Nhìn lại những nguyên nhân cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay
(Baonghean) - Cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine được châm ngòi từ sự kiện chính phủ của Tổng thống Yanukovych hồi cuối năm ngoái bất ngờ hủy bỏ việc ký kết các thoả thuận chính trị, thương mại mang tính lịch sử với EU, thay vào đó, Kiev chọn con đường thiết lập quan hệ gắn bó hơn với Moscow. Sau những cuộc biểu tình đẫm máu tại Quảng trường Maidan, Tổng thống Yanukovych bị lật đổ và chính phủ mới được thành lập.
Người dân thị trấn Ilovaisk, đông Ukraine, giữa đống đổ nát của tòa nhà bị pháo kích hôm 31/8. Ảnh: Internet |
TIN LIÊN QUAN |
---|
Để hiểu rõ nguyên nhân dẫn tới cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay, chúng ta cần xem xét tình hình Ukraine một cách toàn cảnh từ lịch sử, địa lý, văn hóa, sắc tộc, tôn giáo đến các vấn đề kinh tế, chính trị.
1. Nguyên nhân lịch sử - địa lý
Lãnh thổ Ukraine hiện nay có một lịch sử phức tạp. Trong lịch sử, Ukraine và Nga đã từng là một quốc gia, tuy nhiên theo thời gian, lãnh thổ Ucraina và Nga liên tục bị chia cắt và sáp nhập bởi các đế quốc láng giềng, đặc biệt là vùng phía Tây Ukraina, đã từng thuộc lãnh thổ của Ba Lan, Litva, Mông cổ, Thổ Nhĩ Kỳ, Tatar, đế quốc Hung - Áo. Trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất, người dân phía Tây Ukraine nhập vào đội quân đế quốc Hung - Áo, trong khi người dân phía Đông gia nhập quân đội Nga. Cùng với sự ra đời nước Nga Xô-viết, một số tỉnh miền Đông và Nam Ukraine hiện nay như Donetsk, Odessa cũng thành lập các nước Cộng hòa Xô-viết. Năm 1919, chính quyền Xô viết và Ba Lan ký hiệp ước Hòa bình Riga, theo đó phần phía Tây Ukraine chính thức sáp nhập vào Ba Lan. Đến tháng 9/1939, sau khi Đức xâm lược Ba Lan, một hiệp định giữa Đức và Liên Xô đã phân chia lại lãnh thổ Ba Lan, phần phía Tây trước đây của Ukraine được tái thống nhất với phần còn lại của đất nước. Năm 1922, Ukraine là một thành viên sáng lập Liên bang Xô-viết. Dưới thời Liên Xô, trong những năm 1923 - 1933 vùng Donbas và Novorossi của Nga đã được sáp nhập vào Ukraine và đến năm 1954 bán đảo Crimea cũng được chính quyền Xô-viết “tặng” cho Ukraine.
Với lịch sử phức tạp như vậy, trong nhiều thập kỷ qua, Ukraine luôn là sự tương phản giữa hai vùng rõ rệt. Khu miền Tây và miền Trung giáp với châu Âu, chịu ảnh hưởng nhiều của nền chính trị phương Tây. Người dân ở đây theo quan điểm ủng hộ tăng cường liên kết với Liên minh châu Âu và NATO. Phần còn lại là vùng duyên hải dọc Biển Đen và miền Đông với nhiều yếu tố gắn với nước Nga và những hoài niệm về thời Liên bang Xô-viết. Vì thế, những người ở miền Đông ủng hộ liên kết với Nga và ước muốn tham gia Liên minh kinh tế Á – Âu (gồm Nga, Belarus và Kazakhstan).
Như vậy, chính hình thái “hai nhà nước” trong một đất nước đã đưa đến hai xu hướng phát triển đối lập ở Ukraine. Đó chính là một nguyên nhân dẫn tới những mâu thuẫn nội bộ và xu hướng ly khai. Bằng chứng là bán đảo Crimea đã sáp nhập vào Nga, còn các tỉnh miền Đông và Nam như Donetsk, Luhansk, Kharkov, Odessa… đã ly khai và thành lập các nhà nước cộng hòa nhân dân với chính quyền độc lập với Kiev.
2. Nguyên nhân về sắc tộc, văn hóa, tôn giáo
Về sắc tộc, lãnh thổ Ukraine hiện nay là nơi sinh sống của nhiều dân tộc, trong đó người Ukraine chiếm 77,8% dân số, người Nga chiếm 17,3% (2011), còn lại là các dân tộc khác chiếm thiểu số như người Tatar Crimea, người Belarus, người Bulgari, người Hungary, người Ba Lan, người Do Thái,… Đặc biệt, có nơi như bán đảo Crimea có tới 60% dân số là người Nga.
Về ngôn ngữ, theo Hiến pháp, ngôn ngữ nhà nước của Ukraina là tiếng Ukraina, nhưng do những yếu tố lịch sử, tiếng Nga được sử dụng rộng rãi, đặc biệt tại phía Đông và phía Nam Ukraina. Theo cuộc điều tra dân số năm 2001, 67,5% dân số tuyên bố tiếng Ukraina là tiếng mẹ đẻ và 29,6% tuyên bố là tiếng Nga. Đa số người dùng tiếng Ukraina như tiếng mẹ đẻ biết tiếng Nga như một ngôn ngữ thứ hai. Đặc biệt, ở Crimea, những người nói tiếng Nga chiếm đại đa số dân cư Crimea (77%), tiếng Ukraina chỉ chiếm 10,1%, và người nói tiếng Tatar Crimea chiếm 11,4%. Nhưng trong đời sống hàng ngày đa số người Tatar Crimea và người Ukraina ở Crimea sử dụng tiếng Nga.
Về văn hóa, Ukraine nằm giữa hai nền văn minh lớn là Ki-tô giáo phương Tây và Chính thống giáo phương Đông và nằm cạnh một quốc gia lớn đang vươn trở dậy thành một cường quốc của khu vực có nền văn minh Hồi giáo, đó là Thổ Nhĩ Kỳ. Vì thế, nền văn hóa Ukraine cũng thể hiện sự phân hóa Đông Tây khá rõ rệt. Khu vực phía Tây do nằm ngay sát phương Tây và có nền văn hóa bị ảnh hưởng của các nước láng giềng phương Tây, vì vậy đa số người dân khu vực này thường có thái độ ủng hộ chính quyền thân phương Tây và bài Nga. Trong khi đó người dân sống trong vùng phía Đông Ukraine đa số đi theo Chính Thống giáo; sự gắn bó về văn hóa làm cho cư dân khu vực này có thái độ ủng hộ chính quyền thân Nga. Như vậy, sự khác biệt văn hóa giữa hai miền Đông và Tây Ukraine đã làm cho nền chính trị Ukraine luôn luôn căng thẳng.
3. Nguyên nhân kinh tế
Cùng với những nguyên nhân về lịch sử, văn hóa, khủng hoảng kinh tế, xã hội trong những năm gần đây làm sự bất mãn của người dân với chính quyền của Tổng thống thân Nga Yanukovich tăng lên cực điểm. Đó là một nguyên nhân quan trọng dẫn tới khủng hoảng chính trị kéo dài.
Xét về GDP bình quân đầu người, Ukraine tỏ ra thua kém các nước Đông Âu lân cận. Năm 2011, Tạp chí Forbes của Mỹ công bố danh sách 10 nền kinh tế yếu kém nhất trên thế giới, trong đó có Ukraine. Hiện các doanh nghiệp Ukraine nợ các ngân hàng Nga khoảng 20 tỷ USD. Thêm vào đó, tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát cao, chênh lệch giàu nghèo ngày càng giãn rộng, càng gây nên sự bất ổn xã hội. Nguyên nhân là do Ukraine đã không có những cải cách sâu rộng để hiện đại hóa ngành sản xuất công nghiệp, với những sản phẩm truyền thống như sắt, thép và hóa chất. Hệ thống kinh tế nhà nước bị các tập đoàn và các cá nhân chi phối, dẫn đến tình trạng ngày càng gia tăng các cuộc xung đột quyền lực, làm cho các chương trình phát triển quốc gia không thể thực hiện được. Thực trạng khu vực hóa đời sống kinh tế trong thời gian dài, làm Ukraina thiếu sự phát triển một thị trường chung toàn quốc.
Bên cạnh đó, Ukraine phụ thuộc tới 60% lượng khí đốt từ Nga. Hiện nay, Ukraine phải chi 485,5 USD để mua 1.000 m3 khí đốt của Nga, trong khi Armenia chỉ phải trả 189 USD. Mỗi năm, chính phủ nước này phải chi tới 7,5% GDP đề trợ giá cho khí đốt. Hậu quả là thâm hụt ngân sách ngày một lớn và chính phủ buộc phải đi vay để bù đắp. Theo một bản báo cáo của Ngân hàng thế giới WB, nền kinh tế Ukraine còn bị phá hoại bởi tình trạng tham nhũng tràn lan. Bảng xếp hạng của tổ chức Minh bạch quốc tế năm 2013 đã đặt Ukraine ở hạng 144/175 quốc gia trong bảng chỉ số cảm nhận tham nhũng của tổ chức này.
Những khó khăn ấy buộc lãnh đạo Ukraine phải dựa vào sự trợ giúp từ bên ngoài, đặt nền kinh tế đứng trước sự lựa chọn hóc búa. Mặc dù EU là một thị trường xuất khẩu giàu có nhưng Ukraine rất khó len chân vào đây do chất lượng hàng hóa thấp. Để nhận được khoản hỗ trợ tài chính 500 triệu euro mỗi năm của EU, Ukraine phải cam kết giảm bội chi ngân sách, nâng cấp nền kinh tế yếu kém cho đạt với tiêu chuẩn châu Âu. Trong khi đó, nếu gia nhập Liên minh Thuế quan của Nga, Ukraine lập tức được hưởng ngay nhiều ưu đãi mà nền kinh tế nước này đang rất cần, trước tiên đó là một mức giá khí đốt giá rẻ từ Nga. Trong bối cảnh đó, Tổng thống Yanukovich dừng ký hiệp định gia nhập EU của Ukraine và quay sang Nga nhằm nhận được tài trợ từ Nga. Quyết định này đẩy những bất đồng kinh tế lên mức cực điểm dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng về chính trị như đang diễn ra.
4. Nguyên nhân về chính trị
Ngoài những nguyên nhân trên, cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay là hệ quả của những bất cập trong đời sống chính trị Ukraine trong một thời gian dài và là biểu hiện của sự tranh giành ảnh hưởng giữa Nga và phương Tây.
4.1. Những bất cập trong đời sống chính trị Ukraine
Trong giai đoạn đầu mới thành lập vào năm 1991, mục tiêu hàng đầu của các nhà lãnh đạo mới là xây dựng Ukraine trở thành một quốc gia thống nhất, nếu không, đất nước này phải đối mặt với sự tan rã. Để thực hiện mục tiêu đó các nhà lãnh đạo đã lựa chọn chủ nghĩa dân tộc Ukraine làm động lực đoàn kết xã hội, tăng cường việc sử dụng tiếng Ukraine, trong khi không khuyến khích tiếng Nga, vốn đã bị cấm hay hạn chế trên truyền thông và phim ảnh. Chủ trương xa rời Nga của chính quyền đã dẫn tới những bất bình trong một bộ phận người dân, nhất là ở các vùng phía Đông và Nam Ukraine vốn có quan hệ gần gũi với Nga về lịch sử và văn hóa.
Bên cạnh đó là những tuyên truyền sai lạc của chính quyền Ukraine về thời kỳ Xô-viết và về quan hệ với Nga, phủ nhận tất cả các thành quả mà chính quyền Liên bang Xô-viết đạt được, thậm chí bóp méo cả lịch sử trong chiến tranh vệ quốc chống phát-xít Đức. Điều này đã gây ra sự kỳ thị của người dân Ukraine đối với người Nga.
Sau quá trình cải cách chuyển đổi giai đoạn cuối thập kỷ 90, đầu những năm 2000, Ukraine đã không thể hiện đại hóa hệ thống chính trị do mâu thuẫn nội bộ. Hệ thống chính trị đã gần như bất lực và kém hiệu quả. Cơ quan chính quyền hành pháp liên tục xẩy ra xung đột nội bộ và trình độ quản lý chưa cao, cơ quan tư pháp yếu kém, tòa án tham nhũng và không công bằng, các chính đảng kém phát triển, xã hội dân sự kém phát triển.
Thêm vào đó, sự lũng đoạn của các tập đoàn tài chính và các gia tộc trong các đảng phái dẫn đến tình trạng cả hai phe thân Nga hoặc chống lại sự phụ thuộc vào Nga sau mỗi cuộc chính biến chính trị thì nội bộ lại lục đục, do các đảng phái trong nội bộ liên tục tranh giành quyền lực. Kết quả nền chính trị Ukraina không lúc nào yên ả.
4.2. Sự tranh giành ảnh hưởng giữa Nga và phương Tây
Với ví trị địa lý chiến lược nhạy cảm, cùng những phức tạp trong đời sống kinh tế - văn hóa, người dân Ukraine đã tự biến mình thành vùng đệm tự nhiên giữa Đông và Tây, và kết quả là bị kẹt cứng trong cuộc chiến giành giật ảnh hưởng kéo dài nhiều năm qua. Người ta tin rằng, những diễn biến ở Ukraine trong thời gian vừa qua được xem là “cuộc đấu” giữa Nga với Mỹ và châu Âu nhằm tranh giành quốc gia Đông Âu.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, Nga tìm mọi cách để thắt chặt quan hệ với các nước cộng hòa trong Liên bang Xô-viết, đặc biệt là Ukraine, thông các khoản tín dụng và các hợp đồng kinh tế có lợi cho các đồng minh, cung cấp dầu khí giá rẻ, nhằm ngăn chặn xu hướng ngả theo phương Tây. Nhà chính trị học Emmanuelle Armandon, chuyên gia về Ukraine, nhận định trên tờ Le Monde (Pháp): “Từ khi Liên Xô sụp đổ, một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách ngoại giao của Mátxcơva là giữ Ukraine trong tầm kiểm soát. Nga luôn xem Ukraine và các nước thuộc Liên Xô cũ đương nhiên thuộc vùng ảnh hưởng của mình. Điều này giải thích vì sao Mátxcơva không chấp nhận cho EU mở rộng biên giới về phía Đông”.
Ở “mặt trận” bên kia, Mỹ và phương Tây cũng tranh thủ mọi biện pháp để lôi kéo Ukraine và các nước SNG ly tâm khỏi Nga. Trong những phát biểu mới nhất tại Hội nghị an ninh Munich diễn ra ở Đức, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy đã thẳng thừng tuyên bố “tương lai của Ukraine thuộc về EU”. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng hòa giọng khi nói rằng “không có nơi đâu cuộc chiến cho tương lai dân chủ của châu Âu lại quan trọng hơn ở Ukraine hiện nay” và rằng “Hoa Kỳ và EU đứng cùng với người dân Ukraine trong cuộc chiến cho nền dân chủ”. Bên cạnh những hứa hẹn về kinh tế, phương Tây còn sử dụng những chiêu bài chính trị mà phương pháp phổ biến là tiến hành những cuộc “cách mạng sắc màu” để lật đổ chính quyền Ukraine như đã diễn ra hiện nay cũng như năm 2004.
Trong khi đó, ngày 8/3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố, nguyên nhân dẫn đến tình huống phức tạp hiện nay tại Ukraine chính là do phương Tây đã không thực hiện các thỏa thuận ký ngày 21/2 giữa Tổng thống Viktor Yanukovych và đại diện phe đối lập, trước sự chứng kiến của các Đặc phái viên Liên minh châu Âu. Đáp trả chiêu bài cách mạng dân chủ của phương Tây, Nga lại cổ vũ cho phong trào ly khai, kết cục là một loạt các nước “Cộng hòa nhân dân” ra đời ở miền Đông và Nam Ukraine.
Như vậy, có thể nói, cũng giống như nước Đức bị chia cắt trước đây, cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay cho thấy cuộc chiến giành giật ảnh hưởng sẽ ngày càng trở nên khốc liệt và làm tái hiện phiên bản của sự đối đầu Đông – Tây, vốn là bản chất của thời chiến tranh Lạnh.
Tóm lại, cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay là hệ quả của những khó khăn kinh tế kéo dài, những bất cập trong đời sống chính trị, những phức tạp về lịch sử và văn hóa và là biểu hiện của sự tranh giành ảnh hưởng giữa Nga và phương Tây. Do đó, để lý giải cho tình hình Ukraine hiện nay, cần thiết phải xem xét một cách toàn diện những nguyên nhân trên, chứ không chỉ dừng lại ở một nguyên nhân nào đó.
Vũ Văn Đạt
Nghiên cứu viên Viện Văn hóa