Nhiều hồ, đập cạn nước

14/05/2014 09:23

(Baonghean) - Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Nghệ An ít có mưa, cộng thêm yếu tố chất lượng công trình đang xuống cấp, nguồn nước ở tất cả các hồ, đập đều đang giảm mạnh, nguy cơ hạn hán ở vụ hè thu là rất lớn. Thực trạng đó đòi hỏi những biện pháp cần thiết trong nâng cao hiệu quả sử dụng nước, đảm bảo năng suất cây trồng.

Mực nước hồ Nghĩa Hội (Nghĩa Đàn) xuống thấp.
Mực nước hồ Nghĩa Hội (Nghĩa Đàn) xuống thấp.

Ngoài hệ thống Thủy lợi Bắc, trên địa bàn huyện Yên Thành còn có trên 200 hồ, đập phục vụ cho sản xuất và đời sống dân sinh, trong đó có 7 hồ, đập lớn do Công ty TNHH Thủy lợi Bắc quản lý. Hiện nay, dù hạn chưa xuất hiện trên lúa vụ xuân, nhưng theo dự báo, nếu không có lụt tiểu mãn, hạn hán xảy ra trên diện rộng ở vụ hè thu là chắc chắn.

Năm 2013 có lượng mưa khá lớn, nhưng từ đầu năm 2014 tới nay, trên địa bàn ít mưa, trong khi đó, cùng với thời gian đưa vào sử dụng đã dài (chủ yếu từ 40- 50 năm), lại chịu thêm ảnh hưởng nặng nề của các cơn bão lớn năm ngoái, nhiều công trình hồ đập đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Một số hồ hiện đang được sửa chữa, phải xả hết nước để phục vụ yêu cầu thi công, những hồ còn lại chưa có nguồn vốn để tu sửa thì cũng bị giảm khả năng tích nước. Trưởng phòng Nông nghiệp huyện - ông Nguyễn Văn Dương cho biết: Không những các hồ nhỏ do địa phương quản lý đã bị xuống cấp, mà ngay cả 3/7 hồ lớn do đơn vị thủy nông quản lý là Đồn Húng, Nhà Trò và Kẻ Sặt hiện cũng đã hư hỏng, xuống cấp nặng nề, ảnh hưởng đến khả năng tích nước. Hiện tại, ngoài một số hồ đã cạn khô, thì ở các hồ lớn, mực nước trong hồ còn trên 60% dung tích thiết kế, còn các hồ nhỏ còn khoảng 40 - 50% dung tích. Ở thời điểm này, lúa vụ xuân ở Yên Thành bắt đầu cho thu hoạch, nhu cầu sử dụng nước không còn, nhưng nếu sắp tới, không có mưa tiểu mãn bổ sung thì hạn sớm ở vụ hè thu sẽ rất dễ xảy ra.

Tại Nghi Lộc, các hồ đập nhỏ do địa phương quản lý hầu như được đầu tư nâng cấp, sửa chữa, chất lượng khá tốt. Trong số 8 hồ đập lớn, chỉ mới có hồ Khe Gỗ (Nghi Lâm) đã được đầu tư sửa chữa, nâng cấp kiên cố, 7 hồ còn lại với thời gian sử dụng trên 30 năm đã bị xuống cấp khá nặng, ảnh hưởng khả năng tích nước. Đối với hệ thống kênh mương đi kèm, ngoài hệ thống kênh cấp 2, cấp 3 đã được các xã đầu tư nâng cấp theo chương trình kiên cố hóa kênh mương từ 2003 hiện cũng đã có nhiều đoạn bị hư hỏng, thì 32 km kênh cấp 1 đi kèm các hồ lớn vẫn còn rất bất cập, gần 20 km đang là kênh đất, việc chưa được đầu tư nâng cấp đồng bộ đã gây thất thoát nước rất lớn trong phục vụ sản xuất.

Cũng như các địa phương khác, hiện nay Nghi Lộc không còn nhu cầu tưới cho lúa vụ xuân, nhưng với lượng nước còn khoảng gần 50% dung tích thiết kế ở các hồ nhỏ, khoảng 60% ở các hồ lớn, có một số hồ như hồ Khe Quánh (Nghi Yên) đã cạn, thì với các vùng sử dụng nước hồ, đập, địa phương này chỉ có thể đảm bảo đủ nước cấy cho vụ hè thu, còn sau đó thì đang phải “chờ trời”. Trước tình hình đó, Nghi Lộc đã chỉ đạo các xã và HTX tập trung tu sửa lại hệ thống bờ vùng, bờ thửa, nạo vét kênh mương, đảm bảo sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý, tránh rò rỉ và thất thoát nước. Đặc biệt, tiến hành bố trí cơ cấu mùa vụ phù hợp, cân đối nguồn nước hồ đập, vùng cuối kênh của các trạm bơm để chuyển đổi một số diện tích sang trồng các loại cây màu. “Nếu thuận lợi về nguồn nước, chúng tôi sẽ gieo cấy khoảng 4.500 - 5.000 ha lúa hè thu, nếu nguồn nước khó khăn, sẽ giảm khoảng 500- 700 ha lúa, chuyển sang trồng màu, chủ yếu ở các xã vùng bán sơn địa như Nghi Lâm, Nghi Văn, Nghi Kiều, Nghi Hưng...” - ông Nguyễn Đức Thọ - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết.

Hệ thống máy bơm chìm tại Trạm bơm Lĩnh Sơn nổi lên trên mặt nước vì mực nước xuống thấp.
Hệ thống máy bơm chìm tại Trạm bơm Lĩnh Sơn nổi lên trên mặt nước vì mực nước xuống thấp.

Trên địa bàn tỉnh ta hiện có 625 hồ, đập, trong đó các công ty TNHH một thành viên thủy lợi quản lý 50 hồ có dung tích vừa và lớn - từ 1 triệu m3 trở lên, 575 hồ, đập còn lại do các xã, HTX quản lý. Phần lớn các công trình này có thời gian sử dụng từ 30 – 40 năm, nhiều hồ đã được xây dựng trên 50 năm, hầu hết đều bị hư hỏng, xuống cấp nặng nề. Không chỉ ở hệ thống hồ, đập nhỏ do địa phương quản lý, mà ngay cả các hồ, đập có dung tích vừa và lớn chịu sự quản lý của các công ty thủy nông hiện cũng trong tình trạng xuống cấp, bất cập trong tích trữ và tiêu thoát nước. Tại hệ thống Thủy lợi Nam, 5 hồ đập lớn do công ty quản lý là hồ Khe Gỗ, Khe Làng, Nghi Công, đập Ồ Ồ và hồ Khe Quánh đã bị xuống cấp nặng nề.

Theo báo cáo của Chi cục Thủy lợi tỉnh, tại các hồ lớn, lượng nước còn khoảng 60% dung tích thiết kế, ở các hồ nhỏ chỉ còn khoảng 40- 50%, một số hồ đập hiện đã khô cạn như hồ Khe Lốt, hồ Thạch Tiền (Hưng Nguyên), hồ Đồng Mùa, Đập Cừa (Tân Kỳ)... Các hồ này đều có thời gian sử dụng trên 30 năm, hầu hết mặt cắt đập không đạt thiết kế, mái thượng lưu sạt lở, tràn xả lũ chủ yếu là tràn đất… Những yếu tố đó ngoài tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố khi có mưa lũ vượt tần suất trong mùa mưa bão, còn ảnh hưởng đến khả năng tích trữ nước phục vụ dân sinh và sản xuất do nguồn nước bị rò rỉ và thất thoát. Cơ bản các hồ đều là hồ điều tiết năm, thậm chí một số hồ được thiết kế, xây dựng điều tiết theo mùa, dung tích nhỏ nên nếu trong mùa không có mưa, việc đảm bảo nước tưới cho vụ sản xuất sau, thậm chí là trong vụ đã rất khó khăn.

Trước tình hình đó, các địa phương đều đã có những giải pháp chủ động trong sản xuất. Theo ông Nguyễn Văn Dương (Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Yên Thành), thì trước dự báo của ngành Khí tượng Thủy văn, trong các tháng 5, 6, 7 sẽ rất ít mưa bổ sung, trong khi lượng nước ở các hồ đập hiện đã bắt đầu xuống thấp, ngoài việc chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ thi công sửa chữa các hồ chứa để đón mưa tiểu mãn nếu có, sau khi thu hoạch vụ xuân, huyện sẽ tập trung nạo vét các tuyến kênh mương để tăng khả năng dẫn nước, tránh thất thoát. Sau thu hoạch vụ xuân, tuyệt đối không tháo nước để gieo thẳng mà phải giữ, tích nước trong ruộng để làm đất, vệ sinh đồng ruộng cấy lúa hè thu. Cùng với việc xây dựng lịch tưới phù hợp, tiết kiệm nước, địa phương cũng tập trung tính toán, trên cơ sở lượng nước hiện có của các hồ đập để xây dựng phương án sản xuất vụ hè thu phù hợp, phương châm là lượng nước đủ đáp ứng đến đâu mới gieo cấy đến đó, những diện tích còn lại sẽ chuyển sang trồng các loại cây màu ngô, đậu…

Phó Chi cục Thủy lợi tỉnh – ông Nguyễn Trường Thành cho biết: Để chủ động đối phó với hạn hạn có thể xảy ra, các địa phương, đơn vị cần lập phương án chống hạn cụ thể, khả thi cho từng vùng, từng công trình để sẵn sàng ứng phó khi có hạn hán xảy ra. Rà soát, cân đối lại nguồn nước để bố trí cây trồng phù hợp, đồng thời tập trung lấy nước vào hệ thống khi các hồ thủy điện xả để tăng nguồn nước; tận dụng đầm, ao hồ, bàu biền, sông cụt, các kênh trục lớn để tích trữ nước nội đồng. Bên cạnh đó, phải duy trì việc ra quân làm thủy lợi để khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh mương, các cửa vào cống, trạm bơm đảm bảo dẫn nước thông thoát tới các kênh nội đồng, mặt ruộng.

Có kế hoạch lắp đặt các trạm bơm dã chiến, bảo dưỡng máy móc, tu sửa công trình, xử lý các sự cố hư hỏng, thực hiện việc kiểm tra đồng ruộng, đặt lịch tưới cụ thể, đồng thời theo dõi chặt chẽ nguồn nước, xâm nhập mặn, tình hình thiếu nước, hạn hán để chủ động khắc phục, quản lý vận hành các hệ thống và công trình thủy lợi phù hợp. Đặc biệt, cần tăng cường công tác tuyên truyền đến tận người dân để nhân dân hiểu rõ về tình hình hạn hán, nguy cơ thiếu nước, từ đó nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm, chống thất thoát, sử dụng lãng phí nguồn nước.

Phú Hương

Mới nhất
x
Nhiều hồ, đập cạn nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO