Nhiều ĐBQH tán thành nâng hạn tuổi quân nhân chuyên nghiệp
Việc nâng hạn tuổi phục vụ trong quân đội của quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng được khá nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đồng tình khi thảo luận dự thảo Luật Quân nhân chuyên nghiệp và Công nhân, viên chức quốc phòng.
Nêu ý kiến về dự thảo Luật, các đại biểu Phan Văn Tường (Thái Nguyên), Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang), Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái), Nguyễn Văn Minh (Bắc Cạn), Bùi Thị An (Hà Nội) và nhiều đại biểu khác đồng tình với việc nâng hạn tuổi phục vụ tại ngũ để đảm bảo nguồn nhân lực cho quân đội, giảm chi phí đào tạo thay thế số quân nhân chuyên nghiệp thôi phục vụ tại ngũ và phát huy được trình độ, năng lực, kinh nghiệm thực tiễn của quân nhân chuyên nghiệp còn đủ sức khỏe; đồng thời khắc phục tình trạng hằng năm phải kéo dài độ tuổi phục vụ tại ngũ với số lượng lớn.
Theo các đại biểu, độ tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất đối với cấp úy quân nhân chuyên nghiệp là 52 tuổi; cấp thiếu tá, trung tá quân nhân chuyên nghiệp là 54 tuổi. Công nhân, viên chức quốc phòng nam đủ 60 tuổi, nữ 55 tuổi.
Với độ tuổi như vậy cũng sẽ đảm bảo theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội vì nếu theo quy định hiện hành, công nhân, viên chức quốc phòng không đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu là 75%.
“Việc quy định quân nhân chuyên nghiệp được nghỉ hưu ở tuổi 50 trở xuống khi tuổi đời còn trẻ, có sức khỏe phục vụ, chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ giỏi, đang cần cho quân đội sẽ gây lãng phí nguồn nhân lực, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực của quân đội”, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) nói.
Còn theo đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng không phải là lực lượng trực tiếp chiến đấu, đối tượng này giống như cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, do đó không nên quy định nghỉ hưu quá sớm như hiện nay.
Tán thành nâng độ tuổi phục vụ tại ngũ của quân nhân chuyên nghiệp, đại biểu Huỳnh Văn Tính cũng đề nghị quy định cụ thể hơn về việc kéo dài độ tuổi đối với quân nhân chuyên nghiệp có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ cao. Trường hợp quân nhân chuyên nghiệp là chiến đấu viên đặc công, trinh sát đặc nhiệm, chống khủng bố, thợ lặn, tiêu binh danh dự, phục vụ trên tàu ngầm, kíp xe tăng, thiết giáp cần có chính sách quan tâm đặc biệt.
Về chế độ chính sách đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng, đa phần các đại biểu thống nhất với dự thảo Luật và cho rằng cần có chế độ ưu tiên với lực lượng này.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng cần rà soát cụ thể chế độ chính sách đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng để phù hợp với chính sách pháp luật hiện hành. Theo đó, cần phân tách về chế độ chính sách giữa quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng cho phù hợp với một số luật khác có liên quan, không làm chênh lệch quá lớn đối với công chức, viên chức và người lao động; bỏ quy định chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, được thuê nhà ở công vụ đối với công nhân, viên chức quốc phòng, nghiên cứu hỗ trợ phụ cấp về nhà ở đối với quân nhân chuyên nghiệp.
Trong phiên thảo luận ngoài nội dung về hạn tuổi phục vụ và chính sách nêu trên, các ĐBQH cũng nêu ý kiến vào những nội dung như sự phù hợp với Hiến pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tính khả thi; tên gọi, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự thảo Luật; vị trí, chức năng, quyền, nghĩa vụ của quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng; nguyên tắc lãnh đạo, chỉ huy, quản lý; quyền và nghĩa vụ của quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng…
Theo baochinhphu.vn
TIN LIÊN QUAN |
---|