Nhiều thay đổi trong chọn ngành, nghề

25/04/2013 14:44

Tính đến thời điểm này, công tác thu nhận hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) đại học, cao đẳng năm 2013 đã hoàn tất, Sở giáo dục và đào tạo đã chuyển hồ sơ dự thi đến các trường tuyển sinh. Qua hồ sơ ĐKDT, có thể nhận thấy sự thay đổi trong việc lựa chọn ngành nghề của các thí sinh: khối ngành kinh tế giảm, y dược tăng và các ngành khoa học cơ bản có xu hướng tăng nhẹ. Đặc biệt, hồ sơ ĐKDT vào các trường CĐ giảm mạnh so với mọi năm.

(Baonghean) - Tính đến thời điểm này, công tác thu nhận hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) đại học, cao đẳng năm 2013 đã hoàn tất, Sở giáo dục và đào tạo đã chuyển hồ sơ dự thi đến các trường tuyển sinh. Qua hồ sơ ĐKDT, có thể nhận thấy sự thay đổi trong việc lựa chọn ngành nghề của các thí sinh: khối ngành kinh tế giảm, y dược tăng và các ngành khoa học cơ bản có xu hướng tăng nhẹ. Đặc biệt, hồ sơ ĐKDT vào các trường CĐ giảm mạnh so với mọi năm.

Theo số liệu thống kê từ Phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD&ĐT, kỳ thi ĐH, CĐ năm 2013 toàn tỉnh có 73.292 hồ sơ ĐKDT (giảm trên 10.000 hồ sơ ĐKDT so với năm 2012). Theo đó, tỷ lệ hồ sơ ĐKDT phân theo khu vực vùng miền như sau: Miền Bắc 39%, miền Nam 16% và miền Trung 45%, điều đó cho thấy, các em có xu hướng lựa chọn các trường đại học vùng và đại học địa phương. Trong đó có 33.160 hồ sơ đăng ký dự thi khối A, 3.183 hồ sơ ĐKDT khối A1; 21.068 hồ sơ ĐKDT khối B, 6.944 hồ sơ ĐKDT khối D1, 4.189 hồ sơ ĐKDT khối C, 7 khối còn lại (D2, D3, H, N, M, T, V) có 3.409 hồ sơ. Qua đó cho thấy, tỷ lệ thí sinh ĐKDT vào các ngành khối A chiếm ưu thế với 45,24%, còn khối C chỉ chiếm 5,7%.

Một điều thấy rõ, năm nay số hồ sơ đăng ký dự thi vào khối ngành kinh tế, kỹ thuật, quản trị ít hơn so với các năm khác. Điều đó cũng phản ánh kết quả của việc tư vấn tuyển sinh ở cơ sở nói riêng, định hướng ngành nghề của ngành giáo dục nói chung. Sự giảm nhiệt của khối ngành kinh tế thể hiện khá rõ ở việc đăng ký dự thi vào các trường giảm so với năm 2012. Cụ thể: Học viện tài chính giảm 480 hồ sơ; Kinh tế quốc dân giảm 196 hồ sơ; ĐH Thương mại giảm 406 hồ sơ; ĐH Xây dựng giảm 577 hồ sơ; ĐH Giao thông Vận tải giảm 352 hồ sơ; ĐH Sư phạm kỹ thuật Vinh giảm 566 hồ sơ; ĐH công nghiệp Hà Nội giảm 440 hồ sơ; ĐH Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh giảm 870 hồ sơ. Em Nguyễn Khánh Linh (học sinh lớp 12 C, Trường THPT Thanh Chương I) cho biết: “Em học khối A, ban đầu em định thi ngành kế toán. Nhưng vì hiện nay từ nhiều nguồn thông tin, khối ngành kinh tế đang dư thừa nhân lực, bí đầu ra, do đó, em đăng ký thi vào khoa Nông học. Hiện nay, khi cả nước đang có phong trào xây dựng nông thôn mới, ứng dụng các khoa học, kỹ thuật và sản xuất nông nghiệp thì các ngành thuộc lĩnh vực nông nghiệp khả năng tìm kiếm việc làm sẽ dễ hơn...”.



Y, Dược vẫn là lựa chọn hàng đầu của các thí sinh
(Một tiết thực hành của sinh viên Trường ĐH Y khoa Vinh).

Tuy vậy, đối với học sinh có học lực khá, giỏi thì các ngành Y, Dược vẫn là lựa chọn hàng đầu. Riêng Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn (Diễn Châu) số lượng học sinh ở các lớp chọn ĐKDT vào các trường ĐH Y, Dược chiếm đến 50% và các ngành an ninh, quân sự chiếm đến 25-30%. Cô Phan Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn, cho biết: “Qua lượng hồ sơ các em gửi về trường thì hầu hết học sinh có học lực khá, giỏi trở lên chọn ngành Y, Dược: ĐH Y Hà Nội, Y Thái Bình, Y Huế và Y khoa Vinh. Xếp sau đó là các ngành khối an ninh, quốc phòng. Bởi các em quan niệm “Nhất Y, nhì Dược”, và học các ngành quân sự thì không phải lo đầu ra. Thông tin hàng ngàn lao động tốt nghiệp ĐH, CĐ trên địa bàn tỉnh thất nghiệp đã tác động không nhỏ đến xu hướng chọn trường, chọn nghề của các em...”

Là năm đầu tiên tổ chức thi tuyển riêng, nhưng số hồ sơ đăng ký dự thi vào ĐH Y khoa Vinh lên đến 10.166 bộ (tăng hơn 2.000 hồ sơ so với năm 2012). Trong khi đó, chỉ tiêu tuyển sinh của trường vào các ngành thuộc hệ ĐH chỉ là 450 chỉ tiêu ở 2 ngành Y đa khoa và Điều dưỡng; CĐ là 800 chỉ tiêu ở 4 ngành: Điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y học và xét nghiệm y học. Ông Nguyễn Trọng Tài, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Năm ngoái, điểm chuẩn NV1 của ngành Y đa khoa 20,5 điểm, NV2 là 22,5 điểm; Điều dưỡng là 17,5 điểm; các ngành cao đẳng dao động từ 11,5 điểm đến 13 điểm. Năm nay, số lượng hồ sơ ĐKDT vào trường tăng mạnh, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh có hạn. Lần đầu tiên trường tổ chức thi độc lập, song chúng tôi sẽ chuẩn bị đầy đủ, chu đáo mọi điều kiện để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, chất lượng...”. Hồ sơ ĐKDT vào các trường như ĐH Y Thái Bình tăng 105 bộ; ĐH Y Huế 417 bộ.

Dấu hiệu đáng mừng nhất là năm nay, số lượng hồ sơ đăng ký dự thi vào ngành sư phạm tăng nhẹ: CĐSP Nghệ An tăng 76 hồ sơ ĐKDT; tổng số hồ sơ đăng ký dự thi vào 14 ngành sư phạm của Trường ĐH Vinh là 4.220 bộ: trong đó nhiều nhất là Sư phạm Mầm non: 1.204 bộ; Tiểu học: 1.886 bộ và sư phạm Toán 367 bộ (tăng gấp đôi so với năm 2012). Một số trường CĐ trên địa bàn tỉnh, lượng hồ sơ giảm đột biến: CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Nghệ An: 1.073 hồ sơ ĐKDT (năm 2012: 5.914 hồ sơ ĐKDT; 2011: 8.500 hồ sơ); CĐ Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An chỉ có 285 hồ sơ ĐKDT... Lý giải cho vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hà – Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD&ĐT cho biết, do tâm lý sính bằng cấp của xã hội, sinh viên tốt nghiệp CĐ rất khó tìm việc làm nên lựa chọn của các em giảm; phần nữa do quy định mới của Bộ GD&ĐT siết chặt vấn đề liên thông nên các em không đi “đường vòng” học xong CĐ để học lên ĐH để “chuẩn hóa” bằng cấp nữa.

Ông Hà cho biết thêm: “Số lượng hồ sơ ĐKDT vào các trường ĐH, CĐ năm nay giảm hơn 10.000 hồ sơ so với năm ngoái. Điều này cho thấy, vấn đề hướng nghiệp trong các trường THPT đã có những chuyển biến tích cực, học sinh đã biết lượng sức mình để lựa chọn ngành, nghề phù hợp. Nguyên nhân nữa khiến lượng hồ sơ ít hơn năm ngoái là do điểm mới trong kỳ thi ĐH, CĐ năm nay là sau khi có kết quả, các em sẽ được cấp 2 giấy báo điểm để nộp xét nguyện vọng 2 nên học sinh không còn đổ xô nộp 7-8 bộ hồ sơ như các năm trước. Đây là dấu hiệu đáng mừng, sẽ giảm đáng kể lượng hồ sơ ảo, giảm chi phí về cơ sở vật chất, nhân lực trong tổ chức thi ĐH, CĐ.

Qua phân loại cho thấy, lượng thí sinh ĐKDT vào các trường ĐH tốp đầu vẫn ở mức cao; bên cạnh các ngành Y, Dược, quân sự thì khối ngành Nông-lâm-ngư và khoa học cơ bản có xu hướng tăng; các ngành kinh tế, kỹ thuật giảm. Điều này cho thấy tác động của vấn đề đầu ra ảnh hưởng rất lớn đến xu hướng chọn ngành, chọn nghề của học sinh...”.


Bài, ảnh: THANH PHÚC

Mới nhất

x
Nhiều thay đổi trong chọn ngành, nghề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO