Tổng số nợ của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lên đến 1.008.000 tỷ đồng. Con số đó thu hút sự quan tâm của dư luận trong bối cảnh tái cơ cấu DNNN đang được triển khai.
Tổng số nợ của DNNN là 1.008.000 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ có 790.000 tỷ đồng, đó là con số được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định trong chương trình“Dân hỏi- Bộ trưởng trả lời”đầu tháng 7, khiến xã hội thêm nghi ngại về khả năng trả nợ của khu vực DNNN.
Đề án tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011- 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 929/QĐ-TTg. Tuy nhiên, quá trình cổ phần hóa DNNN vẫn rất chậm.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung - Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nguyên nhân cổ phần hóa chậm do chưa có động lực và áp lực buộc các DNNN, người quản lý phải tính toán, cân nhắc các chi phí cơ hội. Tâm lý sợ rủi ro, chờ đợi hoặc trì hoãn vẫn nhiều hơn là nỗ lực, sáng tạo, nhanh chóng thoái vốn đầu tư ngoài ngành để tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính. Ông Cung nói:“Nếu mục tiêu cổ phần hóa là huy động vốn thì không hy vọng nhiều trong các năm tiếp theo”.
Theo Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, trong năm 2012 và 5 tháng đầu năm 2013, đã có 28 đề án về cơ chế, chính sách phục vụ việc sắp xếp, đổi mới DNNN được trình Chính phủ.
|
Cải cách DNNN là yêu cầu tất yếu, nhưng cái giá phải trả không nhỏ. Đó là giải quyết những khoản nợ khổng lồ của các tập đoàn lớn như Vinashin, Vinalines, Sông Đà và nợ xấu của toàn bộ DNNN đang chiếm khoảng 50% tổng nợ xấu toàn hệ thống, đồng nghĩa với động chạm trực tiếp đến các nhóm lợi ích. Việc thoái vốn đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vào các lĩnh vực chứng khoán, quỹ đầu tư, bảo hiểm, ngân hàng, bất động sản đang gặp nhiều khó khăn, dù Chính phủ đã yêu cầu việc thoái vốn ở những ngành “tay trái” phải hoàn tất trước ngày 31/12/2015.
DNNN có chỉ số rất lớn liên quan đến hệ thống ngân hàng, đến tổng đầu tư công. Bởi đầu tư công của Việt Nam là đầu tư từ ngân sách, từ trái phiếu, đầu tư vào các DNNN chiếm tỷ trọng khá lớn, trong đó, đầu tư từ ngân sách chiếm 19% GDP. Vì vậy, nếu không cải cách DNNN thì đất nước sẽ tiếp tục đói nghèo. Nếu không đặt quyết tâm chính trị cao, đặt đúng tầm thì tái cơ cấu DNNN không thể làm được.
Việt Nam đang tăng trưởng chậm lại, nửa đầu năm 2013, GDP chỉ tăng 4%.“Tăng trưởng dài hạn của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng do chậm triển khai và triển khai kém hiệu quả quá trình cải cách, trong đó có tái cơ cấu DNNN”- TS Deepak Mishra- Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam- cảnh báo.