Nhiều vướng mắc trong xét khen thưởng Huân, Huy chương kháng chiến

28/02/2013 20:36

(Baonghean) - Những vướng mắc trong việc xét đề nghị khen thưởng huân, huy chương kháng chiến để được hưởng các chính sách của nhà nước là băn khoăn của nhiều người dân. Nghệ An vẫn còn hơn 10.000 trường hợp chưa được công nhận và còn khoảng 80.000 trường hợp chưa được nhận tiền thưởng theo chủ trương của nhà nước...

Ông Trần Hữu Cảnh, đội 1, xóm Phong Hảo, xã Hưng Hòa, T.P Vinh cho biết: Cùng tuổi với tôi, trước kia đều là cán bộ, dân quân du kích. Trong số hơn 10 người, có người từng giữ chức vụ trung đội trưởng dân quân, bí thư chi đoàn các xóm và đều đã từng tham gia vào nhiệm vụ tuần tra canh gác, bảo vệ các trọng điểm như kho xăng dầu, chỗ ẩn nấp của tàu thủy dọc tuyến sông Lam. Sau gần chục năm cống hiến nhưng đến nay chưa có chế độ nào. Mới đây, Nhà nước có chủ trương xét cấp tặng huân, huy chương kháng chiến cho những người có công với cách mạng, anh em rất vui. Phần vì qua đó, công lao của mình được ghi nhận, phần anh em cũng mong muốn, sau khi được tặng huân, huy chương sẽ được hưởng một số chính sách của Nhà nước, chính sách bảo hiểm xã hội khi đi khám chữa bệnh. Tuy nhiên, qua bao nhiêu thủ tục từ xin lại hồ sơ gốc, xin xác minh, gặp người làm chứng… nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả dù đã hơn một năm trôi qua… Còn bà Trần Thị Chương, đội 1, xóm Phong Hảo, nói: “Tôi 10 năm làm đội trưởng đội dân quân, cống hiến nhiều cho xã trong thời kì kháng chiến. Giờ tuổi cao, bị suy thận độ 3, tháng nào cũng phải ra Hà Nội điều trị rất tốn kém, chỉ mong sớm được xét tặng huân, huy chương để đỡ phần nào chi trả bảo hiểm y tế”.



Bà Trần Thị Chương xóm Phong Hảo (Hưng Hòa) đối tượng tham gia kháng chiến mong sớm được thưởng Huân, Huy chương.

Là địa bàn trọng điểm trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ nên Nghệ An là một trong những tỉnh có các gia đình và cá nhân được xét tặng huân, huy chương nhiều nhất cả nước. Từ năm 1961 đến năm 2011, thực hiện chủ trương của Nhà nước, tỉnh đã tiến hành 4 lần triển khai việc xét khen thưởng đối với những đối tượng có công trong hai cuộc kháng chiến, đó là các năm 1961, 1981, 2003, 2006 và đã gần 553.000 đối tượng được xét khen thưởng. Tuy nhiên, mặc dù đã thực hiện nhiều năm nay nhưng tại các địa phương vẫn còn không ít đối tượng do nhiều nguyên nhân khác nhau, như: thất lạc hồ sơ, không nắm được chủ trương, đi xa địa phương… nên chưa được cấp, chứng nhận. Trước thực tế đó, từ tháng 5/2011, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Khen thưởng Trung ương về việc giải quyết dứt điểm khen thưởng kháng chiến tồn đọng, tỉnh triển khai việc lập hồ sơ, xét khen thưởng cho các cá nhân chưa được công nhận trước đó.

Việc thực hiện đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân và đã có hàng chục nghìn bộ hồ sơ của các cá nhân gửi tới. Tuy nhiên, do đây là đợt bổ sung cuối cùng nên việc hoàn thiện hồ sơ sao cho hợp lệ đều khó, vì phần lớn đều bị mất, bị thất lạc hồ sơ gốc. Nhiều trường hợp, đặc biệt là các trường hợp xét khen tặng trong kháng chiến chống Pháp, do thời gian trôi qua đã lâu nên việc tìm gặp người làm chứng rất khó khăn. Để bảo đảm việc xét tặng đúng đối tượng, đúng chế độ, một số địa phương đã yêu cầu cán bộ chính sách xã, phường về trực tiếp tại phòng Nội vụ để đối chiếu hồ sơ, mời cán bộ làm trong các Ban chỉ huy quân sự cấp huyện, hay quân khu về để kiểm tra độ chính xác. Thế nhưng, ngay tại Thành phố Vinh, nơi được xem là có điều kiện hơn cả cũng có gần 90% hồ sơ phải bổ sung thêm. Quy trình chặt chẽ như vậy, nhưng theo bà Phan Thị Phương Anh – Phó Phòng Nội vụ thành phố, thì: “Khi công khai, niêm yết đến xã phường vẫn còn phát hiện 4 trường hợp phải đưa ra khỏi danh sách khen thưởng vì đã được khen tặng trước đó”.

Có 128 trường hợp bị phát hiện không hợp lệ, sau khi đã chuyển hồ sơ khen thưởng lên Ban Thi đua khen thưởng tỉnh. Nói về đợt xét khen thưởng đợt bổ sung cuối cùng này, ông Vương Văn Khánh, Trưởng phòng Nghiệp vụ huyện – Ban Thi đua khen thưởng tỉnh, cho rằng: “Đây là đợt xét khen thưởng tương đối phức tạp và khó, vì những trường hợp đủ điều kiện đều đã được khen tặng trước đó. Những trường hợp còn lại do thiếu các hồ sơ nên việc xét duyệt mất rất nhiều thời gian, công sức. Cũng chính vì lẽ đó, mặc dù theo quy định của Ban Thi đua khen thưởng Trung ương, việc xét khen thưởng phải chấm dứt trước tháng 9/2011, nhưng vì thời gian quá gấp, công việc nặng nề nên Nghệ An đã phải xin kéo dài thời gian đến hết năm 2012 và vì thế phải đến tháng 10/2012 mới hoàn thiện 10.309 bộ hồ sơ xét khen tặng huân, huy chương kháng chiến để gửi ra được Trung ương và 5422 trường hợp xét khen tặng Bằng khen của UBND tỉnh”. Đến thời điểm này, về phía tỉnh cơ bản đã xong, nhưng theo ông Vương Văn Khánh: Người dân vẫn còn phải chờ đợi việc xét lại hồ sơ ở Trung ương, Nghệ An đã xin được lịch và trong tháng tới trực tiếp ra Ban Thi đua khen thưởng của Trung ương để cùng kiểm tra lại hồ sơ một lần nữa.

Như vậy, quá trình để xét khen tặng một huân, huy chương kháng chiến hay là bằng khen mất rất nhiều công đoạn, thời gian, điều đó cũng cho thấy đây là một công việc quan trọng, không thể qua loa đại khái. Cùng với việc xét bổ sung đợt cuối này, việc chi trả trợ cấp gần 100 tỷ đồng cho 3.119 đối tượng được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, và 80.000 đối tượng được UBND tỉnh tặng bằng khen trước đó cũng đang gặp nhiều khó khăn do ngân sách tỉnh hạn hẹp, chưa có khả năng cân đối nguồn thu. Trước thực tế này, mới đây tỉnh đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo để các đối tượng sớm được chi trả (vì hiện nay nhiều đối tượng đã già yếu). Ngoài ra, tỉnh cũng đề nghị cho các đối tượng này được hưởng chế độ Bảo hiểm y tế và chế độ mai táng. Vấn đề trên, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan, nghiên cứu đề xuất Chính phủ.


Bài, ảnh: Mỹ Hà

Mới nhất
x
Nhiều vướng mắc trong xét khen thưởng Huân, Huy chương kháng chiến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO