Nhiều hãng ô tô chưa có cơ sở bảo hành đạt chuẩn

PV 07/05/2018 06:16

Đến nay mới chỉ có 30 trong số hàng trăm cơ sở bảo hành, bảo dưỡng chính hãng được cấp giấy chứng nhận.

Theo Nghị định 116, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô phải có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng theo tiêu chuẩn nhằm bảo đảm quyền lợi của khách hàng. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 30 trong số hàng trăm cơ sở bảo hành, bảo dưỡng chính hãng được cấp giấy chứng nhận.

Cơ sở bảo dưỡng đạt chuẩn bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng

Theo Điều 4 của Nghị định 116, doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phải thực hiện trách nhiệm bảo hành ô tô theo quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Theo đó, doanh nghiệp có trách nhiệm công bố thông tin về thời hạn, nội dung và điều kiện bảo hành; chu kỳ và nội dung công việc bảo dưỡng; địa chỉ cơ sở bảo hành, bảo dưỡng có đủ năng lực theo quy định…

Quy định này được áp dụng đối với các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô từ ngày 1/1/2018 và với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước từ tháng 4/2019.

Các cơ sở bảo hành ôtô ở Việt Nam - ảnh 1
Đến nay, mới chỉ có 30 trong tổng số hàng trăm cơ sở bảo hành, bảo dưỡng chính hãng được cấp giấy chứng nhận theo quy định mới.

Ông Nguyễn Văn Phương - Phó trưởng phòng Kiểm định chất lượng xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam) cho biết, đây là quy định nhằm bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng. Theo đó, phương tiện ô tô phải được bảo hành, bảo dưỡng để bảo đảm an toàn cho người sử dụng, người tham gia giao thông cũng như duy trì giá trị của chiếc xe mà khách hàng mua. Quy định này chỉ áp dụng đối với các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng chính hãng, không áp dụng với các xưởng dịch vụ bên ngoài.

Để đáp ứng các điều kiện của Nghị định, các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng chính hãng phải đảm bảo các điều kiện tối thiểu về nhà xưởng, trang thiết bị, con người, nguồn gốc linh kiện, phụ tùng và có cam kết hỗ trợ kỹ thuật của nhà sản xuất.

Thực tế, có những chiếc xe nếu không có cam kết hỗ trợ của nhà sản xuất thì xưởng không thể thực hiện việc bảo hành, bảo dưỡng do xe có những thiết bị đặc thù chỉ nhà sản xuất mới có thể cung cấp.

Trước đây, Bộ GTVT đã có Thông tư 19 quy định về dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng. Nghị định 116 đã nâng lên một số điều kiện, mở rộng thêm một số trang thiết bị nhằm đảm bảo cho một chiếc xe sau khi bảo hành, bảo dưỡng đạt tiêu chuẩn an toàn và bảo vệ môi trường. Vì vậy, các trang thiết bị của các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng hiện nay sẽ tương tự trang thiết bị tại các trạm đăng kiểm.

Chẳng hạn, Thông tư cũ chỉ quy định có bệ thử phanh và đèn pha thì Nghị định 116 đã bổ sung hạng mục kiểm tra lái, khí thải, đồng sơn, kiểm tra gầm bệ... đảm bảo sau khi bảo hành, bảo dưỡng chiếc xe lưu hành an toàn”, ông Phương cho biết.

Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực ô tô, hiện nay việc bảo hành, bảo dưỡng, sửa chữa một chiếc xe vẫn còn thiếu nhiều yếu tố tạo niềm tin cho khách hàng. Chẳng hạn một chiếc xe mới sau khi được sửa chữa, bảo dưỡng chưa chắc bảo đảm các yếu tố an toàn kỹ thuật. Chủ dịch vụ cũng như khách hàng chưa biết chiếc xe sau khi sửa xong thì lực phanh có đảm bảo hay không, hiện trạng đèn pha thế nào, có thỏa mãn yêu cầu tham gia giao thông không.

Còn nhiều hãng chưa được cấp giấy chứng nhận

Mặc dù Nghị định 116 đã có hiệu lực hơn 4 tháng nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chậm trễ thực hiện việc nộp hồ sơ, đăng ký thẩm định, cấp giấy chứng nhận dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng theo quy định.

Theo ông Nguyễn Văn Phương, đến nay, trong số hàng trăm (gần 400 cơ sở - PV) cơ sở bảo hành, bảo dưỡng chính hãng mới chỉ có 30 cơ sở hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận, 59 cơ sở đang trong quá trình kiểm tra và 118 cơ sở đã nộp hồ sơ để thực hiện việc thẩm định.

Cụ thể, theo ông Phương, đến nay một số hãng xe lớn đã cơ bản thực hiện việc cấp giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng như: Honda Việt Nam có 5 xưởng dịch vụ, Toyota Việt Nam có 3 giấy chứng nhận, Mercedes Việt Nam có 2 xưởng, Thaco mỗi dòng xe nhập khẩu cũng có 1 xưởng… Một số doanh nghiệp lớn khác vẫn còn chậm chạp. Thậm chí, có những đơn vị nhập khẩu hoàn toàn như: Jaguar Land Rover, Kamaz… vẫn chưa có cơ sở nào được cấp giấy chứng nhận. Những trường hợp này nếu không có giấy chứng nhận sẽ không được cấp giấy phép nhập khẩu ô tô về Việt Nam.

Giám đốc một đại lý ô tô chính hãng tại Hà Nội cho biết, hiện đại lý này đã đảm bảo đầy đủ cơ sở hạ tầng để đáp ứng điều kiện của Nghị định 116. Tuy nhiên, do chưa đến thời hạn bắt buộc nên vẫn chưa đề nghị cấp giấy chứng nhận.

Trong quá trình làm việc của đoàn công tác liên ngành thực hiện Nghị định 116, nhiều doanh nghiệp băn khoăn về quy mô, số lượng các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng. Theo đoàn công tác, Nghị định không bắt buộc mỗi doanh nghiệp phải có bao nhiêu cơ sở bảo hành, bảo dưỡng. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải có trách nhiệm công bố thông tin danh sách các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng đạt chuẩn cho người tiêu dùng.

Nếu muốn xây dựng thương hiệu, bảo đảm uy tín đối với khách hàng dựa trên số lượng các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng đạt chuẩn quốc gia, doanh nghiệp phải thực hiện điều này. Nếu doanh nghiệp công bố danh sách cơ sở bảo hành, bảo dưỡng chưa được cấp giấy chứng nhận là sai và sẽ bị xử lý.

Theo Báo Giao thông
Copy Link
Mới nhất
x
Nhiều hãng ô tô chưa có cơ sở bảo hành đạt chuẩn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO