Nhiều khó khăn trong quản lý hành nghề y dược tư nhân

11/11/2013 17:56

Cả nước chỉ có 290 thanh tra y tế, trong khi đó số cơ sở hành nghề y dược tư nhân trên cả nước là 157 bệnh viện tư nhân, hơn 30.000 phòng khám và cơ sở y tế ngoài công lập. Số cơ sở hành nghề y dược tư nhân lớn như vậy đang là thách thức đối với lực lượng thanh tra y tế.

Nhiều cơ sở hành nghề y tư nhân vi phạm một phần do lực lượng   thanh tra y tế quá mỏng. (Ảnh: vnexpress.net)
Nhiều cơ sở hành nghề y tư nhân vi phạm một phần do lực lượng thanh tra y tế quá mỏng. (Ảnh: vnexpress.net)

Lực lượng thanh tra y tế quá mỏng

Theo Bộ Y tế, tới thời điểm này, cả nước có 157 bệnh viện tư nhân, hơn 30.000 phòng khám và cơ sở y tế ngoài công lập (NCL). Tổng số người hành nghề y dược NCL hiện có gần 250.000 người.

Trái ngược với sự “nở rộ” trên, toàn bộ lực lượng thanh tra y tế trong toàn quốc hiện tại chỉ có 290 người. Trong đó, nhiều nhất là Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh có 45 người, Thanh tra Sở Y tế TP Hà Nội 14 người. Còn lại 61 tỉnh, thành, trung bình mỗi sở y tế chỉ có từ 2 đến 4 thanh tra. Đã vậy, số thanh tra chuyên về y, dược càng hiếm. Chỉ Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh và TP Hà Nội là có thanh tra chuyên về y và dược, còn đa số các tỉnh chưa có.

Ông Đặng Văn Chính – Chánh Thanh tra Bộ Y tế thừa nhận “lực lượng thanh tra còn quá mỏng so với yêu cầu khối lượng công việc thực tế quá lớn”. Ông ví dụ: Tại Hà Nội, tổng số cán bộ thanh tra y tế tại Sở Y tế TP Hà Nội là 14 người, trong đó thanh tra về lĩnh vực y và dược mỗi bộ phận có 4 thanh tra viên, phải quản lý 2.308 cơ sở hành nghề y và 2.827 cơ sở hành nghề dược ngoài công lập.

Ông Bùi Minh Trạng, Chánh Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, với đội ngũ thanh tra và tốc độ kiểm tra như hiện nay thì có cơ sở y dược tư nhân phải chờ 2 năm mới được “sờ” tới. Ông Trạng dẫn chứng, hiện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh có 45 thanh tra nhưng toàn thành phố có tới hơn 13.000 cơ sở y dược tư nhân. Nếu huy động toàn lực lượng và kiểm tra ráo riết, tích cực thì mỗi năm cũng chỉ được tối đa 50% số cơ sở đó. “Trong khi đó, sai phạm ở các cơ sở y tế tư nhân rất nhiều. Chỉ trong vòng 10 tháng, thanh tra sở đã kiểm tra và xử phạt 606 cơ sở” - ông Trạng cho biết.

Ông Đặng Văn Chính cũng thừa nhận ngoài lực lượng mỏng, trình độ cán bộ thanh tra y tế chưa đồng đều trên một số lĩnh vực như giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng, bảo hiểm y tế... Ý thức chấp hành pháp luật của nhiều đối tượng thanh tra còn chưa tốt, cố tình lách luật, vi phạm luật vì mục đích thu lợi.

Chính từ thực tế này dẫn đến cứ kiểm tra là có sai phạm. Theo báo cáo của Thanh tra Bộ Y tế, từ đầu năm 2013 đến nay, Đoàn thanh tra công tác quản lý nhà nước về hành nghề y tư nhân đã tiến hành thanh tra, kiểm tra tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Bình Phước… và phát hiện nhiều sai phạm. Tại Hà Nội, trong 9 tháng đầu năm 2013 đã kiểm tra 977 lượt cơ sở KCB và xử phạt vi phạm với số tiền 2.872.750.000 đồng. Tại TP Hồ Chí Minh, qua kiểm tra 1.232 cơ sở hành nghề y và y học cổ truyền, phát hiện 257 cơ sở vi phạm, trong đó phạt tiền 168 cơ sở, đình chỉ hoạt động 71 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 2.799.350.000 đồng.

Còn theo Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê, các đợt thanh tra cho thấy một số cơ sở khám, chữa bệnh hành nghề vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn cho phép, lạm dụng cận lâm sàng nhằm thu lợi nhuận cao. Một số cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân quá coi trọng lợi nhuận, coi thường pháp luật, lợi dụng lòng tin của người dân đã quảng cáo không đúng khả năng chuyên môn hoặc vượt quá phạm vi chuyên môn cho phép, không niêm yết giá hoặc có niêm yết nhưng thu tiền cao hơn giá niêm yết.

Tăng cường thêm lực lượng

Để công tác thanh tra y tế đi vào chiều sâu, Thanh tra Bộ y tế đã đưa ra nhiều kiến nghị với các đơn vị chức năng. Cụ thể, Thanh tra Bộ đề nghị Quốc hội sớm ban hành Luật Tiếp công dân để các bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện phù hợp với yêu cầu của tình hình hiện nay.

Thanh tra ngành y tế cũng kiến nghị với Chính phủ đề nghị cho phép thành lập, tổ chức hệ thống thanh tra, kiểm tra y tế tới tuyến huyện, riêng đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm và hành nghề y, dược ngoài công lập đề nghị thành lập, tổ chức hệ thống kiểm tra, quản lý chuyên ngành tới tuyến xã. Đồng thời, có biện pháp tăng cường biên chế cho Thanh tra các tỉnh, thành phố bảo đảm ít nhất từ 7-10 người; riêng TP Hồ Chí Minh và Hà Nội có từ 50-70 người.

Đối với Thanh tra Chính phủ, đề nghị kịp thời có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác tiếp công dân, công tác xử lý, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, công tác thanh tra chuyên ngành. Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ tiếp công dân, xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành cho cán bộ thanh tra cấp Bộ cũng như người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành tại các Cục, Tổng cục được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Sớm xây dựng hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin giải quyết khiếu nại, tố cáo dùng chung và báo cáo công tác thanh tra. Có chính sách bảo đảm an toàn cho người tiếp công dân và có chế độ thù lao hợp lý để động viên cán bộ tiếp công dân yên tâm làm việc. Sớm ban hành quy định về trang phục thanh tra, quy định chế độ chính sách đối với cán bộ thanh tra phù hợp, bảo đảm cho cán bộ thanh tra các cấp yên tâm công tác, gắn bó với nghề.

Riêng trong lĩnh vực quản lý hành nghề y tế tư nhân, ông Đặng Văn Chính kiến nghị Bộ Y tế có văn bản hướng dẫn về công nhận trình độ Lương y cho các đối tượng đã được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về y học cổ truyền theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Kiến nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành những quy định của pháp luật về hành nghề y tư nhân đối với các cơ sở hành nghề y tư nhân trên địa bàn và xử lý nghiêm những sai phạm./.

Theo ĐCSVN

Mới nhất

x
Nhiều khó khăn trong quản lý hành nghề y dược tư nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO