Nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết các vấn đề phát sinh ở cơ sở được quan tâm

11/07/2012 20:07

Bước sang phiên làm việc buổi chiều nay 11/7, HĐND tỉnh chia thành các tổ tập trung thảo luận về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm 2012; nhiệm vụ và giải pháp  phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng cuối năm 2012; các vấn đề kinh tế - xã hội đang đặt ra ở cơ sở… 

(Baonghean.vn) - Bước sang phiên làm việc buổi chiều nay 11/7, HĐND tỉnh chia thành các tổ tập trung thảo luận về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm 2012; nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng cuối năm 2012; các vấn đề kinh tế - xã hội đang đặt ra ở cơ sở…

Cần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật

Thảo luận tại tổ 5, gồm 2 huyện Diễn Châu và Đô Lương, bên cạnh đóng góp ý kiến vào báo cáo đánh giá kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2012, các đại biểu tập trung làm rõ tình hình tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Theo ý kiến một số đại biểu, để đảm bảo quyền khiếu nại, tố cáo của công dân, đề nghị các cấp chính quyền ban hành quyết định giải quyết khiếu nại đúng thời hạn và pháp luật để công dân thực hiện quyền khởi kiện hành chính; chú ý cải tạo trụ sở tiếp công dân thật tiện lợi, khang trang, sạch sẽ…. Cùng với đó cần tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác tuyền truyền, phổ biến pháp luật, trong đó có Luật khiếu nại, Luật tố cáo, bởi thực tiễn hiện nay tỷ lệ công dân khiếu nại sai chiếm tỷ lệ rất lớn, với 77,6%; tố cáo sai chiếm 63,5%.



Đại biểu thảo luận tại Tổ 5. Ảnh: Văn Hải

Các đại biểu tại tổ 5 cũng đã cho ý kiến vào Tờ trình do UBND trình tại kỳ họp, như tờ trình về tăng chế độ phụ cấp và định biên cho cán bộ y tá thôn bản; cán bộ phụ trách dân số kế hoạch hóa gia đình cấp xã; đề án tăng mức phí đối với một số dịch vụ y tế….

Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp không nên cào bằng

Tổ 2 gồm đại biểu Thành phố Vinh và Thị xã Cửa Lò tập trung thảo luận về các pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đại biểu Đỗ Đình Quang (thành phố Vinh), cho rằng: Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cần thực hiện các chính sách đảm bảo hoạt động bình thường của doanh nghiệp. Các chính sách cho vay và hỗ trợ cần phải phù hợp trên cơ sở phân tích nguyên nhân khó khăn, không nên cào bằng. Cũng liên quan đến vấn đề khó khăn của doanh nghiệp, các đại biểu Lê Minh Thông (thị xã Cửa Lò); Lê Quang Hòa (Phó Ban quản lý KKT Đông Nam) kiến nghị, cần khắc phục tình trạng mất điện không được báo trước, bởi điều này ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh và gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp. Năm nào vấn đề này cũng đưa ra nhưng ngành điện giải quyết chưa tốt.



Đại biểu thảo luận tại Tổ 2. Ảnh: Sỹ Minh

Ngoài vấn đề khó khăn của doanh nghiệp, tại tổ 2, nhiều đạt biểu cũng đã nêu một số băn khoăn xung quanh vấn đề thu chi ngân sách khó khăn; chính sách trong công tác dân số; công tác quản lý chất lượng và giá cả tại các phòng khám đông y Trung Quốc; an toàn giao thông; an toàn lưới điện; thực hiện chế độ chất độc da cam; chế độ miễn giảm học phí và hỗ trợ đồ dùng học tập cho đối tượng chính sách và vùng bãi ngang còn chậm; an ninhtrật tự tại các KCN, họp chợ cóc tại KCN Bắc Vinh, vệ sinh trục đường vào KCN; phụ cấp chức vụ cho cán bộ cơ quan liên minh hợp tác xã...

Cần có giải pháp chỉ đạo phấn đấu đạt mục tiêu cả năm

Tại tổ 4, gồm các Đại biểu HĐND tỉnh được bầu tại 3 đơn vị Nghĩa Đàn, Thị xã Thái Hòa, Tân Kỳ đã tập trung thảo luận bày tỏ sự đồng tình cao với đánh giá của UBND tỉnh về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh 6 tháng đầu năm 2012, mặc dù trong khó khăn chung nhưng nhìn chung vẫn đạt được nhiều mặt tích cực. Tuy nhiên, vấn đề được nhiều đại biểu băn khoăn là nhiều chỉ tiêu kinh tế cơ bản 6 tháng đầu năm vẫn đạt thấp, phải có các giải pháp để đạt mục tiêu cả năm 2012. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nêu lên một số vấn đề xã hội đang đặt ra cần có sự vào cuộc để giải quyết thỏa đáng.

Đại biểu Lại Thị Bích Liên (huyện Nghĩa Đàn); Phạm Thị Thanh Hiền (thị xã Thái Hòa), nêu: “Việc hoàn trả lưới điện nông thôn cho người dân chậm. Mặc dù người dân đã kiến nghị rất nhiều lần, nhưng đến nay chưa được giải quyết. Thông qua giám sát của HĐND các địa phương, ngành điện trả lời là do việc đầu tự hạ áp lưới điện nông thôn của người dân không có chứng từ gốc nên không xác định được nguồn gốc tài sản do dân đóng góp hay do nguồn ngân sách đầu tư. Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh cần có giải pháp để sớm tháo gỡ vướng mắc đang đặt ra hiện nay, đảm bảo quyền lợi cho người dân”.

Đại biểu Phan Thế Phương (Nghĩa Đàn), khẳng định: “Công tác thu thập, tổng hợp và giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri thời gian đã được HĐND, UBND và các ngành cấp tỉnh quan tâm và tập trung rất cao. Tuy nhiên, cử tri vẫn cho rằng việc xử lý ô nhiễm môi trường ở một số điểm, cơ sở phát sinh, mặc dù có thành lập đoàn kiểm tra sau khi có kiến, phản ánh của nhân dân, có xử phạt, nhưng chưa quyết liệt, chưa nghiêm nên xử lý không triệt để, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân. Cần có biện pháp xử lý cứng rắn hơn nhằm tạo chuyển biến trong công tác bảo vệ môi trường, thu hút đầu tư, nâng cao sức khỏe cho người dân”. Nhiều đại biểu cũng nêu lên những bất cập trong lĩnh vực giáo dục; y tế - dân số và kế hoạch hóa gia đình; an toàn giao thông…

Giải đáp các vấn đề băn khoăn của một số đại biểu, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng, cho rằng: Để phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh 6 tháng cuối năm 2012 và giải quyết các vấn đề xã hội đang đặt ra, cần tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, như giảm giá thuê đất, tháo gỡ khó khăn trong bồi thường giải phóng mặt bằng thông qua việc thành lập các tổ công tác để trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho từng công trình, dự án. Duy trì các đoàn công tác xử lý các vấn đề bức xúc như khai thác lâm sản, khoáng sản trái phép, ô nhiễm môi trường. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nhất là nâng cao trách nhiệm giải quyết các kiến nghị, yêu cầu người dân và doanh nghiệp đúng pháp luât, giải quyết đồng bộ các vấn đề đang đặt ra.

Quan tâm giải quyết các vấn đề thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội

Tại tổ 3, đại biểu huyện Yên Thành và Quỳnh Lưu đã đi sâu thảo luận, phân tích các vấn đề gây bức xúc trong nhân dân, như việc giải quyết chế độ chính sách cho người có công hiện còn chậm; đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; tình trạng quá tải ở bệnh viện; ô nhiễm môi trường; xem xét việc bố trí cán bộ chuyên trách dân số - KHHGĐ cấp xã là viên chức nhà nước; vấn đề tái định cư..



Thảo luận tại Tổ 3. Ảnh: Sỹ Minh

Về vấn đề quá tải ở các bệnh viện, một số đại biểu cho rằng cần xem xét lại tầm nhìn quy hoạch để có dự báo chính xác, từ đó quy hoạch xây dựng bệnh viện, bố trí giường bệnh phù hợp. Bên cạnh đó là cần có cơ chế chính sách phù hợp để thu hút đội ngũ bác sỹ được đào tạo chính quy, chất lượng, tay nghề cao về các bệnh viện huyện để tránh tình trạng bệnh nhân thiếu tin tưởng dẫn đến đổ dồn về bệnh viện tuyến tỉnh.

Liên quan đến việc bố trí cán bộ chuyên trách dân số - KHHGĐ cấp xã là viên chức nhà nước, các đại biểu đều bày tỏ tán đồng cao và cho đây là việc cần làm ngay để nâng cao chất lượng dân số, thực hiện tốt các mục tiêu dân số. Tuy nhiên cần phải nghiên cứu kỹ việc bố trí cán bộ chuyên trách dân số thế nào cho phù hợp – nếu bố trí do xã quản lý thì sẽ vướng Nghị định 92/2009/NĐ-CP; còn nếu bố trí ở trạm xá –trực thuộc trung tâm y tế huyện quản lý thì sẽ kém hiệu quả trong công tác….Các đại biểu đề nghị HĐND tỉnh cần tiến hành rà soát, xem xét lại hệ thống chức danh và chế độ kèm theo ở tất cả các xã, phường để đảm bảo sự công bằng tránh tình trạng ngành nào mạnh thì kêu, cũng như hiện tượng “một xã có 500 cán bộ” xảy ra ở tỉnh Thanh Hóa.

Liên quan đến lĩnh vực lao động thương binh & xã hội, các đại biểu đề nghị ngành chức năng cần có những văn bản trả lời cụ thể cho nhân dân được hiểu rõ những vướng mắc mà ngành đang gặp phải trong việc thực hiện chế độ cho người có công, đặc biệt là chế độ bằng khen tham gia kháng chiến chống Mỹ của 75.000 người – hiện Nhà nước, tỉnh chưa bố trí được ngân sách để chi trả. Về đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, các đại biểu kiến nghị cần có biện pháp đảm bảo cho các làng nghề tồn tại và phát triển như giúp các làng nghề tìm kiếm đầu ra sản phẩm, tránh phụ thuộc vào một vài doanh nghiệp, có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp bao tiêu lập chi nhánh thu mua sản phẩm ở cơ sở…

Về lĩnh vực giáo dục- đào tạo, các đại biểu đề nghị xem xét lại chủ trương sáp nhập các trường THCS liên xã. Khi sáp nhập, các trường này ngoài sự quản lý của ngành giáo dục thì không rõ chịu sự quản lý của đảng ủy, chính quyền xã nào – mâu thuẫn này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục đào tạo. Bên cạnh đó, còn là xã, phường nào sẽ chịu trách nhiệm đóng góp xây dựng cở sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học.

Sức ép giải phóng mặt bằng quá lớn

Thảo luận tổ 7, gồm các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, vấn đề được đưa ra là công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Ông Thái Văn Nông- đại biểu, huyện Nam Đàn- Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn dẫn chứng: Dự án mở rộng nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Thanh Hóa được giải phóng nhanh chóng nhưng trên địa bàn tỉnh Nghệ An lại quá chậm. Đây là vấn đề được nhiều cử tri quan tâm phản ánh trong các đợt TXCT của đại biểu HĐND các cấp. Liên quan đến công tác GPMB, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách rất cụ thể nhưng vấn đề này ở đâu cũng vướng mắc, bất cập.



Đại biểu thảo luận tại Tổ 7. Ảnh: Sỹ Minh

Cùng chung ý kiến về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Trung đơn vị huyện Hưng Nguyên- Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên bức xúc: GPMB là căn bệnh lâu nay vẫn bốc thuốc nhưng để cắt cơn thì rất khó. Nhiều công trình dự án trên địa bàn Hưng Nguyên do vướng mắc trong công tác GPMB. Liên quan đến công tác này, ông Hoàng Viết Đường- Giám đốc Sở Tài chính nhấn mạnh: sức ép GPMB rất lớn. Chúng ta chưa quản lý chặt chẽ các dự án đầu tư, nhiều đơn vị không dự toán được nguồn GPMB vượt quá sức nên nhiều công trình không thi công được. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh cần hơn 1000 tỷ đồng cho công tác này, chưa kể các công trình quốc lộ, đại lộ. Sức ép công tác GPMB quá lớn vì vậy đề nghị các cấp, các ngành cần lưu ý nguồn GPMB của các công trình dự án được đảm bảo ở mức độ nào. Đồng chí nhấn mạnh: 6 tháng cuối năm trong điều kiện kinh tế hết sức khó khăn, lĩnh vực xây dựng cơ bản cần rà soát yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu hoàn thành tiến độ các công trình ứng vốn, tập trung các công trình trọng điểm, cấp bách. Tiết kiệm chi kể cả chi thường xuyên và chi đầu tư xây dựng cơ bản. Đề nghị các cấp, ngành cần tiết kiệm chi tiêu, nhất là lĩnh vực xây dựng cơ bản.

Chấn chỉnh hoạt động đối với các dự án thủy điện vừa và nhỏ

Tại tổ 1, các đại biểu huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong quan tâm nhiều đến vấn đề phát triển thủy điện vừa và nhỏ hiện nay. Theo một số đại biểu, bên cạnh đem lại những mặt tích cực như giải quyết và cung cấp điện cho các xã, bản vùng cao; tích trữ nước phục vụ cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp, nhất là vào mùa khô, thì việc phát triển các thủy điện vừa và nhỏ cũng đã, đang làm phát sinh một số vấn đề phức tạp về môi trường. Trong đó, chủ yếu là các chủ đầu tư đã không thực hiện nghiêm báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Các dự án đầu tư đang làm suy giảm diện tích rừng, hình thành những đoạn sông chết do điều tiết nước chưa hợp lý. Chưa tính toán đầy đủ và chưa có giải pháp hữu hiệu để xử lý đối với những biến đổi sinh thái ở thượng lưu và hạ lưu của các dự án. Không có kế hoạch điều tiết nước liên hồ chứa và có thể tác động tiêu cực đến an ninh nước.



Đại biểu thảo luận tại Tổ 1. Ảnh: Đặng Cường

Quá trình vận hành của các công trình thủy điện không khoa học dẫn đến xảy ra lũ lớn ở hạ lưu. Đặc biệt, một số chủ đầu tư đã lợi dụng việc được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư xây dựng nhà máy thủy điện vừa và nhỏ đã lợi dụng để phá rừng, khai thác trái phép lâm sản, khoáng sản. Từ thực tiễn đó, các đại biểu Lữ Đình Thi (Quế Phong);Moong Văn Hợi (Tương Dương) đề xuất tỉnh cần thực sự quan tâm tới vấn đề thủy điện vừa và nhỏ. Đối với các công trình thủy điện không hiệu quả cần xem xét thu hồi dự án để trả lại diện tích đất rừng cũng như diện tích đất canh tác cho người dân.

Chấm dứt tình trạng phát canh thu tô

Tại tổ 6, gồm các huyện Quỳ Châu, Quỳ Hợp và Con Cuông, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những bất cập tại khu vực miền núi nói chung và từng địa bàn nói riêng. Đó là tình trạng nông dân thiếu đất sản xuất trong khi đó các lâm trường đất thừa bỏ hoang. Tình trạng tranh chấp đất đai, xâm canh, xâm cư khu vực này còn phổ biến, nguyên nhân chính do thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quá chậm, tồn đọng kéo dài không được giải quyết. Đại biểu Trần công Dương, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy thẳng thắn “ Dân không có đất sản xuất, trong khi đó đất lâm trường quỹ đất rất nhiều dẫn đến tình trạng các lâm trường phát canh thu tô còn xẩy ra”.

Cũng vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Thông - Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh nêu: nguyện vọng của người dân khu vực miền núi có đất sản xuất là rất chính đáng. Vấn đề đất đai cho các hộ dân chậm được giải quyết dẫn đến trên thực tế đã xẩy ra xô xát giữa một số hộ dân và lâm trường. Thực trạng có giao đất cho dân lại chưa thoả đáng, giao những nơi xa, đất đai khô cằn, không đảm bảo quyền lợi cho người dân. Đại biểu Cao Thanh Long, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp thừa nhận trên địa bàn huyện Quỳ Hợp có tình trạng tranh chấp đất đai giữa người dân và lâm trường. Giải pháp để giải quyết vấn đề này đó là phải rà soát quỹ đất, tiến hành bàn giao đất cho người dân và thực hiện các thủ tục cấp quyền sử dụng đất cho người dân. Về nội dung này, ông Trần Văn Chương khẳng định thêm: tình trang tranh chấp đất đai phổ biến ở khu vực miền núi là do chưa cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất để xác định chủ sở hữu, ranh giới rõ ràng. Cần phải có nguồn kinh phí để giải quyết vần đề này cho người dân.

Rõ ràng đất đai là tư liệu sản xuất rất quý giá của các nông hộ, đặc biệt là đối với các hộ dân khu vực miền núi. Việc người dân thiếu đất sản xuất, trong khi các nông, lâm trường lại thừa đất, dẫn đến nhiều nơi bỏ hoang là một thực trạng lãng phí thất thoát tài nguyên. Cần phải rà soát lại quỹ đất, cân đối giữa thực trạng và nhu cầu, và tiến hành các thủ tục cấp quyền sử dụng đất, xác định chủ quyền cho các hộ dân thì mới giải quyết triệt để, dứt điểm sự bất cập này.

Ngày mai 12/7 HĐND tỉnh tiếp tục ngày làm việc thứ 2, buổi sáng thảo luận tại hội trường, buổi chiều tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn.Các thông tin tiếp theo của kỳ họp, Báo Nghệ An sẽ tiếp tục thông tin.


Nhóm PV

Nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết các vấn đề phát sinh ở cơ sở được quan tâm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO