Nhìn lại chính sách thu hút nhân tài ở Nghệ An

16/10/2009 17:34

(Baonghean) - Thu hút nhân tài, đãi ngộ trí thức là một trong những chính sách lớn mà tỉnh Nghệ An đã thực hiện từ những năm đầu của thế kỷ 21 nhằm khuyến khích, phát huy năng lực của đội ngũ trí thức cho sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh .

Đối tượng thu hút trước hết là cán bộ khoa học kỹ thuật, rồi đến lao động có trình độ cao (quy định tại Quyết định số 30 ngày 27/3/2001 của UBND tỉnh, hiện nay là Nghị quyết số 169/2006/NQ-HĐND ngày 15/12/2006 của HĐND tỉnh khoá XV), với mục tiêu thu hút tối đa nguồn nhân lực chất lượng cao trong và ngoài tỉnh.

Sau hơn 8 năm thực hiện, số tiền để chi thực hiện chính sách thu hút chỉ mới gần 1,5 tỷ đồng. Trong 2 năm: 2007, 2008 toàn tỉnh đã thu hút 20 người (trong đó 01 tiến sĩ, 11 thạc sỹ và 08 sinh viên tốt nghiệp loại giỏi) và hỗ trợ cho 34 người đi đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ (3 tiến sĩ, 31 thạc sĩ) với tổng số tiền 795 triệu đồng.

Số cán bộ thu hút về đã phát huy được năng lực, đã có công trình sáng tạo được áp dụng trong thực tế, khẳng định được vị trí của mình trong các cơ quan, đơn vị, đã thúc đẩy phong trào học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ, công chức, viên chức.

Tuy nhiên, nhìn lại quá trình thực hiện chính sách vẫn thấy rất nhiều vấn đề tồn tại cần kịp thời điều chỉnh, giải quyết. Số lượng cán bộ đã được thu hút và mức kinh phí chi thực hiện chính sách này còn ít, chưa tương xứng với vai trò và tầm quan trọng của chính sách. Ngành Giáo dục Đào tạo còn đứng ngoài cuộc, không được thụ hưởng chính sách vì không thuộc diện đãi ngộ thu hút. Chính sách khuyến khích và thu hút chưa thật sự hấp dẫn, chưa có tính đột phá để thu hút được các chuyên gia đầu ngành, lao động có trình độ cao (kể cả con người và sản phẩm trí tuệ của họ). Một số cơ quan, đơn vị chưa tạo môi trường thuận lợi cho những người có trình độ cao phát huy tài năng để cống hiến, phát triển.

Hiện nay, còn một số cán bộ được thu hút theo công văn 1876/CV.UB và Quyết định số 30/2001/QĐ.UBND vẫn chưa được vào biên chế (trên 70 người). Số lượng sinh viên khá, giỏi về công tác tại các huyện còn rất ít: Con Cuông được 1 người, Quỳ Hợp, Yên Thành và nhiều huyện vùng cao không thu hút được người nào thuộc diện này từ bên ngoài về tiếp nhận công tác. Số người tốt nghiệp đại học hệ chính quy, loại giỏi các ngành như: giao thông, xây dựng, kiến trúc, cơ khí, hoá thực phẩm, công nghệ thông tin… rất ít .

Theo chúng tôi, đã đến lúc, các cơ quan chức năng của tỉnh cần kịp thời rà soát kết quả thực hiện chính sách, kịp thời tham mưu xây dựng sửa đổi, bổ sung các cơ chế để thực hiện có hiệu quả, thiết thực hơn. Bên cạnh nguồn kinh phí hỗ trợ ban đầu cần xây dựng cơ chế đãi ngộ đội ngũ tri thức nhằm khuyến khích, phát huy năng lực và chất xám của họ cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nhà, đồng thời cần tạo môi trường thuận lợi cho họ phát huy năng lực và trí tuệ sáng tạo. Đối với các huyện miền núi cần quy định lại tiêu chuẩn thu hút cho phù hợp với thực tiễn. UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng đề án thu hút và chính sách hỗ trợ đặc thù cho ngành Giáo dục và Đào tạo. Cần ứng xử với các nhà giáo một cách công bằng hơn. Tăng cường sự chủ động, sáng tạo của các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện chính sách thu hút. Hằng năm, ngân sách tỉnh cần dành một tỷ lệ tương xứng để trích chi thực hiện chính sách.

Chính sách thu hút lao động có trình độ cao hiện hành của tỉnh cần kịp thời điều chỉnh, bổ sung cho thỏa đáng, cần đầu tư một cách mạnh mẽ hơn để thực hiện, xứng đáng với vị trí và vai trò của chính sách quan trọng này.


Trần Đình Toàn

Nhìn lại chính sách thu hút nhân tài ở Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO