Nhiều khó khăn khi sáp nhập trung tâm dạy nghề và giáo dục thường xuyên

01/10/2016 21:02

(Baonghean) - Chủ trương sáp nhập các trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp bắt đầu được triển khai từ đầu năm 2015, đây là một xu hướng tất yếu để nâng cao hiệu quả đào tạo, dạy nghề, nhưng, quá trình thực hiện cho thấy nhiều khó khăn nảy sinh...

Lãng phí cơ sở vật chất các trung tâm dạy nghề

Trung tâm dạy nghề huyện Anh Sơn mặc dù được đầu tư khá khang trang với 2 dãy nhà cao tầng, 2 nhà xưởng thực hành (trong đó có 1 nhà xưởng đang xây dựng) và đội ngũ cán bộ giáo viên 10 người, nhưng nhiều năm nay hoạt động chưa thực sự hiệu quả.

Hàng năm, nhiệm vụ chính của trung tâm chủ yếu là mở các lớp dạy nghề ngắn hạn cho người dân trên địa bàn từ nguồn kinh phí của Đề án đào tạo nghề nông thôn 1956, và một vài lớp đào tạo dưới hình thức liên kết.

Giờ học của học sinh Trung tâm GDTX huyện Anh Sơn.
Giờ học của học sinh Trung tâm GDTX huyện Anh Sơn.

Một thực tế khác, đó là dù UBND huyện Anh Sơn đã có chủ trương dạy nghề, giới thiệu việc làm cho các đối tượng là học sinh phân luồng nhưng nhiều năm nay, việc tuyển sinh ở trung tâm không hiệu quả. Việc bố trí giáo viên của trung tâm cũng chưa hợp lý, bởi hiện có đến 6 giáo viên dạy nghề nhưng ngành nghề đào tạo lại không thích hợp, nên mỗi khi mở lớp trung tâm lại phải mời giáo viên từ các trường nghề khác về giảng dạy.

Cùng nằm trên địa bàn, Trung tâm Giáo dục thường xuyên Anh Sơn hiện có 5 lớp dành cho học sinh hệ giáo dục thường xuyên, trong đó có 2 lớp 10, 2 lớp 11 và 1 lớp 12. Theo ông Bùi Đức Tuấn - Giám đốc Trung tâm, thì trong điều kiện hiện nay, việc trung tâm mở được 5 lớp cho đối tượng học sinh phổ thông là khá thành công.

Tuy nhiên, để vừa tổ chức dạy học, vừa tổ chức dạy nghề, trung tâm không đảm nhiệm được hết mà phải phối hợp với Trường Cao đẳng nghề Việt Đức để giảng dạy, trang thiết bị thực hành cũng phải chuyển từ TP. Vinh lên, khá phức tạp.

Bên cạnh đó, lâu nay nhiệm vụ của 2 đơn vị có phần chồng chéo. Vì vậy, nếu sáp nhập sẽ tránh được việc cạnh tranh không lành mạnh trong công tác tuyển sinh.

Lớp học diệt thổ cẩm của ban quản lý dự án SODI/BMZ phối hợp với Hội LHPN huyện Anh Sơn và Trung tâm dạy nghề và xúc tiến việc làm, Hội LHPN tỉnh Nghệ An mở tại bản Khe Gát xã Tam Sơn
Lớp học diệt thổ cẩm của ban quản lý dự án SODI/BMZ phối hợp với Hội LHPN huyện Anh Sơn và Trung tâm dạy nghề và xúc tiến việc làm, mở tại bản Khe Gát xã Tam Sơn. Ảnh tư liệu

Tại Trung tâm dạy nghề huyện Tương Dương, sự lãng phí cũng đã xảy ra sau nhiều năm hoạt động. Như thời điểm hiện tại, dù trung tâm được đầu tư khá khang trang, cơ sở vật chất đầy đủ, nhưng sau 6 năm hoạt động hầu như không sử dụng, bởi mỗi năm trung tâm chỉ mở từ 3 – 5 lớp dạy nghề từ kinh phí của Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Tuy nhiên, vì đối tượng học viên là bà con nông dân, nên các lớp học mở tại các thôn bản. Trao đổi của ông Nguyễn Duy Thông - Giám đốc Trung tâm cũng cho biết: Tuy trung tâm có chức năng tuyển học sinh học nghề, nhưng hầu hết không tuyển được bởi học sinh không thích chương trình đào tạo nghề sơ cấp (3 tháng).

Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở các trung tâm dạy nghề các huyện Kỳ Sơn, Quỳ Châu, Quế Phong, dù những năm qua các trung tâm này được đầu tư hàng chục tỷ đồng về cơ sở vật chất.

Từ những bất cập này, việc sáp nhập các trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm hướng nghiệp là một điều tất yếu.

Những khó khăn nảy sinh

Ở huyện Thanh Chương, có đến 3 trung tâm cần sáp nhập (trung tâm GDTX, trung tâm dạy nghề, trung tâm hướng nghiệp) cũng đang gặp phải nhiều vấn đề nảy sinh.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trình Văn Nhã - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Về chủ trương, huyện đồng tình việc sáp nhập vì đây là một xu hướng tất yếu. Tuy vậy, việc thực hiện cần phải từng bước. Theo kế hoạch, sau khi sáp nhập các trung tâm sẽ chuyển về trụ sở của trung tâm dạy nghề.

Dạy nghề may cho học sinh tại Trung tâm dạy nghề huyện Quỳ Châu.
Dạy nghề may cho học sinh tại Trung tâm dạy nghề huyện Quỳ Châu.

Huyện cũng sẽ giữ lại cơ sở của Trung tâm GDTX để dạy học cho đối tượng phổ thông. Số cán bộ, không tiếp tục làm quản lý sẽ sắp xếp làm tổ trưởng. Huyện cũng đã có ý kiến gửi Sở Giáo dục và Đào tạo về trường hợp 2 giáo viên hợp đồng do sở ký. Những trường hợp hợp đồng của các trung tâm trong điều kiện hiện nay nếu không cần thiết thì buộc phải nghỉ.

Thực tế cũng cho thấy, đặc thù của mỗi địa phương khác nhau, và trong quá trình sáp nhập nếu không có sự phối hợp của các ngành liên quan thì không hiệu quả. Lâu nay, các Trung tâm GDTX là chịu sự quản lý của Sở Giáo dục và Đào tạo, còn các Trung tâm dạy nghề lại chịu sự quản lý của các huyện, đặt ra thực tế cần cân nhắc: sau khi sáp nhập, hoạt động của các trung tâm sẽ như thế nào, vấn đề chuyên môn ai sẽ là đơn vị quản lý, việc sử dụng cán bộ ra sao?...

Theo kế hoạch của UBND tỉnh, đến ngày 30/8/2016 các địa phương phải hoàn thành việc sáp nhập các trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp. Nhưng, hiện tại mới có 8 địa phương gửi dự thảo đề án sáp nhập để xin ý kiến, đó là các huyện Anh Sơn, Kỳ Sơn, Diễn Châu, Quỳ Châu, Tân Kỳ, Nam Đàn, Tương Dương, Thanh Chương.

Tuy nhiên, để việc sáp nhập có hiệu quả thì cần có sự phối hợp của các ban, ngành liên quan. Đồng thời, việc sáp nhập các trung tâm phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục, đào tạo nghề nghiệp và hướng nghiệp của địa phương; đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề nghiệp và tổ chức thực hiện các chương trình giáo dục thường xuyên trên địa bàn cấp huyện, đảm bảo quyền lợi của viên chức, giáo viên và nhân viên.

Mỹ Hà

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Nhiều khó khăn khi sáp nhập trung tâm dạy nghề và giáo dục thường xuyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO