Nhiều 'đại gia' ở Nghệ An chây ỳ thuế
(Baonghean) - Nợ thuế của Nghệ An hiện là 889 tỷ đồng, số nợ so với tổng thu nằm trong mức cho phép. Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân khiến nợ thuế khó giảm đó là số nợ của các “đại gia” vẫn lớn và có nhiều doanh nghiệp còn chây ỳ trong trả nợ.
Điểm mặt các “đại gia” nợ thuế
Công ty CP đầu tư và xây dựng 24 có trụ sở tại số 4 đường Lê Nin nợ thuế và chậm nộp thuế hiện là 16,33 tỷ đồng. Số thuế này bao gồm thuế thu nhập cá nhân, thuế GTGT, tiền chậm nộp từ năm 2010 đến nay. Hiện Cục Thuế Nghệ An đã cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của công ty tại các ngân hàng (Công ty này mở tài khoản tại nhiều ngân hàng).
Cục Thuế Nghệ An cũng đã có văn bản yêu cầu Công ty CP Đầu tư và XD 24 phải nghiêm túc thực hiện các quyết định về cưỡng chế nợ thuế và phải chịu mọi chi phí về việc tổ chức thực hiện các biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đến nay công ty vẫn chưa trả hết nợ thuế.
Công ty CP Tư vấn và Xây dựng công trình Miền Trung còn nợ hơn 16 tỷ đồng thuế. Ảnh: Trân Châu |
Chi nhánh Công ty TNHH thương mại Minh Khang - Thành An Minh Khang (Sài Gòn) có dự án bất động sản tại thành phố Vinh và hiện đang nợ thuế 7,8 tỷ đồng. Dự án của công ty nằm ở vị trí đắc địa của thành phố, hiện đã phân lô bán nền xong, các hộ dân đã vào ở gần hết, tuy nhiên số thuế phải nộp vào ngân sách vẫn chưa nộp. Cán bộ ngành Thuế đã nhiều lần liên lạc nhưng rất khó tiếp cận giám đốc.
Công ty TNHH Tổng Công ty hợp tác kinh tế Việt Lào (trụ sở ở 150 đường Nguyễn Sỹ Sách, thành phố Vinh) hiện cũng là “con nợ” dai dẳng của Cục Thuế Nghệ An. Hầu như nhiều năm qua, ngành Thuế không làm sao thu được nợ của đơn vị này. Công ty này hiện nợ thuế 27 tỷ đồng. Đây cũng là đơn vị dẫn đầu về số thuế nợ.
Tiếp đó là các Công ty CP Xây dựng Cầu đường Nghệ An (hơn 18,3 tỷ đồng), Công ty CP Tư vấn và Xây dựng công trình Miền Trung (hơn 16,8 tỷ đồng), Công ty CP Xây dựng 16 - Vinaconex (hơn 16,3 tỷ đồng), Công ty CP Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Nghệ An cũng nợ hơn 15 tỷ đồng, Công ty CP Him Lam Nghệ An còn nợ hơn 6 tỷ đồng, Công ty CP KD vận tải thiết bị Linh Sơn (5,6 tỷ đồng), Công ty gốm Vinh nợ 7,7 tỷ đồng, Công ty CP nạo vét và xây dựng đường Biển II... nợ gần 900 triệu đồng.
Các doanh nghiệp có số nợ tiền thuế lớn nêu trên chủ yếu là các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản và XDCB, một số doanh nghiệp nợ trước cổ phần hóa từ năm 2003, không thuộc trường hợp xóa nợ. Đối với các doanh nghiệp này đã áp dụng nhiều biện pháp cưỡng chế, nhưng vẫn chưa có hiệu quả do lượng hàng tồn kho, công nợ phải thu từ các dự án và các đối tác chưa thu hồi được dẫn đến doanh nghiệp không có khả năng tài chính.
Dự án khu đô thị của Công ty TNHH Minh Khang đã phân lô bán nền nhưng chủ đầu tư vẫn nợ thuế. Ảnh: Trân Châu |
“Đòi nợ” chưa hiệu quả
Có một thực tế là việc liên lạc với đơn vị nợ thuế thì giám đốc đều không bắt máy, hoặc điện thoại “ngoài vùng phủ sóng”. Ông Ngô Quang Tài - Trưởng phòng Quản lý nợ thuế, Cục Thuế Nghệ An cho biết, theo quy định của ngành, cán bộ thuế không xuống tận doanh nghiệp mà chỉ đôn đốc qua điện thoại, chuyển công văn hoặc mời doanh nghiệp lên. Tuy nhiên khi được mời, hầu hết các doanh nghiệp chưa đến làm việc, một số đơn vị thì không liên hệ được.
Nợ thuế của các doanh nghiệp nêu trên là tồn tại đáng quan tâm đối với ngành Thuế nhiều năm qua. Ngành Thuế cũng đã ráo riết đòi nợ bằng nhiều giải pháp như phối hợp với công an, gửi tin nhắn điện thoại, cưỡng chế qua tài khoản ngân hàng, cưỡng chế tại trụ sở người nộp thuế... Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên hiệu quả vẫn không cao.
Theo Trưởng phòng Quản lý nợ thuế Cục Thuế Nghệ An, mặc dù nền kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi, song nhiều doanh nghiệp trên địa bàn vẫn chưa thoát khỏi khó khăn, hàng hóa tồn kho lớn, nhất là trong lĩnh vực XDCB và bất động sản. Một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh không hiệu quả, nhiều doanh nghiệp mất khả năng thanh toán đối với các khoản nợ đáo hạn như vay ngân hàng, nợ bảo hiểm không có khả năng thu hồi nợ từ các đối tác dẫn đến nợ thuế. Tài sản của doanh nghiệp hầu hết giá trị còn lại không nhiều và đang thế chấp ngân hàng để vay vốn. Không ít doanh nghiệp đang lâm vào tình trạng phá sản, giải thể, tạm ngừng hoạt động kinh doanh.
“Chúng tôi đã thực hiện biện pháp cưỡng chế nợ thuế qua tài khoản nhưng vẫn không có hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp đã áp dụng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng nhưng không thu hồi được nợ thuế, tiền chậm nộp theo đó cũng phát sinh ngày càng tăng dẫn dến doanh nghiệp càng khó khăn hơn”, ông Ngô Quang Tài cho biết thêm.
Bên cạnh đó, nhiều người nộp thuế chưa chấp hành tốt các quy định của pháp luật về thuế, chây ỳ không nộp thuế đúng hạn, nợ thuế kéo dài, cơ quan thuế xử phạt, tính tiền chậm nộp dẫn đến khoản tiền phạt chậm nộp tăng lên. Một số doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ đã tự giải thể, bỏ khỏi địa chỉ sản xuất, kinh doanh như Công ty gốm Vinh, Công ty CP nạo vét và xây dựng đường Biển II...
Với nhiều nỗ lực, Cục Thuế Nghệ An cũng mới chỉ giảm được 50 tỷ đồng tiền nợ thuế so với năm 2016 và số nợ thuế khó thu vẫn còn lớn. Trong thời gian tới, Cục Thuế Nghệ An xác định công tác thu nợ là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và rất quan trọng. Để giảm nợ mới phát sinh, ngành giao chỉ tiêu thu nợ cho từng phòng, từng chi cục; thực hiện kiên quyết các biện pháp thu nợ và cưỡng chế nợ thuế (CCNT) như ban hành Thông báo nợ và tiền chậm nộp, ban hành các quyết định CCNT đối với các trường hợp phải cưỡng chế nợ thuế; tham mưu UBND tỉnh công văn không cho đấu thầu đối với các doanh nghiệp nợ thuế trên 1 tỷ đồng; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường để thu hồi nợ thuế các doanh nghiệp khai thác khoáng sản; nhắn tin đôn đốc nộp nợ thuế đến giám đốc các doanh nghiệp; công bố thông tin người nộp thuế chây ỳ nợ thuế lên báo, trang web Cục Thuế, loa phát thanh phường, xã... Phối hợp chặt chẽ với Kho bạc Nhà nước, các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trong cưỡng chế nợ thuế; phối hợp các sở, ngành để thu hồi nợ thuế.
Trân Châu
TIN LIÊN QUAN |
---|