho biết: “Đường chưa nghiệm thu đã phải làm lại. Đoạn qua xóm 11 Nghĩa Hành thi công xong, bị hỏng hết, mới đây gần đến kỳ họp HĐND huyện, dân kêu, nhà thầu phải ra đổ thêm một lớp nhựa phía trên”. Cầu Mai Dâu trên tuyến thi công dở dang, chỉ có hai trụ chơ vơ. Công nhân, máy móc không thấy đâu cả. Ông Bá - xóm 12, Nghĩa Hành bức xúc: Chúng tôi là người trồng mía chuyên nghiệp, nhưng đường sá đi lại cơ cực quá, phải thuê chở mía nhiều chặng để ra đây, vì ô tô không vào được nên tiền lãi không còn mấy. Mong sao Nhà nước làm nhanh đường, chứ tình trạng này đến mùa mưa, lại khổ hết chỗ nói”.



Cầu Khe Dâu trên tuyến Nghĩa Hành - Phú Sơn (Tân Kỳ) thi công dở dang.

Còn đường 72m đi qua phường Hà Huy Tập (TP. Vinh), do mắc từ giải phóng mặt bằng, rồi thiếu vốn, nên hiện nay đoạn đường đã thi công trở thành ao cho bèo tây mọc. Chị Hương, chị Tuyết xóm 17, Nghi Phú than thở: “Đã nhiều lần tỉnh về, thành phố về nhưng vẫn không thấy tiến triển gì. Nhà cửa của nhiều hộ hiện đã hư hỏng, nhưng đi không được, ở cũng không xong”.

Thực tế, thời gian qua, công tác quản lý đầu tư XDCB mặc dù đã có nhiều cố gắng, song còn những bất cập. Kế hoạch đầu tư XDCB năm 2013 của Nghệ An với tổng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước 2.726,269 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2013 ước tổng giá trị khối lượng thực hiện 1.388,6 tỷ đồng, giá trị giải ngân là 975,8 tỷ đồng, đạt 45,11 % kế hoạch năm 2013. Nguồn vốn XDCB được giao sớm, công tác giải ngân cũng đã nỗ lực, song hiệu quả đầu tư chưa cao.

Bên cạnh đầu tư dàn trải, thiếu vốn thì công tác đền bù giải phóng mặt bằng cũng gặp nhiều khó khăn do một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ về mục đích, tầm quan trọng của công tác đầu tư xây dựng công trình. Trong khi đó, cấp ủy, chính quyền địa phương lại khoán trắng cho các đơn vị chủ đầu tư, thiếu sự phối hợp vận động tuyên truyền nâng cao nhận thức trong nhân dân, dẫn đến một số công trình chậm tiến độ.

Tại kỳ họp HĐND tỉnh (tháng 7/2013) mới đây, Ban Kinh tế ngân sách Hội đồng đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong quản lý đầu tư XDCB. Đó là: “Các qui định mới về đầu tư XDCB theo hướng phân cấp mạnh cho chủ đầu tư trong khi năng lực của nhiều chủ đầu tư Ban quản lý dự án còn hạn chế, nhất là chủ đầu tư, Ban quản lý thuộc cấp xã và một số sở,ban, ngành. Do vậy, nhiều công trình, nhà thầu thực hiện tất cả các qui trình hồ sơ, thủ tục, từ việc lập dự toán, khái giá đến quyết toán công trình để hợp thức hóa hồ sơ mà không có sự kiểm soát chặt chẽ. Thậm chí có không ít nhà thầu lập khống hồ sơ khối lượng để thực hiện ứng vốn”.

Bên cạnh đó, tình trạng các đơn vị tư vấn xây dựng và tư vấn thiết kế mọc lên ngày một nhiều nhưng năng lực chưa được thẩm định, chưa đáp ứng được yêu cầu đã ảnh hưởng đến tiến độ chuẩn bị đầu tư dự án và quyết toán vốn đầu tư hoàn thành. Việc lựa chọn nhà thầu của các chủ đầu tư còn thiếu khách quan, minh bạch đã làm ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ công trình XDCB.

Về vấn đề giám sát cộng đồng đối với các công trình ở miền núi, ông Nguyễn Quốc Tuấn - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hành (Tân Kỳ) chia sẻ: “Giám sát cộng đồng hiệu quả thấp bởi kỹ thuật không nắm được. Bên cạnh đó, chế độ cho giám sát cộng đồng không có, nên hoạt động thiếu nhiệt tình. Sự phân biệt chức năng giữa ban giám sát của chủ đầu tư với giám sát cộng đồng chưa rõ nên hiệu quả không cao”.

Hiện nay, có quá nhiều công trình dở dang, giãn tiến độ nhiều lần do thiếu vốn gây thất thoát, lãng phí lớn như: Đường Châu Thôn - Tân Xuân, giãn tiến độ nhiều lần, kéo dài hơn 3 năm hiện đang dở dang, các khu tái định cư ở Kỳ Sơn, Con Cuông, hàng chục công trình kiên cố hóa trường học ở các huyện. Ngay như huyện Tân Kỳ, năm 2013, còn 12 công trình kiên cố hóa trường học đang dang dở...

Báo cáo của Ban ngân sách cũng chỉ rõ: “Công tác quản lý vốn hiện có chưa hiệu quả. Vốn tỉnh vay từ Ngân hàng phát triển và Kho bạc Nhà nước 1000 tỷ đồng, nhưng đưa vào sử dụng rất ít, do một phần dùng để đảo nợ. Số vốn tồn từ năm 2012 chuyển sang 2013 là 337 tỷ đồng, nhưng cũng chỉ mới giải ngân 137 tỷ đồng, đạt 51% kế hoạch. Đặc biệt, một số dự án trái phiếu Chính phủ có số vốn lớn nhưng chưa thể làm thủ tục giải ngân”.

Có thể nói, những bất cập trong đầu tư XDCB nêu trên không phải là mới nhưng dường như đang “bội nhiễm” trong tình hình hiện nay.


Trân Châu

Mới nhất

x
Nhiều bất cập trong quản lý đầu tư xây dựng cơ bản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO