Nhiều khu dân cư thiếu nước sạch

14/10/2013 17:57

(Baonghean) - Mặc dù đã 5 năm Thành phố Vinh được công nhận đô thị loại 1, nhưng hệ thống cấp nước máy vẫn chưa được hoàn thiện, đồng bộ dẫn đến một số khu vực người dân chưa được sử dụng nước sạch hoặc phải chịu giá cao hơn mức chung, thậm chí là gấp đôi.

“Khát” trong lòng thành phố

Gia đình anh Nguyễn Trọng Sáng mới mua đất làm nhà tại xóm 23, xã Nghi Phú vài năm nay, do xóm ở gần nghĩa trang gia đình không dám dùng nước giếng khoan, nên hàng ngày phải đi xin nước của một số nhà bà con ở xa về sử dụng. Kề xóm gia đình anh Sáng, anh Đậu Tiến Thành ở xóm 22, hàng ngày đi làm cũng kèm theo cái can nhựa 20 lít chở nước máy của nhà người quen ở phường Cửa Nam về ăn. Anh cho biết, nhà anh vừa có giếng khơi, vừa có giếng khoan nhưng do nhà sát ruộng nên khi mưa xuống nước giếng khơi vẩn đục, có vị tanh nên không dám dùng để ăn, còn nước lấy từ giếng khoan khi đun nấu ít ngày có hiện tượng bám một lớp màu đen xung quanh thành nồi, bỏ vào phích giữ nhiệt thấy đóng phía dưới từng lớp cặn màu đen nên cũng không dám sử dụng. Năm 2012, khi xóm kêu gọi đóng tiền để làm đường ống dẫn nước máy về, anh mừng vì sắp được dùng nước sạch nhưng chờ mãi, đến nay vẫn không thấy gì.

Người dân Thành phố Vinh vẫn chưa được dùng nước sạch.
Người dân Thành phố Vinh vẫn chưa được dùng nước sạch.

Các xóm ở phía đông đường Xô Viết - Nghệ Tĩnh (Nghi Phú) đều chưa có nước sạch dùng. Ông Trần Ngọc Chí - Chủ tịch UBND xã Nghi Phú thừa nhận, trên địa bàn xã hiện vẫn còn một số xóm chưa có nước sạch dùng. Để chủ động xúc tiến nhanh việc cấp nước sạch cho các hộ dân này, vừa qua, UBND xã Nghi Phú đã trích ngân sách cùng với sự đóp góp của nhân dân với tổng kinh phí 15 tỷ đồng đầu tư lắp đặt hệ thống đường ống cấp 3 và hiện tại ở các xóm cũng đang vận động nhân dân đóng góp để lắp đặt hệ thống đường ống cấp 4 về tận từng hộ.

Tương tự ở xã Hưng Lộc, chúng tôi được biết xã cũng đã đầu tư 6 tỷ đồng lắp đặt xong hệ thống đường ống cấp 3 để cung cấp nước cho 3 xóm còn lại chưa có nước sạch, nhưng người dân vẫn chưa được sử dụng. Vướng mắc vấn đề nước sạch hiện nay ở 2 xã này là hệ thống đường ống cấp 1, cấp 2 (thuộc phần đầu tư của Công ty TNHH một thành viên cấp nước Nghệ An) chưa được lắp đặt.

Ngoài ra, các xã được sáp nhập vào thành phố như Nghi Liên, Nghi Đức, Nghi Ân, Hưng Chính hầu hết các hộ dân cũng chưa được sử dụng nước máy. Đa số người dân những xã này đều đang phải sử dụng nguồn nước ngầm, nước mưa, nước giếng khoan không đảm bảo vệ sinh. Ngay như xã Hưng Chính, mặc dù nằm ở điểm đầu nguồn cấp nước sạch vào thành phố nhưng mới chỉ có khoảng 50% hộ dân của 4/8 xóm sử dụng nước sạch. Trong số 50% số hộ tại 4 xóm đó, lưu lượng cấp nước cũng rất yếu, nhất là vào mùa hè thì lúc có lúc không.

Mua nước “giá cao”

Hơn một số vùng dân các hộ chưa được dùng nước sạch, thì ở một số khu vực, người dân phải chịu mua nước giá cao so với mặt bằng chung. Ở các khối 1, 2, Châu Hưng, Yên Giang (thuộc Hưng Thịnh – Hưng Nguyên trước đây), trước khi được chuyển sáp nhập vào phường Vinh Tân (Thành phố Vinh), người dân đã tự đóng góp xây dựng đường ống từ Nhà máy nước Vinh Hưng về tận từng hộ. Sau đó hệ thống nước sạch này chuyển cho Hợp tác xã nông nghiệp Hưng Thịnh quản lý và làm khâu trung gian mua nước từ nhà máy về bán cho dân. Ông Trần Thanh Quang ở khối Châu Hưng, cho biết: “Mỗi trục đường có một đồng hồ tổng, hợp tác xã bán nước cho dân qua đồng hồ tổng đó; nếu trục nào hỏng ống thất thoát nhiều thì cả tuyến đó phải trả bù tiền nước bị thất thoát đó, dẫn đến mặc dù giá bán là 6.600 đồng/m3 nhưng các hộ dân đều phải mua cao hơn, từ 7.300 – hơn 8.000 đồng/m3, cá biệt có tuyến phải trả 14.000 đồng/m3”. Bí thư Chi bộ khối Châu Hưng Trần Xuân Dần bức xúc: “Ở trong khối, có gia đình chỉ có 4 - 6 người nhưng có tháng phải trả đến hàng trăm nghìn đồng, trong đó có khoảng 10% hộ mỗi tháng trả 350.000 đồng tiền nước, cá biệt có gia đình chị Trần Thị Hoa có tháng lên đến 500 nghìn đồng. Đường ống thì dân tự bỏ ra đầu tư, hợp tác xã quản lý thu tiền nhưng thất thoát thì dân chịu. Vì vậy, chúng tôi mong muốn nhà máy nước bán nước đến tận hộ để chấm dứt tình trạng người dân phải mua nước sinh hoạt “giá cao” như hiện nay”.

Ở một số xóm thuộc xã Nghi Kim, người dân cũng đang chung cảnh “ăn” nước giá cao. Theo người dân, việc cấp nước cho người dân, Công ty TNHH một thành viên cấp nước Nghệ An chỉ hợp đồng thực hiện bán nước tại đồng hồ tổng với giá 7.700 đồng/m3. Trong quá trình cấp nước, Công ty TNHH một thành viên cấp nước Nghệ An không chịu trách nhiệm về việc thất thoát nước sạch do chất lượng thiết bị, kỹ thuật đầu nối và cùng với chi phí khác. Vì những lý do trên nên người dân ở một số xóm trung tâm xã phải chi trả phí nước sạch dao động từ 9.000 – 18.000 đồng/1 m3. Bà Lê Thị Nga ở xóm 4, bức xúc: “Giá nước cao nên dù rất tằn tiện nhưng mỗi tháng cũng mất hơn 100 nghìn đồng tiền nước. Đề nghị nhà máy nước bán nước tận hộ cho chúng tôi”.

Trao đổi các vấn đề liên quan đến nước sinh hoạt, ông Nguyễn Đình Cát – Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Vinh, thừa nhận: Vấn đề mà người dân ở một số xã, phường phản ánh chưa được dùng nước sạch và đang phải mua nước ở giá cao là có thật. Thường trực HĐND thành phố cũng đã ghi nhận ý kiến phản ánh của cử tri và tổng hợp, kiến nghị với UBND thành phố giải quyết. Nhưng thời gian qua do suy giảm kinh tế, nguồn thu của thành phố gặp khó khăn nên việc lắp đặt hệ thống cấp nước sạch cho người dân ở các vùng chưa có nước sạch; cải tạo, nâng cấp những nơi mà hệ thống xuống cấp làm thất thoát nước chưa thực hiện được. Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói, việc cấp nước sạch cho nhân dân khu vực chưa có nước sạch còn phụ thuộc vào Công ty TNHH một thành viên cấp nước Nghệ An. Ví dụ như thời gian qua, ở một số địa phương đã xây dựng hệ thống đường ống cấp 3, nhưng Công ty TNHH một thành viên cấp nước Nghệ An vẫn chưa đầu tư xây dựng hệ thống đường ống cấp 1, cấp 2 nên người dân vẫn chưa có nước để dùng.

Mục tiêu Đại hội Đảng bộ thành phố khóa XXII đề ra chỉ tiêu đến năm 2015 có 95% dân số thành phố được dùng nước sạch; UBND Thành phố Vinh cũng đã xây dựng đề án xây dựng hệ thống cấp nước sạch với tổng kinh phí 331,5 tỷ đồng. Hiện nay trong điều kiện khó khăn chung, muốn đạt được mục tiêu mà đại hội và đề án đề ra thì UBND Thành phố Vinh, Công ty TNHH một thành viên cấp nước Nghệ An, chính quyền các xã và người dân cần phải chung tay, hợp lực coi đây là lĩnh vực được ưu tiên số 1 để xúc tiến triển khai sớm. Về giá nước cao, muốn giải quyết được tình trạng này cần tăng cường quản lý các đơn vị trung gian bán nước đến người dân, đồng thời quản lý tốt hơn hệ thống cấp nước, hạn chế thất thoát và cố gắng bán nước trực tiếp đến tận 100% hộ dân trong toàn thành phố.

Bài, ảnh: Mai Hoa

Nhiều khu dân cư thiếu nước sạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO