Theo tài liệu của cơ quan điều tra, do có quan hệ bên vợ với Phạm Đình Luận nên Nguyễn Văn Phi đã gọi điện đặt vấn đề với Luận tìm người mở tài khoản ở các ngân hàng, làm thẻ ATM và trả 3 triệu đồng mỗi thẻ.
![]() |
Bị cáo Nguyễn Văn Phi. Ảnh: Trần Vũ |
Luận còn bàn với Thu và Phạm Đình Phi làm chứng minh nhân dân giả để tiếp tục mở tài khoản, lập thẻ ATM rồi bán cho Nguyễn Văn Phi nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan công an.
Sau đó, từ Đài Loan, Nguyễn Văn Phi gọi điện thống nhất với Luận, Thu, Phạm Đình Phi khi có tiền của người bị hại chuyển vào các tài khoản sẽ đi rút tiền mặt. Nguyễn Văn Phi đã trích ra 15% đến 20% số tiền chiếm đoạt được chia cho Luận, Thu và Phạm Đình Phi.
Trong vòng 8 ngày từ ngày 21/8/2017 đến 29/8/2017, với chiêu thức giả danh nhân viên viễn thông và công an, các đối tượng đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của 6 bị hại ở các tỉnh, thành trên cả nước như Nghệ An, Nha Trang… với tổng số tiền hơn 3,4 tỉ đồng. Trong đó, bị hại bị lừa nhiều tiền nhất là bà Bùi Thị Hồng T. (TP Nha Trang) gần 2,5 tỉ đồng, bị hại ít nhất cũng bị lừa gần 170 triệu đồng.
Chiêu thức được các đối tượng áp dụng là giả danh nhân viên viễn thông, thông báo nợ tiền cước. Các nạn nhân dù ra sức thanh minh đều bị các đối tượng này thông báo sẽ chuyển vụ việc sang cơ quan công an để điều tra.
Sau đó, điện thoại của họ nhận được các cuộc gọi có số đuôi 113. Đầu dây bên kia tự xưng là cán bộ công an đang điều tra về những vụ việc rửa tiền, buôn ma túy, mua bán trẻ em, mà tiền trong các tài khoản ngân hàng của nạn nhân bị nghi ngờ liên quan. Sau đó, các đối tượng yêu cầu nạn nhân phải bí mật chuyển tiền để phục vụ công tác điều tra. Các nạn nhân đa phần vì hoảng sợ, lại liên tục nhận những cuộc điện thoại liên quan đến công an nên đã nghe theo chỉ đạo của các đối tượng.