Nhiều vướng mắc trong chính sách trợ cấp thất nghiệp

11/10/2012 13:40

Do tác động của suy thoái kinh tế, nhiều doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả khiến tỷ lệ lao động thất nghiệp ngày càng gia tăng. Dù được đánh giá là chính sách đầy tính nhân văn, có ý nghĩa bảo đảm an sinh xã hội, nhưng chính sách bảo hiểm thất nghiệp vẫn còn nhiều vướng mắc.

(Baonghean) Do tác động của suy thoái kinh tế, nhiều doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả khiến tỷ lệ lao động thất nghiệp ngày càng gia tăng. Dù được đánh giá là chính sách đầy tính nhân văn, có ý nghĩa bảo đảm an sinh xã hội, nhưng chính sách bảo hiểm thất nghiệp vẫn còn nhiều vướng mắc.

Một ngày đầu tháng 10, chúng tôi có mặt tại Trung tâm Giới thiệu việc làm Nghệ An, chứng kiến hàng chục lao động đang chờ làm thủ tục hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Chị Lê Thị Thương, quê ở Thanh Hương (Thanh Chương) cho biết: “Sau thời gian 3 năm làm công nhân may, rồi giày da ở Tân Phú (TP. Hồ Chí Minh), do sản xuất, kinh doanh khó khăn, đơn hàng ít khiến tụi em không có việc làm. Tháng 8/2012 bị mất việc, 2 vợ chồng cùng đứa con nhỏ trở về quê nên cuộc sống rất khó khăn. Với thời gian, mức đóng bảo hiểm thất nghiệp của mình, em được hưởng trợ cấp 3 tháng với mức hơn 900 ngàn đồng/tháng. Số tiền tuy không nhiều nhưng phần nào giúp chúng em giảm bớt khó khăn, sớm ổn định cuộc sống”.



Người lao động đến làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm giới thiệu việc làm Nghệ An.

Theo thống kê của Trung tâm Giới thiệu việc làm, tại Nghệ An, số lượng người lao động có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp chủ yếu chuyển từ các khu công nghiệp trong Nam ngoài Bắc về. Chỉ riêng trong năm 2011, trong số hơn 3.900 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, số lượng chuyển từ các địa phương khác về trên 3.300 người, với tổng kinh phí chi trả trợ cấp hơn 13,4 tỷ đồng và đã có 3.865 người lao động bị thất nghiệp được tư vấn, giới thiệu việc làm. Từ đầu năm 2012 đến nay, đã có 4.329 người đăng ký nộp hồ sơ, 4.253 người có quyết định chi trả với tổng số tiền trên 26 tỷ đồng. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn, số lao động thất nghiệp tiếp tục tăng. Công ty CP XNK Thủy sản Nghệ An tuyên bố phá sản năm 2011, đến nay đã có trên 100 người đến làm hồ sơ thất nghiệp. Tại Công ty Matrik (KCN Bắc Vinh), Công ty CP Xi măng và Vật liệu Cầu Đước số công nhân thất nghiệp đến làm hồ sơ cũng đang tăng nhanh.

Chị Lâm Thị Quế - Trưởng phòng BHTN cho biết: Là chính sách mới, bắt đầu nộp BHTN năm 2009, năm 2010 thì thực hiện chi trả nên nhiều doanh nghiệp còn bỡ ngỡ, chấp hành chưa tốt việc đóng BHTN và hướng dẫn hồ sơ ban đầu cho người lao động. Việc chốt sổ BHXH khi người lao động chấm dứt hợp đồng của một số doanh nghiệp còn chậm, trong đó có cả chủ sử dụng là người nước ngoài, làm ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ nộp hồ sơ của người lao động. Bên cạnh đó, nhiều lao động bị thất nghiệp không hiểu hết các quyền lợi của mình nên có tâm lý sợ đăng ký tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề do sợ bị trừ chế độ và thời gian hưởng.

Đặc biệt, có nhiều trường hợp doanh nghiệp tạo điều kiện nhưng người lao động lại thờ ơ. Chị Nguyễn Thị Thu Hà – Kế toán trưởng Công ty CP Tư vấn và Xây dựng giao thông Nghệ An cho biết, hiện nay công ty có gần 140 lao động, riêng khoản bảo hiểm thất nghiệp hàng tháng công ty nộp 8,7 triệu đồng. Hiện nay có 11 người đang làm chế độ chấm dứt hợp đồng lao động để hưởng BHTN. Tuy nhiên, nhìn chung anh em không mặn mà với chính sách này. Theo chị Hà, các doanh nghiệp tư nhân “nhiệt tình” với chính sách này để vừa được hưởng chế độ BHTN vừa không phải đóng BHXH nhưng với doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt với lao động có thâm niên nhiều năm cống hiến thì họ rất ngại khi phải làm hồ sơ vì được hưởng chế độ này đồng thời với chấm dứt hợp đồng lao động. Nhiều trường hợp có đơn rồi lại xin rút, chấp nhận nghỉ không lương chứ không chịu làm hồ sơ hưởng BHTN.

Ngoài ra, nhiều người lao động khi làm thủ tục đăng ký mất việc mới rõ là doanh nghiệp không đóng bất cứ khoản bảo hiểm nào cho họ. Một số doanh nghiệp dù đóng BHTN nhưng vì còn nợ đọng bảo hiểm xã hội nên cơ quan bảo hiểm không chốt sổ được, cũng ảnh hưởng nhiều đến việc nhận trợ cấp thất nghiệp của người lao động.

Trước bất cập đó, thực hiện quyết định của UBND tỉnh, đoàn liên ngành do cơ quan BHXH chủ trì đã tiến hành kiểm tra 120 doanh nghiệp. Qua kiểm tra đã bộc lộ nhiều hạn chế, Công ty CP Tư vấn và xây dựng công trình miền Trung có 6 lao động ký hợp đồng từ năm 2011, thể hiện bảng lương, bảng chấm công nhưng đến thời điểm đoàn kiểm tra vẫn chưa trích nộp BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. Công ty TNHH Hồng Đào (Quỳnh Lưu) qua kiểm tra danh sách trả lương từ tháng 1/2012 đến tháng 7/2012 đơn vị trả lương liên tục cho 128 lao động nhưng chỉ đưa vào trích nộp BHXH, BHYT, BHTN cho 68 lao động, còn 63 lao động đơn vị chưa trích nộp. "Để giải quyết những bất cập này, vừa qua, 3 cơ quan là Sở LĐ-TB&XH, BHXH tỉnh và Liên đoàn Lao động tỉnh đã ngồi lại với nhau và đi đến ký kết chương trình phối hợp để cùng nhau tháo gỡ khó khăn cho người lao động, trong đó có vấn đề bảo hiểm thất nghiệp…

Trước những bất cập hiện nay, trong Dự án Luật Việc làm mới đây, Chính phủ đã đề nghị thực hiện bảo hiểm việc làm nhằm thay thế cho bảo hiểm thất nghiệp hiện nay. Phạm vi điều chỉnh của dự luật này bao phủ cả “việc làm khu vực chính thức, khu vực phi chính thức; việc làm của những người lao động tự do, những người tự làm; việc làm trong và ngoài nước” nhằm thực hiện mục tiêu thúc đẩy và bảo đảm việc làm cho người lao động, hỗ trợ người lao động bị thất nghiệp sớm có việc làm. Dự luật quy định bảo hiểm việc làm bao gồm hai chế độ: một là chế độ cho người thất nghiệp như chính sách bảo hiểm thất nghiệp hiện nay; hai là bổ sung chế độ hỗ trợ người sử dụng lao động để duy trì việc làm, phòng ngừa và hạn chế thất nghiệp.


Thu Huyền

Mới nhất

x
Nhiều vướng mắc trong chính sách trợ cấp thất nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO